Tối 31-3-2017, tại Trung tâm Nghệ thuật Gangdong thuộc quận Gangdong ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, các nghệ sỹ kịch nói và múa của Việt Nam và Hàn Quốc đã cùng trình diễn vở kịch múa mang tên “800 năm hẹn ước” của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Goo Jung-sun và biên đạo múa Chun Yoo-oh.
Đây là một phần trong chuỗi các hoạt động tại Việt Nam và Hàn Quốc chào mừng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (22-12-1992 - 22-12-2017).

Tới thưởng thức buổi biểu diễn có đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, đại diện chính quyền địa phương, nhiều thành viên của các gia đình đa văn hóa Việt-Hàn và đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật của hai nước.

Bằng hình thức kết hợp giữa loại hình kịch nói và múa được thể hiện hài hòa trên nền nhạc của các loại nhạc cụ cổ truyền của cả Việt Nam và Hàn Quốc, vở diễn kể về cuộc đời của Hoàng tử Lý Long Tường, người rời đất nước Đại Việt năm 1226 để tìm vùng đất mới trong bối cảnh chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần.

Trải qua chuỗi ngày đầy gian khổ trên biển, Hoàng tử Lý Long Tường và những người cùng đi đã tới một vùng đất mới là Cao Ly (nước Goryeo lúc bấy giờ và là bán đảo Triều Tiên hiện nay). Được hoàng tộc và người dân địa phương mở lòng đón nhận, những người Việt mới đến đã ở lại định cư trên vùng đất mới.

Ngoài nỗ lực mở mang đất đai để canh tác, Hoàng tử Lý Long Tường bằng tài năng và lòng dũng cảm của mình đã lãnh đạo những người trong dòng họ và quân dân địa phương chống lại các cuộc tấn công của quân Mông Cổ.

Mặc dù được phong tước quan cao trong triều đình, nhưng Hoàng tử Lý Long Tường vẫn đau đáu một lòng nhớ về quê hương cách xa hàng nghìn dặm. Niềm thương nhớ ấy sau gần 800 năm nay đã thăng hoa thành tình hữu nghị và linh hồn của Hoàng tử Lý Long Tường giờ đã tìm được về mảnh đất quê hương.

Phát biểu với phóng viên sau buổi biểu diễn, ông Lý Thừa Vĩnh, Chủ tịch Hội dòng họ Lý Hoa Sơn (gồm các hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường) bày tỏ sự xúc động và tự hào về những cống hiến của tổ tiên cho vùng đất mới.

Ông cho biết cũng như Hoàng tử Lý Long Tường, cộng đồng dòng họ Lý Hoa Sơn đã coi Hàn Quốc hiện nay là quê hương thứ hai đồng thời vẫn luôn hướng về cội nguồn ở Việt Nam, chú trọng việc giáo dục các thế hệ trẻ hiểu rõ và tự hào về lịch sử của dòng họ và tích cực đóng vai trò góp phần tăng cường sự giao lưu giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc.

Ông bày tỏ hy vọng mối quan hệ Việt-Hàn sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng hơn nữa sau năm kỷ niệm đặc biệt này. Sau buổi biểu diễn ở thủ đô Seoul, vở kịch múa trên sẽ tiếp tục được trình diễn tại một số địa phương khác trong khuôn khổ của chương trình biểu diễn tại Hàn Quốc.

Vở diễn ra mắt khán giả lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2015 và được diễn lại năm 2016 tại Nhà hát Lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên lề buổi biểu diễn tại Seoul, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Anh Vũ đã có cuộc gặp thân mật với đại diện của chính quyền quận Gangdong, tìm hiểu về đời sống của cộng đồng người Việt tại đây.

Đại diện chính quyền quận đã thông báo về đời sống kinh tế-xã hội tại địa phương và bày tỏ mong muốn được kết nghĩa với một địa phương có những điểm tương đồng ở Việt Nam.

Phó Đại sứ Trần Anh Vũ đánh giá cao ý tưởng trên và cho biết sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ quận Gangdong trong nỗ lực đầy ý nghĩa này./.