Thủ tướng dự khởi công một số dự án kinh tế trọng điểm ở Thái Bình
TCCSĐT - Trong những ngày đầu Xuân mới Kỷ Hợi 2019, sáng 14-02, tại Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khởi công Dự án Tuyến đường bộ ven biển và công bố Quy hoạch, triển khai Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng Bắc Bộ; Thủ tướng cũng đã dự lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa quốc tế 1.000 giường tại khu Trung tâm Y tế tỉnh Thái Bình và cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy).
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan.
Thủ tướng mong “Tống cựu nghinh tân mừng xuân mới, quốc kế dân sinh kiến Thái Bình”
Phát lệnh khởi công Dự án Tuyến đường bộ ven biển Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng cho rằng, Thái Bình là địa phương ngày càng nổi bật về sự thống nhất, hòa quyện giữa ý Đảng - lòng dân, thể hiện qua việc người dân tự nguyện giao đất để các nhà đầu tư tiếp cận đất đai hiệu quả.
Thái Bình còn là địa phương năng động, hiệu quả trong thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương ngày càng hấp dẫn các tập đoàn lớn, qua đó thu hút được những nhà đầu tư hàng tỷ USD đến với tỉnh.
“Niềm tin và sự kỳ vọng của Trung ương vào Thái Bình là rất lớn”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn không chỉ là bài toán kinh tế, sinh kế lâu dài của phần đông người dân Việt Nam, mà còn giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng, là nền tảng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì một Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp đầu Xuân mới, Thủ tướng tặng Thái Bình 2 câu đối: “Tống cựu nghinh tân mừng xuân mới, quốc kế dân sinh kiến Thái Bình”.
Đánh giá cao việc các hộ dân đã giành đất cho dự án tuyến đường bộ ven biển, Thủ tướng lưu ý chính quyền địa phương hết sức quan tâm, chăm lo đời sống của đồng bào và tạo điều kiện làm việc cho người dân trong vùng dự án. Cùng với đó, trong quá trình thi công phải đảm bảo tiến độ, an toàn theo thiết kế. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành thủ tục để đảm bảo nguồn vốn cho dự án hoàn thành theo tiến độ đề ra để trong tương lai không xa hình thành tuyến đường bộ kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh trong khu vực.
Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng trước việc Thái Bình triển khai dự án Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ với sự tham gia của những tập đoàn có tiềm lực lớn về kinh tế; cho rằng đây là dự án quan trọng đối với Thái Bình và khu vực kinh tế nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ, tạo tiền đề để xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan sớm hoàn tất thủ tục, triển khai các dự án.
Thủ tướng nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam muốn thành công phải nâng cấp nền tảng sản xuất và thị trường, nhất là cơ giới hóa, hình thành tư duy công nghiệp nông nghiệp. Thủ tướng lưu ý Thái Bình là địa phương có hạ tầng nông nghiệp cơ bản, trình độ thâm canh cao, vì vậy việc xây dựng Khu Công nghiệp phục vụ nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn, là cơ sở, tiền đề phát triển nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Thái Bình thu hút nhiều hơn nữa các Tập đoàn lớn vào đầu tư tại địa phương.
Dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển thành phố Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định, chiều dài 34,42 km, tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác 1.593 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT 1.289 tỷ đồng. Tuyến đường bộ ven biển Thái Bình nằm trong tổng thể tuyến đường bộ ven biển Quảng Ninh-Thanh Hóa; được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án sẽ phục vụ thiết thực cho các dự án quy hoạch trọng điểm như Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, cảng Diêm Điền, Trung tâm Điện lực Thái Bình, các cụm công nghiệp của huyện Tiền Hải, Thái Thụy…, kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình với Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng biển, cửa khẩu tại Hải Phòng, Quảng Ninh…
Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng bắc bộ có quy mô 194,36 ha tại các xã An Thái, An Ninh, An Cầu (huyện Quỳnh Phụ), tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng. Dự án bao gồm chuỗi sản xuất khép kín, cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp để sản xuất, chế biến gạo, lương thực thực phẩm…
Hoạt động của khu công nghiệp cùng hệ thống cánh đồng mẫu và cánh đồng liên kết sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thái Bình và lan tỏa đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng, góp phần thay đổi tư duy, dịch chuyển cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, thương hiệu và an toàn.
Chính phủ khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện
Sau 5 năm triển khai xây dựng, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, đã hoàn thành và đi vào hoạt động, chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư; có tổng mức đầu tư gần 26,6 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 85%, còn lại 15% vốn đối ứng của EVN. Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất 600 MW (2 x 300 MW).
Đây là một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ có tỷ trọng nội địa hóa cao và là công trình nhà máy nhiệt điện quy mô lớn đầu tiên do đơn vị tư vấn của Việt Nam chủ trì phần thiết kế. Nhà máy nhiệt điện Thái Bình khác với tất cả các dự án nhiệt điện khác, đó là tất cả lượng tro bay, xỉ đáy lò và thạch cao đều được xử lý, cấp chứng nhận đạt quy chuẩn Việt Nam hiện hành.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với công nghệ hiện đại, Nhà máy đi vào hoạt động sẽ đóng góp một phần điện năng không nhỏ cho nền kinh tế. Thủ tướng nêu rõ, trong tiến trình phát triển, những thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước có đóng góp quan trọng của ngành điện. Cho đến nay, EVN đã đưa vào vận hành 40 nhà máy điện với trên 21 nghìn MW, hệ thống đường dây đồng bộ, rộng khắp đảm bảo nhu cầu cấp điện. Về cơ bản các dự án của EVN luôn đảm bảo chất lượng, tiến độ, mang lại hiệu quả kinh tế to lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong vận hành nhà máy để đảm bảo vận hành an toàn, đảm bảo yếu tố môi trường, tuyệt đối không để xảy ra vấn đề mất an toàn môi trường, an toàn lao động, đặc biệt cần tăng cường giám sát vấn đề nguồn than và tro xỉ thải. Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và nhân dân địa phương về an toàn môi trường.
Thủ tướng dự khởi công bệnh viện lớn nhất tỉnh Thái Bình
Cũng trong sáng 14-02, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khởi công Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế 1.000 giường tại Thái Bình. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 122.000 m2 với thời gian dự kiến 5 năm. Giai đoạn 1 được xây dựng từ tháng 5-2019 đến tháng 3-2022 với quy mô 500 giường bệnh; Giai đoạn 2 từ tháng 4-2022 đến tháng 2-2024 sẽ vận hành khai thác 500 giường bệnh, hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo đã tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình). Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tới thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Thái Bình và huyện Vũ Thư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên trong đoàn đã tới thăm, tặng quà gia đình bà Trần Thị Trâm, phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình), mẹ liệt sỹ; ông Đỗ Duy Hải, khu Trung Hưng 1, thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư), thương binh hạng 1/4./.
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam  (14/02/2019)
Kiều hối: Nguồn nội lực... ở bên ngoài  (14/02/2019)
Phát triển bao trùm nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay  (14/02/2019)
An ninh toàn cầu năm 2019: Từ góc nhìn dự báo  (14/02/2019)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 04 đến ngày 10-02-2019)  (13/02/2019)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm chính thức Triều Tiên  (13/02/2019)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên