TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 19-6, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

 
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
 giải trình và làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Nhiều ý kiến khác nhau về phân loại rừng

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), các đại biểu đánh giá việc sửa đổi Luật là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững; thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng một số nội dung còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật liên quan về Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đầu tư. Vì thế, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về phạm vi điều chỉnh, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng mà Việt Nam là thành viên.

Về vấn đề phân loại rừng (Điều 5), đa số ý kiến đồng tình với quy định 3 loại rừng như trong dự án Luật gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) nêu rõ, việc phân loại như vậy là phù hợp, thuận tiện cho sắp xếp tổ chức trong ngành lâm nghiệp cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về đầu tư, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, đổi mới và phát triển rừng quốc gia.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cách phân loại như trên chưa thực sự phù hợp cho quản lý và mang tính khoa học cao.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) cho rằng quy định như dự án Luật mới đề cập đến phân loại rừng theo mục đích sử dụng rừng thuần túy về kỹ thuật của ngành lâm nghiệp mà chưa rõ tính chất sử dụng đặc thù của rừng gắn với chủ thể, chủ rừng là cộng đồng dân cư các dân tộc như rừng tâm linh, tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng biên giới...

Đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) đề nghị chỉ nên phân loại thành 2 loại rừng: Rừng bảo vệ và rừng kinh tế, trong đó rừng bảo vệ gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, còn rừng kinh tế là rừng trồng, sản xuất., việc quy định như vậy phù hợp với phân loại của nhiều nước trên thế giới, thuận lợi trong hợp tác quốc tế và trong việc thực hiện quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, việc phân chia rừng bảo vệ và rừng kinh tế rất dễ hiểu, tránh việc người dân không hiểu biết, vi phạm pháp luật. "Mặt khác, việc phân loại thành 3 loại rừng như dự án Luật buộc phải có các cơ chế, chính sách, mô hình khác nhau theo việc quản lý, bảo vệ, sử dụng phù hợp với từng loại rừng trong khi bản thân mỗi loại rừng đều hàm chứa các chức năng là phòng hộ, đặc dụng và sản xuất".

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng để người dân dễ hiểu và dễ thực hiện, dự án Luật chỉ nên phân loại thành rừng bảo vệ và rừng sản xuất. Trong rừng bảo vệ có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và một số rừng đặc chủng theo biên giới. Nội dung này cần được quy định rõ trong dự án Luật để Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại chính xác.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết mục đích phân loại rừng là tạo khung pháp lý cho công tác quy hoạch, hoạch định chính sách quản lý rừng có hiệu quả, phù hợp với chức năng cơ bản của các khu rừng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của hệ thống pháp luật, nhất là chế định về phân loại đất tại Luật Đất đai. Việc thay đổi phân loại rừng chắc chắn sẽ gây xáo trộn về cơ chế quản lý, đòi hỏi phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan và phải mất nhiều năm mới ổn định. Một số khu rừng phòng hộ chuyển thành rừng bảo vệ sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân vì lý do bảo vệ, bảo tồn rừng.

Nghiên cứu pháp luật quốc tế cho thấy, việc phân loại rừng rất khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của quốc gia đó và các tổ chức quốc tế không khuyến nghị quy định phân loại rừng chung đối với các quốc gia.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thể chế hóa quy định rừng biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư để bổ sung, hoàn thiện luật trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Làm rõ chính sách về bảo vệ và phát triển rừng

Các đại biểu Quốc hội đánh giá để khuyến khích, hỗ trợ chủ rừng, đặc biệt đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ trồng rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, giao khoán việc bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua thời gian thực hiện, các chính sách này đã phát huy tác dụng, cần được xem xét luật hóa. Vì thế, trong dự án Luật này cần bảo đảm quy định được các chính sách cụ thể về bảo vệ và phát triển rừng, tránh quy định mang tính chung chung như tại Khoản 3 Điều 64, Điều 79 và Điều 89.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khả thi trong việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích bảo vệ và phát triển rừng, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số quy định cụ thể trong dự thảo Luật về chính sách đối với bảo vệ và phát triển rừng; xem xét bổ sung quy định để người dân sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được chia sẻ những lợi ích từ rừng, như tham gia bảo vệ rừng và được hưởng các lợi ích của chính sách bảo vệ và phát triển rừng, có quyền tiếp cận rừng, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm trồng xen dưới tán rừng… nhưng không làm ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học rừng.

Nhấn mạnh cuộc sống của người dân gắn chặt với rừng, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) cho rằng chỉ khi nào người dân thấy bảo vệ rừng bảo đảm cuộc sống của họ thì rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Thực tế, khi Nhà nước thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng thì rừng đã xanh tươi trở lại, các quy định như trong dự án Luật là chưa đủ, chưa khuyến khích và chưa nâng cao trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ rừng; cần quy định cụ thể hơn chính sách của Nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ rừng, tái sinh rừng tự nhiên đồng thời giao Chính phủ quy định chính sách đặc thù cho vùng, miền để bảo vệ tốt rừng, khu vực xung yếu, biên giới và khu vực cung cấp các nguồn nước chính cho các thủy điện lớn”.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, dự án Luật không có điều khoản quy định riêng về chính sách Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng mà quy định rải rác ở các nội dung khác nhau. Vì thế đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị dự án Luật cần có điều khoản quy định riêng về vấn đề này và bổ sung thêm những nội dung còn thiếu như ưu tiên đầu tư, khuyến khích chính sách khoa học công nghệ, chính sách đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số là những người gắn bó mật thiết với rừng.

 
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Lâm Thành phát biểu ý kiến

Tán thành quan điểm này, đại biểu Võ Đình Tín cho rằng trong thời gian qua có nhiều bất cập trong quản lý, phát triển và bảo vệ rừng, đặc biệt cơ chế phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc còn hạn chế. “Vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng rất hiệu quả, nhưng dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) chưa quy định vấn đề này. Do vậy, "đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp về việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo cho đồng bào có thể sống được bằng nghề rừng”, đại biểu Võ Đình Tín nhấn mạnh.

Trước đó, với 83,1% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm hai Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đối với đồng chí Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang và đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

* Tiếp tục chương trình làm việc chiều 19-6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua các dự án: Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Du lịch (sửa đổi).

Khuyến khích thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ

Với tỷ lệ 93,28% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Luật gồm 6 Chương, 63 Điều.

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ của Việt Nam.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đối với quy định về chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ (Điều 3), Luật bổ sung chính sách thúc đẩy phong trào sáng tạo, đổi mới của tổ chức, cá nhân vào khoản 5; bổ sung nội dung coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo vào khoản 1; bổ sung nội dung đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam tại khoản 5; bổ sung quy định Nhà nước chú trọng, hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước vào khoản 4.

Đồng thời, trong Luật có một mục gồm 6 điều, quy định cụ thể về việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khuyến khích tổ chức, cá nhân lao động, sản xuất, sáng chế, sáng tạo.

Quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi

Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thủy lợi với tỷ lệ 93,08% đại biểu tán thành. Luật gồm 10 Chương 60 Điều quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác và vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi. Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về quy hoạch thủy lợi, Luật quy định những nội dung mang tính đặc thù của hoạt động thủy lợi như Các loại quy hoạch thủy lợi (Điều 12), nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi (Điều 13), nội dung quy hoạch thủy lợi (Điều 14); các vấn đề khác về quy hoạch như thẩm quyền xây dựng, phê duyệt quy hoạch, trình tự, thủ tục xin ý kiến tổ chức, cá nhân... sẽ thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất giữa hai Luật.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đối với quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi (Điều 4), có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một khoản về đa dạng hóa các loại hình đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung nội dung này vào khoản 7; có ý kiến đề nghị tại khoản 1 cần bổ sung quy định về việc ưu tiên sửa chữa các công trình thủy lợi có tác dụng tốt nhưng đã xuống cấp hoặc công trình thiếu vốn, bị bỏ dở.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khoản 1 Điều 4 quy định về chính sách của Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi mới có tầm quan trọng đặc biệt, công trình ở vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khó khăn; còn việc sửa chữa, bảo trì nâng cấp công trình thủy lợi hiện có là hoạt động thường xuyên trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20.

Trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc sửa chữa, bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây mới, hiện đại hóa công trình thủy lợi là của chủ sở hữu công trình thủy lợi được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 . Riêng việc xử lý đối với những công trình thủy lợi xây dựng bị bỏ dở do thiếu vốn không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định trên vào Luật.

Tạo điều kiện thuận lợi, bảo vệ lợi ích, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp du lịch

Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 89,21% đại biểu tán thành. Luật quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

Đối tượng áp dụng của Luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Luật không quy định nội dung về đô thị du lịch; Luật quy định đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện. Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng, bảo vệ lợi ích, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được vận hành theo quy luật thị trường, giảm tác động của biện pháp hành chính.

Để bảo đảm việc triển khai quy hoạch du lịch trên thực tế khi dự thảo Luật Quy hoạch chưa được thông qua, đồng thời bảo đảm tính ổn định của Luật Du lịch trong thời gian tới, Luật quy định về nguyên tắc lập quy hoạch về du lịch (Điều 20), nội dung quy hoạch về du lịch (Điều 21), các vấn đề lập, quản lý và thực hiện quy hoạch về du lịch giao Chính phủ quy định chi tiết (Điều 22). Luật gồm 9 Chương, 78 Điều.

Cũng trong chiều 19-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào và Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào./.