Với phương châm độc lập, có trách nhiệm, luôn thấm nhuần mối quan hệ hữu cơ giữa hòa bình - an ninh khu vực, hòa bình - an ninh quốc tế, và, hòa bình - an ninh - sự ổn định công cuộc phát triển của đất nước ta, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội đồng Bảo an, trên cương vị Ủy viên không thường trực.

Trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam sau ba tháng đầu tiên Việt Nam tham gia công việc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Lê Lương Minh, Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an nêu rõ "đây chính là cơ sở để Việt Nam có những đóng góp khách quan, thực chất vào sứ mệnh quan trọng của Hội đồng, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam".

Ba tháng vừa qua là một sự khởi đầu bận rộn và sôi động của Việt Nam, với hơn 80 cuộc họp cấp đại sứ, trong đó khoảng một nửa là họp chính thức, và hơn 60 cuộc họp cấp chuyên viên. Một nửa trong số hơn 50 đề mục trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an được thảo luận, trong đó có hầu hết các vấn đề nóng và có độ nhạy cảm cao như Trung Đông, Cô-xô-vô, I-ran và Mi-an-ma. Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 nghị quyết, 7 tuyên bố của Chủ tịch và 15 tuyên bố báo chí. Có thể nói, trong 3 tháng đầu năm 2008, Hội đồng Bảo an, đã hoàn thành một khối lượng công việc nhiều hơn công việc quý đầu của bất cứ năm nào từ trước đến nay. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là do bất đồng quan điểm dẫn đến bế tắc trong thương lượng, Hội đồng Bảo an không đạt được thỏa thuận nào về những vấn đề nóng bỏng có tác động tiêu cực lớn đến hòa bình, an ninh quốc tế như tình hình nhân đạo đang ngày càng xấu đi tại Dải Ga-da, đẩy một triệu người Pa-le-xtin vào cảnh sống cùng cực và việc Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập, vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các điều khoản cụ thể của Nghị quyết 1244 do chính Hội đồng Bảo an thông qua năm 1999.
 
Về những vấn đề này, quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng, đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an cho biết: Trong vấn đề Trung Đông, Việt Nam kiên trì quan điểm nhất quán ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Pa-le-xtin nhằm mục tiêu thành lập một Nhà nước độc lập của mình. Trong vấn đề Cô-xô-vô, Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không chấp nhận việc Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập, đồng thời phản đối và lên án các hành động bạo loạn, đặc biệt các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên Liên hợp quốc và các cơ quan đại diện ngoại giao. Đối với vấn đề I-ran, Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình thương lượng, nhằm đảm bảo lợi ích của các nỗ lực không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, đồng thời đảm bảo lợi ích và quyền hợp pháp của các nước, trong đó có Iran, phát triển, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, cũng như quyền hợp pháp của các quốc gia tiến hành các hoạt động giao thương, hàng hải bình thường. Về vấn đề Mi-an-ma, cùng với việc ủng hộ vai trò trung gian của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Việt Nam kiên định quan điểm cho rằng vấn đề Mi-an-ma cần cách "đặt vấn đề" toàn diện, trong đó cần thiết nhìn nhận tình trạng nghèo, chậm phát triển là một nguyên nhân gốc rễ của tình hình hiện nay và Liên hợp quốc cần giúp đỡ nước này phát triển, giảm nghèo, qua đó giảm xung đột trong xã hội.
 
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thành viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam thường xuyên trao đổi thông tin, tham khảo ý kiến các nước không phải thành viên Hội đồng, đặc biệt các nước có vấn đề thuộc chương trình nghị sự của Hội đồng, để có thể nắm bắt mối quan tâm và lợi ích an ninh chính đáng của các nước này cũng như những quan ngại của cộng đồng quốc tế, làm cơ sở để đóng góp ý kiến, đề xuất phương án giải pháp phù hợp. Tháng 3 vừa qua, trong cương vị là Điều phối viên của Nhóm các nước Không Liên kết trong Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tích cực phối hợp hoạt động thống nhất lập trường chung của Nhóm trên một số vấn đề quan trọng, phản ánh quan tâm lợi ích an ninh chính đáng của Phong trào Không Liên kết. Hiện Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị để đảm nhiệm tốt vai trò là Chủ tịch của Hội đồng vào tháng 7 tới.