Một số giải pháp phát triển mía - đường ở Phú Yên
Quang cảnh Nhà máy đường KCP, Phú Yên Ảnh: Đình Vũ |
Với 20.000 ha mía, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, Phú Yên là địa phương có diện tích, sản lượng mía cao trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Gần đây, ngành mía đường Phú Yên đang đứng trước hai thách thức lớn là sự thu hẹp vùng nguyên liệu và năng lực cạnh tranh thấp. Nhằm khắc phục khó khăn, các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch bình ổn vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến, bảo đảm lợi ích của cả người nông dân và doanh nghiệp.
Giữ vững vùng nguyên liệu
Tình trạng phá vỡ quy hoạch diện tích mía ở Phú Yên diễn ra tương đối phổ biến. Niên vụ 2007 - 2008, diện tích mía toàn tỉnh là 20.329 ha, tăng 607 ha nhưng năng suất mía chỉ đạt 51,72 tấn/ha, giảm 1,22 tấn/ha so với vụ trước. Năng suất mía giảm là do thời tiết vụ qua không thuận lợi, chi phí phân bón tăng cao nên nông dân thiếu đầu tư chăm sóc kỹ. Niên vụ này, người trồng mía thu lợi nhuận không cao, khoảng 5 triệu - 6 triệu đồng/ha, tổng sản lượng mía là 1.051.381 tấn, nhưng tổng sản lượng chế biến của hai nhà máy đường trên địa bàn chỉ chiếm 72,16% sản lượng mía toàn tỉnh (tương đương 758.779 tấn mía), bằng 85,36% so với vụ trước. Hai nhà máy chế biến được 67.056 tấn đường, chỉ bằng 82,4% vụ trước. Theo báo cáo của hai công ty mía đường, trữ lượng đường bình quân trong vụ mía vừa qua thấp hơn vụ trước. Năm 2008, diện tích mía toàn tỉnh là 18.516 ha, giảm 1.813 ha so với vụ trước. Dự kiến tổng sản lượng mía sẽ là 1.018.296 tấn, năng suất bình quân 55 tấn/ha. Qua dự báo về giá mía, giá đường cũng như những thuận lợi, khó khăn, Ban điều hành đã định hướng: Phấn đấu trong niên vụ 2008 - 2009, các công ty mía đường trong tỉnh sẽ ép 675.000 tấn mía, chế biến 67.500 tấn đường. Trong đó, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa sẽ ép 150.000 tấn mía và chế biến 15.000 tấn đường RS. Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Công nghiệp KCP - Việt Nam sẽ ép 525.000 tấn mía và chế biến 52.500 tấn đường. Giá sàn mua mía trên 60% giá bán đường trước thuế (mía 10 CCS) tại ruộng.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Đường quốc tế (ISO), niên vụ 2008 - 2009, sản lượng đường thế giới sẽ giảm và thiếu hụt khoảng 1 - 2 triệu tấn. Dự kiến giá đường trong nước sẽ tiếp tục ổn định như vụ vừa qua. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vụ 2008 - 2009, diện tích mía nguyên liệu giảm. Riêng khu vực miền Trung và Tây Nguyên giảm 6.680 ha, trong đó vùng nguyên liệu của nhà máy đường Bình Định giảm nhiều nhất, đến 1.200 ha. Mặt khác, một số nhà máy đường lân cận cũng đang nâng công suất nên khả năng tranh chấp nguyên liệu trong vụ tới sẽ diễn ra gay gắt.
Muốn giữ được vùng nguyên liệu, trước hết phải bảo đảm người trồng mía có lãi. Tại hội nghị tổng kết công tác chế biến mía đường, vụ 2007 - 2008 mới đây, Ban điều hành chương trình mía - đường tỉnh Phú Yên đã tập trung thảo luận, phân tích vấn đề làm sao giữ vững vùng nguyên liệu mía trong tình hình hiện nay khi giá cả vật tư tăng cao, chi phí đầu tư cho cây mía cao nhưng lợi nhuận thu được thấp hơn các loại cây trồng khác, đặc biệt là tình trạng người dân bỏ mía trồng sắn dẫn đến phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu mía. Hội nghị khẳng định, cây mía trong tình hình hiện nay có sức cạnh tranh yếu nên để gắn kết nông dân với nhà máy thì sự liên kết “bốn nhà” cần chặt chẽ hơn nữa. Các nhà máy đường cần cho nông dân tham gia cổ phần vào nhà máy để nông dân xem nhà máy là ngôi nhà của mình. Đồng thời các nhà máy cần phát triển thêm các sản phẩm sau đường để có thêm lợi nhuận và tăng thêm mức đầu tư cho nông dân. Điều quan trọng, các công ty mía - đường cần phải mua nguyên liệu với giá bảo đảm cho nông dân có lãi 30% - 40%, nhằm khuyến khích người dân giữ vùng nguyên liệu và có vốn tái đầu tư. Các công ty cần tập trung mua nguyên liệu mía ở những vùng giáp ranh trước để giảm bớt sự cạnh tranh giữa các nhà máy ngoài tỉnh. Công ty TNHH công nghiệp KCP - Việt Nam cần kết hợp giữa việc mua sô mía đi đôi với mua mía có trữ lượng đường cao để khuyến khích người dân đầu tư cho cây mía có chất lượng. Các nhà máy cần nghiên cứu vào vụ sớm hơn và thời gian kết thúc vụ tương đương với các nhà máy trong khu vực. Đồng thời, các công ty ký kết hợp đồng tiêu thụ cho dân tốt hơn nữa, phấn đấu tiết kiệm chi phí sản xuất, mặt khác, cần quan tâm sản xuất các sản phẩm sau đường để tăng thêm thu nhập, từ đó có thêm vốn hỗ trợ cho nông dân. Qua đây, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh việc hoàn thành các công trình thủy lợi tưới cho cây mía. Các địa phương nằm trong vùng trọng điểm nguyên liệu không được mở rộng thêm diện tích mía và sắn. Bên cạnh đó, các địa phương cần dành một diện tích đất để các công ty trồng thí điểm các giống mía mới có chất lượng, từ đó nhân rộng cho vùng nguyên liệu của từng nhà máy. Để vùng nguyên liệu mía có chất lượng, cần chọn lựa các loại giống có năng suất và trữ lượng đường cao, phù hợp với từng vùng, tổ chức tập huấn, trình diễn quy trình kỹ thuật trồng cho nông dân. Sớm nhân rộng đề tài ứng dụng các tiến bộ cơ giới vào canh tác mía, nhất là trong khâu thu hoạch để giảm sức lao động cho người dân. Các nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương bỏ vốn đầu tư hệ thống giao thông nông thôn để việc vận chuyển nguyên liệu được tốt hơn. Các huyện miền núi gồm Sơn Hòa, Đồng Xuân và Sông Hinh cần xác định lại vùng nguyên liệu tập trung để tỉnh ưu tiên đầu tư vốn, đầu tư giao thông nông thôn.
Nâng cao sức cạnh tranh
Theo ông Subaiah - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP - Việt Nam, những thách thức của ngành mía đường khi Việt Nam gia nhập WTO chủ yếu chịu sức ép cạnh tranh về mặt chất lượng và giá cả của sản phẩm đường. Với thiết bị, công nghệ hiện đại và sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001- 2000, thì KCP hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các tiêu chuẩn về chất lượng đường của thế giới. Nhưng, cạnh tranh về giá thành sản phẩm thì công ty còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hạ giá thành thông qua giảm thiểu chi phí sản xuất. Sự cắt giảm này chỉ có thể thực hiện được bằng việc nâng cao năng suất, chất lượng mía, nâng cao công suất nhà máy, nâng cao hiệu suất thu hồi đường, giảm chi phí duy tu cũng như các loại chi phí khác. Để có thể đứng vững trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng các chiến lược như: Nâng công suất chế biến của nhà máy, ổn định vùng nguyên liệu với năng suất bình quân 70 tấn/ha bằng cách đưa các giống mía mới vào thâm canh nhằm tăng năng suất, đổi mới các biện pháp thâm canh, tập huấn nâng cao kỹ năng cho công nhân viên công ty và đa dạng hóa sản phẩm.
Theo hướng đó, các công ty mía - đường ở Phú Yên có kế hoạch mở rộng, nâng công suất nhà máy đáp ứng yêu cầu tiêu thụ mía trước mắt cũng như về lâu dài. Vụ mía 2007 - 2008, Công ty CP mía - đường Tuy Hòa đã đổi mới nhiều thiết bị để đưa công suất nhà máy lên 1.500 tấn/ngày và chuẩn bị cho việc nâng công suất lên 2.500 tấn/ngày vào vụ tiếp theo. Trong khi đó, Công ty TNHH Công nghiệp KCP đã hoàn tất việc nâng công suất lên 5.000 tấn/ngày vào cuối tháng 1-2008.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mía đường Phú Yên cũng chú ý đầu tư đa dạng hóa sản phẩm sau đường, cạnh đường nhằm khai thác hiệu quả của công nghiệp chế biến đường và tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành mía đường của Phú Yên là giá thành sản xuất mía của nông dân còn cao, dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào của nhà máy cao so với các vùng miền khác trong nước. Mặc dù năng suất mía của tỉnh trong năm vừa qua tăng đáng kể, song vẫn còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước do phần lớn diện tích mía ở Phú Yên được chuyển từ đất nương rẫy, thiếu nước tưới. Hiện nay, ở Phú Yên, diện tích mía chỉ đứng sau cây lúa, nhưng việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng mía cho người nông dân chưa ngang tầm.
Ngoài ra, giao thông vùng nguyên liệu mía cũng còn nhiều bất cập, người dân còn tốn thêm chi phí vận chuyển mía từ ruộng ra đường từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/tấn. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của người trồng mía nên khi thấy cây trồng khác có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn thì họ có thể từ bỏ cây mía. Từ đó muốn người nông dân gắn bó với cây mía phải thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa tăng năng suất, chất lượng mía vừa tìm cách giảm giá thành trồng mía. Đó là, đưa giống mía mới có năng suất cao, chịu hạn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng; đồng thời từng bước phát triển thủy lợi, giao thông nội vùng, thực hiện dồn điền đổi thửa để áp dụng cơ giới vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển mía. Để làm được điều này, trên cơ sở quy hoạch cụ thể và chi tiết từng vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp mía đường cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường đầu tư hạ tầng vùng mía, liên kết với nhà khoa học tìm biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía và có chính sách cụ thể bảo đảm lợi ích của người trồng mía để họ yên tâm gắn bó lâu dài với nhà máy thông qua việc thực hiện Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ giới hóa sản xuất
Với 20.000 ha mía, sản lượng khoảng 1 triệu tấn mía/năm, Phú Yên được xem là địa phương có diện tích, sản lượng mía cao trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Làm thế nào để tiếp tục phát huy thế mạnh cho ngành mía đường nói riêng, ngành sản xuất nông sản chế biến nói chung phát triển bền vững là câu hỏi được đặt ra nhiều lần tại các hội nghị của ngành mía đường tỉnh Phú Yên. Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Sông Hinh đã làm giàu từ cây mía. Những ruộng mía thâm canh có năng suất từ 80 đến trên 100 tấn/ha không còn là chuyện hiếm. Quá trình nghiên cứu công nghệ canh tác mía đã được tiến hành tại ba vùng đặc trưng. Vùng đất gò đồi có độ dốc, thì dùng máy cày không lật để bảo đảm độ sâu làm đất tới 30 cm - 40 cm. Với những ruộng trồng mới, có thể cày toàn bộ bề mặt, dùng máy gạt phẳng để thu gom gốc rễ mía cũ và nén sơ bộ mặt ruộng. Ngoài khâu làm đất bằng máy, còn tiến hành rạch hàng bằng thiết bị được lắp ghép với khung máy cày không lật, băm và chôn lá nhằm tăng dinh dưỡng cho đất. Đối với vùng đất soi, khâu làm đất được tiến hành bằng máy cày không lật liên hợp với máy kéo MTZ 892, hay bằng máy cày cải tiến. Độ sâu làm đất là 30 cm, đất được cày bừa kỹ, mặt bằng ruộng được làm sạch bằng máy băm vùi lá mía. ở vùng đất ruộng một vụ, có thể theo hướng cơ giới hóa đồng bộ như ở vùng đất soi hay cơ giới từng phần, nhưng nhất thiết phải cơ giới khâu làm đất với yêu cầu cày sâu, bừa kỹ, vun luống và chăm sóc bằng máy. Tất cả những công việc đó trực tiếp nâng cao năng suất mía.
Ngoài chương trình cơ giới hóa, Phú Yên đang áp dụng những chính sách đầu tư ưu đãi từ khâu đưa giống mới xuống đồng mía, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc mía cho nông dân, tăng cường đầu tư phân bón và các dịch vụ làm đất, có chính sách gom mua phù hợp... Những nỗ lực trên đều hướng tới mục tiêu làm cho năng suất mía tăng cao, đủ sức cạnh tranh với các cây trồng khác, bảo đảm cho sản xuất mía đường tiếp tục phát triển theo hướng bền vững.
Gắn trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân qua hợp đồng tiêu thụ
Tỉnh Phú Yên có chỉ thị về tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Chỉ thị nêu rõ: Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra hướng đi tích cực giúp cho sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ, thu hút nhiều doanh nghiệp, nông dân tham gia. Thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản, bước đầu đã gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với người sản xuất, điển hình như trong lĩnh vực sản xuất, chế biến mía đường, tinh bột sắn trên địa bàn Phú Yên. Doanh nghiệp đã chủ động được nguyên liệu, tăng cường năng lực cạnh tranh; nông dân có điều kiện tiếp cận về hỗ trợ đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả hợp lý sản xuất ổn định. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn có những hạn chế như: việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ở các ngành, địa phương chưa quyết liệt, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp; một số trường hợp nông dân không bán hoặc không giao nông sản cho doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký; xử lý vi phạm hợp đồng không kịp thời, triệt để.
Trước tình hình đó, Phú Yên tiếp tục phổ biến, tuyên truyền pháp luật, các chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Hướng dẫn các bên tham gia ký hợp đồng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện; rà soát để đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng mới như quy hoạch chi tiết các vùng trồng cây nguyên liệu chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch chi tiết trồng rừng sản xuất trên địa bàn Phú Yên đến năm 2020; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến, thị trường; đề xuất, xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản, như chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng, đất đai, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hướng dẫn, vận động nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tácthực hiện hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản theo quy định./.
Năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội X  (11/01/2009)
Năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội X  (11/01/2009)
Hướng phát triển bền vững cho cây chè Thái Nguyên  (11/01/2009)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dự APPF-17  (11/01/2009)
Quốc hội Việt Nam tích cực tham gia IPU  (11/01/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên