TCCSĐT - Cách mạng Công nghiệp 4.0 hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra tại nhiều nước phát triển và mang lại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư: Được và mất

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

Trên thực tế, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã mang lại những thành tựu đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ số như điện toán đám mây, thiết bị di động thông minh… Cuộc cách mạng này có khả năng tự động hóa một số kỹ năng mà trước đây chỉ con người mới có thể làm, trang bị cho máy móc có khả năng của trí thông minh con người, ví dụ như khả năng lập luận, khả năng ngôn ngữ, khả năng tự học… Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra lợi ích lớn nhất khi xử lý những khối dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ và hình ảnh, điều mà thế hệ máy tính hiện nay không dễ dàng làm được. Trong khi đó, kết nối cực độ cho phép truyền dữ liệu nhanh hơn, xa hơn, tạo điều kiện phát triển những mô hình kinh doanh mới như Uber, Facebook, WhatsApp, Pinterest, Snapchat, Twitter và Instagram hay công nghệ xe tự lái đang được thử nghiệm rộng rãi trên toàn thế giới. Sự cải tiến công nghệ cao được coi là nền móng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0, đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực từ bán lẻ, chế tạo đến vận tải…; ngành công nghiệp dầu khí và điện truyền thống cũng không nằm ngoài xu thế chung này.

Tuy nhiên, cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp khác, lỗ hổng về trình độ cũng như nguy cơ tụt hậu là những rủi ro lớn của lao động trong giai đoạn chuyển tiếp, bởi Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ triệt tiêu lao động giản đơn và đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong lĩnh vực năng lượng, sự chuyển đổi về công nghệ có thể gây bất ổn đối với các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào doanh thu từ các nguồn năng lượng truyền thống như Nga, các nhà sản xuất lớn của vịnh Ba Tư và Venezuela... Bên cạnh đó, nhiên liệu hóa thạch giá rẻ cũng sẽ gây khó khăn nhiều hơn trong việc tiến hành cắt giảm sâu lượng khí thải cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tân Giám đốc FBI: Quyết tâm sắt đá

 
 Tân Giám đốc FBI Christopher Wray. Ảnh: Washington Post

Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn ông Christopher Wray làm tân Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) của nước này. Trước đó, cựu Giám đốc FBI James Comey đã bị Tổng thống D. Trump sa thải, với lý do mà ông J. Comey cho là nhằm ngăn cản cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Phát biểu tại phiên điều trần phê chuẩn trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, ông C. Wray cam kết sẽ làm việc độc lập. Ông cho biết: “Nếu được vinh dự trở thành lãnh đạo của FBI, tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ điều gì chi phối hoạt động của cơ quan này, ngoài sự thật, luật pháp và công lý”. Trước đó, ngày 07-6, Tổng thống Mỹ D. Trump đã thông báo ý định lựa chọn ông C. Wray làm Giám đốc FBI.

Ông C. Wray sinh ngày 17-12-1966 tại New York, Mỹ. Theo Hồ sơ tại Bộ Tư pháp Mỹ, ông C. Wray tốt nghiệp Đại học Yale vào năm 1989. Trong hai năm 1992 và 1993, ông là thư ký cho Thẩm phán Tòa Phúc thẩm số 4 J. Michael Luttig. Từ năm 1993 đến 1997, ông là cộng sự tại hãng luật King & Spalding. Sau đó, từ năm 1997 đến 2001, ông là trợ lý Chưởng lý bang Geogia. Từ năm 2003 đến 2005, ông C. Wray là trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách các vấn đề hình sự dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Ông C. Wray được biết đến với vai trò giám sát các cuộc điều tra gian lận lớn của các tập đoàn Mỹ, trong đó có cả cuộc điều tra nhằm vào tập đoàn Enron, một tập đoàn năng lượng lớn luôn có tên trong danh sách các công ty phát triển nhất nước Mỹ. Tân Giám đốc FBI C. Wray hiện đang làm việc tại hãng luật King & Spalding - nơi ông trở thành một đối tác từ năm 2006. Ông là người điều hành Nhóm các vấn đề đặc biệt và Thực thi các vụ điều tra của Chính phủ Mỹ tại hãng luật này. Một trong những “điểm sáng” trong khi hành nghề luật của ông C. Wray là việc ông từng đại diện cho Thống đốc bang New Jersey C. Christie trong vụ điều tra liên quan đến việc đóng cửa các làn đường trên Cầu George Washington (hay còn gọi là vụ Bridgegate). Trong vụ này, 2 cựu trợ lý của ông C. Christie từng bị kết tội lên kế hoạch đóng cửa các làn đường trên Cầu George Washington nhằm trừng phạt một Thị trưởng của Đảng Dân chủ có quan điểm chống lại Thống đốc bang New Jersey C. Christie.

ASEAN và 10 nước Đối tác thúc đẩy hợp tác

 
 Hội nghị ASEAN - Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 50 và các hội nghị liên quan, ngày 06-8-2017, ASEAN đã tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với 10 nước Đối tác (PMC+1) tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Manila (Philippines).

Tại các hội nghị PMC+1, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và 10 nước Đối tác đã điểm lại quan hệ trong năm và thảo luận một số lĩnh vực hợp tác như kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, giao lưu nhân dân, giáo dục... Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và 10 nước Đối tác cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có tình hình Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, khủng bố, an ninh mạng.

Các Bộ trưởng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; thúc đẩy tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Các Đối tác chúc mừng ASEAN nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, hoan nghênh những kết quả ASEAN đạt được sau gần 2 năm xây dựng Cộng đồng và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy thương mại tự do và công bằng thông qua các Hiệp định mậu dịch tự do hiện có và khuôn khổ rộng lớn hơn như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các Đối tác cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Các hội nghị PMC+1 đã thông qua nhiều định hướng lớn cho hợp tác giữa ASEAN và 10 nước đối tác trong giai đoạn tiếp theo.

Có thể thấy những kết quả nổi bật như, tại Hội nghị ASEAN - Hoa Kỳ, các Bộ trưởng khẳng định lại các nguyên tắc quan trọng định hướng quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ nêu trong Tuyên bố Sunnylands tháng 02-2016, đồng thời nhấn mạnh cần tích cực phát huy những thành tựu đạt được trong 40 năm qua. Về hợp tác, hai bên đặt trọng tâm hợp tác vào các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, hợp tác kết nối, hợp tác biển và ứng phó với các thách thức an ninh như khủng bố, an ninh mạng … Các nước ASEAN cũng hoan nghênh việc Hoa Kỳ duy trì các cam kết với khu vực.

Tại Hội nghị ASEAN - Trung Quốc, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, hạ tầng cơ sở, năng lực sản xuất; thu hẹp khoảng cách phát triển; triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), cũng như đẩy nhanh tiến trình đàm phán RCEP; nghiên cứu thúc đẩy khả năng kết hợp giữa Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc cũng nhất trí chủ đề hợp tác năm 2018 là Năm Sáng tạo và ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm ASEAN - Trung Quốc.

Với Hội nghị ASEAN - Liên minh châu Âu (EU), các nước thông qua Kế hoạch Hành động mới cho giai đoạn 2018 - 2022, Tuyên bố ASEAN - EU về Hiệp định Paris, tái khẳng định cam kết hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính phủ Nhật Bản nỗ lực giành lại sự ủng hộ của người dân

 
 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Boise Weekly

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa tiến hành cải tổ nội các và ban lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Đây được coi là nỗ lực của nhà lãnh đạo Nhật Bản nhằm khôi phục uy tín của chính phủ trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy sự ủng hộ dành cho chính phủ đương nhiệm sụt giảm nghiêm trọng.

Động thái cải tổ nội các và ban lãnh đạo đảng LDP của Thủ tướng S. Abe diễn ra trong bối cảnh uy tín của đảng cầm quyền cũng như tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng S. Abe sụt giảm mạnh sau loạt bê bối thời gian gần đây. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Nhật báo Yomiuri tiến hành và công bố ngày 17-7 vừa qua, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng S. Abe đã giảm từ mức 49% trong cuộc thăm dò hồi tháng 6 xuống 36%. Đây là mức thấp nhất kể từ sau thời điểm ông S. Abe quay trở lại cầm quyền vào tháng 12-2012 với một cam kết mạnh mẽ nhằm trấn hưng nền kinh tế và thúc đẩy năng lực quốc phòng của Nhật Bản.

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh uy tín của Thủ tướng S. Abe xuống mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây cùng với thất bại nặng nề của đảng LDP cầm quyền trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo, nội các mới của Nhật Bản trước mắt cần tập trung khôi phục uy tín, hướng đến giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội trong nước, tránh các chính sách “mạo hiểm”, nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tới. Thêm vào đó, những khó khăn về kinh tế cũng có thể khiến LDP sau khi cải tổ sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018. Theo bản tóm tắt đánh giá hằng năm về kinh tế Nhật Bản công bố ngày 01-8, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết trong tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản một lần nữa hoãn đưa ra thời gian biểu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ lạm phát xuống mức 2%. Vì vậy, có thể thấy chiến lược kinh tế Abenomics do Thủ tướng S. Abe khởi xướng đã giúp cải thiện tình hình kinh tế trong nước, song vẫn chưa giúp Nhật Bản đạt mục tiêu thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Lần cải tổ nội các này là sự trở lại của nhiều gương mặt chính khách kỳ cựu, có thâm niên hoạt động tại chính trường Nhật Bản. Giới quan sát nhận định đây là chủ ý của Thủ tướng S. Abe lập ra một nội các dày dặn kinh nghiệm nhằm bảo đảm một chính quyền ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai chiến lược kinh tế Abenomics và bảo đảm an ninh quốc gia.

Tín hiệu tích cực đối với kế hoạch cải cách kinh tế của Pháp

 
 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: TTXVN

Kế hoạch cải cách luật lao động mà chính quyền Tổng thống Pháp E. Macron theo đuổi trong nhiều tháng qua đang nhận được những tín hiệu tích cực khi các nghị sĩ tại hai viện Quốc hội Pháp đạt được đồng thuận về vấn đề này trong phiên họp vào ngày 31-7 vừa qua. Đây là bước tiến đáng kể, mở đường cho những kế hoạch cải cách kinh tế đầy tham vọng của Tổng thống E. Macron.

Dự luật cải cách lao động tập trung vào 3 nội dung chính: bảo đảm sự hài hòa giữa các “thỏa thuận ở phạm vi doanh nghiệp và thỏa thuận ở phạm vi ngành, nghề”, “đơn giản hóa và tăng cường đối thoại kinh tế - xã hội giữa chủ doanh nghiệp và người lao động”, “bảo đảm mối quan hệ trong công việc” giữa các tác nhân nói trên. Dự luật cũng bao gồm các quy định cụ thể về điều kiện lao động tại cơ sở tư nhân, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động trong việc sa thải và tuyển dụng nhân công cùng những quy định về các mức trần bồi thường đối với các chủ lao động trong trường hợp họ sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, ngay khi được đưa ra hồi năm 2016, dự luật này đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp. Những người phản đối cho rằng, dự luật mới đã đi quá xa, quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động. Họ cho rằng, dự luật trên khiến cho các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho sự sa thải người lao động. Ðây là một sự thu hẹp quyền lợi và thụt lùi về tiến bộ xã hội, khiến chủ doanh nghiệp có thể lạm dụng, còn người lao động luôn sống trong tình trạng bấp bênh. Song việc các nghị sỹ tại hai viện Quốc hội Pháp đạt được đồng thuận về dự luật cải cách lao động sẽ mở đường để Quốc hội Pháp bỏ phiếu thông qua dự luật này, dự kiến là trong vài ngày tới, trước khi dự luật được ký ban hành và chính thức có hiệu lực vào tháng 9-2017.

Đánh giá về chính sách cải cách kinh tế của Tổng thống E. Macron, nhiều nhà phân tích cho rằng, chính sách cải cách kinh tế của ông E. Macron được đánh giá là hài hòa hơn so với những người tiền nhiệm nhằm tránh những xung đột không đáng có.

Châu Âu chưa tìm được lời giải cho khủng hoảng nhập cư

 
 Dòng người nhập cư vào EU. Ảnh: TTXVN

Làn sóng di dân đến châu Âu chưa bao giờ ngừng nghỉ và Liên minh châu Âu (EU) chưa bao giờ ngừng đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư. Thế nhưng cho đến nay, EU vẫn chưa tìm ra được những giải pháp cụ thể và triệt để cho vấn đề này.

Theo giới quan sát, trong ba năm liên tiếp gần đây, mùa Xuân luôn đi kèm với những cảnh báo gia tăng về làn sóng di dân đến châu Âu qua biển Địa Trung Hải. Năm 2015, Đức và các đối tác châu Âu đã quyết định “đóng cửa” con đường Balkan, và sau đó đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc phong tỏa đường dẫn đến biển Aegean để ngăn dòng người tị nạn chiến tranh, chủ yếu là từ Syria. Hơn 1 triệu người đã vượt qua đây. Trong năm 2016, 28 nước thành viên EU đã nỗ lực chặn điểm trung chuyển chính của các ngả đường di cư từ châu Phi đến phương Tây (từ Senegal, Bờ Biển Ngà, Guinea, Nigeria) và vùng Sừng châu Phi.

Đáng chú ý nhất trong cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu là cuộc tranh luận chính trị giữa các nước thành viên EU để tìm ra cách xử lý tốt nhất. Nhóm Visegrad (còn gọi là V4) - bao gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech - đã phản đối hệ thống hạn ngạch của EU về việc chấp nhận người tị nạn từ các khu vực bị chiến tranh tàn phá. V4 chỉ trích hệ thống này không hợp lý và thay vì tập trung vào các nỗ lực phân bổ hàng nghìn người di cư, EU lẽ ra phải tập trung vào việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng để mọi người không buộc phải thực hiện cuộc hành trình đến châu Âu. Có ba vấn đề nổi lên từ cuộc tranh luận giữa EU và V4: Thứ nhất, không có gì bảo đảm rằng tất cả người di cư tìm kiếm nơi trú ẩn ở châu Âu thực sự đến từ các khu vực bị chiến tranh tàn phá ở Syria và Iraq. Thứ hai và quan trọng nhất là các nước V4 đã đúng khi quyết định dựa trên cơ sở bảo đảm an toàn và an ninh cho công dân của họ. Cuộc khủng hoảng người nhập cư ở châu Âu có liên quan đến một làn sóng tội phạm lớn. Châu Âu đã phải hứng chịu những vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Thứ ba, cuộc tranh luận kéo dài giữa EU và V4 nhấn mạnh lập luận rằng, nếu các nước EU như Ba Lan được hưởng lợi từ các thành viên khác của EU thì họ cũng phải tuân thủ hệ thống hạn ngạch. Lập luận này không tính đến việc những quốc gia này sẵn sàng chung tay để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng theo những cách khác như hỗ trợ tài chính.

Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 - 2016 đã cho thấy các dàn xếp của EU rất mong manh. EU đạt được rất ít tiến bộ trong nghị trình nội khối chủ chốt, đặc biệt liên quan đến việc chia sẻ gánh nặng và một cách tiếp cận tổng hợp hơn đối vấn đề di cư. Cố gắng giải quyết việc di cư chỉ thông qua các biện pháp quốc gia sẽ dẫn đến những chính sách phân mảnh và rời rạc, khiến các nước thành viên EU chống lại nhau. Thay vào đó, các nước thành viên EU cần hướng tới những quy tắc chung mạnh mẽ hơn về tị nạn và nhập cư, hành động tập thể tốt hơn nhằm can dự vào các khu vực lân cận, đoàn kết hơn nữa trong việc chia sẻ gánh nặng, và các thể chế mạnh mẽ, hiệu quả hơn./.