Toàn văn phát biểu của Chủ tịch SOM APEC 2017 tại cuộc họp ABAC
Sáng 21-02, Cuộc họp lần thứ nhất năm 2017 của Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) đã khai mạc tại Bangkok, Thái Lan.
Hơn 150 đại biểu đại diện các nền kinh tế thành viên và Hội đồng tư vấn kinh doanh nghiệp APEC (ABAC) đã tham dự cuộc họp. Trong vai trò Chủ tịch các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc cuộc họp. Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.
Thưa ngài Chủ tịch,
Cảm ơn ngài đã mời tôi tham dự cuộc họp đầu tiên trong năm 2017 của Hội đồng. Tôi rất vinh dự được tham dự các cuộc họp và tiếp xúc với các thành viên quan trọng của Hội đồng. Đặc biệt, cuộc họp hôm nay là cơ hội quý báu để tôi chia sẻ với quý vị tầm nhìn và kỳ vọng của Việt Nam đối với Diễn đàn APEC, với tư cách nền kinh tế chủ nhà APEC năm 2017.
Thưa ngài Chủ tịch,
Chỉ trong vài tháng qua kể từ khi tôi trao đổi với Ngài tại cuộc họp ABAC lần thứ tư năm 2016 tại Lima, Peru, chúng ta đã chứng kiến nhiều bước phát triển và biến động lớn. Bất ổn, khó dự báo và thách thức là những từ ngữ chúng ta thường xuyên sử dụng trong những ngày này để đánh giá về tình hình hiện nay. Tăng trưởng toàn cầu tiếp tục yếu và mong manh. Thương mại toàn cầu tiếp tục trì trệ, đầu tư chưa khởi sắc. Chủ nghĩa bảo hộ và cái nhìn tiêu cực đối với toàn cầu hoá đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.
Nhưng đây không phải là thời khắc để chúng ta tuyệt vọng. Điều cần làm bây giờ là củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực của tăng trưởng, thương mại và đầu tư khu vực. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại những đóng góp của Diễn đàn APEC đối với sự phục hồi của khu vực kể từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế 2008-2009.
Cộng đồng doanh nghiệp luôn có vai trò then chốt trong hợp tác APEC, vào những thời điểm thuận lợi cũng như khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng sống còn trong việc giúp chúng ta vượt qua những thách thức hiện nay. Chúng ta dựa vào doanh nghiệp và đặc biệt là ABAC để thu hút sự tham gia và tư vấn cho các thành viên APEC trong việc đối phó với những khó khăn hiện nay và thúc đẩy nghị trình tự do hoá thương mại và đầu tư của APEC.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Đúng một thập niên sau lần đầu tiên đăng cai tổ chức Năm APEC 2006, Việt Nam tự hào được một lần nữa được đăng cai Diễn đàn trong năm nay. Những thập niên đổi mới và hội nhập tích cực đã giúp Việt Nam đóng góp hiệu quả hơn cho hợp tác APEC. Kinh nghiệm tham gia mạng lưới thỏa thuận thương mại tự do (FTA) rộng khắp với hầu hết các nền kinh tế APEC, cũng như những thành công trong thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, đều là những câu chuyện hữu ích Việt Nam có thể chia sẻ.
Cam kết của Chính phủ Việt Nam thúc đẩy chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng sẽ góp phần vào các nỗ lực chung của APEC về tạo môi trường kinh doanh cởi mở hơn cho doanh nghiệp và người dân. Các nỗ lực cải cách cơ cấu, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách, thể chế và cải cách hành chính của Việt Nam đều phù hợp với các mục tiêu APEC đang theo đuổi.
Trong một năm nhiều thách thức như hiện nay, chúng tôi tin tưởng APEC cần thể hiện sức sống, sự năng động và khả năng ứng phó. Diễn đàn cần gánh vác vai trò lãnh đạo toàn cầu trong đối phó với các thách thức hiện nay, đồng thời duy trì vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của đổi mới sáng tạo, của hội nhập và tăng trưởng kinh tế khu vực. Chúng tôi tin tưởng APEC có tiềm năng, năng lực và khả năng thích ứng để làm được điều đó.
Những quyết sách và hành động của APEC là rất cần thiết để doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả hơn thị trường trị giá hàng tỷ USD của châu Á-Thái Bình Dương, trên khắp các lĩnh vực dịch vụ, hậu cần, y tế, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo…, qua đó tạo công ăn việc làm và thịnh vượng cho xã hội.
Với niềm tin đó, chúng tôi đã chọn chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung". Để triển khai chủ đề này, đồng thời bảo đảm tính tiếp nối của hợp tác APEC và trên cơ sở nhu cầu thực tế của các bên tham gia APEC, Việt Nam đã đề xuất bốn ưu tiên để tiếp thêm năng lượng và sức sống cho hợp tác APEC, trong đó có thể kể đến những kiến nghị cộng đồng doanh nghiệp đề xuất lên Lãnh đạo APEC năm vừa qua trên các vấn đề tăng trưởng chất lượng, kết nối, cải cách cơ cấu, dịch vụ và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Như tôi đã có dịp chia sẻ với quý vị tại Hội nghị ABAC lần thứ 4 năm 2016 tại Lima, Peru tháng 11 vừa qua, bốn ưu tiên chúng tôi đã đề xuất gồm Một là, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Hai là, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số; và Bốn là, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tôi rất vui mừng nhận thấy chương trình nghị sự của ABAC năm nay đã phản ánh những ưu tiên này. Tôi có thể bảo đảm rằng lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục là một trọng tâm của chương trình nghị sự APEC, và APEC sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Thưa ngài Chủ tịch,
2017 hứa hẹn là một năm bận rộn. Chúng ta chỉ còn gần 9 tháng phía trước, hay chính xác là 257 ngày từ nay cho đến Tuần lễ cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng, nơi các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC sẽ gặp gỡ, định hướng cho Diễn đàn tiến lên phía trước. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ và cần phải tham dự tích cực vào Đối thoại ABAC với các nhà Lãnh đạo cũng như Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit). Chúng tôi cũng sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Việt Nam, với hi vọng các doanh nghiệp sẽ tham gia, tìm hiểu các cơ hội đầu tư và thương mại với Việt Nam.
Trong vai trò chủ nhà, chúng tôi kêu gọi thành viên ABAC và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp APEC tham gia các sự kiện nay ở cấp cao nhất. Sự hiện diện của lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp và MSMEs sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ về lòng tin và sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp đối với APEC, với vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực. Ý tưởng và các kiến nghị của quý vị trong cả năm nay sẽ giúp định hình định hướng chính sách của APEC trong những năm sắp tới.
Chúng tôi cũng hy vọng quý vị sẽ trao đổi và khuyến khích Lãnh đạo các nền kinh tế của quý vị tới thành phố Đà Nẵng. Việc các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC cùng khẳng định cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư, thị trường mở, cũng như nguyện vọng hợp tác để bảo đảm APEC vì người dân và doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Đóng góp của quý vị, thông qua ABAC hay các kênh khác, cũng như trực tiếp đối với lãnh đạo và chính phủ của quý vị, có ý nghĩa then chốt trong hình thành một thông điệp từ các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đến với khu vực và thế giới.
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn cộng tác với cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là ABAC trong việc hình thành chương trình nghị sự thực chất của APEC. Nếu APEC là nơi khởi xướng ý tưởng và chính sách cho khu vực, thì có thể nói ABAC chính là nơi khởi xướng ý tưởng cho APEC.
Trong năm nay, Việt Nam mong muốn sẽ nhận được nhiều sáng kiến, ý tưởng, kiến nghị về các kết quả cụ thể, hướng tới đạt được các Mục tiêu Bogor và thực hiện các chiến lược, kế hoạch tổng thể và kế hoạch hành động đã được các Lãnh đạo thông qua để củng cố liên kết khu vực, mở rộng kết nối, thúc đẩy tăng trưởng chất lượng và cải cách cơ cấu.
Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao đóng góp của quý vị để định hình Tầm nhìn APEC sau 2020. Trong bối cảnh APEC chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư, đã đến lúc chúng ta cần trao đổi thực chất về tương lai chung và đưa ra tầm nhìn cho một “quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI”.
Chúng tôi hy vọng cộng đồng doanh nghiệp sẽ có tầm nhìn của mình đối với APEC, và trông đợi sự tham dự tích cực của quý vị trong tiến trình này, bao gồm tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tiếp theo mà chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức.
Thưa ngài Chủ tịch,
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn Ngài đã cho tôi cơ hội được tham dự cuộc họp quan trọng này. Xin chúc cuộc họp thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn./.
Việt Nam ưu tiên củng cố, phát triển quan hệ với Liên bang Nga  (21/02/2017)
Nâng cao năng lực cho cán bộ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam  (21/02/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 13-02 đến ngày 19-02-2017)  (21/02/2017)
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bàn nhiều vấn đề nóng  (21/02/2017)
Vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Trung Quốc  (21/02/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 13 đến ngày 19-02-2017)  (21/02/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên