Quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2016, triển vọng năm 2017
TCCS - Quan hệ Mỹ - Trung Quốc là cặp quan hệ song phương quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng vai trò chi phối ngày càng sâu sắc đối với những diễn biến trong tập hợp lực lượng tại khu vực cũng như góp phần định hình tương lai địa - chính trị ở khu vực này. Từ góc độ địa - kinh tế, đó là mối quan hệ giữa nước phát triển lớn nhất và nước đang phát triển lớn nhất trong một thế giới ngày càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng quan trọng hơn về mặt địa - chiến lược, đó là mối quan hệ giữa một siêu cường tại vị và một cường quốc đang lên thách thức trật tự thế giới hiện thời. Tiếp nối xu thế của những năm gần đây, năm 2017 được đánh giá tiếp tục là một năm “không dễ dàng” đối với cặp quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2016: Hợp tác tích cực và đấu tranh đan xen
Trong năm 2016, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục khẳng định việc coi trọng tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với mỗi nước cũng như đối với các vấn đề khu vực và quốc tế. Quản lý mối quan hệ song phương vẫn nằm trong ưu tiên cao của hai cường quốc này, nhất là để tránh xung đột và va chạm quân sự trực tiếp.
Về tiếp xúc cấp cao, tiếp sau thành công của chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên đến Mỹ của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 9-2015), đã diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh về hạt nhân tại Thủ đô Oa-sinh-tơn (Mỹ, ngày 31-3-2016) và cuộc hội đàm riêng giữa hai nhà lãnh đạo tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc, ngày 3-9-2016) trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma nhân tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20)... Tại các cuộc gặp giữa hai bên, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì ý tưởng về mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới”, thì Mỹ dường như lại né tránh khái niệm này. Ý tưởng về “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” không còn hấp dẫn đối với Mỹ nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ bớt quan tâm tới việc quản trị mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc và giảm tầm quan trọng của hợp tác Mỹ - Trung Quốc. Diễn biến của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong năm 2016 cho thấy, cả hai nước đều có nhu cầu thúc đẩy hợp tác và trên thực tế có nhiều cơ chế để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau.
Về kinh tế, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy đàm phán Hiệp định đầu tư song phương (BIT) đã được khởi động từ 8 năm qua, nhằm sớm đạt được một hiệp định cùng có lợi cho cả hai bên. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Mỹ tiếp tục nhập siêu. Tính đến hết tháng 9-2016, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc 337 tỷ USD hàng hóa và xuất khẩu sang Trung Quốc 79,33 tỷ USD; thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 257,67 tỷ USD, tương đương mức thâm hụt của các năm trước và luôn lớn hơn mức thâm hụt của Mỹ đối với bất kỳ đối tác nào khác. Sau một thời gian dài phản đối, ngày 30-11-2015, Mỹ - cổ đông lớn nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã bỏ phiếu thông qua việc đưa đồng nhân dân tệ (NDT) trở thành đồng tiền dự trữ trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), với hy vọng điều này sẽ tạo sức ép khiến Trung Quốc phải minh bạch hơn về chính sách kinh tế và ngoại hối. Ngày 1-10-2016, giỏ tiền tệ quốc tế mới đã chính thức có hiệu lực như một sự công nhận của Mỹ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT. Đây cũng là một ví dụ cho việc Mỹ và Trung Quốc đã quản lý tương đối tốt những khác biệt liên quan đến trật tự kinh tế quốc tế.
Quan hệ quân sự - quốc phòng giữa hai bên vẫn tiếp tục được duy trì với chuyến thăm Trung Quốc của Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Giôn Ri-sác-xơn (John Richardson, tháng 7-2016) và chuyến cập cảng đến Thanh Đảo (Trung Quốc) của tàu khu trục Mỹ USS Benfold (tháng 8-2016), mặc dù trước đó vào tháng 4-2016, trong một động thái được cho là không hài lòng với các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông, Trung Quốc đã từ chối không cho tàu khu trục USS John C. Stennis và các tàu hộ tống của Mỹ thăm Hồng Công. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma vẫn mời các tàu hải quân Trung Quốc tiếp tục tham dự lần thứ hai cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC - 2016) do Mỹ đứng đầu, mặc dù còn nhiều chỉ trích trong nội bộ nước Mỹ xung quanh vấn đề này.
Năm 2016, việc phối hợp xử lý các vấn đề toàn cầu là một điểm sáng trong hợp tác Mỹ - Trung Quốc như những năm gần đây. Việc Trung Quốc và Mỹ nhất trí phê chuẩn Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu đã mở đường cho Hiệp định này đủ điều kiện có hiệu lực từ ngày 4-11-2016. An ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng là một lĩnh vực ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước. Ngày 2-3-2016, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đồng loạt bỏ phiếu thông qua Nghị quyết SCR2270, bao gồm các biện pháp trừng phạt được xem là “cứng rắn nhất từ trước tới nay” nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ tư do Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên thực hiện vào ngày 6-1-2016 và vụ thử tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo được thực hiện vào ngày 7-2-2016. Ngoài ra, hai bên còn ký kết nhiều biên bản ghi nhớ về hợp tác, phát triển nhằm triển khai hợp tác trong các vấn đề rộng lớn hơn, như phát triển bền vững, an ninh lương thực, y tế cộng đồng, hỗ trợ nhân đạo...
Qua những phân tích trên, không thể phủ nhận rằng, trong năm 2016, Mỹ và Trung Quốc về cơ bản đã duy trì được quan hệ tương đối ổn định, quản lý được bất đồng, mang lại lợi ích không những cho cả hai bên mà còn tạo điều kiện thúc đẩy giải quyết, đương đầu với một loạt thách thức ở khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc không hề đơn giản mà thực chất là một tổng thể những hợp tác, đấu tranh luôn đan xen rất phức tạp và gần như hiện hữu trong mọi lĩnh vực.
Đơn cử trong vấn đề Triều Tiên, mặc dù hai bên cùng chia sẻ quan ngại về một bán đảo Triều Tiên đầy bất ổn và đạt được sự nhất trí cao về không phổ biến vũ khí và an toàn hạt nhân, nhưng Trung Quốc lại kịch liệt phản đối việc Mỹ quyết tâm triển khai lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, cho rằng Mỹ đang lợi dụng vấn đề bán đảo Triều Tiên để thúc đẩy hệ thống phòng thủ khu vực và nếu làm như vậy “Mỹ sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh của Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và là đòn giáng vào lòng tin chiến lược Mỹ - Trung Quốc”. Vì thế, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ năm (ngày 9-9-2016), Mỹ và Trung Quốc đã đổ lỗi cho nhau, khiến Nghị quyết SCR2270 gần như cùng chung số phận với những nghị quyết trước đó về Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Khuôn khổ quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung Quốc còn được phản ánh rõ nét tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - địa bàn diễn ra mức độ va chạm, cọ xát cao nhất giữa hai nước. Trong năm 2016, trước việc Trung Quốc tiếp tục hành trình hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”, Mỹ đã tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến lược “tái cân bằng” tại khu vực, nhấn mạnh hơn đến khía cạnh an ninh - chính trị của chiến lược này, thắt chặt hơn nữa quan hệ với các nước đồng minh, đối tác, bạn bè tại châu Á - Thái Bình Dương, nhằm ứng phó với thách thức từ Trung Quốc đối với trật tự hiện hành.
Về công khai, Mỹ vẫn nhấn mạnh “tái cân bằng” không phải để bao vây Trung Quốc mà là cách thể hiện cam kết với các đối tác, bạn bè nhằm hình thành nên các thể chế, cấu trúc để các nước (trong đó có Trung Quốc) tham gia các “luật chơi” chung, vì hòa bình, an ninh và phát triển nhưng thực chất là Mỹ tuy dành chỗ cho Trung Quốc trong hệ thống quốc tế và khu vực, tương ứng với thế và lực mới của Trung Quốc mà vẫn dựa trên sự công nhận vị trí lãnh đạo của Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn cam kết và nỗ lực chứng minh sự trỗi dậy của mình là “hòa bình”, là cơ hội chứ không phải là thách thức, bác bỏ thuyết về “mối đe dọa từ Trung Quốc”, cho rằng có những thế lực ở Mỹ đã thổi phồng điều này và khẳng định đó là tư duy kiểu Chiến tranh lạnh đã lỗi thời, và rằng Trung Quốc chủ trương “cùng thắng” với Mỹ chứ không phải là người thắng kẻ thua, rằng châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn có đủ không gian để dung nạp hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù vậy, cọ xát và căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc thể hiện trên hầu khắp các lĩnh vực từ kinh tế - thương mại, an ninh mạng, dân chủ, nhân quyền, vấn đề Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, đến Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trước hết, trong lĩnh vực kinh tế, các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra. Bên cạnh việc gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề dư thừa công suất và tỷ giá(1), Mỹ đã cùng 11 nước đối tác ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 4-2-2016, đề ra quy tắc thương mại cho gần 40% kinh tế toàn cầu, tăng cường can dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), thúc đẩy Khu vực mậu dịch tự do (FTA) Mỹ - ASEAN, đề ra Sáng kiến “Kết nối Mỹ - ASEAN”(2), tiếp tục triển khai Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công (LMI) hướng tới mục tiêu thiết lập cấu trúc kinh tế mới do Mỹ đóng vai trò dẫn dắt ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, mặc dù phải đối mặt với nền kinh tế giảm tốc và các vấn đề liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, song Trung Quốc vẫn nỗ lực thúc đẩy tập hợp lực lượng trong khu vực với khẩu hiệu “châu Á của người châu Á” thông qua tăng cường viện trợ, đầu tư, tiếp cận thị trường và hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho các nước trong khu vực, đẩy mạnh quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), phát huy hiệu quả các cơ chế cũ và thúc đẩy triển khai các cơ chế mới do Trung Quốc đứng đầu(3).
Trong lĩnh vực an ninh - chính trị, sự cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương cũng diễn ra mạnh mẽ. Một số nhà quan sát cho rằng, dường như tại châu Á - Thái Bình Dương đang hình thành một xu hướng tập hợp lượng mới giữa các nước lớn. Sự lôi kéo, gây ảnh hưởng của các nước lớn đối với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng tạo ra những thách thức rất lớn đối với Hiệp hội trong việc giữ được sự thống nhất nội khối và vai trò trung tâm của tổ chức này trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Trong năm 2016, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh, củng cố hệ thống các liên minh, liên kết và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác an ninh khu vực(4); tăng tần suất và quy mô các cuộc diễn tập quân sự chung, tăng cường hoạt động của tàu bè, máy bay tuần tra tại các vùng biển; đề xuất và chủ trì nhiều chương trình hợp tác an ninh khu vực, thúc đẩy ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác an ninh quốc phòng với các nước ASEAN(5). Giống như Mỹ, Trung Quốc cũng tham gia hầu hết các cơ chế hợp tác an ninh khu vực do ASEAN đóng vai trò trung tâm để gây ảnh hưởng lên quyết sách của các diễn đàn này theo hướng có lợi cho Trung Quốc; đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế do Trung Quốc nắm vị trí chủ chốt và không có sự tham gia của Mỹ(6).
Tình hình Biển Đông năm 2016 đã chuyển sang một giai đoạn mới, mâu thuẫn chiến lược Mỹ - Trung Quốc bộc lộ một cách sâu sắc. Trung Quốc, một mặt, luôn yêu cầu Mỹ phải tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông và cam kết với Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông; mặt khác, những hoạt động trên thực địa của Trung Quốc tại Biển Đông ngay từ đầu năm 2016 đã cho thấy sự thiếu nhất quán giữa lời nói và hành động. Trong khi đó Mỹ tăng cường can dự một cách trực tiếp hơn, mạnh mẽ hơn với hàm ý răn đe Trung Quốc với các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) bên cạnh việc duy trì các cuộc diễn tập quân sự thường kỳ với các nước đồng minh, đối tác.
Sự cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông trong năm 2016 được đẩy lên ở mức cao hơn rất nhiều so với năm 2015 một phần liên quan đến phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa Trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về vụ kiện Trung Quốc của Phi-líp-pin.
Có lẽ vì vấn đề Biển Đông nổi lên trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc mà những bất đồng lâu nay giữa hai nước xung quanh vấn đề Đài Loan, vấn đề dân chủ, nhân quyền trong năm 2016 cũng như những năm gần đây dường như chùng xuống. Năm 2016 đánh dấu năm thứ năm liên tiếp dưới thời Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, Mỹ không bán vũ khí cho Đài Loan theo đạo luật quan hệ với Đài Loan, mặc dù cuối năm 2015 trong nội bộ Mỹ đã xuất hiện sức ép lên chính quyền về việc này.
Triển vọng quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2017
Trong suốt cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là một nội dung quan trọng trong tranh luận về chính sách đối ngoại của các ứng cử viên, tuy không ảnh hưởng đến chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma song cũng khiến giới quan sát của cả hai phía Mỹ và Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm do tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này đối với thế giới.
Đến thời điểm này, khi Tổng thống Đ. Trăm đã chính thức nhậm chức với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, câu hỏi đặt ra là quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào, liệu quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ trở nên hòa dịu, bớt gai góc hay không? Ở thời điểm hiện tại rất khó để có được câu trả lời rõ ràng.
Năm 2017 sẽ diễn ra Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi “giấc mộng Trung Hoa”. Chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ nhiều khả năng vẫn tiếp tục xu hướng như hiện nay, đó là tìm cách kiểm soát mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ, tránh đối đầu, tiếp tục tận dụng hợp tác với Mỹ trong quá trình củng cố địa vị là cường quốc khu vực và vươn lên thành một cường quốc thế giới, song cũng ngày một quyết đoán hơn, không ngại va chạm với Mỹ trong việc bảo vệ “lợi ích cốt lõi”, nhằm từng bước xác lập vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trong trật tự khu vực đang định hình.
Nhân tố nội bộ của mỗi nước như trên sẽ tiếp tục tác động đối với chính sách của Mỹ và Trung Quốc đối với nhau. Việc triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền mới không tránh khỏi những “chập chững”, “thử nghiệm” ban đầu và quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2017 cũng sẽ chịu những tác động chung đó.
Một mặt, những phát ngôn của hai bên bước đầu cho thấy lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tỏ ra có thiện chí hợp tác với nhau. Trong điện chúc mừng Tổng thống Mỹ đắc cử, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp “Thực tế đã chứng minh, hợp tác là sự lựa chọn duy nhất đúng cho Trung Quốc và Mỹ. Hai bên cần phải tăng cường phối hợp, thúc đẩy kinh tế hai nước phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mở rộng giao lưu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm hai nước có được lợi ích thiết thực, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển”. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Đ. Trăm cho biết ông sẵn sàng làm việc với nhà lãnh đạo Trung Quốc để tăng cường quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
Mặt khác, đối với nước Mỹ, tuyên ngôn tranh cử là một chuyện, thực thi lại là chuyện khác. Những nhân tố tác động lên chính sách đối ngoại của Mỹ không chỉ là cá nhân tổng thống Mỹ mà còn là đội ngũ cố vấn, là cơ chế kiểm soát và cân bằng của hệ thống chính trị theo mô hình tam quyền phân lập, là các nhóm lợi ích... Điều đó cũng có nghĩa là, dù ông Đ. Trăm có “nặng” về tư duy kinh tế hơn là chiến lược, “nặng” về tập trung cho nước Mỹ hơn là can thiệp trực tiếp vào các vấn đề quốc tế, nhưng nếu thực sự muốn “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, khó có khả năng chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm sẽ “đoạn tuyệt” với chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền tiền nhiệm, hoặc giảm cam kết với các đồng minh của mình bởi điều đó sẽ tạo ra “những khoảng trống quyền lực”. Nhiều khả năng những nội hàm của chính sách “tái cân bằng” sẽ được tái sử dụng trong thời kỳ tới, nhưng sẽ được gắn một cái tên mới. Và điều này cũng có nghĩa rằng, quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong năm 2017 sẽ vẫn là đan xen giữa hợp tác và cạnh tranh, tuy nhiên mức độ, liều lượng hợp tác hay cạnh tranh giữa hai nước sẽ có những thay đổi nhất định.
Kinh tế được cho là sẽ trở thành một vấn đề khó khăn trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong năm đầu dưới chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm. Tranh chấp kinh tế - thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nổi lên xung quanh vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ và đồng NDT. Đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương Mỹ - Trung Quốc (BIT) sẽ khó có khả năng hoàn tất trong năm 2017. Tuy nhiên cũng có một khả năng là nếu Trung Quốc khéo đưa ra những lời đề nghị hợp tác đủ hấp dẫn đối với Mỹ, thì Tổng thống Mỹ Đ. Trăm có thể sẽ sẵn sàng thỏa hiệp, quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng sẽ không căng thẳng như người ta vẫn tưởng. Cũng theo cách tư duy này, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, vấn đề Đài Loan cũng sẽ không còn gay cấn giữa hai nước nếu như Trung Quốc vẫn khéo duy trì chính sách ôn hòa như hiện nay.
Từ khía cạnh địa - chính trị, nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm không xem xét lại việc rút khỏi TPP - cấu phần kinh tế chính của chính sách “tái cân bằng”, đồng thời thật sự giảm bớt cam kết với các đồng minh trong khu vực Đông Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-líp-pin,... giảm chú trọng đến các nước đối tác, bạn bè, thì đà triển khai cái mà Trung Quốc gọi là “chiến lược vòng cung bao vây” do Mỹ dựng lên, cũng như áp lực địa - chính trị đối với Trung Quốc sẽ giảm bớt. Trung Quốc sẽ có không gian chiến lược rộng lớn hơn, có nhiều cơ hội hơn trong việc thúc đẩy RCEP, tranh thủ quan hệ đang được cải thiện đáng kể với Phi-líp-pin và thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á khác. Cọ xát Mỹ - Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông có thể sẽ giảm về ngắn hạn nếu như Trung Quốc không tiếp tục có các hoạt động phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông hoặc biển Hoa Đông, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực.
Tuy nhiên cũng có một điểm đáng lưu ý là những nhân tố phản đối Trung Quốc trong nội bộ nước Mỹ khá đông đảo. Ngay trong đội ngũ cố vấn của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm cũng có những nhân vật phản đối Trung Quốc, thậm chí có người đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm đã quá “nương tay” với Trung Quốc. Do vậy, nhiều khả năng nếu Trung Quốc tranh thủ thời gian ông Đ. Trăm tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ của nước Mỹ để tiếp tục quyết đoán hơn trong việc bảo vệ cái mà Trung Quốc gọi là lợi ích của mình trên Biển Đông thì không loại trừ khả năng vào nửa sau năm 2017, khi mà sự “chập chững” trong thời kỳ chuyển giao quyền lực qua đi, chính quyền mới của Mỹ sẽ theo đuổi “hòa bình thông qua sức mạnh” và chu kỳ căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc rất có thể sẽ quay trở lại./.
---------------------------------------
(1) Tháng 4-2016, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Trung Quốc vào danh sách các nước có chính sách ngoại hối cần theo dõi chặt chẽ. Tháng 5-2016, Mỹ đã tăng mạnh thuế nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Trước đó, ngày 19-2-2016, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm săm lốp xe tải và xe buýt nhập khẩu từ Trung Quốc
(2) Đây là một trong những sáng kiến kinh tế mà Mỹ đề xuất ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Xăn-ny-len (Sunnylands, tháng 2-2016) được các đối tác ASEAN hưởng ứng, theo đó, Mỹ sẽ thiết lập các trung tâm khắp khu vực để kết nối các doanh nghiệp và doanh nhân ASEAN. Các trung tâm kết nối ASEAN sẽ được đặt ở Thủ đô Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), Thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) và Xin-ga-po, với tư cách là nơi gặp gỡ, kết nối giữa các doanh nghiệp trong khu vực muốn hợp tác với các đối tác Mỹ
(3) Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao (tháng 3-2016), Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB), Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương (LMC)...
(4) Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng,...
(5) Ngày 12-1-2016, Tòa án tối cao Phi-líp-pin đã bỏ phiếu thông qua việc triển khai Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ - Phi-líp-pin (EDCA) ký năm 2014, có thời hạn 10 năm, mở đường cho quân đội Mỹ triển khai luân phiên quân đội và các thiết bị trên các căn cứ được lựa chọn của Phi-líp-pin. Riêng Nhật Bản - đồng minh của Mỹ, mặc dù không trực tiếp tham gia các hoạt động tự do hàng hải nhưng đã giúp hải quân các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực an ninh, như cung cấp tàu tuần tra bờ biển, mời quân đội các nước ASEAN tham dự các chương trình trao đổi và huấn luyện
(6) Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn An ninh Hương Sơn, Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin (CICA)...
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI  (13/06/2017)
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI  (13/06/2017)
Nhiều hoạt động mang tầm quốc gia và quốc tế diễn ra trong Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017  (13/06/2017)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2017  (13/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên