TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Tokyo từ ngày 04 đến ngày 08-6-2017.
Hội nghị Tương lai châu Á là một trong những diễn đàn thường niên, có uy tín, do tập đoàn truyền thông Nikkei tổ chức. Với chủ đề chính “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - bước đi tiếp theo của châu Á,” Hội nghị năm nay thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với các vị khách mời đặc biệt cao hơn hẳn các năm trước như Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Lào Thoonglun Sisoulith, Phó Tổng thống Indonesia, Phó Thủ tướng Thái Lan, Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới cùng nhiều lãnh đạo các nước châu Á, các tập đoàn lớn của thế giới, nhiều học giả, nhà nghiên cứu từ các viện, trường đại học danh tiếng ở khu vực và trên thế giới.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là chuyến thăm cấp cao thứ 3 giữa hai quốc gia kể từ đầu năm 2017, tiếp theo chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 1 và chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Nhật hoàng và Hoàng hậu tới Việt Nam từ ngày 28-02 đến ngày 05-3 vừa qua.

Quan hệ Việt-Nhật đặc biệt tốt đẹp trên nhiều phương diện

Ngày 19-10-2006, Việt Nam và Nhật Bản đã ký Tuyên bố chung “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á,” trong đó nhấn mạnh: “Để thúc đẩy quan hệ song phương một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn, hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy các cuộc đối thoại trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, an ninh và các lĩnh vực khác.”

Tháng 11-2007, trong chuyến thăm Nhật Bản, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cùng Thủ tướng Yasuo Fukuda ký Tuyên bố chung về “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược,” theo đó tập trung vào 7 lĩnh vực: Trao đổi, hợp tác đối thoại về chính sách, an ninh và quốc phòng; Đối tác toàn diện về kinh tế; Nâng cao hệ thống pháp lý và cải cách hành chính; Khoa học và công nghệ; Biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; Nhận thức chung giữa nhân dân và chính phủ hai nước; Hợp tác trên trường quốc tế.

Sau đó, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới Nhật Bản vào tháng 4-2009, hai nước đã công bố Tuyên bố chung Nhật-Việt về đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á, theo đó nhất trí tổ chức các cuộc họp của Ủy ban hợp tác Nhật-Việt thường niên, tăng cường tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng, thúc đẩy hơn nữa trao đổi cấp cao và tăng cường tham vấn cấp thứ trưởng.

Trong bối cảnh chính trị khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hai nước luôn tăng cường và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Về hợp tác chính trị-an ninh, hai nước nhất trí thúc đẩy không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD); hợp tác chặt chẽ nhằm đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như thảm họa thiên nhiên, khủng hoảng lương thực, đói nghèo, an ninh biển, các vấn đề môi trường, buôn bán người, an ninh năng lượng, an ninh thông tin; phối hợp ngăn chặn xung đột và kiến thiết hòa bình... Nhằm đối phó với những thay đổi trong cân bằng chiến lược tại Đông Á, Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp với nhau chặt chẽ trong một số lĩnh vực, trong đó có tăng cường năng lực quốc phòng và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế.

Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia chia sẻ nhiều điểm tương đồng về lịch sử, phong tục truyền thống và văn hóa. Những điểm tương đồng trên và sự tương tác đã tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.

Hy vọng một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam


Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2016 đạt 28,49 tỷ USD. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2020. Tính đến tháng 4-2017, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam trong số 83 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký là 1,85 tỷ USD, chiếm 17,54% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Tính đến cuối năm 2016, Nhật Bản đã có 3.280 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 42,05 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng FDI vào Việt Nam. Hiện Nhật Bản là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn ODA cam kết là 30 tỷ USD.

Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng được xem là một nội dung trọng tâm của chuyến thăm. Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Thủ tướng sẽ có các cuộc làm việc với nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ, sản xuất chế tạo, tin học...; thăm một số trụ sở và cơ sở sản xuất của các công ty, tập đoàn đang có ý định đầu tư lớn vào nước ta trong thời gian tới. Thủ tướng cũng sẽ tiếp lãnh đạo các tổ chức kinh tế quan trọng như Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) để bàn về các định hướng hợp tác về ODA, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm tới.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt - Nhật với chủ đề "Hướng tới kỷ nguyên mới của quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản." Đây là diễn đàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay giữa hai nước với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, trong đó khoảng 1.300 là đại diện của các tập đoàn, công ty sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của Nhật Bản cùng với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm rất cao của Chính phủ và giới doanh nghiệp Nhật Bản tới các tiềm năng hợp tác, kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng sẽ có bài phát biểu quan trọng để truyền tải thông điệp mạnh mẽ về một môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng và minh bạch tại Việt Nam, một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ dành nhiều thời gian để trực tiếp lắng nghe và giải đáp các nguyện vọng, kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Thủ tướng cũng có nhiều cuộc làm việc với các tập đoàn, công ty lớn của Nhật Bản ở khu vực Kansai. (Osaka); dự lễ cắt băng khánh thành "Tuần lễ hàng Việt Nam" với hàng chục gian hàng bày bán các sản phẩm, hàng hóa, nông sản của Việt Nam tại một siêu thị lớn của Nhật Bản.

Dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú, với mục tiêu xây dựng một chính phủ hành động, sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ hành chính công
cùng cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình cải cách và hội nhập của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã truyền đi thông điệp về sự cạnh tranh bình đẳng, tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp quốc gia, cũng như trách nhiệm của doanh nhân, khơi dậy cảm hứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo động lực mới cho Việt Nam sau 30 năm “Đổi mới”.

Có thể thấy, chỉ trong vòng hơn một năm từ tháng 4-2016 đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe có tới năm lần gặp gỡ và trao đổi với nhau trước đó. Với tần suất gặp gỡ, trao đổi thường xuyên như trên đã phần nào nói lên mức độ gần gũi và tin cậy giữa những người đứng đầu chính phủ của hai nước và điều đó cũng có tác động lớn tới đà phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật. Trong tương lai, Việt Nam và Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các kế hoạch trọng điểm như thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, xây dựng các khu công nghệ cao, đào tạo nhân sự và hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống./.