Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường quan hệ đối tác toàn diện

PGS, TS Hà Mỹ Hương
22:04, ngày 01-11-2017

TCCS - Kể từ khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được bình thường hóa vào năm 1995, mối quan hệ giữa hai nước đã trải qua các đời tổng thống Mỹ: B. Clin-tơn, G.W. Bu-sơ, B. Ô-ba-ma, và được đánh giá là ngày càng thành công trên nhiều phương diện. Với việc Tổng thống Đ. Trăm lên cầm quyền từ đầu năm 2017, xu hướng vận động của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ ra sao, quan hệ giữa hai nước sẽ diễn tiến như thế nào, có những thuận lợi, khó khăn gì? Đây là những vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay.

Bước tiến quan trọng trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao

Sau hơn 20 năm bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực này đã có nhiều bước tiến quan trọng. Hai nước đã từng bước vượt qua những bất đồng, nghi kỵ để tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao. Tính từ năm 2000 đến nay, đã có 9 chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo ba dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ:

Dấu mốc quan trọng thứ nhất là nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7-2013), hai nước ký Tuyên bố chung xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện” với 9 lĩnh vực hợp tác chủ chốt. “Việc hai nước xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện” là một dấu mốc quan trọng, khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai”(1). Nội dung thông qua trong văn bản này cho thấy sự khẳng định của Hoa Kỳ “tôn trọng thể chế chính trị” của Việt Nam. Điều đó tạo cơ sở vững chắc cho thành công của “chuyến thăm lịch sử” tới Hoa Kỳ (tháng 7-2015) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là dấu mốc quan trọng thứ hai, mở ra một trang mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được công bố sau cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma có đoạn: “Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới”(2). Đến tháng 5-2016, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B. Ô-ba-ma tạo dấu mốc quan trọng thứ ba, khi Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Như vậy, vật cản cuối cùng trong quan hệ song phương đã được xóa bỏ, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, đồng thời gửi đi một thông điệp nhiều ý nghĩa về việc tăng cường lòng tin chiến lược và sự thắt chặt quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới. Nói chung, chuyến thăm được đánh giá đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ với Việt Nam”(3). Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Đ. Trăm, ngay từ cuối tháng 5-2017 (nghĩa là chỉ 4 tháng sau khi ông Đ. Trăm lên cầm quyền), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên và thứ ba châu Á (sau Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình) có cuộc hội đàm với Tổng thống Đ. Trăm tại Nhà Trắng, “để đề ra lộ trình cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, dựa trên những động lực tích cực của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”(4). Nội dung của Bản Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ được công bố ngày 31-5-2017 sau hội đàm đã kế thừa hầu hết những thành quả và những tiến bộ đã đạt được trong hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Như vậy, có thể dự báo quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao trong nhiệm kỳ của Tổng thống Đ. Trăm nhìn chung sẽ tiếp tục diễn tiến thuận lợi.

Kinh tế - thương mại: Lĩnh vực hợp tác thành công nhất

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước. Trong hơn 20 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 90 lần, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên 36 tỷ USD (năm 2014), 45,1 tỷ USD (năm 2015) và 47,15 tỷ USD (năm 2016), trong đó Việt Nam luôn xuất siêu sang Hoa Kỳ và Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm nay. Năm 2015, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ gần 31 tỷ USD(5); năm 2016: 29,75 tỷ USD; 4 tháng đầu năm 2017: hơn 9,42 tỷ USD(6). Hoa Kỳ tuy nhập siêu, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam cũng tăng bình quân 22,2%, từ 352 triệu USD (năm 2000) lên 8,7 tỷ USD (năm 2016)(7).

Mặc dù Tổng thống Đ. Trăm ngay trong ngày đầu tiên nắm quyền đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một Hiệp định mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng - nhưng qua kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể nhận thấy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực kinh tế - thương mại không vì thế mà chịu nhiều ảnh hưởng. Bản Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 31-5-2017 nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo cam kết tích cực tăng cường quan hệ kinh tế cùng có lợi và ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy thịnh vượng cho cả hai nước”; đặc biệt là “triển khai có hiệu quả Hiệp định khung về thương mại và đầu tư để xử lý các vấn đề trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ theo tinh thần xây dựng”(8). Từ những cam kết như vậy, có thể hy vọng quan hệ giữa hai nước trên lĩnh vực kinh tế - thương mại sẽ phát triển khả quan. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên cũng đã ký các hợp đồng và văn bản thỏa thuận hợp tác thương mại và đầu tư trị giá tới 15 tỷ USD, chủ yếu là Hoa Kỳ xuất khẩu thiết bị, máy móc để đưa vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam(9). Về đầu tư, đến nay Hoa Kỳ có 850 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn trên 10 tỷ USD, xếp thứ 9 trong số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Những cải cách gần đây của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ và ngược lại sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây cũng sẽ mở ra những triển vọng mới về dòng vốn của Việt Nam đầu tư sang Hoa Kỳ”(10).

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, Tổng thống Đ. Trăm luôn coi thâm hụt thương mại của Mỹ trong quan hệ kinh tế với các đối tác là một vấn đề lớn bởi thâm hụt thương mại đã làm Hoa Kỳ thua thiệt hơn và các đối tác được hưởng lợi nhiều hơn. Với Việt Nam cũng vậy, những con số thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ trên dưới 30 tỷ USD mỗi năm trong quan hệ kinh tế giữa hai nước và việc Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước xuất siêu sang Mỹ là nỗi lo lắng, quan tâm của Tổng thống Đ. Trăm. Do đó, theo nhận định của giới nghiên cứu, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm sẽ áp dụng các biện pháp để giảm thâm hụt thương mại với Việt Nam. Các biện pháp bảo hộ, các rào cản thương mại dưới các hình thức, như cáo buộc bán phá giá, vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm... có lẽ sẽ được nghiên cứu để áp dụng tối đa. Nếu điều đó xảy ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, đối với Việt Nam, lợi ích mong muốn của Việt Nam trong quan hệ kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ là, một mặt, không những không giảm mà còn tăng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ; mặt khác, tăng nhập khẩu các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ cường quốc công nghệ này. Song điều đó không hề dễ dàng, bởi Hoa Kỳ nhìn chung khá hạn chế trong việc xuất khẩu công nghệ cao. Vì thế, Việt Nam sẽ phải kịp thời tìm ra những giải pháp để xử lý các tình huống nảy sinh trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ một cách thỏa đáng.

Những thay đổi ấn tượng trong lĩnh vực hợp tác an ninh - quốc phòng

Do lịch sử mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nên quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng không phát triển nhanh, mạnh như các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hợp tác an ninh - quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua cũng có những thay đổi ấn tượng, nếu như lúc ban đầu mới chỉ dừng ở các cuộc tiếp xúc song phương tập trung vào giải quyết vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích (POW/MIA) trong chiến tranh tại Việt Nam, thì sau đó bắt đầu diễn ra các chuyến viếng thăm lẫn nhau của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước và đi cùng với đó là những tiến triển tích cực, thực chất trong việc xử lý hậu quả chiến tranh và những hợp tác trên các phương diện khác. Đặc biệt, ngày 23-5-2016, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thực hiện một bước tiến có ý nghĩa, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin giữa hai bên để tăng cường hợp tác đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh trong khu vực.

Khi Tổng thống Đ. Trăm lên cầm quyền, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực này có những tín hiệu đáng mừng. Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 31-5-2017 ghi: “Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng song phương trên cơ sở Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015”(11). Đây là những văn bản rất quan trọng, từng tạo cơ sở cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực nhạy cảm này. Việc hai bên nhất trí tiếp tục lấy hai văn bản nói trên làm cơ sở cho hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng trong thời gian tới, tạo tiền đề thuận lợi để quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trên lĩnh vực này có những bước phát triển mới. Hơn nữa, giữa hai quốc gia đã có thêm những bước đi mới, thực chất, khi trong Tuyên bố chung ngày 31-5-2017 đã ghi rõ, hai nước nhất trí tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng và thúc đẩy trao đổi thông tin tình báo, điều chưa từng có từ trước tới nay.

Hiệu quả thiết thực trong hợp tác trên một số lĩnh vực khác

Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng là một trong những “điểm sáng”, đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo nền tảng cho những thành tựu mới dưới thời Tổng thống Đ. Trăm. Nếu như năm 1995 mới có khoảng 500 sinh viên Việt Nam sang học tập tại Hoa Kỳ thì hiện nay, số sinh viên, học sinh đang theo học tại Hoa Kỳ đã lên tới hơn 21.000 người, đứng đầu các nước Đông Nam Á, đứng thứ sáu trong số các nước có nhiều sinh viên, học sinh du học tại Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng, số học sinh, sinh viên này là một trong nhữngnguồn lực to lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ của Việt Nam. Đại học Fulbright Việt Nam và Chương trình Hòa bình (Peance Cops) sớm được triển khai tại Việt Nam không chỉ góp phần hỗ trợ các học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp cận nền giáo dục hàng đầu thế giới và thông thạo tiếng Anh hơn nữa, mà còn là những minh chứng cụ thể về sự phát triển quan hệ hai nước. Về phía Hoa Kỳ, số lượng lớn các sinh viên Việt Nam đã và đang theo học ở nước này cũng mang lại những nguồn thu lớn cho ngân sách Hoa Kỳ.

Trong các lĩnh vực hợp tác khác, như khoa học - công nghệ, y tế, giao lưu nhân dân, du lịch, các vấn đề khu vực và toàn cầu... Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã và đang có nhiều dự án hợp tác, nhiều hoạt động nghiên cứu mang lại hiệu quả thiết thực.

Tóm lại, xét từ Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ được công bố sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân phúc và Tổng thống Mỹ Đ. Trăm ngày 31-5-2017, có thể nhận thấy Tổng thống Đ. Trăm không chỉ ghi nhận thành quả hợp tác mà hai nước đã đạt được trong hơn 20 năm qua mà còn cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, để không chỉ củng cố những thành quả đó của mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, mà còn nâng lên tầm cao hơn. Đây là những tín hiệu rất tích cực đối với sự phát triển của quan hệ giữa hai nước.

Từ khi bình thường hóa quan hệ, lợi ích chung giữa hai nước đã và đang ngày càng tăng lên, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Theo nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nền kinh tế hai nước mang tính bổ sung cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh(12); các nhà đầu tư Mỹ rất thông minh và hiểu được giá trị của việc đầu tư vào Việt Nam(13).

Tóm lại, cho dù trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ còn có những khác biệt và nhiều vấn đề tồn tại, nhưng có thể nói, một khi lợi ích tương đồng đã lớn, đã nhiều, thì mỗi bên sẽ biết cách kiềm chế, giảm thiểu những khác biệt để khai thông cho sự hợp tác. Hy vọng rằng với việc ngày càng có nhiều tương đồng về lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ làm cho quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ có một “tương lai tươi sáng”, “sâu sắc, thực chất, hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới” như trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 31-5-2017 đã nêu rõ. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực ở cả ba tầng nấc song phương, khu vực và toàn cầu. Trên nền tảng đó và theo đường hướng được nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, sự phát triển trong thời gian tới của mối quan hệ song phương là phù hợp với xu thế thời đại, có lợi không chỉ cho nhân dân hai nước mà còn cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới./.

---------------------------------------------------

(1) Hà Kim Ngọc: Tầm nhìn mới cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Tạp chí Cộng sản, số 874 (tháng 8-2015), tr. 102
(2) http://vietnamnet.vn/vn/chinhtri/249219/viet-my-ra-tuyen-bo-chung-tam-nhin-quan-he...
(3) Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet ngày 25-5-2016
(4) Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170601/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nan-hoa-ky/1324236html
(5) Lê Nam: “Hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Mỹ: Đánh thức tiềm năng”, http://www.kinhtedothi.vn/kinh-te/tin-tuc/2016/05/8103422E/hop-tac-dau-tu-thuong-mai-viet-my-danh-thuc-tiem-nang
(6), (7) Nguyễn Tuyển: “Thương mại Việt-Mỹ tăng hơn 40 lần sau 16 năm”, dantri.com.vn/kinh-doanh/thuong-mai-viet-my-tang-hon-40-lan-sau-16-năm.201707100750555284.htm
(8) Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, tài liệu đã dẫn
(9) Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quỹ Di sản Hoa Kỳ ngày 31-5-2017
(10) Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quỹ Di sản Hoa Kỳ: Tài liệu đã dẫn
(11) Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ: Tài liệu đã dẫn
(12) Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quỹ Di sản Hoa Kỳ: Tài liệu đã dẫn
(13) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ngày 30-5-2017