TCCSĐT - Sáng 20-02, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.


Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, được người dân trông đợi.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường trên có chiều dài 51km, rộng 17m, đi qua tỉnh Tiền Giang, với tổng mức đầu tư 9.668,5 tỷ đồng theo hình thức BOT.

Theo mục tiêu đề ra, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020. Do gặp một số khó khăn, vướng mắc, dự án bị chậm tiến độ.

Sau khi lắng nghe ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của tuyến cao tốc này đối với sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đánh giá cao việc các bộ, địa phương, cơ quan liên quan đã vào cuộc, đề xuất các phương án xử lý tồn tại, vướng mắc đối với dự án.

Thủ tướng yêu cầu quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo đối với dự án để hoàn thành đúng tiến độ, phấn đấu đến năm 2020 thông xe tuyến đường cao tốc này. Cùng với đó là cần triển khai dự án nhanh chóng, kịp thời, chất lượng, đồng thời bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chống tham nhũng, tiêu cực.

Cho rằng cần tính toán lại phương án tài chính, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xã hội hóa nguồn lực mạnh mẽ; tích cực giải quyết các tồn tại cũ theo đúng pháp luật và nhất trí việc chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ đầu tư từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 15-11-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2020. Để triển khai, thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật này.

Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước.

Theo kế hoạch, các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nâng cao trách nhiệm, tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật; có lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 01-7-2020 Luật được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Năm 2019 và các năm tiếp theo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhất là những người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước; biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, ban, ngành liên quan mở các hội nghị tập huấn, biên soạn, in, cấp phát sách, tài liệu phổ biến nội dung của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân.

Các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành trong bộ, ngành, địa phương mình.

Quý I-2020, tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Luật.

Bộ Công an làm đầu mối tổng hợp kết quả rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Luật.

Thực hiện quy định về xây dựng danh mục bí mật nhà nước. Theo quy định tại Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước thì danh mục bí mật nhà nước là văn bản hành chính cá biệt, được xây dựng theo ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương.

Cơ quan, tổ chức khi xây dựng danh mục bí mật nhà nước cần căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước trong 15 lĩnh vực quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý bảo đảm các danh mục bí mật nhà nước được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của Luật.

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi

Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành luật, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; tuyên truyền, phổ biến Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi đến các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác trồng trọt, chăn nuôi; xác định cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi trên phạm vi cả nước; nâng cao nhận thức về Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, trách nhiệm triển khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi.

Theo Kế hoạch, từ năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức quán triệt việc thi hành luật; tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật thông qua các chuyên mục, chương trình, tập huấn, biên soạn tài liệu và các hình hình thức khác theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).

Ở Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ở địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã ban hành có liên quan đến Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp, thống nhất với Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi.

Đồng thời, các bộ, cơ quan liên quan cũng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi như: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt; Nghị định quy định về quản lý phân bón; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt; Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi; Thông tư quy định việc cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; Thông tư ban hành danh mục giống cây trồng chính; Thông tư quy định về quản lý, sử dụng, lưu giữ gống mẫu cây trồng, về lấy mẫu giống, kiểm định ruộng giống.../.