TCCSĐT - Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường và thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; bàn về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước với hơn 91% phiếu tán thành

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, gồm 5 chương, 28 điều với một số nội dung lớn như: về phạm vi bí mật nhà nước (Điều 9); về danh mục bí mật nhà nước (Điều 10); về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 19).

Đáng chú ý, so với dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước (Điều 18 và Điều 19), trong đó quy định cụ thể về thẩm quyền tổ chức, thành phần tham dự và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện về địa điểm tổ chức, phương tiện, thiết bị, các phương án bảo vệ, việc thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sử dụng tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp để quản lý chặt chẽ, phòng ngừa và ngăn chặn việc lộ, mất thông tin bí mật nhà nước trong hoạt động này.

Tại phiên thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước chiều 25-10, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các nội dung: Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm; phạm vi bí mật nhà nước và ban hành Danh mục bí mật nhà nước; hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước; cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm của công dân trong bảo vệ bí mật nhà nước; giải mật, điều chỉnh độ mật và tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; đánh giá tác động của các chính sách được quy định trong dự thảo Luật; điều khoản chuyển tiếp; thời điểm Luật có hiệu lực…

Tại phiên họp chiều 15-11, với tỷ lệ 91,55% phiếu tán thành, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước đã chính thức được Quốc hội thông qua. Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01-7-2020.

Trước khi thông qua toàn bộ nội dung Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước sửa đổi, Quốc hội đã bỏ phiếu riêng với Điều 7 và Điều 9.

Điều 7 về phạm vi bí mật nhà nước quy định thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Có 439 đại biểu chiếm 90,52% đại biểu tán thành với quy định tại điều 7 và 4 đại biểu không tán thành, chiếm 0,82%.

Đối với Điều 9 về Ban hành Danh mục bí mật nhà nước, có 442 đại biểu tán thành, chiếm 91,13%.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cho biết, đối với Điều 7 về phạm vi bí mật nhà nước, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được ban hành sẽ là văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

“Đối với một số luật có nội dung liên quan đến việc công khai thông tin, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và thấy rằng, một số luật có quy định cụ thể những thông tin cần được công khai dựa trên nguyên tắc “chỉ công khai các thông tin không thuộc bí mật nhà nước” hoặc đã có quy định loại trừ các trường hợp thông tin là bí mật nhà nước”.

Theo ông Võ Trọng Việt, trên thực tế, việc công khai thông tin cần được xác định theo những giai đoạn nhất định; trong đó có những thông tin đang trong quá trình xây dựng hoặc liên quan đến quá trình xây dựng, hình thành thông tin thì cần giữ bí mật để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Điều 9 về ban hành danh mục bí mật nhà nước được xây dựng theo hướng không quy định danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

“Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành danh mục cụ thể về bí mật nhà nước theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, như vậy không phải tất cả các thông tin trong các lĩnh vực này đều là mật. Nghiên cứu pháp luật về bảo vệ bí mật của một số nước cũng có quy định tương tự về phạm vi bí mật nhà nước,” ông Võ Trọng Việt nói.

Tránh lợi dụng phá sản để được xóa nợ thuế

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 17 chương, 152 điều, trong đó bổ sung thêm 3 chương mới so với Luật hiện hành (Chương II, Chương X và Chương XII), đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; các biện pháp xử lý nợ đọng thuế; áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử; vấn đề điều tra thuế; hoàn thiện các quy định về cưỡng chế nợ thuế.

Trong phiên họp tổ sáng 12-11 về nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của đại biểu tập trung vào một số nội dung giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý thuế; những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt; bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế; hợp tác quốc tế về thuế; nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; căn cứ ấn định thuế; xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế...

Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Đáng chú ý, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định về khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế để giảm tình trạng nợ ảo.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Quy định khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế được đánh giá là phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi.

Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội Trà Vinh bày tỏ băn khoăn với hai vấn đề: mức phạt chậm nộp thuế và xóa nợ thuế trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

“Trong tời gian vừa qua, chúng ta thấy tình trạng nợ thuế, trốn thuế diễn ra rất phức tạp. Thu hồi đối với nợ thuế và trốn thuế còn nhiều khó khăn, hằng năm tỷ lệ này có giảm đi nhưng còn rất lớn”, đại biểu Thạch Phước Bình nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng cần có quy định chặt chẽ về phạt nộp chậm: “Hiện nay, trong dự thảo luật có quy định phạt nộp chậm với mức lãi 0,03%/ngày, theo tôi quy định như vậy không ổn vì mức quy định thấp, người ta sẽ lợi dụng việc này để chậm nộp thuế. Quy định ấn định 0,03%/ngày không phù hợp với từng thời kỳ, khi áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn”.

“Vấn đề phạt nộp chậm thuế không nên quy định một mức cụ thể mà nên quy định theo hướng phạt bằng lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố, như vậy sẽ phù hợp hơn và tránh được việc trốn thuế. Nếu như chậm nộp thuế mà so với lãi suất ngân hàng có lợi hơn thì người ta sẵn sàng chậm nộp”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Về xóa nợ thuế, đại biểu Thạch Phước Bình cũng nhận định quy định trong luật chưa chặt chẽ: “Xóa nợ thuế để bảo đảm tránh số nợ thuế quá ảo, không phản ánh đúng thực tế nhưng ngược lại đừng để người ta lợi dụng xoá nợ thuế này làm thất thu ngân sách Nhà nước”.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, dự thảo cần quy định chặt chẽ về đối tượng xoá nợ thuế là người đã chết, được coi là đã chết, mất tích, doanh nghiệp phá sản, người không có năng lực hành vi dân sự... đặc biệt là doanh nghiệp phá sản phải quy định một hành lang pháp lý cụ thể để tránh hiện tượng lợi dụng việc phá sản để được xóa nợ thuế sau đó lại tiếp tục đăng ký kinh doanh mới.

Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Luật Quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ xóa nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên; tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng./.