TCCSĐT - Ngày 18-12, Hội nghị Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã bế mạc tại thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu bế mạc, thay mặt Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cảm ơn Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam để tổ chức thành công Hội nghị Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, những tham luận, ý kiến phát biểu và thảo luận tại Hội nghị đều có nội dung sâu sắc, mang đến nhiều kiến thức, thông tin mới, nhiều đóng góp tâm huyết về những vấn đề cụ thể liên quan đến việc thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Việt Nam và việc áp dụng Bộ công cụ nghị viện tự đánh giá.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều khẳng định Bộ Công cụ tự đánh giá do IPU và UNDP xây dựng và ban hành có nội dung hết sức cô đọng, mang tính chất định hướng, có các tiêu chí cụ thể để Quốc hội các nước cùng tham khảo, áp dụng nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Đối với Bộ Công cụ, tùy điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển mà mỗi nước có thể xem xét áp dụng ở các mức độ khác nhau.

Các chuyên gia quốc tế đã giới thiệu kinh nghiệm của nghị viện một số nước trong việc triển khai Bộ Công cụ này như: Fiji, Serbia, Djibouti, Mali, SriLanka, Bangladesh, Indonesia và đánh giá cao tính thực tiễn và toàn diện của nội dung Bộ Công cụ. Các kinh nghiệm quốc tế sẽ là những bài học hữu ích cho Quốc hội Việt Nam trong việc triển khai các SDGs và áp dụng Bộ Công cụ tự đánh giá trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng khẳng định các Nghị viện thành viên đóng vai trò quan trọng vào việc thực hiện SDGs; và cho rằng, các mục tiêu SDGs, nhất là những mục tiêu liên quan tới xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường... Đây là các mục tiêu tốt đẹp, hướng tới sự công bằng, phát triển toàn diện của xã hội và điều này cũng phù hợp với quan điểm phát triển của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam còn có nhiều khó khăn và thách thức, do nguồn lực để thực hiện các SDGs là rất lớn, nhất là nguồn lực về tài chính. Hiện nay, Việt Nam vẫn chỉ đang là nước có thu nhập trung bình thấp; cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các vấn đề liên quan đến các mục tiêu còn chưa đầy đủ và đồng bộ; hệ thống các cơ quan của Quốc hội chưa có đầu mối trực tiếp phụ trách về SDGs; việc áp dụng một số tiêu chí trong Bộ công cụ để đánh giá việc thực hiện SDGs tại Việt Nam trong nhiều trường hợp còn chưa phù hợp với thực tế, ví dụ như các vấn đề liên quan đến phân bổ ngân sách, giám sát ngân sách… cần được cụ thể hóa cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Thực tế, Việt Nam đã luôn là quốc gia tiên phong và là tấm gương trong việc thực hiện và hoàn thành các cam kết về phát triển bền vững trong cả khu vực và thế giới; hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện để nội luật hóa các cam kết quốc tế hoặc bảo đảm sự tương thích với pháp luật quốc tế; Việt Nam đã hoàn thành được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có những hành động thực tế, phân công một phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách, nghiên cứu và lên kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nay cả hệ thống chính trị và toàn xã hội ủng hộ và thống nhất ý chí trong việc thực hiện SDGs.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững và sử dụng Bộ Công cụ có hiệu quả cho các đại biểu dân cử của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo để tập huấn, cung cấp thông tin… nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân về các SDGs; cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của Bộ Công cụ để việc áp dụng có tính hiệu quả và khả thi cao tại Việt Nam.

Quốc hội cũng cần có cơ chế giám sát việc thực thi SDGs hiệu quả thông qua việc tổ chức giám sát chuyên đề hoặc lồng ghép trong việc giám sát các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường hơn nữa nhiệm vụ giải trình của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong việc thực hiện SDGs; đánh giá và quan tâm sâu sát hơn nữa các vấn đề thực hiện SDGs ở các địa phương để kịp thời có những giải pháp cho phù hợp; nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị lan tỏa đến mọi người dân và toàn xã hội về lợi ích của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam mong muốn IPU, UNDP và các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên của IPU tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam thực hiện thành công các hoạt động này trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định quyết tâm chính trị của của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, “Không có ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU để Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thực hiện công tác giám sát một cách hiệu quả.

Nhấn mạnh Hội nghị lần này là dịp quan trọng để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động nhằm tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cấp quốc gia, phù hợp với những ưu tiên, yêu cầu và hoàn cảnh phát triển của mỗi địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tin tưởng, với những kết quả đạt được của Hội nghị sẽ là những tài liệu quan trọng, những kinh nghiệm quý báu để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân sử dụng trong quá trình tham gia hoạch định, quyết định chính sách vì các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Martin Chungong đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam, Chính phủ Việt Nam trong việc giám sát, thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Đặc biệt, Hội nghị Quốc hội và các Mục tiêu Phát triển bền vững đã thể hiện được tầm quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong việc giám sát thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chính sách liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Đánh giá cáo Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, ông Martin Chungong cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững gắn các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao trách nhiệm giám sát của các đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cam kết, Liên minh Nghị viện Thế giới sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hoàn thành chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về các Mục tiêu Phát triển bền vững.

** Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc hội và các Mục tiêu Phát triển bền vững, sáng 18-12, tại thành phố Đà Nẵng, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Phiên họp nhận định những thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững và khuyến nghị, giải pháp.

Dự Phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU chủ trì Phiên họp.

Phiên họp còn có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố.

Tại Phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã chia sẻ kết quả, nêu lên những thách thức; đồng thời đề ra giải pháp trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thời gian tới. Các nội dung được thảo luận tại Phiên họp là: Ứng phó với biến đổi khí hậu; xóa đói, giảm nghèo; bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em.

Tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng từ 10% - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và GDP có thể tổn thất khoảng 10% do biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức trong quá trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững về ứng phó với biến đổi khí hậu (SDG 13).

Chia sẻ về những thách thức của Việt Nam trong quá trình thực hiện SDG 13, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Việt Nam sẽ phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải theo cam kết, chuyển từ phương thức thực hiện tự nguyện như từ trước đến nay sang phương thức bắt buộc thực hiện bắt đầu từ năm 2021 trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần được duy trì ở mức cao, kéo theo nhu cầu lớn về năng lượng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhanh hơn so với dự báo, tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu.

Tình trạng khai thác, sử dụng nước, phát triển thủy điện ở các nước trên thượng nguồn sông Hồng, sông Mekong đã và đang có ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tác động này làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu như gia tăng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, nhận thức được những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách và hành động quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện SDG 13. Trong đó, Việt Nam không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đảm bảo chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát thải các-bon thấp. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; các Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam...

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, các đại biểu Quốc hội Việt Nam và của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào thực hiện hiện Mục tiêu Phát triển bền vững về ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới cũng như ở Việt Nam như: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về biến đổi khí hậu và liên quan đến biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò lập pháp của Quốc hội trong rà soát, ban hành, bổ sung chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu đảm bảo một hệ thống chính sách, pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, nhất quán, hài hòa với quy định quốc tế, phù hợp với điều kiện quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với IPU cũng như Quốc hội, Nghị viện các nước trong việc giám sát việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong thực thi chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trách nhiệm, nghĩa vụ đã nêu tại Công ước Khí hậu, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris, trong đó dành ưu tiên quan tâm đến các nhóm nước đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động do biến đổi khí hậu như Việt Nam. Đặc biệt, khuyến khích các quốc gia, tùy theo trách nhiệm lịch sử, tiềm lực kinh tế, công nghệ có những đóng góp tích cực vào nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò trong phân bổ nguồn lực quốc gia nhằm chủ động về nguồn lực trong thực hiện những đóng góp do Việt Nam đã cam kết theo Thỏa thuận Paris; hỗ trợ xây dựng, ban hành cơ chế huy động nguồn lực bao gồm cả nguồn tài chính từ khu vực nhà nước và doanh nghiệp ở cả cấp quốc gia, quốc tế, trong đó tập trung khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp.

Đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững trong cả nước

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực liên tục, không ngừng của các cấp, ngành và toàn xã hội, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn dưới 7% (năm 2017). Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, đời sống người dân không ngừng được cải thiện về cả sinh kế và tiếp cận dịch vụ xã hội. Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế vinh danh, Liên hợp quốc đánh giá là một trong các nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ đã tạo nền tảng quan trọng về nhận thức, thực tiễn thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, an sinh xã hội đối với toàn bộ các cấp chính quyền, người dân, góp phần cải cách chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội của một nước có thu nhập trung bình. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công, gia đình người có công, người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện.

Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành và vượt so với Nghị quyết (hỗ trợ nhà ở cho người có công, tỷ lệ thất nghiệp, lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân, hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, cứu trợ thiên tai lũ lụt, tỷ lệ đi học của các nhóm, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tiếp cận thông tin cho người nghèo, vùng nghèo)...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đang đứng trước những thách thức, đặc biệt là trong thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững về xóa bỏ đói nghèo đến năm 2030. Cụ thể, tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60% - 70%. Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,66% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước. Chất lượng việc làm chưa đảm bảo, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm; chất lượng phổ cập giáo dục còn chênh lệch, đặc biệt với nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao như chính sách hỗ trợ nhà ở mức hỗ trợ còn bình quân và thấp, chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đào tạo...

Để phát huy những thành tựu đã đạt được trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam thời gian qua, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện nhằm hướng tới hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo đã đặt ra trong năm 2019. Về chính sách giảm nghèo, tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo. Cùng với đó là khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận, sử dụng hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; tiếp tục đẩy mạnh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân kết hợp với dịch vụ bảo hiểm y tế ngoài công lập; đẩy mạnh chương trình nhà ở xã hội; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường...

Bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cho gần 95 triệu người dân, đảm bảo ổn định xã hội và sinh kế cho gần 65% dân số cả nước hiện đang sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 15,34% GDP cho quốc gia. Sự phát triển toàn diện của nông nghiệp đã góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, ổn định xã hội và giảm nghèo. Việt Nam đã xuất khẩu nhiều loại nông lâm thủy sản với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD và năm 2018 sẽ đạt ngưỡng 40 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 5 mặt hàng (trái cây, hạt điều, cà phê, tôm, đồ gỗ có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD mỗi năm). Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới...

Ngoài kết quả đã đạt được, nông nghiệp Việt Nam cũng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bền vững như: Những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ vẫn tiếp tục là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 102 triệu dân vào năm 2025 và 107 triệu dân vào năm 2030. Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra khó lường, mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực; đòi hỏi phải có những ứng phó kịp thời, chiến lược lâu dài để hạn chế thiệt hại, thích ứng hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn lực cho ngành bao gồm: đất đai, lao động, vốn ngày càng khan hiếm và phải cạnh tranh gay gắt nguồn lực, tài nguyên với các ngành, lĩnh vực khác...

Để khắc phục những khó khăn, thách thức, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển 3 trục sản phẩm; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, tập trung giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành...

Thúc đẩy bình đẳng giới, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững liên quan đến trẻ em, phụ nữ và bình đẳng giới. Trong đó, liên quan đến trẻ em,Việt Nam tiếp tục duy trì mức 20% chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng giảm còn 13,1%; phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và tiểu học...

Về kết quả liên quan đến phụ nữ, năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong mẹ; tỷ lệ phụ nữ biết chữ trên 96%, nữ thạc sĩ 43%, tiến sĩ 21%; tỷ lệ trẻ em gái nhập học đúng độ tuổi tương đương với tỷ lệ trẻ em trai. Ngoài ra, phụ nữ chiếm trên 48% lực lượng lao động cả nước, nữ chủ doanh nghiệp 31,6%; 72% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn trung bình thế giới (49%); nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt 26,71%, tăng hơn nhiệm kỳ trước 2,62%...

Liên quan đến bình đẳng giới, năm 2016, Chính phủ đã ban hành 7 chương trình, đề án thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt trong khi sửa đổi luật pháp, Việt Nam có quy định bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Song song với đó có cân nhắc, thảo luận để giảm khoảng cách tuổi hưu giữa nữ giới và nam giới...

Tuy nhiên, nhận thức về pháp luật, phát triển bền vững của người dân còn hạn chế; định kiến về vai trò phụ nữ, về giới, về trẻ em vẫn tồn tại phổ biến. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của cộng đồng dân tộc thiểu số cao gấp 3,5 lần tỷ lệ của cả nước, tỷ lệ nghèo ở trẻ em gấp 3 lần tỷ lệ nghèo chung và tỷ lệ nghèo của nhóm nữ giới cao hơn nam giới. Nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước, khó khăn đối với những tỉnh miền núi đông người dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao, tình trạng trẻ em béo phì ở một số tỉnh, thành phố tăng cao; tình trạng bạo lực với trẻ em khó kiểm soát (đặc biệt trong gia đình, nhà trường, môi trường trực tuyến). Công tác giám sát về tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới chưa được thực hiện thường xuyên, đầu tư nguồn lực còn hạn hẹp, phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách; bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trẻ em gái vẫn tồn tại. Định kiến về vai trò phụ nữ, về giới, về trẻ em vẫn tồn tại phổ biến; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới chưa hiệu quả...

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, thời gian tới, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; có chế tài đối với những địa phương không bố trí người làm công tác trẻ em; tăng cường giám sát việc thực hiện luật trẻ em, đặc biệt giám sát xã hội; xây dựng chương trình thực hành kỷ luật tích cực cho các bậc cha mẹ nhằm giảm bạo lực thân thể và tinh thần của cha mẹ đối với con; có chính sách khuyến khích thành lập các cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại. Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao năng lực cho tổ chức Hội phụ nữ thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện, giám sát, phản biện xã hội; xây dựng chính sách khuyến khích em gái tham gia học tập các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nhà khoa học nữ tích cực nghiên cứu, phụ nữ trẻ tích cực tham gia khởi nghiệp sáng tạo.../.