Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương
Ngày 11-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với Ban Cán sự Đảng và cán bộ chủ chốt Bộ Công Thương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 và những năm tiếp theo.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ: Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã lãnh đạo toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần vào thành tựu kinh tế chung của cả nước.
Với sự tăng trưởng mạnh của ngành chế biến chế tạo, sản xuất công nghiệp nói chung vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, năm 2017 tăng 7,4%, năm 2017 tăng 9,4%, 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,5%. Công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vai trò trụ đỡ, là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng công nghiệp, cho thấy quá trình tái cơ cấu công nghiệp đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực. Năm 2016, xuất khẩu đạt xấp xỉ 180 tỷ USD, năm 2017 lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu tiếp tục thặng dư 2,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã tận dụng có hiệu quả các cam kết hội nhập; các thị trường mà Việt Nam có quan hệ thương mại tự do đều tăng trưởng xuất khẩu vượt trội, công tác theo dõi thị trường, phản ứng chính sách được cải thiện đáng kể theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn. Thương mại nội địa tiếp tục giữ đà tăng trưởng ở mức 2 con số, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cung cầu, giá cả trong nước ổn định, công tác quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng được triển khai bài bản và hiệu quả. Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế thu được nhiều kết quả khả quan, đóng góp lớn vào thành công của năm APEC 2017.
Là một trong những Bộ đi đầu trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ năm 2016, Bộ Công Thương đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ, thu gọn tổ chức bộ máy từ 35 đầu mối xuống còn 30 đầu mối, giảm từ 197 phòng xuống còn 125 phòng; cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp; xóa bỏ 420 trong tổng số 720 mã hàng phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ; cắt giảm 183 trong tổng số 508 thủ tục hành chính; triển khai 154 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng thống nhất.
Bộ đã xây dựng và trình ban hành 110 văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, ngành Công Thương tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, bước đầu mang lại kết quả tích cực, góp phần duy trì việc làm cho người lao động, ổn định chính trị - xã hội tại địa phương. Đến nay, 02 nhà máy đã sản xuất kinh doanh có lãi, 04 dự án từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, các dự án khác đều đã có lộ trình xử lý cụ thể theo nguyên tắc thị trường, không để kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ngành Công Thương đã tích cực, chủ động đẩy nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; nổi bật là đã cổ phần hóa thành công Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn, thu về cho ngân sách nhà nước 110.000 tỷ đồng.
Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; tập trung kiểm điểm sâu sắc, phê bình và tự phê bình trên cơ sở đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế ngành Công Thương cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, như nguy cơ thiếu điện; vấn đề thất thoát trong đầu tư công, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ bản; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất hàng công nghiệp; quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ cơ chế, chính sách, bảo đảm tính khả thi...
Các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới ngành Công Thương cần tăng cường phối hợp, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; chủ trì đánh giá tác động của chính sách mậu dịch các nước và đề ra biện pháp ứng phó, bảo vệ sản xuất trong nước. Ngành Công Thương cần tập trung tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, tạo ra sản phẩm chất lượng, chi phí hợp lý, có sức cạnh tranh cao; tái cấu trúc doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ; rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực. Toàn ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp, huy động nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, thực phẩm...
Sau khi nghe báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và ý kiến phát biểu của các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bộ Công Thương có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Không có nông nghiệp thì xã hội không ổn định, không có thương nghiệp, buôn bán, giao lưu thì đất nước không giàu, không có công nghiệp thì không thể mở mang, không có tri thức, trí tuệ thì không hưng thịnh được. Nông - công - thương - trí là 4 trụ cột của đất nước, một cây cột yếu là ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả quốc gia. Trong 4 trụ cột đó thì Bộ Công Thương quản lý đến 2 trụ cột. Đây vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự to lớn của Bộ Công Thương đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng như: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, công nghiệp cơ khí, luyện kim, khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, thương mại trong nước, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng…
Trong hơn 30 năm đổi mới, hội nhập vừa qua, ngành Công Thương đã liên tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình. Đến nay, công nghiệp, thương mại và dịch vụ đã đóng góp hơn 80% GDP, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước.
Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, bên cạnh những thuận lợi, khó khăn chung của cả nước, ngành Công Thương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là Ban cán sự Đảng nhiệm kỳ Khóa XI và một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ đã mắc phải những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng đến mức bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên trong ngành. Nhiều tồn tại, yếu kém của nhiệm kỳ trước được phát hiện và phải tập trung ưu tiên xử lý, khắc phục hậu quả.
Mặc dù vậy, ngành Công Thương đã xốc lại đội ngũ, nỗ lực phấn đấu, vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ được giao, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Ngành Công Thương đã quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng nội bộ đoàn kết trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, có nhiều tìm tòi sáng kiến trong chỉ đạo điều hành.
Tổng Bí thư đề nghị, ngành Công Thương không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, phát huy khí thế mới, quyết tâm mới để tiếp tục phát triển đi lên. Năm 2018 là năm thứ ba của nhiệm kỳ khóa XII - năm bản lề quyết định thắng lợi của việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm do Đại hội XII của Đảng đề ra. Tổng Bí thư lưu ý, ngành Công Thương cần nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương có tính chiến lược của Đảng; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình trong nước và thế giới, để không chuệch choạc về đường lối, không bị động bất ngờ, chủ động tham mưu, đề xuất, vững vàng về tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN, xử lý tốt mối quan hệ Nhà nước - thị trường - xã hội...
Toàn ngành phải tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến ngành Công Thương theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư mong muốn, ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - đó chính là xây dựng cơ chế chính sách, con người, tổ chức trong sạch vững mạnh, đồng tâm nhất trí, bố trí sử dụng cán bộ đúng đắn, khắc phục tình trạng chán Đảng, khô đoàn, nhạt chính trị… Tổng Bí thư nhắc nhở: “Đừng hiểu xây dựng Đảng chỉ là đi học nghị quyết”, đồng thời nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng là “then chốt của then chốt”, trong đó công tác cán bộ là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và phạm vi, đối tượng lãnh đạo quản lý rất rộng, phức tạp, ngành Công Thương luôn phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; có cơ chế, chính sách phù hợp để phát hiện, đào tạo, trọng dụng nhân tài; phát huy dân chủ cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ.../.
Đại sứ Việt Nam tại Algeria đánh giá triển vọng hợp tác song phương  (11/07/2018)
Việt Nam dự họp Hội đồng Bảo an về bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang  (11/07/2018)
Triển khai thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội  (11/07/2018)
Khai mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (11/07/2018)
Thủ tướng chủ trì Họp Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng đặc khu kinh tế  (10/07/2018)
Xem xét nhiều nội dung tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/07/2018)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên