“Chiếc nón ngược”

Đàm Rung
11:19, ngày 03-03-2008

Vừa gặp, ông chủ tịch xã B của tỉnh Z đã than vãn, công việc ở cơ sở suốt ngày tất bật, dồn nén, toàn những việc sự vụ, tranh chấp, kiện tụng, có thể nói là thượng vàng, hạ cám. Rồi ông bỗ bã nói, việc của tôi cứ như cái nồi lẩu đa thập cẩm, lúc nào cũng sôi sùng sục... Nghe ông giãi bày xong, tôi tranh thủ phỏng vấn luôn và đề nghị ông cho biết: xã ta có bao nhiêu trường hợp bị thương, bị tử vong trong tháng cao điểm an toàn giao thông? Tình hình sinh đẻ kế hoạch năm nay ra sao? Thu nhập bình quân đầu người được bao nhiêu?... Ông chủ tịch hơi bối rối rồi nói, về vấn đề giao thông, đồng chí sang làm việc với trưởng công an xã; chuyện sinh đẻ gặp phó chủ tịch văn xã; chuyện làm ăn, thu nhập gặp chủ nhiệm hợp tác xã...

Thế là 8 câu hỏi tôi nêu, ông chia cho 8 vị để tôi đi gặp rồi vội vã bắt tay “rút” mất hút. Tôi tưng hửng. Gặp một đã khó, gặp những tám vị thì làm sao đây, mà không gặp thì không thể có tin chính xác, kịp thời. Tôi đành kiên trì "bám sát cơ sở". Khi gặp được trưởng công an xã, thì được “truyền” ngay cho phó công an xã, rồi phó công an “truyền” cho công an viên, gặp được công an viên thì nói bận quá. Sang những vấn đề khác cũng được “đón tiếp” tương tự, tôi đâm nản, thế là mất đứt hai ngày “sôi hỏng, bỏng không” mà chẳng được tích sự gì...

Tuần sau, gặp lại chủ tịch xã B ở cuộc họp huyện, tôi có ý trách. Ông liền kéo tôi xuống ghế và chìa cho xem một sấp giấy và nói, cứ một ngày trôi qua là tôi nhận được trên 10 “trát” đủ các loại như thế này, anh bảo giải quyết như thế nào? Thôi đành “truyền” và “chuyển”, rồi tít mù nhiều cái nó lại trở về mình; mình lại “truyền” lại “chuyển”... Tính riêng chuyện xử lý, nhớ tên công văn, giấy tờ đã bù đầu, thú thực không có thời gian đọc báo, đọc sách, xem ti vi nữa. Tôi tần ngần tự hỏi, thế chủ tịch xã làm gì nhỉ? Ông chủ tịch biết tôi băn khoăn, liền giải thích: có tới 70% thời gian của tôi giành vào việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của dân. Ngoài ra, rất đau đầu và mất thời gian vào những công việc “nội chiến”: bè nọ, phái kia, làng nọ, làng kia, dòng họ nọ, dòng họ kia, chính sách nọ, chính sách kia. Năm qua xuất hiện thêm chuyện đền bù đất đai để đô thị hóa lại gặp vô vàn khó khăn, phức tạp. Thú thật, tôi cảm thấy quá tải, quá mệt mỏi. Trình độ mình có hạn, chỉ học hết lớp 7 rồi đi đánh giặc, giờ làm cán bộ xã đã gần hai chục năm, lo cho dân không được, giải quyết cho dân không xong, nhiều lúc thấy gian truân hơn cả thời kỳ đi kháng chiến, nên đã mấy lần xin nghỉ mà chưa được. Ngoài ra là chuyện đi họp. Sao mà họp nhiều thế, họp thôn, họp xã, họp huyện, có tháng số cuộc họp còn nhiều hơn cả số ngày trong tháng...Ông chủ tịch xã “xả hơi” với tôi, rồi thở dài bình luận, không hiểu tình trạng ở cơ sở như thế này kéo dài bao lâu nữa. Tôi thiển nghĩ, dẫu mọi chủ trương, nghị quyết, chính sách ở trên có hay, có đúng đến mấy thì ở cơ sở, với thực tế trình độ cán bộ và điều kiện như hiện nay làm sao mà hấp thụ, mà tiêu hóa để đưa vào cuộc sống dân sinh được.
 
Tuần sau nữa, trong cuộc họp của tỉnh Z bàn chuyên về công tác củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tôi được phát tài liệu trong tay:.. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh có 3.350 người, trong đó cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử là 1.900 người (57%), còn lại 1.450 người (43%) là công chức chuyên môn. Về trình độ văn hóa: tiểu học 25%, trung học cơ sở 30%, trung học phổ thông 25%, đặc biệt các xã vùng cao có nhiều cán bộ chưa biết chữ. Về trình độ chuyên môn: sơ cấp 23%, trung cấp 16%, cá biệt có trình độ đaị học, cao đẳng; còn lại là chưa qua đào tạo. Về chế độ lương cho cán bộ, công chức cơ sở vừa qua tuy đã có cải thiện nhưng nhìn chung còn nhiều bất cập...

Về nhà tôi cứ trăn trở, ngẫm nghĩ và thấy ông chủ tịch xã B nói có lý. Tất thảy mọi chủ trương, chính sách, nghị quyết của trung ương, tỉnh, huyện đều “rót” về cơ sở, làm cho cơ sở quá tải, cơ sở ứ đọng, cơ sở ùn tắc... Và tôi chợt nhớ đến một nhà báo lão thành đã từng so sánh rằng: Nghị quyết đẹp như hạt ngô giống để trong chai, còn cơ sở như những con gà đi xung quanh cái chai đó chỉ ngắm nhìn mà không ăn được. Phải chăng như nhiều nhà quản lý mô tả rằng mô hình quản lý cơ sở ở ta giống như hình “chiếc nón ngược”, mà với thực trạng cán bộ cơ sở như vậy thì trên có “rót” xuống thế chứ “rót” xuống nữa cũng chẳng giải quyết được gì hơn. Nên chăng cần phải xoay lại chiếc nón ???