TCCSĐT - Sáng nay, 5-8-2010, Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu (5-8-1930 - 5-8-2010) và đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã đọc diễn văn khai mạc Lễ Kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Diễn văn khai mạc của đồng chí Tạ Ngọc Tấn.

Kính thưa: Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước! Các nhà báo lão thành!

Thưa các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên Tạp chí Cộng sản!

Thưa các quý vị đại biểu và các đồng chí!

Vào đúng ngày này cách đây 80 năm (5-8-1930), Tạp chí Đỏ (tiền thân của Tạp chí Cộng sản ngày nay) mà người sáng lập và trực tiếp phụ trách là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã ra số đầu tiên.

Trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành 80 năm qua, Tạp chí Cộng sản luôn gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng, trở thành một bộ phận không thể tách rời của lịch sử Đảng, phản ánh sinh động sự phát triển lý luận, trình độ tổng kết thực tiễn của Đảng ta.

Kính thưa các đồng chí!

Từ năm 1930 đến năm 1954, do trong điều kiện hoạt động bí mật, dưới sự cấm đoán và khủng bố của địch, Tạp chí Cộng sản không ra được liên tục và đều kỳ. Trong giai đoạn này, Trung ương Đảng ta đã cho xuất bản tạp chí dưới nhiều tên gọi khác nhau:

Hội nghị thành lập Đảng họp từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã quyết định xuất bản một tạp chí lý luận chung cho toàn Đảng và ba tờ báo tuyên truyền ở ba xứ. Thực hiện quyết định đó, Tạp chí Đỏ được xuất bản ở nước ngoài, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo viết bài, biên tập và in ấn. Tuy nội dung và hình thức còn đơn giản, nhưng Tạp chí Đỏ đã mang tính chất của một tạp chí lý luận của Đảng; đã góp phần hướng dẫn nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn đầu khi Đảng ta mới thành lập.

Tạp chí Cộng sản do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú trực tiếp phụ trách, ra số 1 ngày 1-2-1931, ngay sau Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng. Tháng 4-1931, cơ quan Trung ương Đảng bị khủng bố, đồng chí Trần Phú bị bắt, Tạp chí Cộng sản phải đình bản.

Tạp chí Bôn-sơ-vic được xuất bản theo quyết định của Ban chỉ huy ở nước ngoài của Đảng trong cuộc họp với các đại biểu các đảng bộ trong nước 6-1934. Ban đầu, Tạp chí Bôn-sơ-vic là “cơ quan lý thuyết của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương (phân bộ của Quốc tế Cộng sản)”, đồng chí Hà Huy Tập được phân công chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-víc. Sau Đại hội lần thứ nhất của Đảng, tháng 3-1935, Tạp chí được đổi thành “cơ quan lý thuyết của Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng, được xuất bản vào cuối tháng 9-1941, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách.

Đầu năm 1943, Tạp chí Cộng sản được xuất bản lại theo quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí đã đăng các văn kiện, bài viết quan trọng về tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong nước và thế giới, và đã có hướng dẫn quần chúng vào những nhiệm vụ chủ yếu lúc đó là xây dựng lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 8-1947, trong bối cảnh toàn dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng quyết định xuất bản Tạp chí Sinh hoạt nội bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Đảng và tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng. Tạp chí là “cơ quan trung ương huấn luyện công tác và lý luận” do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách.

Tháng 7-1950, theo quyết định của Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng họp tại Việt Bắc từ ngày 21-1-1950 đến ngày 3-2-1950, Tạp chí Cộng sản lại được xuất bản thay cho Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, và do đồng chí Trường Chinh làm chủ nhiệm. Sau đó 1 năm, tháng 7-1951, tạp chí Nghiên cứu, cơ quan lý luận của Trung ương cục miền Nam, cũng được xuất bản.

Sau thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1955, trong điều kiện Đảng cầm quyền, tạp chí lý luận của Đảng được xuất bản liên tục đều kỳ hằng tháng.

Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng (khóa II), tháng 3-1955, đã ra nghị quyết xuất bản tạp chí Học tập. Ban biên tập Tạp chí được thành lập, gồm 4 đồng chí: Trường Chinh, Tổng Biên tập; các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hà Huy Giáp, ủy viên ban biên tập, đồng chí Trần Quang Huy, thư ký toàn soạn. Tạp chí Học tập ra số đầu tiên vào tháng 12-1955 và liên tục xuất bản dưới tên gọi Học tập cho đến hết năm 1976.

Là cơ quan lý luận và chính trị của Đảng, do Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo, tạp chí Học tập đã tuyên truyền tập trung cho đường lối chống Mỹ, cứu nước và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Tạp chí đã góp phần đắc lực vào việc thực hiện các nhiệm vụ: sửa sai và hoàn thành cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức; công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa... Cùng với việc phục vụ công tác xây dựng Đảng, tạp chí đã tích cực đấu tranh chống những tư tưởng sai lầm trong một bộ phận cán bộ, góp phần nâng cao phẩm chất cách mạng cho đội ngũ đảng viên, củng cố đoàn kết nhất trí trong Đảng và trong toàn Dân tộc. Tạp chí đã tích cực tuyên truyền đường lối đối ngoại và quan điểm quốc tế của Đảng, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ sự đoàn kết quốc tế, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bên cạnh tạp chí Học tập - tạp chí lý luận chung của toàn Đảng, trong những năm 1962-1975 còn có tạp chí Tiền phong, do Trung ương cục miền Nam của Đảng xuất bản, làm tài liệu nghiên cứu cho cán bộ có trình độ tương đương từ quận ủy trở lên.

Đại hội IV của Đảng họp vào tháng 12-1976 đã vạch ra đường lối của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước và quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngày 5-1-1977, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) ra Nghị quyết số 01/NQ-TW đổi tên tạp chí Học tập thành Tạp chí Cộng sản bắt đầu từ tháng 1-1977.

Nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản như Chỉ thị số 32/CT-TƯ ngày 7-1-1978 của Bộ Chính trị nêu rõ là: “... đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm cơ sở, kết hợp chặt chẽ lý luận Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để tuyên truyền đường lối, chính sách và các quan điểm của Đảng một cách sâu sắc”. Tạp chí phải “vận dụng lý luận Mác - Lê-nin, phân tích những chủ trương, chính sách của Đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ và đảng viên về tư tưởng, chính sách và quan điểm của Đảng, phê phán những khuyết điểm, sai lầm trong khi thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra và phân tích những sai lầm, khuyết điểm, trong đó có những sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, đã quyết định phải tiến hành đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên tinh thần đó, Tạp chí Cộng sản đã đổi mới cả nội dung và hình thức, kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tế, coi trọng yêu cầu của đông đảo bạn đọc. Một mặt, Tạp chí luôn bám chắc đường lối và các chính sách của Đảng và Nhà nước, kiên quyết bảo vệ các quan điểm của Đảng, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, nâng cao vai trò lý luận của tạp chí, bám sát thực tế của đất nước và tình hình thế giới. Mặt khác, tạp chí đã mạnh dạn đổi mới cả về nội dung và hình thức, tạo nên một không khí cởi mở, tự do tư tưởng, dân chủ thảo luận trên tạp chí, dám nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn phân tích, góp phần tích cực vào việc làm sáng tỏ đường lối và các quan điểm của Đảng.

Đặc biệt, giai đoạn từ 2000 đến nay, Tạp chí Cộng sản đã có bước phát triển mới. Tháng 9 năm 2001, Tạp chí Cộng sản điện tử đã ra đời, trở thành “cánh tay nối dài” của Tạp chí in; là một kênh thông tin, kho dữ liệu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; phản ánh hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trên mạng Internet. Từ quý IV năm 2006, bên cạnh Tạp chí Cộng sản truyền thống xuất hiện Tạp chí Cộng sản chuyên đề cơ sở và Chuyên san Hồ sơ sự kiện.

Tạp chí Cộng sản chuyên đề cơ sở ra vào ngày 16 hằng tháng. Mục đích của Chuyên đề cơ sở là phát hiện kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, phản ánh và tổng kết các mô hình, điển hình tiên tiến, góp phần hướng dẫn việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Từ tháng 1 năm 2007, Hồ sơ sự kiện bắt đầu ra đều kỳ mỗi tháng 2 số, đến đầu quý II năm 2009 chuyển thành tuần san, phát hành vào thứ sáu hằng tuần trên toàn quốc. Nội dung chính của Hồ sơ sự kiện đề cập những vấn đề, sự kiện nổi bật, chủ yếu là những vấn đề, sự kiện quốc tế, chú trọng khai thác, sử dụng những thông tin khách quan để đấu tranh trực diện trên trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức chính trị và tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tạp chí đã có nhiều hình thức, biện pháp khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo của các nhà khoa học, của những cán bộ quản lý có kinh nghiệm, mở ra những mục tranh luận dân chủ về những vấn đề lớn mang tính lý luận và thực tiễn cao. Tạp chí còn dành một tỷ lệ trang nhất định để đăng những ý kiến của bạn đọc góp phần xây dựng Đảng và hoàn chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Ngoài ra, Tạp chí còn có những mục giới thiệu kinh nghiệm của các nước anh em, đọc sách báo nước ngoài, thông tin kịp thời và có chọn lọc những vấn đề mới về lý luận cũng như về thực tiễn trên thế giới cũng như trong phong trào cộng sản và tiến bộ quốc tế... Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản đã cải tiến công tác bạn đọc và phát hành, cải tiến tổ chức và lề lối làm việc của mình, làm cho tạp chí gắn bó hơn với cuộc sống, với bạn đọc, quan hệ mật thiết với các bộ, ban, ngành trung ương, các cấp ủy đảng địa phương.

Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu!

Tạp chí Cộng sản với tư cách là Cơ quan lý luận của Đảng đã trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, luôn luôn hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Các thế hệ cán bộ, biên tập viên, nhân viên của tạp chí đã có nhiều cố gắng nhằm đóng góp vào việc vận dụng, tổng kết và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần to lớn vào công tác giáo dục lý luận chính trị và tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; qua đó để góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, tiếp tục đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.

Liên tục trong nhiều năm, Tạp chí Cộng sản đã giữ vững và tăng cường đoàn kết trong Đảng bộ, trong cơ quan; xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, các tổ chức chính trị xã hội hoạt động có hiệu quả, cán bộ đảng viên, nhân viên phấn khởi hăng say công tác, đưa các hoạt động của Đảng bộ, cơ quan vào thế ổn định, phát triển; chăm lo cải thiện đời sống, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và kiện toàn một bước đội ngũ cán bộ. Tạp chí Cộng sản cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào quy trình biên tập và xuất bản Tạp chí.

Đánh giá về hoạt động của Tạp chí Cộng sản, Chỉ thị số 60 CT/TW, ngày 12-12-2000 của Bộ Chính trị về công tác của Tạp chí Cộng sản trong thời kỳ mới đã khẳng định: “Trong công cuộc đổi mới, Tạp chí Cộng sản đã có nhiều cố gắng trong công tác lý luận, đưa đường lối, quan điểm của Đảng vào cuộc sống, tham gia tổng kết thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội trên thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, tình hình thế giới đã có nhiều biến động phức tạp, Tạp chí đã kiên định đấu tranh chống các quan điểm sai trái và các luận điểm thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng”.

Những thành tích của Tạp chí Cộng sản trong 80 năm qua là kết quả logic của sự nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của công tác lý luận chính trị của Đảng, gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, chặt chẽ và hiệu quả của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; là sự cộng tác, giúp đỡ, ủng hộ của các ban, ngành ở trung ương và các địa phương; sự quan tâm, cộng tác, ủng hộ nhiệt thành của các cộng tác viên, bạn đọc đông đảo trong và ngoài nước, cũng như sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể nhiều thế hệ từ các đồng chí lãnh đạo đến phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công nhân của Bộ Biên tập Tạp chí.

Ghi nhận những thành tựu và đóng góp của Tạp chí Cộng sản, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Tạp chí những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng hai năm 1962, Huân chương Lao động hạng nhất năm 1965, Huân chương Hồ Chí Minh năm 1985 và Huân chương Sao vàng năm 2003.

Cho phép tôi được thay mặt tập thể cán bộ, biên tập viên, công nhân, viên chức Tạp chí Cộng sản bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc nhất tới Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đòan thể, các ban ngành trung ương, các đơn vị kinh tế, lực lượng vũ trang, các cấp ủy địa phương, các đơn vị kết nghĩa và đông đảo bạn đọc vì sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho sự phát triển trưởng thành của Tạp chí Cộng sản!

Kính thưa các đồng chí và các quý vị đại biểu!

Hiện nay, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới. Trước những đòi hỏi, yêu cầu của công tác lý luận trong điều kiện tình hình mới của đất nước cũng như quốc tế, những người làm Tạp chí Cộng sản hiểu rằng cần phải tiếp tục có những cố gắng to lớn về nhiều mặt mới thực hiện được tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng luôn là một ngọn cờ lý luận và tư tưởng của Đảng, đóng góp tích cực và hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tạp chí Cộng sản phải tiên phong trong việc truyền bá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới, phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ, cổ vũ nhân tố mới, đấu tranh chống những hiện tượng lạc hậu, trì trệ và mọi biểu hiện tiêu cực khác; đề cập và chỉ ra phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm, tham gia xây dựng và làm chủ dư luận xã hội, xây dựng sự đòan kết đồng thuận trong xã hội, động viên quần chúng, cán bộ, đảng viên tích cực hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

Để hoàn thành trọng trách đó, Tạp chí Cộng sản sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng mọi mặt, từ nội dung đến hình thức, từ khâu quản lý, chỉ đạo đến viết, đặt, biên tập bài, từ khâu in ấn đến khâu phát hành, từ việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên đến công tác bạn đọc,... Coi trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận, phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Mở rộng và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các ban, ngành ở trung ương và các cấp ủy địa phương, phát triển đội ngũ cộng tác viên, bạn đọc, các đối tác trong và ngoài nước; không ngừng tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, cải thiện đời sống của cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Thưa các đồng chí và các quý vị đại biểu!

Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm ra số đầu, Tạp chí Cộng sản được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là sự ghi nhận xứng đáng đối với những cố gắng không mệt mỏi của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động Tạp chí Cộng sản, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, tạo động lực đưa Tạp chí Cộng sản phát triển lên một bước mới, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của Đảng trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Với niềm phấn khởi, tự hào và vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên của Tạp chí Cộng sản nguyện nỗ lực phấn đấu hơn nữa, nâng cao chất lượng toàn diện để Tạp chí xứng với sự tin tưởng của Đảng, của nhân dân và bạn đọc rộng rãi, luôn là ngọn cờ về tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xin kính chúc các đồng chí, quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!