TCCSĐT - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chúc mừng Thái Lan đã và đang đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2019 với tinh thần tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bắt tay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha_Ảnh: TTXVN

Ngày 31-7, tại Bangkok, trước phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã chào xã giao Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.

Trong phát biểu dẫn đề với tư cách nước Chủ tịch kế tiếp của ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ASEAN đang ngày càng phát triển lớn mạnh, gắn kết chặt chẽ với vai trò trung tâm và vị thế quốc tế được củng cố, tiến trình xây dựng Cộng đồng được triển khai tích cực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, trước những chuyển động phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, ASEAN cần vững vàng, đoàn kết, tự cường, đề cao thượng tôn pháp luật để tiến bước, ứng phó hiệu quả với biến động của tình hình khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chúc mừng Thái Lan đã và đang đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2019 với tinh thần chủ đề của năm là: “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững” và khẳng định sự ủng hộ tích cực của Việt Nam đối với các nỗ lực của Thái Lan theo hướng này.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định là nước Chủ tịch ASEAN kế tiếp, Việt Nam sẽ tiếp tục tinh thần và động lực của năm 2019 để tăng cường thống nhất và gắn kết ASEAN, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh, phát triển toàn cầu.

AMM-52 sau đó đã chính thức khai mạc sáng 31-7 tại Bangkok với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN, Tổng thư ký ASEAN cùng Bộ trưởng Ngoại giao một số nước khách mời của Chủ tịch. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Lễ khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nhấn mạnh, với chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững”, ASEAN cần hướng tới xây dựng Cộng đồng bền vững trên cả ba trụ cột, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để đạt được mục tiêu đó, ASEAN cần củng cố các cơ chế do ASEAN đóng vai trò chủ đạo và dẫn dắt, đẩy mạnh các quan hệ đối tác và thúc đẩy phát triển bền vững, kết nối các sáng kiến kết nối, cũng như nâng cao vai trò và vị thế quốc tế. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục tăng cường nỗ lực để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực dựa trên tin cậy lẫn nhau, hiểu biết chung và hợp tác cùng có lợi.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai khẳng định một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và giữ vai trò trung tâm là nhân tố chủ đạo trong ổn định và phát triển ở khu vực.

Trước tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến nhanh chóng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đề xuất ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nội khối cũng như với các đối tác, tận dụng tối đa các cơ hội mang lại để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân, cũng như nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với những thách thức đang nổi lên.

Sau lễ khai mạc, đã diễn ra phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN để thảo luận các vấn đề liên quan tới xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại, chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với đối tác vào cuối năm, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. AMM-52 đã mở đầu cho loạt hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với đối tác.

Diễn ra trong các ngày từ 30-7 đến 3-8, các hội nghị sẽ có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và 27 đối tác, cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước khách mời.

Chiều 31-7 và ngày 1-8 sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với 10 Đối tác đối thoại (Trung Quốc, Nga, New Zealand, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Canada, Mỹ, Liên minh châu Âu, và Hàn Quốc).

** Trước đó, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan, tại Bangkok, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Tại hội nghị, các nước ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò và ý nghĩa của Hiệp ước SEANWFZ, thể hiện mong muốn và quyết tâm chung gìn giữ khu vực Đông Nam Á hoàn toàn không có các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các nước nhất trí đẩy mạnh nỗ lực triển khai đầy đủ, hiệu quả Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANWFZ giai đoạn 2018 - 2022 trên cả 4 nội dung, gồm:

Tuân thủ các cam kết nêu trong Hiệp ước, gồm tham gia đầy đủ các văn kiện quốc tế về chống phổ biến và giải trừ vũ khí hủy diệt, hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Tiếp tục tham vấn với 5 nước có vũ khí hạt nhân về việc gia nhập Nghị định thư của Hiệp ước, qua đó bảo đảm các nước này cam kết tôn trọng khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.

Tăng cường hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các đối tác khác nhằm tranh thủ chuyên môn, kỹ thuật, đồng thời tích cực thúc đẩy vai trò, uy tín của SEANWFZ tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, cũng như sớm xúc tiến ký kết văn bản hợp tác giữa Mạng lưới cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử của ASEAN (ASEANTOM) với IAEA vào tháng 9-2019 để chính thức hóa quan hệ giữa hai bên. Thúc đẩy các cơ quan chuyên môn của ASEAN tham gia triển khai những nội dung phù hợp nêu trong Hiệp ước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của SEANWFZ đối với việc bảo đảm khu vực hoàn toàn không có các loại vũ khí hạt nhân và hủy diệt hàng loạt.

Nhất trí với việc tiếp tục nỗ lực triển khai Kế hoạch hành động 2018 - 2022, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh, an toàn hạt nhân ở khu vực, trong đó chú trọng nâng cao khả năng ngăn ngừa và sẵn sàng ứng phó với sự cố phóng xạ, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách về năng lượng nguyên tử và về cứu trợ, ứng phó thiên tai, sự cố.

Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục đề cao vai trò và đóng góp của SEANWFZ vào nỗ lực chung của quốc tế trong chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN nỗ lực hơn nữa, có các giải pháp sáng tạo để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho 5 nước có vũ khí hạt nhân ký Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ./.