Đầu năm, người dân nô nức du Xuân

BTV/TTXVN
23:38, ngày 09-02-2019
TCCSĐT - Những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, các điểm văn hóa tâm linh, các điểm vui chơi giải trí luôn có rất nhiều du khách, người dân đến chiêm bái cầu may mắn, bình an hoặc tham quan, vui chơi.
Tại Hà Nội, các di tích như: Tứ trấn Thăng Long, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, tổ đình Phúc Khánh, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… luôn tấp nập người đi lễ từ sáng sớm tới tối muộn trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Ngay từ sáng mùng 1 Tết, các đền, chùa, phủ đã đón một lượng lớn khách và đặc biệt tăng cao từ mùng 2 Tết. Không chỉ có người dân Thủ đô mà rất nhiều người từ các tỉnh, thành khác cũng đến làm lễ cầu may. Các ban quản lý di tích đã huy động tối đa người phục vụ, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.

Mặc dù nhiều lễ hội Xuân trên địa bàn Hà Nội chưa khai hội nhưng người dân tranh thủ những ngày nghỉ Tết trảy hội sớm khiến một số lễ hội trở nên quá tải. Trong đó, khu vực chùa Hương có những thời điểm bị tắc nghẽn tại đường dẫn vào chùa, khu vực cáp treo... Chiều 09-02, dù chưa tới ngày khai hội, hàng vạn du khách đã đổ về chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) khiến mọi ngả đường trong khu di tích thắng cảnh nổi tiếng đều chật kín người. Lễ chùa đầu năm là một trong những phong tục không thể thiếu trong những ngày Tết, cầu mong cho một năm mới được nhiều may mắn, sức khỏe và tràn đầy tài lộc. Lễ hội chùa Hương thường được khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Để chuẩn bị cho lễ khai hội và công tác đảm bảo an ninh an toàn cho mùa lễ hội, đại diện Ban Tổ chức cho hay, năm nay đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sỹ các đội nghiệp vụ công an Thành phố Hà Nội, công an huyện Mỹ Đức, xã Hồng Quang (Ứng Hòa), xã Tân Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) tham gia bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt 03 tháng lễ hội nhưng xem ra công tác chuẩn bị này vẫn chưa thấm vào đâu so với lượng người đổ về, khiến mọi khu vực của chùa đều "thất thủ".

Nhiều điểm vui chơi khác của Hà Nội cũng thu hút rất nhiều người đến vui chơi, giải trí. Các chương trình và lễ hội chào đón tết mang không khí cổ truyền dân tộc được tổ chức ở nhiều điểm tham quan trên địa bàn Thủ đô, đó là các hoạt động như: như: Chương trình “Hoàng thành Thăng Long, điểm đến di sản mùa xuân 2019” (tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long), Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 (tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám), chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề “Làng đón Tết” và “Xuân Sum họp” (tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam), Chợ tết Xuân (tại Phố đi bộ Trịnh Công Sơn), chương trình “Chào xuân Kỷ Hợi 2019” (tại Công viên Hồ Tây)… thu hút lượng lớn khách tham quan. Các cơ quan, đơn vị tổ chức, quản lý điểm đến du lịch đã tăng cường công tác tổ chức, đón tiếp du khách, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Tại Bắc Giang, vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời với trên 2.200 di tích lịch sử- văn hóa trải khắp trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó 711 di tích được xếp hạng, gồm 3 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, 101 di tích cấp quốc gia và 583 di tích cấp tỉnh. Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho ngành du lịch nhất là du lịch tâm linh, sinh thái phát triển. Năm 2019, Bắc Giang phấn đấu đón 2 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 20 nghìn lượt. Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, phát triển hệ thống giao thông, Bắc Giang ưu tiên đầu tư xây dựng các điểm du lịch trọng điểm như Tây Yên Tử, chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm, làng cổ Thổ Hà..., đồng thời xây dựng các tour, tuyến du lịch phù hợp

Ngay từ sáng sớm các ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tại chùa Vĩnh Nghiêm - di tích quốc gia đặc biệt, rất nhiều du khách đến lễ Phật, vãn cảnh chùa. Càng về trưa, lượng du khách càng đông hơn. Tọa lạc tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây lưu giữ bộ Mộc bản đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó Thường trực trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, trong những ngày nghỉ Tết, mỗi ngày chốn tổ Vĩnh Nghiêm đón khoảng 3 nghìn lượt Phật tử, du khách, đông gấp đôi so với dịp Tết Nguyên đán năm trước. Nhà chùa cùng chính quyền địa phương đã bố trí các điểm trông giữ xe, cử người hướng dẫn du khách lễ Phật, vãn cảnh, đảm bảo an ninh trật tự.

Đền Xương Giang, nằm trên phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang, nơi ghi dấu chiến thắng quân Minh cũng là một điểm đến thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc, có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc thời Hậu Lê với những chi tiết độc đáo thời hiện đại. Từ khi hoàn thành vào năm 2017, đền Xương Giang đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Mỗi ngày đền Xương Giang đón hàng chục đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.

Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử (thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động). Cách thành phố Bắc Giang khoảng 100 km, là điểm du lịch tâm linh sinh thái mới được hoàn thành cũng đã thu hút nhiều du khách. Những ngày đầu xuân năm mới, bãi đỗ xe tại khu du lịch này luôn kín ô tô, xe máy. Trung bình mỗi ngày Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử đón hàng nghìn lượt du khách. Đặc biệt, từ Tây Yên Tử, du khách có thể đi cáp treo để lên chùa Đồng, Yên Tử. Hiện tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương chuẩn bị cho Tuần Văn hóa du lịch Tây Yên Tử với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử 2019” diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20-022019 (tức mùng 10 đến 16 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Trong Tuần Văn hóa du lịch Tây Yên Tử sẽ có nhiều hoạt động như: Khai mạc Hội Xuân Tây Yên Tử; lễ khánh thành chùa Thượng và giai đoạn 1 Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử; triển lãm trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, Phật giáo Trúc Lâm; ra mắt cuốn sách “Di sản danh thắng vùng Tây Yên Tử”... Dự kiến Tuần Văn hóa du lịch thu hút hàng vạn du khách thập phương về dự.

Tại Lạng Sơn, những ngày đầu năm mới, du khách đến những ngôi đền, chùa nổi tiếng linh thiêng ở nơi đây cũng đông không kém. Chùa Tam Thanh nằm trong động núi đá (nên còn được gọi tên khác là Động Tam Thanh) thuộc địa phận phường Tam Thanh Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Theo sử sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì chùa Tam Thanh có từ thời nhà Lê, thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, Châu Thoát Lãng. Trải qua thăm trầm lịch sử, chùa Tam Thanh dần được biết đến hơn cả bởi tính linh thiêng, ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật và tọa lạc trong lòng một ngôi động đẹp. Lễ hội chùa Tam Thanh, Tam Giáo diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng Giêng hằng năm với nhiều nghi lễ đặc sắc: Rước kiệu, thỉnh chuông, đánh trống khai hội, dâng hương, tế lễ trong chùa tại cung Thánh Mẫu, tụng kinh Phật tại cung Tam Bảo. Cùng với đó là các trò chơi dân gian, chương trình văn hóa văn nghệ: múa sư tử, hát dân ca…

Đền Mẫu Đồng Đăng tọa lạc ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Đền Mẫu Đồng Đăng còn có tên gọi khác là “Đồng Đăng linh tự”. Đồng Đăng không chỉ nổi tiếng bởi phố Kỳ Lừa, nàng Tô Thị, chùa Tam Thanh, nơi đây còn thu hút du khách bởi đền Mẫu, một ngôi đền cổ kính uy nghi nằm trên đỉnh núi. Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng được tổ chức vào mồng 10 tháng Giêng hằng năm, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến đây thưởng ngoạn nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Lạng. Đến với nơi đây, du khách còn được đắm mình trong văn hóa tâm linh, thắp hương cầu mong sức khoẻ, cầu tài, cầu một năm phát lộc, cầu cho quốc thái dân an.

Đền Bắc Lệ là một ngôi đền cổ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn. Đền nằm trên đồi cao, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Không ai biết rõ đền xây dựng vào thời gian nào mà chỉ căn cứ vào văn bia năm 1919 rằng trước đó đền là một am nhỏ thường hay bị hỏa hoạn. Đền là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn - nữ thần núi. Bà là người trông coi, cung cấp và ban phát nguồn của cải núi rừng cho con người. Ngoài ra, được suy tôn trong đền còn có Chầu Bé - một nhân vật có thật người vùng Bắc Lệ, đây chính là các cô, các cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức trong vòng 03 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 Âm lịch. Tuy nhiên, vào dịp đầu năm, đền Bắc Lệ cũng thu hút một lượng lớn khách thập phương về hành hương, chiêm bái./.