“Đánh và đàm” - Giá trị văn hóa quân sự Việt Nam

PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng
22:02, ngày 01-11-2017

TCCSĐT - Lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng cũng rất vẻ vang của dân tộc ta đã chứng minh rằng, trong lịch sử chống ngoại xâm, nhất là trong các cuộc kháng chiến chống lại các đạo quân xâm lược lớn mạnh, có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn, ông cha ta đã luôn biết kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, vừa đánh, vừa đàm để kết thúc chiến tranh.

1- Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1945-1954 và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1954-1975 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, là thắng lợi của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam, nhất là của văn hóa quân sự Việt Nam.

Hai cuộc kháng chiến thần thánh đó của dân tộc ta đánh thắng hai đế quốc lớn đã khẳng định những giá trị văn hóa quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Trong đó “đánh và đàm” là một trong những giá trị văn hóa quân sự rất đặc sắc trong nền nghệ thuật quân sự Việt Nam - một trong những yếu tố cấu thành hệ giá trị văn hóa quân sự Việt Nam.

Vận dụng một cách sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin về chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc vào điều kiện cụ thể của Việt Nam - một nước đất còn nghèo, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng phải chống lại những đạo quân xâm lược lớn, có vũ khí trang bị hiện đại của các nước có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn - Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết đề ra đường lối quân sự độc đáo, sáng tạo, kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, kết hợp giữa “đánh và đàm”.

“Đánh và đàm” - giá trị văn hóa quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam đã được biểu hiện hết sức rõ nét, sinh động, phong phú trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

“Đánh và đàm” là sự kết hợp giữa vừa đấu tranh quân sự, vừa đấu tranh ngoại giao; lấy đấu tranh quân sự làm cơ sở để đấu tranh ngoại giao và đấu tranh ngoại giao để tạo những điều kiện thuận lợi cho đấu tranh quân sự phát triển. Thắng lợi trên mặt trận quân sự, giành thắng lợi lớn trên chiến trường là điều kiện quan trọng để giành thắng lợi trên bàn đàm phán; ngược lại, giành thắng lợi trên bàn đàm phán lại tạo ra những điều kiện thuận lợi để giành thắng lợi trên chiến trường.

Thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa vừa “đánh”, vừa “đàm”, thể hiện vai trò của “đánh”, của đấu tranh trên mặt trận quân sự đối với “đàm”, đối với đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Thực tế đã chỉ rõ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân ta đã từng bước giành thắng lợi trên mặt trận quân sự và cuối cùng với thắng lợi của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ là đòn quân sự có ý nghĩa quyết định đến kết quả cuối cùng của hội nghị Giơ-ne-vơ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết ngoại giao ở hội nghị Giơ-ne-vơ thắng lợi là vì Điện Biên Phủ thắng lớn.

Thực tiễn cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược cũng đã thể hiện sự kế thừa và nâng lên một tầm cao mới về sự kết hợp giữa “đánh và đàm” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào điều kiện lịch sử mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một lần nữa lại chứng minh rõ sự kết hợp chặt chẽ giữa vừa “đánh”, vừa “đàm”, thể hiện vai trò của “đánh”, của đấu tranh trên mặt trận quân sự đối với “đàm”, đối với đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược quân và dân ta đã từng bước giành thắng lợi trên mặt trận quân sự. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Những thắng lợi quân sự của ta trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc và Đông Nam Cam-pu-chia trong năm 1971; các chiến dịch tiến công Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Bình Định, Khu 8 Nam Bộ… trong năm 1972 đã làm Mỹ - Ngụy bị thiệt hại nặng nề. Và cuối cùng, thắng lợi của quân và dân trong trận “Điện Biên Phủ trên không” là đòn quân sự có ý nghĩa quyết định đến kết quả cuối cùng buộc Mỹ phải ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27-01- 1973, tại Pa-ri.

Như vậy, có thể thấy trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chúng ta đã biết kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự để giành thắng lợi trên chiến trường với đấu tranh ngoại giao để giành thắng lợi trên bàn đàm phán; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, giữa “đánh và đàm” để kết thúc chiến tranh. Đó cũng là thể sự hiện sinh động về giá trị văn hóa quân sự Việt Nam - “đánh và đàm” trong thời đại Hồ Chí Minh. Những giá trị văn hóa quân sự đó cần được nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

2- Trong những năm qua, hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn của thế giới, mặt chủ đạo trong quan hệ giữa các nước là hợp tác và đối thoại. Các nước với các chế độ chính trị - xã hội khác nhau đều có xu hướng cố gắng duy trì cục diện hoà bình, cùng nhau hợp tác để ứng phó với các thách thức, nhất là đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Mặt khác, sự hợp tác giữa các nước xung quanh các vấn đề như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu, chống biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh… ngày càng được tăng cường. Tuy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, nhưng thế giới vẫn tồn tại đan xen các loại mâu thuẫn và sự cạnh tranh giữa các quốc gia cũng ngày càng gia tăng.

Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế đã tiến hành những đòn tấn công mới, quyết liệt hơn, nhằm xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại; đồng thời, thông qua các biện pháp kinh tế, chính trị, các cuộc “cách mạng màu” để củng cố chế độ tư bản, xây dựng “thế giới phương Tây” tại các nước thuộc không gian hậu Xô-viết, làm cho tình hình chính trị quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường. Các hoạt động chạy đua vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, hoạt động ly khai dân tộc, hoạt động khủng bố quốc tế, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau đe dọa hòa bình và ổn định của thế giới, khu vực. Các hoạt động tranh chấp lãnh thổ biên giới, biển đảo diễn ra phức tạp. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ yếu. Từ sau khi kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh đến nay, tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương cơ bản ổn định, phát triển năng động và ngày càng có vai trò quan trọng đối với thế giới, đồng thời trở thành khu vực cạnh tranh quyết liệt của các cường quốc. Đông Nam Á những năm qua, về cơ bản là khu vực ổn định, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển là chủ đạo. Tuy nhiên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á vẫn tồn tại những nhân tố gây mất ổn định. Sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc đối với các nước trong khu vực và sự can thiệp của nước ngoài dưới nhiều hình thức ngày càng gia tăng. Trong khu vực vẫn tồn tại nhiều “điểm nóng”, có thể xảy ra xung đột như tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tình hình chính trị nội bộ vẫn còn bất ổn ở một số nước; vấn đề ly khai dân tộc, xung đột tôn giáo, sắc tộc, hoạt động chống đối có vũ trang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến môi trường an ninh khu vực.

Trong nhiều thập kỷ qua, cộng đồng thế giới đã phải đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống, như sự biến đổi khí hậu, sự xuống cấp của môi trường sinh thái, thảm hoạ thiên tai, dịch bệnh, sự bùng nổ dân số, sự thiếu hụt nguồn nước sạch, năng lượng và lương thực, các loại tội phạm... có xu hướng hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới để cùng nhau giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng đồng thời cũng có nhiều vấn đề phức tạp mới trong quan hệ giữa các nước và trong mỗi nước.

Những năm qua, tình hình trong nước cũng có những biến động mới. Do sự tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ và suy thoái kinh tế toàn cầu nên tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm so với những năm trước; tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đã vượt qua khủng hoảng và tiếp tục phát triển. Công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao; tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng và an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tham gia vào các công việc quốc tế và khu vực; hội nhập thế giới, tuy vẫn còn nhiều thách thức gay gắt nhưng đã tạo điều kiện cho nước ta khai thác sức mạnh từ bên ngoài để tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Bằng các chủ trương, chính sách đối ngoại khôn khéo và linh hoạt, bằng sự tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế và khu vực, chúng ta tiếp tục tạo được thế “đan cài lợi ích” giữa các nước để hạn chế sự chống phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài, tạo được môi trường hòa bình, ổn định khu vực, láng giềng hữu nghị để tập trung phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc; tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực, tăng cường các hoạt động thực hiện các cam kết quốc tế trên các lĩnh vực, tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực chung nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột góp phần giữ gìn hòa bình.

Tuy nhiên, thách thức lớn đối với an ninh nước ta những năm qua là bốn nguy cơ đã được các Đại hội Đảng xác định: tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng và tệ quan liêu, “diễn biến hòa bình”. Các nguy cơ đó diễn biến đan xen, phức tạp, không thể xem nhẹ nguy cơ nào. Trong lúc đó, kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thật vững chắc; khả năng cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế. Năng lực lãnh đạo của Đảng trước yêu cầu mới, năng lực quản lý của Nhà nước, của hệ thống chính trị cũng còn nhiều bất cập. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII chỉ ra đã ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên.

Những năm qua, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá cách Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn, hình thức, biện pháp mới hòng làm cho Việt Nam đi chệch con đường xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, kết hợp với “bạo loạn lật đổ”, nhất là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” từ bên trong.

Đã có nhiều nước mở rộng quan hệ về nhiều mặt với Việt Nam, nhất là việc mở rộng và tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhiều nước đã trở thành đối tác của Việt Nam. Việc các nước mở rộng quan hệ với Việt Nam vừa có mặt thuận lợi, nhưng cũng đặt Việt Nam trước những thách thức an ninh quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh mới, không kém phần gay gắt so với các thời kỳ trước đây.

Có thể thấy, trong những năm qua, thực tiễn tình hình thế giới, khu vực, trong nước với những nét mới so với các thời kỳ trước đây đã tác động đến nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tình hình thực tiễn đó vừa có mặt tích cực, thuận lợi, vừa có mặt tiêu cực, khó khăn; vừa tạo ra thời cơ mới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

3-. Trong những điều kiện đó, việc vận dụng và phát triển giá trị văn hóa quân sự “đánh và đàm” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:

Một là, quan tâm xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm cho quân đội có sức mạnh chiến đấu cao, vừa có khả năng tác chiến trên mặt trận đấu tranh phi vũ trang, chống “diễn biến hòa bình”, góp phần giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước; vừa có khả năng chiến đấu trên mặt trận đấu tranh vũ trang (nếu các thế lực thù địch liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh vũ trang chống nước ta, kể cả chiến tranh bằng vũ khí công nghê cao).

Hai là, chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh cả về lực lượng, tiềm lực và thế trận, bảo đảm cho nền quốc phòng toàn dân, góp phần giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động đối ngoại; vừa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu huy động sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, tiếp tục đi sâu nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng về ngoại giao; những bài học kinh nghiệm về đấu tranh quân sự, về khoa học nghệ thuật quân sự, những bài học kinh nghiệm về kết hợp giữa “đánh và đàm” trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về đấu tranh quân sự, về khoa học và nghệ thuật quân sự, về đấu tranh ngoại giao, về kết hợp giữa “đánh và đàm” để vận dụng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.