Thủ tướng hội đàm với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, bà San Suu Kyi đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Myanmar bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 đến 20-4.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi trên cương vị Cố vấn Nhà nước, trong bối cảnh hai bên vừa thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện vào tháng 8-2017.
Chiều 19-4, lễ đón Cố vấn Nhà nước Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi đã diễn ra long trọng tại Phủ Chủ tịch.
Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với bà Aung San Suu Kyi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng bà Aung San Suu Kyi thăm chính thức Việt Nam; chúc mừng những thành tựu Chính phủ Myanmar đạt được trong thời gian qua; khẳng định ủng hộ Myanmar trong tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng thành công đất nước Myanmar hòa bình, ổn định và phát triển.
Cố vấn Nhà nước Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi bày tỏ vui mừng sang thăm chính thức Việt Nam; chúc mừng những thành tựu quan trọng Việt Nam đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là trong bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ và Cố vấn Nhà nước Myanmar bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Myanmar trong hơn 40 năm qua, vốn được gây dựng bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng Ong San, được các thế hệ sau dày công vun đắp; cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác hợp tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 8-2017 đã đưa quan hệ hai nước sang trang mới.
Hợp tác chính trị đã có được sự hiểu biết và tin cậy quan trọng. Hợp tác an ninh, quốc phòng được duy trì hiệu quả. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar.
Về định hướng quan hệ hai nước phát triển trong giai đoạn mới, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị ngoại giao thông qua việc đẩy mạnh các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, giao lưu nhân dân; thúc đẩy tổ chức Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Myanmar; đồng thời sớm thông qua Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar giai đoạn 2018 - 2023, làm cơ sở triển khai thực chất và hiệu quả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.
Lãnh đạo hai nước cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại, đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi; khẳng định tăng cường hợp tác và tìm kiếm những phương thức mới nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỷ USD và cao hơn nữa.
Phía Myanmar đánh giá cao các dự án đầu tư của Việt Nam tại Myanmar góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững, nâng cao mức sống người dân Myanmar.
Bà Cố vấn đánh giá cao những chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kinh nghiệm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và cho rằng Myanmar sẽ xây dựng các chính sách thương mại, đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.
Hai bên đánh giá cao những bước phát triển gần đây trong hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời nhất trí bên cạnh việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, hai bên sẽ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như đào tạo, quân y, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu thể thao; nhất trí tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng trong năm 2018; thúc đẩy đàm phán để sớm ký Thỏa thuận Phòng chống tội phạm cũng như các thỏa thuận/hiệp định khác như Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn tiếp tục phát huy những lĩnh vực hợp tác quan trọng khác gồm tài chính, viễn thông, năng lượng, nông - lâm - ngư nghiệp, giao lưu nhân dân; hoan nghênh việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, tư pháp, giáo dục, văn hóa; nhất trí sớm ký các thoả thuận nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
Bên cạnh hợp tác song phương, lãnh đạo hai nước đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Phong trào Không liên kết, Liên hợp quốc; cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực; tăng cường hợp tác sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mekong, nhất là trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mekong. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ Myanmar sớm trở thành thành viên chính thức Ủy hội sông Mekong (MRC).
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và hiểu biết lẫn nhau. Cố vấn Nhà nước Myanmar chân thành cảm ơn Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình và trân trọng mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Myanmar vào thời gian thuận tiện.
Ngay sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã chứng kiến lễ ký kết hai văn kiện hợp tác giữa hai nước gồm: Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực thông tin.
Cùng ngày, Cố vấn Nhà nước Myanmar đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ./.
Thủ tướng sẽ thăm chính thức Singapore, dự Hội nghị cấp cao ASEAN  (20/04/2018)
Việt Nam hoan nghênh Hàn Quốc và Triều Tiên thúc đẩy đối thoại  (20/04/2018)
Thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long với các đối tác Nhật Bản  (20/04/2018)
Phản ứng của Việt Nam về thông tin Mỹ xem xét gia nhập CPTPP  (20/04/2018)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên