Các hoạt động đầu Xuân Kỷ Hợi và lễ hội truyền thống tại các địa phương
TCCSĐT - Ngày 14-02 (tức mùng 10 tháng Giêng), nhiều hoạt động đầu Xuân Kỷ Hợi và lễ hội truyền thống tại các địa phương trên cả nước đã diễn ra sôi nổi với nhiều nghi thức trang trọng cùng các tục lệ độc đáo.
Khai Hội Xuân Yên Tử 2019
Sáng 14-02 tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức khai Hội Xuân Yên Tử 2019. Lễ khai hội Xuân Yên Tử 2019 diễn ra tại quảng trường Trung tâm Văn hóa Trúc lâm Yên Tử, phường Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí. Đây là một trong những lễ hội lớn, thu hút hàng nghìn người dân tham gia trẩy hội, chiêm bái, lễ Phật.
Trưởng Phòng Văn hóa thông tin thành phố Uông Bí Lê Minh Quang cho biết, Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm nay có chương trình nghệ thuật “Yên Tử chào Xuân” với các tiết mục mới, thể hiện không khí mùa Xuân Yên Tử. Người dân và du khách về với Lễ khai hội Xuân Yên Tử được tham gia các trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, ném còn, giải cờ tướng Kỳ vương Yên Tử...; được thưởng thức các màn biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực đình làng hành hương Yên Tử; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; trưng bày hoa, cây cảnh, hoa mai vàng Yên Tử... Trong vài ngày trước khai hội, khoảng 150.000 lượt khách du lịch và phật tử đã hành hương về non thiêng Yên Tử, tăng 25% so với năm ngoái.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. Các di tích này nằm ở khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, gồm 5 khu vực: Khu Di tích và danh thắng Đông Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu Di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu Di tích và danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang), Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Tại đây, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đang được bảo tồn. Từ xưa, các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Từ trước Công nguyên, đạo sĩ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến nơi đây tu hành và đắc đạo. Những năm sau đó, nhiều thế hệ tăng ni, phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa, tháp và nhiều công trình khác.
Đặc biệt, từ thời nhà Trần (năm 1226 - 1400), Yên Tử đã được đầu tư xây dựng thành khu quần thể kiến trúc chùa, tháp có quy mô to lớn. Khởi đầu là vua Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) đến Yên Tử tháng 4 năm Bính Thân (năm 1236); sau đó là đức vua Trần Nhân Tông (Trần Khâm) - vị vua của hai cuộc kháng chiến đại thắng quân Nguyên - Mông vào năm 1285 và 1288. Đúng vào lúc triều đại nhà Trần đang hưng thịnh, đức vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật và tìm đến Yên Tử tu hành.
Để Lễ hội Xuân Yên Tử diễn ra an toàn, thành phố Uông Bí đang tập trung các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, sẵn sàng các phương án đưa đón du khách bằng xe buýt từ đường 18A vào Yên Tử; đồng thời, kiểm tra môi trường kinh doanh du lịch, hạn chế việc đeo bám, chèo kéo tại lễ hội; bảo đảm an toàn thực phẩm, niêm yết giá, chất lượng hàng hóa và bán hàng theo giá quy định...; kiên quyết xử lý các hành vi gây mất an ninh trật tự, các hành vi mê tín dị đoan.
Các hoạt động hưởng ứng Chương trình Festival “Về miền Quan họ 2019”
Sáng cùng ngày, chương trình khai mạc Hội thi hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Báo Xuân và Triển lãm sinh vật cảnh năm 2019 đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình Festival “Về miền Quan họ - 2019”, kỷ niệm 10 năm dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đó, Hội thi hát dân ca Quan họ Bắc Ninh thu hút gần 350 diễn viên, nhạc công đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham dự ở hai hình thức thi “hát đối đáp” và hình thức “sân khấu, ca nhạc Quan họ”. Ở hình thức “hát đối đáp”, 58 cặp liền anh, liền chị đến từ các làng Quan họ và Câu lạc bộ Quan họ thực hành mang đến cho khán giả những làn điệu dân ca Quan họ cổ với chất giọng ngọt ngào, “vang, rền, nền, nảy”. Hình thức “sân khấu, ca nhạc Quan họ”, hơn 200 diễn viên, nhạc công đến từ 8 đoàn của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bắc Ninh tham gia dự thi với màn trình diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng, mang đậm âm hưởng của dân ca Quan họ Bắc Ninh, phù hợp với nhịp sống đương đại.
Ban Tổ chức trao giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cho cả hai hình thức “hát đối đáp” và “sân khấu, ca nhạc Quan họ”. Hội thi hát dân ca Quan họ xuân hàng năm đã trở thành hoạt động văn hóa truyền thống của các liền anh, liền chị xứ Kinh Bắc, góp phần bảo tồn và lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với Hội thi hát Quan họ, Hội Báo Xuân thu hút hơn hơn 100 đầu báo, tạp chí đặc sắc của các cơ quan Trung ương, báo Đảng, tạp chí các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Các ấn phẩm báo chí cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích, đa chiều về tình hình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung. Đây cũng là hoạt động nhằm tôn vinh văn hóa đọc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo nên ngày hội văn hóa báo chí, mừng Đảng, mừng Xuân nhân dịp Tết đến xuân về.
Bên cạnh đó, chương trình Triển lãm sinh vật cảnh thu hút sự tham gia của hàng trăm hội viên, nghệ nhân đến từ 22 Hội Sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh. Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 4.000 tác phẩm cây cảnh, tiểu cảnh, trong đó, nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm, trị giá hàng tỷ đồng. Triển lãm diễn ra từ ngày 12 đến 26-02.
Tuần Văn hóa, Du lịch tỉnh Bắc Ninh thu hút đông đảo sự tham gia của người dân địa phương và du khách thập phương với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Ninh. Chương trình được tổ chức đến ngày 12-5.
Lễ hội Lồng tồng - bản sắc riêng của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc
Cùng ngày, người dân chiến khu cách mạng ATK Định Hóa, Thái Nguyên nô nức về khu vực đèo De thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa để tham dự Lễ hội Lồng Tồng. Đây là lễ hội xuống đồng đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao…tại tỉnh Thái Nguyên với ý nghĩa cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Trước giờ khai hội là phần nghi lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm của Người trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình. Đây là công trình được xây dựng và khánh thành từ năm 2005, đúng dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh của Bác. Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Lồng Tồng, đồng chí Lộc Thị Kim Tuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Định Hóa, cho biết: Lễ hội năm nay được tổ chức theo tiêu chí an toàn và tiết kiệm, tạo không khí phấn khởi, hăng say lao động cho người dân địa phương. Ngay sau Lễ hội, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương động viên bà con tập trung sản xuất cho đúng khung thời vụ, bảo đảm cho một mùa vụ thắng lợi.
Sau tiếng trống khai hội được già làng Ma Đình Được gióng lên là màn trống hội, múa lân rộn rã, rực sỡ sắc màu. Tại lễ hội, nhiều du khách lần đầu được tận mắt chứng kiến nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, lễ xuống đồng của dân tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của dân tộc Dao. Những mâm cỗ tế lễ được người dân trong vùng chuẩn công phu, kỹ lưỡng với lòng thành kính, biết ơn các vị thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ thể hiện nét đặc sắc trong truyền thống của bà con dân tộc mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hoá của họ.
Náo nhiệt nhất là trò chơi dân gian tung còn, ngay giữa sân lễ hội, Ban Tổ chức đã chọn và đặt sẵn một cây tre cao khoảng 12 sải tay, điều này thể hiện 12 tháng trong một năm. Phần ngọn của cây tre được uốn thành một vòng tròn rồi dùng giấy hồng dán kín. Quả còn được làm bằng 4 mảnh vải mầu ghép lại thành từng múi, được xếp thành 4 góc thể hiện 4 phương hội tụ, bên trong được nhồi bằng hạt bông, thóc, ngô, cát… to bằng quả cam lớn. Chính giữa quả còn được khâu một sợi dây vải bền chắc dài khoảng 70cm - 90 cm, quả còn có màu sắc rực rỡ rất đẹp. Trò chơi tung còn thường được đồng bào dân tộc Tày tổ chức vào những ngày đầu năm mới, để cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao.
Cuốn hút du khách nhất là lễ tịch điền. Ban Tổ chức đã chọn một thửa ruộng nhỏ gần khu vực lễ hội, một nông dân và một con trâu khỏe để thực hiện đường cày đầu tiên mở màn cho mùa vụ mới. Cách đó không xa, tại một thửa ruộng khác là phần thi cấy lúa của các xóm, bản trong vùng. Trên bờ là tiếng trống, tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ của đông đảo người dân và du khách. Cùng thời điểm này, tại sân Lễ hội, không khí cũng náo nhiệt với các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, bắn nỏ, giã bánh dày, kéo co, đi cà kheo…
Rộn ràng lễ hội “Lùng Tùng”
Tại xã Mường Cang, huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu diễn ra Lễ hội “Lùng Tùng” của dân tộc Thái do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên phối hợp với xã Mường Cang tổ chức. Lễ hội “Lùng Tùng” mang tính chất nghi lễ nông nghiệp, mở đầu cho một mùa sản xuất mới, cầu cho mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui.
Lễ hội “Lùng Tùng” (Lễ hội xuống đồng) của dân tộc Thái gồm có hai phần là lễ và hội. Trong phần lễ diễn ra nghi thức cầy bừa, gieo hạt. Các đồng chí lãnh đạo huyện, xã cùng bà con dân bản xuống đồng tham gia cày bừa, mở đầu cho một năm sản xuất mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, người dân được khỏe mạnh. Trong phần hội, bà con và khách thập phương được tham gia các trò chơi dân gian như: tó má lẹ, bán nỏ, kéo co, tung còn và giao lưu văn nghệ với những tiết mục hát dân ca, múa xòe, nhảy sạp.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên (Lai Châu) Hoàng Thị Liễu cho biết, Lễ hội Lùng Tùng của dân tộc Thái huyện Than Uyên được tổ chức hàng năm vào dịp tháng Giêng sau Tết, thường diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội này được tổ chức lần cuối cùng vào năm 1960 và dần bị mai một. Đến năm 2018, chính quyền huyện đã phục dựng và tổ chức cho nhân dân. Đây là năm thứ hai Lễ hội Lùng Tùng (Lễ hội xuống đồng) được địa phương phục dựng, duy trì, bảo tồn, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc của huyện Than Uyên cũng như tỉnh Lai Châu nói chung./.
Agribank với biển đảo - Những cánh én làm nên mùa xuân  (14/02/2019)
Phó Thủ tướng mong Bình Dương sớm trở thành một trung tâm kinh tế  (14/02/2019)
Việt Nam cần có chính sách thu hút FDI “thế hệ mới”  (14/02/2019)
“Không để người dân giảm niềm tin vào đội ngũ Quản lý thị trường”  (14/02/2019)
Thái Bình cần chú trọng phát triển cả về số lượng, và chất lượng  (14/02/2019)
Thủ tướng dự khởi công một số dự án kinh tế trọng điểm ở Thái Bình  (14/02/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên