Thúc đẩy kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia
TCCSĐT - Trong những năm qua, các địa phương ven biển, các huyện đảo luôn tích cực thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược, đó là phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo đặc sắc
Huyện Côn đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ nằm giữa đại dương với diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 76 km2. Huyện Côn Đảo có bờ biển dài 200 km, có nhiều bãi tắm đẹp như: bãi Đất Dốc, Bãi Cạnh, bãi Đầm Trầu, bãi Hòn Cau, bãi Hòn Tre... Thêm vào đó là vườn Quốc gia Côn Đảo diện tích gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm. Côn Đảo còn có di tích đặc biệt cấp quốc gia nổi tiếng “Nhà tù Côn Đảo” - ghi dấu một giai đoạn lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ngoại xâm của các thế hệ cha anh. Đó là trại Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình; chuồng cọp, chuồng bò cùng khu nhà Chúa Đảo và khu nghĩa trang Hàng Dương nơi chôn cất 20.000 tù nhân chủ yếu là các chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngoài ra, môi trường sống ở Côn Đảo rất trong lành, nhiệt độ bình quân khoảng 26 - 27 độ C, mát mẻ quanh năm…
Với vị trí địa lý, lịch sử chiến lược, cùng với những giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, cộng với thiên nhiên ưu đãi, trong những năm qua. Đảng bộ và nhân dân Côn Đảo đã và đang ra sức thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đặc biệt, Côn Đảo đã tận dụng lợi thế, phát triển du lịch với các loại hình phong phú như: Du lịch tắm biển nghỉ ngơi, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái (lặn, câu cá, leo núi, tham quan rừng biển, sinh vật biển...). Năm 2011, Côn Đảo đã được Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) bầu chọn là 1 trong 10 hòn đảo hoang sơ, bí ẩn và đẹp nhất thế giới. Trong nước, Côn Đảo là 1 trong số hơn 20 khu du lịch quốc gia của Việt Nam được đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên (rừng và biển). Theo Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, năm 2017, Côn Đảo đã đón và phục vụ xấp xỉ 244.000 lượt khách (tăng 46% so với năm 2016), trong đó khách quốc tế đạt khoảng trên 31.000 lượt; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch toàn huyện đạt trên 1.100 tỷ đồng.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030, Côn Đảo đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành “Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế”.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Côn Ðảo trong 5 năm tới, Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo đang triển khai các nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển Côn Ðảo theo những mục tiêu đề ra. Các ngành kinh tế như tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp được quy hoạch, định hướng phát triển nhằm mục tiêu phục vụ phát triển du lịch. Huyện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch… tương ứng với tốc độ phát triển lượng khách đến Côn Ðảo.
Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Côn Ðảo đầu tư gần 70 công trình dự án phục vụ dân sinh và phát triển du lịch; hoàn thiện và nghiên cứu đầu tư hệ thống giao thông đường bộ nội đảo, gồm cả đảo Côn Sơn, đảo Hòn Bà, đảo Bảy Cạnh, đảo Hòn Cau cũng như hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường và các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Huyện đang thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp con đường huyết mạch từ trung tâm đi Cỏ Ống và từ trung tâm đến Bến Ðầm nhằm bảo đảm an toàn lưu thông cho người dân và hướng đến mục tiêu phát triển du lịch của huyện đảo.
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường các biện pháp quản lý dịch vụ văn hóa du lịch, bảo đảm phát huy các yếu tố lợi thế của địa phương, bảo đảm du lịch phát triển bền vững; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa cũng như chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Cửa Lò khẳng định thương hiệu đô thị du lịch biển văn minh
Từ một làng chài hoang sơ, ngày nay Cửa Lò đã trở thành một đô thị du lịch trẻ trung năng động, sầm uất. Thương hiệu du lịch Cửa Lò được khẳng định trong lòng bè bạn, du khách trong nước và quốc tế.
Nằm cách sân bay thành phố Vinh khoảng 10 km, Cửa Lò có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ và nguồn hải sản phong phú; bãi biển dài gần 10 km, với cát mịn, nước biển trong xanh và rừng phi lao xanh tốt chạy ngút ngàn… là những thế mạnh để Cửa Lò phát triển du lịch. Để khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh của mình, bên cạnh việc ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, Cửa Lò đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch kể cả gián tiếp và trực tiếp. Hằng năm, Cửa Lò đã bố trí các nguồn vốn để xây dựng công trình phục vụ du lịch và an sinh xã hội. Đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển, đào tạo mới và đào tạo lại nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch biển, đảo.
Nếu như những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Cửa Lò chỉ là những làng chài bé nhỏ, nguồn sống chủ yếu là đánh bắt hải sản ven bờ, chưa có khái niệm phát triển du lịch, thì nay Cửa Lò đang ngày càng được thay da đổi thịt bởi sự phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, hệ thống khách sạn cao tầng hiện đại và nhiều khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Trong đó nhiều công trình đã trở thành điểm nhấn như: Quảng trường Bình Minh, đảo Song Ngư... cùng với đó là hệ thống thảm cỏ xanh mát, hệ thống kiot được quy hoạch sạch đẹp phía đông đường Bình Minh - con đường chính vào thị xã...
Xác định yếu tố quan trọng nhất trong việc thu hút khách du lịch biển là tạo sự khác biệt, vì vậy, từ năm 2005, Cửa Lò đã kịp hình thành nhiều tour du lịch hấp dẫn, như: Cửa Lò - Quê Bác; Cửa Lò - Sông Lam - Đền Củi; Cửa Lò-Vinh - Khu di tích Kim Liên - rừng nguyên sinh Pù Mát; du thuyền vãn cảnh đảo Lan Châu - động Rùa - đảo Tiên; Cửa Lò - cửa khẩu Cầu Treo - Lạc Xao…
Sức hấp dẫn của Cửa Lò đối với du khách không chỉ là tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức đặc sản biển, với nguồn hảỉ sản phong phú mà còn có thể tham gia các hoạt động thể thao, như: bơi, lặn, lướt sóng, bóng chuyền bãi biển, mô tô nước...; thăm quan các khu chợ đêm chuyên bán hàng hải sản; ghé thăm các làng nghề khai thác, chế biến thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, như: làng nghề nước mắm Hải Giang, làng nghề mây tre đan Nghi Phong, làng đóng tàu Nghi Thiết với lịch sử hàng trăm năm; khám phá rừng bần Hưng Hoà, một hệ sinh thái biển đặc trưng hứa hẹn trở thành điểm du lịch sinh thái biển.
Với quyết tâm cao và những chính sách cụ thể, hợp lý, đồng bộ, du lịch Cửa Lò đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Thương hiệu du lịch Cửa Lò dần trở nên nổi tiếng trong lòng bè bạn, du khách trong nước và quốc tế. Tháng 4-2014, Cửa Lò được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước. Cũng trong năm 2014, Cửa Lò đón hơn 2,2 triệu khách du lịch, doanh thu từ kinh doanh du lịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng. Năm 2015, thực hiện tốt phương châm “du lịch Cửa Lò kỷ cương-thương hiệu”, doanh thu du lịch tăng 30,6% so với năm 2014, đạt 2.260 tỷ đồng; lượt khách tăng 15,7% (đạt gần 2,5 triệu). Mùa du lịch 2016, Cửa Lò đạt được nhiều thành quả trong thực hiện chương trình phát triển của mình, thị xã đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Công tác quảng bá về du lịch, mức độ an toàn của môi trường biển Cửa Lò được cập nhật thường xuyên, kịp thời và công khai tới du khách. Đồng thời, công tác vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên, bảo đảm xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo... khiến du khách cảm nhận được sự thoải mái, bình yên, an toàn. Năm 2016 khép lại với lượng khách đạt 1.652 nghìn lượt, trong đó có 4.521 lượt khách quốc tế, đạt doanh thu 1.420 tỷ đồng.
Mùa du lịch biển Cửa Lò 2017, với chủ đề “Cửa Lò hội tụ và tỏa sáng”, Cửa Lò đón tổng lượng khách là 2 triệu 470 nghìn lượt người, đạt 136% so với kế hoạch, trong đó đón khoảng 5.500 lượt khách nước ngoài. Cùng với đó, trong năm 2017, Cửa Lò có thêm 5 cơ sở lưu trú được xây mới, nâng tổng số khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn lên 283 đơn vị, có khả năng phục vụ 22.000 lượt người/ngày đêm. Mặc dù đã trở thành mũi nhọn phát triển của tỉnh, nhưng tiềm năng của Cửa Lò còn rất lớn. Cửa Lò đang vươn mình để trở thành điểm đến hấp dẫn trên Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) - một thành phố du lịch biển xanh - sạch - đẹp, sánh vai cùng các điểm du lịch lớn trên khắp cả nước. Cửa Lò còn phát triển nhanh, mạnh và tiếp tục ghi dấu những ấn tượng đẹp về một đô thị du lịch biển văn minh, hiếu khách với bạn bè quốc tế.
Đảo Mắt vững chãi giữa biển khơi
Đảo Mắt thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, gồm hai hòn đảo nối với nhau, từ đất liền nhìn ra như cặp mắt, nên dân gian gọi là đảo Mắt. Và đúng như tên gọi, đảo Mắt là mắt biển, nơi canh giữ biển trời, nơi bảo vệ ngư dân trên biển… Sách Nghệ An ký của Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch (thời cuối Lê đầu Nguyễn) có viết: “Đó là một hòn đảo nhỏ, án ngữ một vùng của biển Đan Nhai, trông vào đất liền, canh giữ kẻ xâm lăng dòm ngó”. Theo các nhà quân sự thì đảo Mắt với vị trí, độ cao chiến lược, chính là “con mắt” gìn giữ bình yên suốt cả vùng duyên hải Bắc Trung Bộ.
Đảo Mắt có diện tích tự nhiên là 2,2 km2, nằm cách đất liền 24 km. Với độ cao 218m so với mực nước biển, đảo Mắt có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ. Cấu tạo địa chất của đảo Mắt gần như hoàn toàn là đá, những hòn đá gối chồng lên nhau. Thế nhưng đảo Mắt vẫn được bao phủ bởi một thảm thực vật khá phong phú. Ở đây có loài sung được xem là biểu tượng của đảo. Sung mọc lên từ những kẽ đá. Thân cây sung không cao lớn như sung ở đất liền nhưng lại hết sức rắn rỏi và vững chãi. Cùng với loài sung, cây đa cũng mọc khá nhiều. Những cây đa cổ thụ, rễ ôm lấy từng khối đá như tinh thần và sức mạnh của những người lính đảo quanh năm đối mặt với sóng gió.
Tháng 3-1963, Đại đội 32 của Sư đoàn 324 đã có mặt tại đảo Mắt để bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Trên đảo hiện có nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh giữ đảo và bảng ghi truyền thống về một thời oanh liệt của Đại đội 32: đã đánh 297 lượt máy bay, 64 trận với tàu chiến, bắn cháy 10 khu trục hạm, 2 tàu dương hạm, 1 tàu biệt kích, đánh giải vây cho 3.210 lượt thuyền, cứu vớt 172 người bị nạn… Trong giai đoạn 1965 - 1973, giặc Mỹ ngày đêm dội bom, bắn tên lửa xuống đảo hòng tiêu diệt lá chắn của đất liền, nhưng không thể khuất phục được đảo. Năm 1973, đảo Mắt vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trên đảo hiện có đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bia ghi lại dấu ấn trong thời kỳ chống Mỹ với những thành tích đáng tự hào.
Trên đảo có ngọn hải đăng cao 201,8 m được hoàn thành năm 2004, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng xác định đúng hướng.
Trên đảo Mắt còn có cột cờ chủ quyền Tổ quốc, được khánh thành năm 2015. Đây là một trong những công trình của tuổi trẻ Việt Nam hướng về biển đảo quê hương. Lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay là lời thề sắt son của người lính đảo với nhiệm vụ canh giữ biển trời quê hương, đồng thời cũng là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Ngày nay, đảo Mắt đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi bởi những nỗ lực vượt khó của những người lính, người dân bám đảo và sự quan tâm của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An. Cuộc sống của người lính trên đảo Mắt tuy còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn ngày đêm vững vàng nơi đầu sóng, với niềm tin được gửi trao từ đất liền yêu dấu. Các chiến sĩ trên đảo luôn làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển của Tổ quốc./.
Thế giới thắt chặt an ninh dịp đón năm mới 2018  (30/12/2017)
Bulgaria đối mặt nhiều vấn đề nóng khi giữ chức Chủ tịch luân phiên EU  (30/12/2017)
Phát triển nguồn nhân lực: Nhu cầu lao động dịp cuối năm tăng cao  (30/12/2017)
10 sự kiện nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2017  (30/12/2017)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên