TCCSĐT - Trong nỗ lực “hâm nóng” quan hệ với đồng minh của Mỹ tại châu Á, ngày 08-8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thực hiện chuyến thăm tới Thái Lan. Đây là chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Thái Lan sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014 tại Thái Lan làm quan hệ song phương hai nước trở nên lạnh nhạt trong 3 năm qua.

Mỹ nỗ lực cải thiện quan hệ với Thái Lan

 
 Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson và Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai. Ảnh: Daily Express

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và hội đàm với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai. Hai bên đã trao đổi về quan hệ Washington - Bangkok và các vấn đề về chính trị, an ninh, thương mại, đầu tư. Ngoại trưởng Thái Lan đã khẳng định chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ có vai trò rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Về phần mình, Ngoại trưởng R. Tillerson cam kết tăng cường quan hệ với đồng minh tại Đông Nam Á.

Đặc biệt, trong các vấn đề thảo luận giữa hai bên, đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Ngoại trưởng R. Tillerson đã hối thúc các nhà lãnh đạo Thái Lan hành động nhiều hơn nhằm ngăn dòng tiền đổ về CHDCND Triều Tiên, vốn sẽ được sử dụng cho chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này.

Thái Lan từ lâu đã là đồng minh thân thiết của Mỹ ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên cuộc đảo chính quân sự xảy ra năm 2014 đã đẩy quan hệ Mỹ - Thái Lan vào một giai đoạn lạnh nhạt do Washington chỉ muốn hợp tác với một đất nước do chính phủ dân cử điều hành.

Trong khi đó theo quan điểm của Bangkok, những lời chỉ trích gay gắt và biện pháp trừng phạt từ đồng minh thân cận lâu năm trong lúc Thái Lan đang bước vào thời kỳ chuyển tiếp quan trọng là điều không thể chấp nhận, đặc biệt là khi Trung Quốc luôn sẵn sàng “lấp chỗ trống” mà Mỹ để lại. Bởi đối với Trung Quốc, Thái Lan cũng là một phần trong chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển thương mại đầy tham vọng của nước này với toàn thế giới. Trong chuyến thăm Thái Lan mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không ngừng đánh giá cao vai trò của nước này đối với khu vực, cũng như quan hệ giữa hai nước.

Về phía Thái Lan, kể từ sau vụ đảo chính quân sự, chính quyền Thái Lan đã xích gần hơn với Trung Quốc với việc ký hợp đồng mua tàu ngầm, xe tăng, trực thăng của Trung Quốc trị giá hơn 500 triệu USD và xây dựng tuyến xe lửa mới kết nối hai nước. Một nguyên nhân khác gây xích mích trong quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan là vấn đề thặng dư thương mại. Năm 2016 là năm thứ 11 thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ ở mức cao, lên tới 19 tỷ USD, bất chấp việc giới chức Thái Lan kỳ vọng sẽ nhập khẩu mạnh hàng hóa của Mỹ để giảm thặng dư thương mại. Tuy nhiên thực tế là dù không thể sánh với trước đây, song có thể thấy Thái Lan vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ vẫn cần quốc gia Đông Nam Á này nhằm tăng cường sự hiện diện tại khu vực. Hơn nữa, một trong những lý do khác khiến Mỹ luôn muốn “hâm nóng” quan hệ với Thái Lan bởi Washington hiểu rằng cần phải tăng cường quan hệ với châu Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đặc biệt là Thái Lan trong bối cảnh Mỹ đã từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chuyến thăm của Ngoại trưởng R. Tillerson diễn ra trong bối cảnh Washington dưới thời Tổng thống D. Trump đang tái khởi động quan hệ với Thái Lan, bằng chứng là việc Tổng thống D. Trump tháng 4 vừa qua đã điện đàm với Thủ tướng Prayuth và mời nhà lãnh đạo Thái Lan thăm Nhà Trắng. Chính vì vậy, Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á S. Thornton nhận định việc Mỹ nối lại quan hệ với Thái Lan là một cách tiếp cận thực dụng nhằm tăng sức nặng cho lịch trình đối ngoại của Tổng thống D. Trump.

Thúc đẩy vòng hòa đàm mới về Yemen

 
 Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed. Ảnh: UN

Báo chí khu vực ngày 07-8 đưa tin các đại diện của Tổng thống được quốc tế công nhận ở Yemen Mansour Hadi và phiến quân Houthi sẽ gặp nhau tại Oman để tiến hành vòng đàm phán hòa bình mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn 2 năm qua ở quốc gia này.

Trước đó, ngày 05-8, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed cho biết, ông đã đi thăm Oman để thúc đẩy một cuộc gặp mới giữa các bên đối địch ở Yemen. Theo ông Ahmad, Oman có thể sẽ đăng cai các cuộc đàm phán giữa các phe phái đối địch ở Yemen, song ông không cho biết chi tiết về thời gian diễn ra các cuộc gặp này.

Ông Ahmad nói thêm, trong chuyến công du tới Trung Đông lần này, ông mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận liên quan đến thành phố cảng Hodeidah, coi đây là bước đi đầu tiên hướng tới một tiến trình chính trị toàn diện. Trong đề xuất mới đây nhất, ông Ahmad kêu gọi lực lượng Houthi rút khỏi cảng Hodeidah và trao quyền kiểm soát cảng này cho một bên thứ ba. Đổi lại, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu và lực lượng của chính phủ Yemen không tấn công quân sự vào thành phố cảng bên bờ Biển Đỏ này.

Tuy nhiên, phía Houthi đã kịch liệt phản đối các đề xuất của ông Ahmad, đồng thời yêu cầu Liên hợp quốc thay ông với cáo buộc rằng Đặc phái viên Liên hợp quốc thiên vị chính quyền của ông Hadi. Trong khi đó, Chính phủ Yemen cho rằng, cộng đồng quốc tế trước hết cần gây sức ép lớn hơn để buộc lực lượng Houthi và Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chấp nhận các đề xuất do Liên hợp quốc làm trung gian nếu Houthi và các lực lượng trung thành với ông Saleh muốn chấm dứt chiến tranh.

Cùng ngày 07-8, một quan chức Liên hợp quốc cho biết, liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu chống lực lượng Houthi tại Yemen sẽ cho phép vận chuyển nhiên liệu dùng cho các máy bay của Liên hợp quốc đang thực hiện nhiệm vụ viện trợ nhân đạo cho thủ đô Sanaa đang bị phiến quân chiếm đóng.

Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Yemen Auke Lootsma cho biết tuần trước Liên hợp quốc thực hiện hai chuyến bay nhân đạo từ Amman (Jordan) tới Sanaa, tuy nhiên không có đủ nhiên liệu cung cấp cho máy bay quay về. Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã từ chối cho phép vận chuyển nhiên liệu từ thành phố cảng Aden hiện do chính phủ Yemen kiểm soát tới Sanaa để phục vụ các chuyến bay này. Theo người phát ngôn của Liên hợp quốc S. Dujarric, trong tuần này, nhiên liệu sẽ được chuyển từ Aden tới Sanaa, Liên hợp quốc đang tìm kiếm thỏa thuận chắc chắn cho việc vận chuyển nhiên liệu cung cấp cho các chuyến bay của Liên hợp quốc nhằm bảo đảm cung cấp viện trợ nhân đạo thường xuyên cho Yemen.

Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu liên tiếp bị cáo buộc cản trở viện trợ tới Yemen trong khi tình hình tại nước này đang ngày càng xấu đi kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào tháng 3-2015. Liên hợp quốc cũng lên án các cuộc xung đột đã làm hơn 200 trẻ em Yemen thiệt mạng từ đầu năm 2017 đến nay và thông báo bùng phát bệnh viêm màng não cũng như dịch tả tại Yemen, đồng thời đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra nạn đói trong cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới này đang đe dọa tính mạng của 7 triệu người dân Yemen.

Pháp hướng tới xây dựng một bộ máy chính trị trong sạch

 
 Quốc hội Pháp. Ảnh: RFI

Quốc hội Pháp vừa thông qua một dự luật nhằm làm trong sạch bộ máy chính trị quốc gia. Đây được xem là một nỗ lực của chính quyền Tổng thống E. Macron nhằm khôi phục lòng tin của dân chúng đối với bộ máy lãnh đạo Pháp vốn đang tụt dốc, đồng thời là bước đi cải cách lớn mà Tổng thống E. Macron kiên quyết thực hiện.

Dự luật có tên gọi chính thức là luật “đem lại niềm tin trong đời sống chính trị”, là một dự luật gồm rất nhiều điều khoản liên quan đến các nghĩa vụ và quyền lợi đặt ra cho các nghị sĩ cũng như các thành viên trong Chính phủ Pháp. Theo luật này, có hai vấn đề nổi bật được nhắc đến và cũng được xem là tượng trưng cho tinh thần của dự luật: Một là, việc cấm các nghị sĩ Pháp, tức các nghị sĩ Quốc hội và thượng nghị sĩ, cũng như các thành viên Chính phủ Pháp, sử dụng người thân của mình làm người giúp việc. Cụ thể, các nghị sĩ và các thành viên chính phủ này sẽ không được sử dụng vợ - chồng, bố - mẹ hai bên cũng như con cái, dâu - rể… làm trợ lý hay giúp việc trong các công việc của mình. Hai là, các nghị sĩ sẽ không còn được cấp kinh phí để chi trả cho các lĩnh vực hay các tổ chức phi chính phủ mà họ lựa chọn. Trước đây, mỗi nghị sĩ Pháp hằng năm được cấp một khoản tiền để dành cho việc tài trợ cho các dự án cộng đồng mà nghị sĩ này thấy là cần thiết, liên quan đến văn hóa, giáo dục, môi trường… Tổng số tiền hằng năm chi ra cho quỹ này vào khoảng 140 triệu euro. Con số này tuy không phải quá nhiều nhưng lại thường xuyên gây ra tranh cãi bởi cách mà các nghị sĩ Pháp sử dụng khoản tiền thường không minh bạch.

Ngoài hai vấn đề đáng chú ý trên, dự luật còn có nhiều điều khoản liên quan đến việc hạn chế xung đột lợi ích của các nghị sĩ hay thành viên chính phủ, cắt giảm bớt các chi phí hoạt động không cần thiết, quy định chặt chẽ hành lang pháp lý cho các chiến dịch vận động hành lang, hay việc phải xác minh lý lịch các nghị sĩ và thành viên chính phủ trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, để bảo đảm người này không được dính vào bất cứ rắc rối pháp lý nào vào thời điểm được bầu hay được bổ nhiệm.

Đánh giá về bộ luật làm trong sạch đời sống chính trị Pháp vừa được thông qua, các nhà phân tích cho rằng, bộ luật được xem là một thành tựu “được lòng công chúng”. Căn nguyên thúc đẩy điều luật này sớm ra đời trong thời điểm hiện nay chính là xuất phát từ vụ scandal lớn trong đợt bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua, liên quan đến ứng cử viên cánh hữu là cựu Thủ tướng Pháp, Francois Fillon. Đây là vụ bê bối có thể nói đã không chỉ làm xấu đi hình ảnh của chính giới Pháp mà còn là bước ngoặt quyết định, biến ông F. Fillon từ ứng cử viên số 1 cho ghế Tổng thống Pháp trở thành người bị loại ngay từ vòng 1 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Cũng sau sự việc này, dân chúng Pháp đã bị mất lòng tin trầm trọng vào chính giới Pháp. Gần 90% dân Pháp cho rằng, các chính trị gia Pháp là những người tham nhũng và khoảng 60% có các đánh giá tiêu cực về các đảng phái chính trị tại Pháp.

Cải cách tức là phải thay đổi và đã thay đổi thì luôn có những người bị ảnh hưởng về quyền lợi. Vì vậy, những bước đi đầu tiên để cải cách của Tổng thống E. Macron vấp phải sự phản đối cũng là điều dễ hiểu. Bởi luật này đã xóa bỏ nhiều đặc quyền của các nghị sĩ. Nhưng dù bị phản đối, dự luật về việc trong sạch hóa đời sống chính trị Pháp vẫn được đánh giá là một cải cách táo bạo và cần thiết của chính quyền Tổng thống Macron. Nó được xem là quyết tâm của Tổng thống E. Macron nhằm khôi phục lòng tin dân chúng đối với đội ngũ chính trị gia.

Bê bối trứng “bẩn” lan rộng tại châu Âu

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Châu Âu tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng về an toàn thực phẩm khi vụ bê bối trứng nhiễm độc thuốc trừ sâu còn gọi là trứng “bẩn” bắt nguồn từ Hà Lan lan rộng tại một loạt các quốc gia châu Âu khiến các nước này phải nỗ lực tìm các biện pháp đối phó. Đây là đòn giáng mạnh vào ngành chăn nuôi của châu Âu vốn đã điêu đứng sau dịch cúm gia cầm bùng phát vào năm 2016.

Vụ bê bối trứng “bẩn” bắt nguồn từ Hà Lan đã lan rộng tại châu Âu khi ngày 10-8, các nước Đan Mạch, Romania, Slovakia, Anh, Pháp, Đức đều thông báo phát hiện số lượng lớn trứng nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại. Vụ bê bối trứng “bẩn” tại Hà Lan đã gây ảnh hưởng to lớn khi các siêu thị ở Hà Lan và Đức đã rút khỏi các kệ hàng hàng triệu quả trứng do nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại. Sau khi đóng cửa hơn 180 trang trại chăn nuôi gia cầm hồi đầu tuần sau khi phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu Fipronil trên các mẫu trứng, thịt và phân động vật, Cơ quan thực phẩm Hà Lan (NVWA) đã tiến hành các cuộc xét nghiệm và quyết định 138 trang trại vẫn sẽ phải đóng cửa. Theo kết quả xét nghiệm, trứng từ 59 trang trại khác có dư lượng lớn thuốc trừ sâu fipronil.

Các chuyên gia ước tính thiệt hại tài chính của vụ bê bối trứng “bẩn” này có thể lên tới hàng triệu euro và sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với ngành chăn nuôi gia cầm và các thị trường nông sản tại châu Âu - vốn chỉ mới đang trên đà hồi phục sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm năm 2016. Đặc biệt, đây là một cú sốc mới đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm ở Hà Lan sau vụ tiêu hủy 190.000 con vịt hồi tháng 11-2016.

Nhằm đối phó với vụ bê bối trứng “bẩn” đang ngày càng lan rộng, các nước châu Âu đã nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ngày 09-8, Cơ quan An toàn thực phẩm của Bỉ (AFSCA) đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ bê bối trứng “bẩn” này. Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Pháp cũng đã ban hành quyết định thanh tra toàn bộ các nhà máy chế biến, sản xuất sản phẩm từ trứng trên cả nước. Tại Đức, Bộ Nông nghiệp khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra trứng đã mua bằng cách đối chiếu với danh sách các công ty cung ứng trong diện nghi vấn được đăng tải trên mạng internet. Ngày 10-8, các nhà điều tra Hà Lan đã bắt giữ hai đối tượng liên quan đến bê bối trứng gà châu Âu nhiễm hóa chất trừ bọ độc hại Fipronil. Người phát ngôn cơ quan công tố Hà Lan Marieke van der Molen cho biết, hai đối tượng bị bắt giữ là người quản lý của công ty bị cáo buộc sử dụng hóa chất Fipronil trong các trang trại gia cầm. Việc bắt giữ diễn ra trong các cuộc đột kích phối hợp với chính quyền Bỉ tại 8 địa điểm trên khắp Hà Lan, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan cảnh sát và tư pháp châu Âu là Europol và Eurojust.

Thực tế cho thấy, các vụ bê bối về thực phẩm “bẩn” đang là nỗi lo của người tiêu dùng châu Âu. Vụ bê bối trứng “bẩn” này xảy ra chỉ hai tuần sau khi Europol triệt phá một đường dây tội phạm có tổ chức liên quan đến việc đưa “thịt ngựa bẩn” vào tiêu thụ tại các thị trường châu Âu. Tuy nhiên, để ngăn chặn các vụ bê bối thực phẩm “bẩn” ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các nhà chức trách còn đặc biệt cần đến lương tâm của người kinh doanh.

Giải cứu hàng nghìn người nhập cư châu Phi bị bỏ rơi ở sa mạc Sahara

 
 Dòng người di cư qua sa mạc Sahara. Ảnh: TTXVN

Ngày 09-8, tại Pretoria, Văn phòng Di trú Quốc tế Liên hợp quốc (IOM) cho biết, các đội tìm kiếm, cứu nạn của Liên hợp quốc đã cứu được hàng nghìn người nhập cư châu Phi bị những kẻ buôn bán người bỏ rơi trong vùng sa mạc Sahara trong những tháng gần đây.

Nạn buôn người từ lâu đã trở thành nỗi nhức nhối của chính phủ các nước, chủ yếu là tại khu vực châu Phi. Bất ổn, loạn lạc, nghèo đói khiến số người dân chạy trốn khỏi châu Phi tăng đột ngột những năm gần đây, thế nhưng trước khi đến được vùng đất hứa là châu Âu, họ phải trải qua một hành trình đầy may rủi băng qua sa mạc Sahara, tụ điểm của những kẻ buôn người.

Theo số liệu ước tính, mỗi tuần có tới 2.000 người châu Phi tìm đường vượt Sahara để tìm miền đất hứa, hàng nghìn người trong số họ thiệt mạng mỗi năm do sự khắc nghiệt của chuyến đi cũng như sự tra tấn, lạm dụng của những kẻ buôn người. Cũng vì thế, không phải ai cũng đủ can đảm để đánh cược cuộc đời mình. Nhiều người trong số họ quyết định trở về nhà. Tuy nhiên, không có tiền, nhiều người bị mắc kẹt tại đây. Hoặc nếu đi tiếp, cho dù có qua được sa mạc Sahara, họ vẫn còn một hành trình vượt biển gian nan mà không hề biết điều gì chờ đón mình phía trước.

Báo cáo của IOM cho biết, từ tháng 4 đến nay, tổng số hơn 1.000 người di cư đã được giải cứu ở phía Bắc Niger trong các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn của IOM. Nhiều con đường nguy hiểm trên sa mạc Sahara của Niger đang được bọn buôn bán người sử dụng. IOM cho biết, thông thường, sau 6 ngày vượt qua khu vực sa mạc Tenere của Niger và được tập kết tại khu vực biên giới giữa Niger và Libya, những người nhập cư chờ đợi ở đó để vượt qua Địa Trung Hải đến các nước châu Âu. Hiện IOM đang triển khai các nhóm hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực này, gọi là dự án MIRAA, do Hà Lan tài trợ.

Theo IOM, một số lượng không nhỏ trong số những người di cư châu Phi đã thiệt mạng trong khi cố gắng vượt sa mạc Sahara và Địa Trung Hải. Tính riêng tháng 5 và tháng 6-2017, lưc lượng tìm kiếm, cứu nạn của IOM đã giải cứu được hơn 52 người di cư, bao gồm phụ nữ, trẻ em, trong sa mạc Sahara của Niger. Đặc biệt, khoảng 50 người đã bị mất tích và có thể đã chết trong cùng thời gian này. Tháng 7-2017, 23 người di cư đã được tìm thấy trong tình trạng nguy kịch, chủ yếu là người Gambia và Senegal, do bị người lái xe bỏ rơi trong sa mạc Saharra, cách thành phố biên giới Agadez của Niger khoảng 300 km.

Văn phòng Di trú Quốc tế Liên hợp quốc cũng khuyến cáo, tình trạng di cư từ một số nước ở khu vực Tây Phi, đi qua sa mạc Saharra khắc nghiệt của Niger và Libya rồi vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu, đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tỷ lệ người di cư châu Phi thiệt mạng tại sa mạc Sahara và Địa Trung Hải, nhất là bờ biển của Libya và Italia, đã và đang tăng mạnh trong thời gian gần đây./.