Các nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ đóng góp khoảng 2/3 giá trị GDP toàn cầu vào năm 2016, tăng 52% so với hiện nay.
                 Ảnh minh họa
Trong vài năm tới, thế giới sẽ chứng kiến sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế từ Tây sang Đông, nơi các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á và Mỹ La-tinh sẽ chiếm tỷ lệ đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dự báo trên được nhóm nghiên cứu hàng đầu về số liệu kinh doanh The Conference Board, có trụ sở tại Niu Óoc (Mỹ) đưa ra trong bản báo cáo thường niên cuối tuần qua.

Nhóm nghiên cứu The Conference Board dự báo nền kinh tế thế giới sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại trong năm 2010 nhưng các thị trường mới nổi sẽ tăng tốc nhanh hơn nhiều so với nước Mỹ và châu Âu, nơi người dân tiếp tục tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn.

“Các nền kinh tế mới nổi góp phần giúp kích thích tăng trưởng toàn cầu", ông Bart van Ark, Phó Chủ tịch và chuyên gia kinh tế trưởng của The Conference Board nhận định.

Tới năm 2016, các quốc gia đang phát triển được dự báo sẽ đóng góp khoảng 2/3 giá trị tổng sản phẩm quốc dân (GDP) toàn cầu, tăng 52% so với hiện nay. Trong giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng GDP tại các nước phát triển và đang phát triển lần lượt là 1,5% và 5,8%.

Báo cáo dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển với tốc độ 8,5% tới năm 2010 và chậm lại, đạt 7,5% vào năm 2011. Trong khi đó, tốc độ phát triển của Ấn Độ được dự báo cao hơn, đạt 8% trong giai đoạn 2011-2016.

Theo Nhóm The Conference Board, GDP toàn cầu sẽ tăng 3,5% vào năm 2010, và duy trì ở mức trên 4% năm 2011. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng chung cho cả thế giới là 3,1% vào năm tới và trung bình trên 4% trong giai đoạn 2010-2014. /.