TCCSĐT - Trong trung tuần tháng 12-2018, Liên hợp quốc bước đầu đã đạt được sự thống nhất trong việc giải quyết vấn đề người di cư trên toàn cầu khi thông qua hai Hiệp ước quan trọng: Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên (GCM), Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn (GCR).

Từ Hiệp ước Toàn cầu về di cư…

Ngày 10-12, Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên (GCM) đã chính thức được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc diễn ra tại Marrakesh (Maroc) với sự tham dự của của các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 150 nước trên thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres nhấn mạnh, Hiệp ước này là lộ trình để ngăn chặn “sự hỗn loạn và nỗi thống khổ”. Ông A. Guterres tuyên bố hiệp ước này là cơ cấu khung cho sự hợp tác quốc tế, không mang tính ràng buộc về pháp lý và bao gồm một vài điều khoản cụ thể về chủ quyền, khiến việc thực thi hiệp ước này chỉ dựa vào thiện chí của những quốc gia ủng hộ. Người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra tuyên bố trên nhằm bác bỏ một số chỉ trích cho rằng hiệp ước này sẽ cho phép Liên hợp quốc áp đặt các chính sách về người di cư đối với các nước thành viên.

Khi được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trừ Mỹ, thông qua hồi tháng 7 vừa qua, hiệp ước này được hoan nghênh là một thành công ngoại giao của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, mới đây, các nước Hungary, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Bulgaria và Australia đã liên tiếp tuyên bố rút khỏi hiệp ước này.

Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu bảo đảm di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới. Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà. Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi. Đến nay, lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng “dư chấn chính trị” do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại EU. Tại biên giới Mexico - Mỹ, hàng nghìn người di cư cũng đang chờ để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nước này phải triển khai binh sĩ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay.

…đến Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn

Ngày 17-12, đại đa số quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn (GCR), khẳng định tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm bảo vệ người di cư và phát triển cộng đồng đón nhận người di cư.

Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn, với mục tiêu giảm gánh nặng cho các quốc gia đến, đã nhận được 181 phiếu thuận trên tổng số 193 thành viên Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Mỹ và Hungary bỏ phiếu chống, trong khi 3 quốc gia khác là Cộng hòa Dominicana, Eritrea và Libya bỏ phiếu trắng. Hiệp ước này được thông qua ít ngày sau khi Liên hợp quốc phê chuẩn Hiệp ước GCM.

Thông cáo báo chí nêu rõ sau 2 năm tham vấn tích cực do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) dẫn đầu, cùng sự đóng góp xây dựng của các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế, người di cư, các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp tư nhân và giới chuyên gia, Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn sẽ tạo ra nguồn hỗ trợ vững chắc hơn cho các quốc gia tiếp nhận phần lớn người di cư. Hiệp ước thúc đẩy sự sẻ chia trách nhiệm để giúp đỡ những người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và ngược đãi. Hiệp ước cũng giúp giảm gánh nặng với các quốc gia đang phát triển hiện đang tiếp nhận khoảng 90% số người di cư, thông qua các chương trình tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất và cung cấp các dịch vụ cho người di cư cũng như các cộng đồng đón nhận người di cư.

Cũng giống như GCM, Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thay vào đó hướng tới thiết lập một khuôn khổ thực hiện với các giải pháp quy mô quốc gia và khu vực, thảo luận vấn đề tài chính và các mối quan hệ đối tác tiềm tàng cũng như việc chia sẻ dữ liệu liên quan giữa các quốc gia. Ngoài ra, hiệp ước còn xây dựng các hệ thống giám sát tiến trình, trong đó có việc tổ chức Diễn đàn người tị nạn toàn cầu cấp bộ trưởng 4 năm một lần. Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Maria Fernanda Espinosa bày tỏ tin tưởng Hiệp ước GCR dựa trên cơ sở chia sẻ gánh nặng một cách có trách nhiệm sẽ giúp “tăng cường sự hỗ trợ và bảo vệ 25 triệu người tị nạn trên toàn cầu”. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai hiệp ước này sớm nhất có thể.

Cả GCR và GCM đều được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố New York về người di cư và người tị nạn được thông qua tại Phiên họp 71 Đại Hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9-2016, với mục tiêu ngăn chặn và kiểm soát tốt hơn các dòng người di cư, tị nạn trên toàn thế giới. Tuyên bố New York thể hiện quyết tâm của Liên hợp quốc hợp sức với tất cả các đối tác thực hiện những cam kết chung bao gồm bảo vệ quyền con người của tất cả những người di cư và tị nạn; tăng cường hỗ trợ những quốc gia bị làn sóng di cư và tị nạn ảnh hưởng nặng nề nhất; trợ giúp những người dân đang tuyệt vọng trong các cuộc khủng hoảng kéo dài; bảo đảm trẻ em di cư tị nạn được đi học; cải thiện các hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư và tị nạn; tăng cường ngân sách viện trợ nhân đạo và tái định cư cho người tị nạn. Tuyên bố New York nếu được thực thi nghiêm túc sẽ tạo ra được một cơ chế ổn định, có trách nhiệm hơn để các quốc gia thành viên Liên hợp quốc chung tay góp sức giải quyết tình trạng người di cư và tị nạn ồ ạt trên thế giới.

Còn nhiều gian nan

Vấn đề di cư đã trở thành chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu năm 2018 và việc thông qua GCR và GCM được Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres ưu tiên hành động trong năm. Dù không mang tính ràng buộc về pháp lý, song GCR và GCM được kỳ vọng sẽ tạo một khuôn khổ và lộ trình để thúc đẩy các nỗ lực phối hợp chung và toàn diện ở cấp quốc tế khi mà việc xử lý vấn đề người di cư, người tị nạn ở từng nước, song phương hay thậm chí ở cấp châu lục như EU, chưa đem lại hiệu quả. Những hiệp ước này được đánh giá là giải quyết những mối lo chung của các nước tham gia với các điều khoản cụ thể về chủ quyền, đồng thời đề ra một loạt các nguyên tắc từ nhân quyền, quyền của trẻ em tới chủ quyền quốc gia, cùng danh sách các đề xuất nhằm hỗ trợ các nước đối phó với làn sóng di cư và người tị nạn như trao đổi thông tin và kinh tế, bảo vệ và giúp người di cư, tị nạn hòa nhập với môi trường sống mới hay đưa người di cư quay trở lại quê nhà. Hiệp ước có tính tự nguyện, nhưng việc thông qua khuôn khổ hợp tác như vậy có ý nghĩa quan trọng bởi nó tạo ra các quy định có thể dẫn đến việc hình thành các hiệp định song phương hoặc đa phương khác, cũng như thiết lập cơ chế để có thể hành động một cách nhân đạo, hợp lý và các bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, việc thực thi các hiệp ước này còn gặp không ít khó khăn. Để đạt được sự nhất trí của các nước thành viên Liên hợp quốc, các cuộc đàm phán kéo dài suốt 18 tháng về GCR đã vấp phải nhiều trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp. Ngay từ năm ngoái, Mỹ đã rút khỏi việc soạn thảo hiệp ước này với lý do văn kiện bao gồm những điều khoản đi ngược lại với chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống D. Trump. Sau khi đạt được sự nhất trí vào tháng 7, một làn sóng phản đối hiệp ước đã bùng lên tại nhiều quốc gia châu Âu. Các quốc gia thành viên EU gồm là Ba Lan, Hungary, Séc và Slovakia, cùng Croatia, Slovenia, Bulgaria và Áo, cũng các nước Thụy Sĩ, Australia, Chile... đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước. Trong khi đó, nhiều cuộc tranh cãi cũng đang nổ ra ở một số quốc gia khác.

Ở Pháp, hiệp ước này trở thành đối tượng tấn công của các phong trào cực đoan, dân tộc chủ nghĩa và phi tự do. Một số thành viên của phong trào “Áo vàng” cáo buộc việc tham gia hiệp ước này là cách để Paris “từ bỏ” chủ quyền và đây cũng là một trong những yếu tố để kích động làn sóng biểu tình phản đối chính phủ và Tổng thống E. Macron những ngày qua. Tại Bỉ, chủ đề này đã kéo theo một cuộc khủng hoảng chính phủ trầm trọng. Liên minh cầm quyền ở nước này bất đồng sâu sắc xung quanh hiệp ước, dẫn tới một loạt bộ trưởng thuộc đảng Liên minh Flemish mới (N-VA) từ chức, đẩy chính phủ của Thủ tướng Bỉ C. Michel rơi vào thế thiểu số. Mâu thuẫn trong vấn đề này cũng là nguyên nhân khiến Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajčák từ chức.

Các quốc gia phản đối hiệp ước này đưa ra nhiều lý do, song nhìn chung các ý kiến cho rằng, hiệp ước GCR chưa bảo đảm quyền tự quyết của mỗi quốc gia cho phép ai ở lại trong lãnh thổ của nước mình, cũng như việc phân biệt giữa người di cư hợp pháp và bất hợp pháp. Bên cạnh đó, một số điều khoản của hiệp ước được xem là mơ hồ và không khả thi, chưa giải quyết được vấn đề liên quan tới di cư tự nguyện và bắt buộc... Việc Mỹ không tham gia hiệp ước cũng gây lo ngại.

Trên thực tế, giải quyết vấn đề di cư là chuyện khó bởi có quá nhiều những yếu tố phức tạp xoay quanh, giải quyết trên cấp độ quốc tế lại càng nan giải bởi nó liên quan tới rất nhiều bên, từ nước khởi đầu, nước trung chuyển tới quốc gia tiếp nhận người di cư. Những bất đồng về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên khiến việc đưa một cách tiếp cận toàn diện trong vấn đề di cư cũng như tìm ra biện pháp phối hợp hiệu quả không phải là điều dễ dàng. Bài học của EU, đưa ra nhiều thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, song tới nay hầu như không thể thực hiện bởi quan điểm quá chia rẽ giữa các thành viên, là một ví dụ. Bởi vậy, việc khoảng 150 nước thành viên Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước GCR và GCM để vạch “lộ trình giúp giảm bớt nỗi khổ cho con người và ngăn chặn tình hình hỗn loạn”, như lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres tuyên bố, cũng được xem là biểu tượng chiến thắng của chủ nghĩa đa phương, là đáp án để các nước cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, những bất đồng xung quanh cũng đang tạo ra những trở ngại trong việc triển khai, tạo thêm nhiều thách thức đối với mục tiêu phối hợp nỗ lực toàn cầu giải quyết vấn đề di cư, tị nạn./.