Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 07-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Cần thiết ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các đại biểu khẳng định đây là thời điểm cần thiết ban hành Nghị quyết để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong điều kiện chưa có văn bản pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu.

Những vấn đề đặt ra trong dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, những vấn đề giải quyết nợ xấu, xử lý tài sản mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường chỉ đạo thực hiện ngay khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành; quan tâm đặc biệt đến việc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định để không đòi nợ, không tùy tiện chuyển nợ thường thành nợ xấu; quyền thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện trên cơ sở tự do thực hiện cam kết, thỏa thuận giữa các bên và khi có sự vi phạm cam kết của bên bảo đảm; cấm các tổ chức tín dụng lạm quyền thu giữ, lạm dụng cơ quan Nhà nước trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Để hạn chế nợ xấu trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị, nợ xấu phải được quản lý, giám sát xử lý chặt chẽ, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần định hướng tín dụng phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tránh ''bơm'' vốn cho bong bóng bất động sản để dẫn đến rủi ro tăng nợ xấu, phá vỡ dây chuyền của nền kinh tế.

Bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật


Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị Ban Soạn thảo cần rà soát để sửa đổi toàn diện Luật, khắc phục triệt để các lỗ hổng của Luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật, tránh sửa đổi, bổ sung Luật nhiều lần, gây tốn kém, bức xúc dư luận xã hội.

Liên quan đến đối tượng áp dụng, đại biểu đề nghị rà soát toàn diện để phù hợp với các Luật có liên quan, trong đó có dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Dự thảo cần quy định cụ thể về nguyên tắc làm cơ sở xác định các tổ chức tín dụng để đặt vào kiểm soát đặc biệt, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tránh việc áp dụng tùy tiện. Bên cạnh đó, quy định rõ cơ chế xác định trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc không thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng ngừa rủi ro dẫn đến nợ xấu.

Đối với quy định về việc miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đại biểu tán thành với quy định tại khoản 12 Điều 1 của dự án Luật (điều 147 của Luật hiện hành). Tuy nhiên, để quy định của Luật được chặt chẽ, không tạo sơ hở để tổ chức, cá nhân trục lợi, đề nghị bổ sung quy định cụ thể và căn cứ trách nhiệm, tránh lạm dụng khi thực hiện, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan./.