Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn hiện nay
TCCS - Đô thị hóa và công nghiệp hóa sẽ nuốt dần "miếng bánh pho - mát" ruộng đất nông nghiệp, nhưng không có nghĩa nông nghiệp hết tương lai trong xã hội hiện đại. Chuyển dịch cơ cấu (CDCC) nông nghiệp, nông thôn là cách thức ứng xử tích cực để tiếp tục tồn tại và phát triển phù hợp trong bối cảnh mới. Nhất là với Hà Nội, nơi đất chật người đông, tấc đất tấc vàng, dù đã mở rộng diện tích lên gần gấp rưỡi.
Dù đạt được thành tựu nổi bật trong thời gian qua (tăng trưởng về diện tích, quy mô, sản lượng, chủng loại các sản phẩm nông nghiệp, thậm chí nhiều nông sản được xuất khẩu sang thị trường các nước với kim ngạch và thị phần lớn), nhưng về căn bản, cơ cấu nông nghiệp nước ta chưa có thay đổi về chất. Chủ yếu chúng ta vẫn xuất nông sản dưới dạng thô hoặc sơ chế, hàm lượng dinh dưỡng thấp, giá trị hàng hóa so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới luôn bị thua thiệt. Giá gạo của ta thường thấp, thua với gạo Thái Lan, giá cà-phê cũng thấp hơn so với cà phê Bra-xin.
Ngoài lý do thương hiệu và kênh phân phối, tiếp thị yếu kém thì có vấn đề trong khâu chọn lọc giống, chủng loại và cải tiến chất lượng, đầu tư cơ giới hóa sản xuất, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch có vấn đề. Kết quả là giá trị nông sản hàng hóa trên một đơn vị diện tích (héc-ta gieo trồng) cũng như năng suất của lao động nông nghiệp nước ta rất thấp. Ở một số nước, 1 lao động nông nghiệp có thể cung cấp nông phẩm cho 6-7-8 thậm chí 20-30-40 người phi nông nghiệp; Mỹ chỉ có gần 2% số dân làm nông nghiệp trong 240 triệu người; Hà Lan có 4 triệu héc-ta đất nông nghiệp nhưng xuất khẩu nông phẩm tới 17 tỉ USD/năm, đạt bình quân giá trị xuất khẩu 4 triệu USD/ha đất canh tác. Trong khi ở nước ta, mỗi lao động nông nghiệp chỉ cung cấp nông phẩm cho 2 - 3 người và đang phấn đấuxây dựng cánh đồng 50 triệu - 100 triệu đồng/ha.Rõ ràng, chúng ta đang khai thác phí phạm và thiếu trách nhiệm, thiếu bền vững những nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá và không thể tái tạo.
Do đó, tất yếu phải CDCC theo hướng xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao, giá trị cao (NNCLC, GTC). Đó cũng là xu hướng của thế giới ngày nay. Để làm điều đó, cần chú trọng đầu tư nghiên cứu và khuyến khích chuyển giao, sử dụng các kết quả khoa học - công nghệ (KHCN) trong nông nghiệp, nhất là công nghệ cao và công nghệ sinh học. Nói công bằng, trong suốt mấy chục năm qua, nền nông nghiệp nước ta phát triển theo mô thức truyền thống, dựa chủ yếu vào hai yếu tố chính sách và thể chế (khoán và hợp tác xã nông nghiệp), còn KHCN tuy có nhiều đóng góp nhưng chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng. Hiện nay, nếu không kịp thời gắn đổi mới cơ chế chính sách và thể chế với tiến bộ KHCN trong nông nghiệp, vô hình trung sẽ hạn chế phát triển, hoặc chính chúng ta sẽ tự trói buộc mình trong những giới hạn chật hẹp và đánh mất khả năng cạnh tranh trước các đối thủ tiềm tàng.
Một là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp không nên hiểu chỉ là áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin, tự động hóa... vào chăn nuôi, trồng trọt; hơn thế, còn là thay đổi bản thân quy trình và công nghệ, các quy luật sinh học, tạo ra các giống cây con ngắn ngày, cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt và kháng bệnh. Như vậy, một nền nông nghiệp CLC, GTC cũng đồng nghĩa với nền nông nghiệp công nghệ cao (CNC) - nền nông nghiệp ứng dụng phổ biến các thành tựu KHCN trong thâm canh sản xuất; bảo đảm sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Nếu không áp dụng CNC thì không thể có những cánh đồng cà chua, rau sạch nuôi trồng thậm chí không cần đất, cho năng suất 300 tấn - 400 tấn/ha/năm. Nền NNCLC, GTC được đánh giá không thua kém so với nền công nghiệp công nghệ cao. Các nước I-xra-en, Đức, Nhật Bản... là những thí dụ như vậy.
Hai là, để phát triển nền NNCLC, GTC, trước tiên chúng ta cần tập trung giải quyết các khâu vốn và thị trường đầu ra. Đương nhiên, quy mô kinh tế hộ không có khả năng giải quyết những vấn đề này, mà chỉ có thể là những doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế có tiềm lực. Thứ nữa, cần lựa chọn bước đi và loại hình CNC cho phù hợp với điều kiện của ta. Cuối cùng, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực CNC. Về vốn, cần gia tăng đầu tư và đầu tư "đủ độ" cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp.
Một trong những hướng KHCN cần tập trung ưu tiên phát triển là ngành công nghệ sinh học. Chúng ta sẵn có những nguyên liệu quý như mía, sắn, ngô, khoai... dùng cho công nghệ sinh học; thậm chí những chất xơ tưởng như bỏ đi (cellulose) như rơm rạ, lau sậy, mùn cưa... được đường hóa nhờ vi sinh vật để tạo ra cồn nhằm thay thế cho các dạng năng lượng dầu mỏ, than đá, khí đốt đã cạn kiệt. Các nông sản làm ra không chỉ thỏa mãn nhu cầu về lương thực, thực phẩm, mà còn được dùng làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cao. Đó là sản xuất các sản phẩm mới của công nghệ sinh học, các sản phẩm phục vụ công nghiệp dược, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dầu khí, công nghiệp môi trường. Ví dụ, từ bột sắn chế biến thành tinh bột biến tính như cồn khô, lớp thấm hút trong tã lót trẻ em...
Ba là, vấn đề nghiên cứu, phát triển cơ giới hóa khâu canh tác, công nghệ chế biến sau thu hoạch nhằm giảm nhẹ lao động nặng và nâng cao năng suất, gia tăng hàm lượng dinh dưỡng và giá trị hàng hóa, để bảo quản sản phẩm lâu dài cũng cần được quan tâm. Trong khi ta có nhiều bột cá, đậu tương, ngô hạt... nhưng vẫn phải nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi; nhiều nông sản vốn là thế mạnh của ta nhưng khi xuất khẩu bị ép giá hoặc trả lại vì không đạt yêu cầu. Phải chăng vì công nghệ chế biến yếu nên giá thành cao, quy cách và chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa bảo đảm sạch? Gần đây, một số nông dân các địa phương tự phát mầy mò, sáng chế ra máy lựa đậu, cà-phê, tuốt ngô, lúa, gieo hạt, thu hoạch mùa màng... càng nói lên nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp từ cuộc sống đã chín muồi, bức xúc đến nhường nào. Vấn đề chỉ còn thiếu một chính sách, chủ trương sát hợp và cơ chế cụ thể cho sự kết hợp lợi ích giữa các "nhà": nhà nông - nhà khoa học - nhà đầu tư.
Trước mắt, cần khẩn trương nghiên cứu, chọn lọc và hoàn thiện Bộ giống chuẩn quốc gia về các cây lương thực chủ yếu. Thật vô lý khi Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo lớn nhưng vẫn phụ thuộc giống vào bên ngoài: miền Bắc với Trung Quốc và miền Nam với Thái Lan. Theo các chuyên gia, trong tình hình thế giới khủng hoảng lương thực kéo dài, chúng ta nên tập trung vào nghiên cứu, phát triển các giống lúa cao sản, ngắn ngày, chịu được hạn hán thiên tai và kháng rầy... để cạnh tranh về số lượng và giá rẻ với gạo Thái Lan chất lượng cao nhưng năng suất thấp, giá thành đắt. Ngoài lúa, cũng cần hoàn thiện bộ giống các cây lương thực, thực phẩm khác phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ở đây, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát minh về giống cũng như trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, hình thành và phát triển thị trường KHCN sẽ có tác dụng đòn bẩy mạnh mẽ trên các phương diện: gắn KHCN với sản xuất, thúc đẩy KHCN và CDCC nông nghiệp. Trường hợp nhà nông học Nguyễn Thị Trâm theo đuổi nghiên cứu và phát minh các dòng lúa lai chất lượng cao cho nền nông nghiệp nước nhà là ví dụ sinh động. PGS.TS Nguyễn Thị Trâm nguyên là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội hiện nghỉ hưu, đã gặt hái được nhiều thành công trong nghiên cứu chuyển giao các dòng lúa lai năng suất cao, phẩm chất tốt được nông dân ưa chuộng. Trước đây, như giống lúa NN-9, NN-10, NN-23, NN-75-6, DH60, nếp thơm 44, 256; sau đó, lúa lai hai dòng mới như TH-3-4, TH3-5, TH3-11, TH5-1, TH6-3, TH2-3. Gần đây bà đã cho ra đời giống lúa lai hai dòng 100% "made in Vietnam" TH3-3 và chuyển nhượng cho Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) với mức giá kỷ lục 10 tỉ đồng. Nhưng trước khi đưa ra chuyển nhượng, để ở nhà, thì mỗi năm bà cũng thu về hàng tỉ đồng nhờ bán giống. TH3-3 là giống lúa lai cho NS cao 6 - 8 tấn/ha với thời gian sinh trưởng ngắn 105 - 125 ngày, chịu được mọi loại đất trên mọi địa hình, chống chịu sâu bệnh, chất lượng gạo lại trắng thơm ngon dẻo.
Bốn là, chuyển dịch cơ cấu (CDCC) nông nghiệp sẽ là chưa đủ nếu không gắn với CDCC lao động - việc làm nông thôn. Hiện nay, ở Việt Nam CDCC nông nghiệp tuy có tiến bộ, giá trị nông nghiệp so với GDP cả nền kinh tế từ 26,62% (năm 1995) xuống 20,4% (năm 2006); nhưng CDCC lao động lại hết sức chậm trễ, có tới hơn 70% dân số làm nông nghiệp và 78% số dân vẫn sống dựa vào nghề nông. Nói trên ý nghĩa nào đó, nông nghiệp lúa nước vẫn phủ bóng dài và là cứu cánh, khiến cho phát triển các ngành nghề và dịch vụ chưa trở thành sự lựa chọn tất yếu. Mặt khác, việc dân cư tập trung trong nông nghiệp đang tạo bức xúc về mặt xã hội, nếu không xử lý thì đến lúc nào đó sẽ gây bùng phát mất ổn định. Nó cũng đồng nghĩa "miếng bánh pho-mát" nông nghiệp phải chia nhỏ ra cho nhiều người hay tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp và nghèo khổ trong nông thôn.
Vì vậy, trách nhiệm của Nhà nước là phải có chiến lược xử lý chủ động, tích cực vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động - việc làm trong nông thôn. Có thể có các kịch bản khác nhau cho chuyển dịch:
+ Chuyển dịch tuyệt đối - (a) đưa nông dân vào làm công nghiệp, dịch vụ ở thành thị; (b) xuất khẩu lao động nước ngoài; (c) xuất khẩu lao động trong nước (gia công và làm cho doanh nghiệp FDI);
+ Chuyển dịch tương đối - (d) ly nông bất ly hương: mở ra ngành nghề dịch vụ kết hợp ngay trong nông thôn.
Với bối cảnh mở cửa hiện nay, Việt Nam có thể và cần kết hợp cả bốn kịch bản trên sao cho hài hòa, uyển chuyển, đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất. Nhưng cần chuẩn bị tốt các điều kiện và phối hợp các hoạt động liên ngành, xã hội hóa công tác chuyển dịch này: đào tạo và chuẩn bị tốt tri thức, nghề nghiệp cho thế hệ trẻ nông thôn để đón bắt cơ hội việc làm; đàm phán và thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động để bảo vệ lợi ích người lao động; khuyến khích phát triển công nghiệp- dịch vụ theo cả hai hướng: sử dụng công nghệ cao và sử dụng công nghệ vừa, công nghệ sử dụng nhiều lao động; phát triển các trung tâm lớn, khu công nghiệp quy mô kết hợp với mở mang các cụm công nghiệp nhỏ và vừa, cụm công nghiệp làng nghề, doanh nghiệp tư nhân tại những vùng đông dân cư nhằm thu hút sử dụng được nhiều lao động nông thôn.
Năm là, đổi mới cơ chế về thủ tục hành chính (chuyển đổi, tách, sáp nhập, quản lý hộ khẩu và cấp chứng minh thư); cơ chế sang nhượng, cho thuê, chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, kể cả góp đất hoặc Nhà nước đứng ra mua lại quyền sử dụng đất. Nhiều trường hợp, nông dân không thể ra đi chỉ vì ràng buộc vào mảnh ruộng không biết xử lý thế nào: "bỏ thì thương, vương thì tội"! Hình thành một thị trường lao động và đất đai được quản lý chặt chẽ, linh hoạt sẽ thúc đẩy phân công, CDCC lao động nói chung, cũng như CDCC lao động nông thôn nói riêng./.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn hiện nay  (06/08/2010)
Tiến tới Hội nghị Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN lần thứ 4  (06/08/2010)
Tiến tới Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam  (06/08/2010)
Tiến tới Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam  (05/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên