Chủ tịch Quốc hội tiếp Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam
Chiều 03-3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Chúc mừng ông Kamal Malhotra đảm nhận vị trí Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng với bề dày kinh nghiệm của mình, ông Kamal Malhotra sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc lên một tầm cao mới, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên hợp quốc để Liên hợp quốc tiếp tục là đối tác hiệu quả và tin cậy.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và UNDP đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc và bảo vệ trẻ em; phòng chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách hành chính và nâng cao năng lực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế... góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam hoan nghênh Liên hợp quốc, thông qua Chương trình phát triển của UNDP đã hỗ trợ có hiệu quả đối với hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Những hoạt động này góp phần đáng kể nâng cao năng lực, hoàn thiện kỹ năng cho các đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát và những vấn đề khác trong hoạt động của Quốc hội.
Chia sẻ với Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội Việt Nam sẽ nỗ lực góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong Chương trình nghị sự 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua vào tháng 9-2015. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã giao Chính phủ khẩn trương xây dựng Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Nhằm tăng cường phát huy quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Liên hợp quốc, thông qua UNDP tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật đối với Việt Nam trong quá trình triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững, các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và những vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội; tích cực hỗ trợ để thực hiện các mô hình hợp tác 3 bên hoặc 3+ giữa Việt Nam, Liên hợp quốc và một bên thứ ba trong quá trình trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết và bổ sung nguồn lực trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam mong muốn các cơ quan của Liên hợp quốc tăng cường tư vấn chính sách vĩ mô về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là những lĩnh vực mà các cơ quan Liên hiệp quốc có nhiều thế mạnh; tăng cường kết nối giữa UNDP với các cơ quan của Quốc hội và nghị viện các nước trong khuôn khổ những dự án do UNDP tài trợ.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Liên hợp quốc tiếp tục phát huy vai trò của mình trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế vì thịnh vượng và phát triển bền vững trên thế giới.
Ông Kamal Malhotra cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian cho cuộc tiếp và khẳng định với vai trò Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng đại diện UNDP sẽ có sự phối hợp tốt nhất với Quốc hội cũng như các cơ quan hữu quan Việt Nam.
Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết với sự hợp tác chặt chẽ trong 40 năm qua, UNDP vừa thống nhất với Chính phủ Việt Nam về kế hoạch chiến lược 5 năm tới (2017-2021). Ông Kamal Malhotra bày tỏ hy vọng văn kiện này sẽ được ký sớm để thực hiện.
Nhấn mạnh hợp tác với Quốc hội là ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc, Chương trình nghị sự 2030 về các chương trình phát triển của Liên hợp quốc là khung cơ bản cho những hoạt động trong 15 năm tới. Liên hợp quốc sẵn sàng hợp tác với Quốc hội Việt Nam trong tăng cường nhận thức về các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhấn mạnh Việt Nam là nước đi đầu trong sáng kiến 1 Liên hợp quốc và Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam, ông Kamal Malhotra bày tỏ mong muốn thúc đẩy sáng kiến này ở Việt Nam, cùng với đó hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản trị công, soạn thảo văn bản luật...
Ông Kamal Malhotra cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và đưa đến những thành tựu, đóng góp có ích cho sự phát triển của Việt Nam.
Nhấn mạnh Diễn đàn kinh tế mỗi năm tổ chức hai lần vào mùa Xuân và mùa Thu do Quốc hội Việt Nam tổ chức, ông Kamal Malhotra cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ thông qua mời các diễn giả quốc tế đến chia sẻ kinh nghiệm./.
APEC 2017: Kết thúc hội nghị SOM 1 với nhiều kết quả quan trọng  (03/03/2017)
Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường hợp tác về kinh tế “vì mình, vì vùng và vì cả nước”  (03/03/2017)
Pháp luật của Việt Nam về an toàn thực phẩm đi đầu trong khu vực  (03/03/2017)
Chủ tịch nước mời Nhà Vua và Hoàng gia Tây Ban Nha thăm Việt Nam  (03/03/2017)
Chủ tịch Quốc hội: Mỗi đồng tiền ngân sách là công sức của nhân dân  (03/03/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay