TCCSĐT - Ngày 30-01, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) với việc ghi nhận nhiều thành quả kinh tế - xã hội tại châu lục này.

Ca ngợi những tiến bộ tại châu Phi

 
 Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU). Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Phi Nkosazana Dlamini Zuma hoan nghênh tiến bộ đã đạt được trong các lĩnh vực, từ việc tự do đi lại đến phát triển đường sắt và chấm dứt tình trạng tảo hôn. Bà D. Zuma cũng hoan nghênh các nước tăng trưởng kinh tế nhanh chất châu lục, như Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cote d'Ivoire, Mozambique, Tanzania và Rwanda, và cũng nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, bà D. Zuma cũng kêu gọi 13 nước châu Phi đưa ra cam kết đi đầu trong việc khởi động thị trường hàng không châu Phi đơn nhất trong năm 2017. Bà D. Zuma cho biết, các nước như Rwanda, Ethiopia, Kenya và Nam Phi đã bắt đầu mở cửa bầu trời của mình cho các nước khác trong châu lục, và kêu gọi các nước khác tham gia.

Ngoài ra, bà D. Zuma ca ngợi các tiến bộ đạt được về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tăng sự đại diện của họ trong các lĩnh vực công, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em...

Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu Ủy ban châu Phi đã đưa ra phản ứng đối với sắc lệnh mà tân Tổng thống Mỹ D. Trump vừa ban hành, theo đó, cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân từ 7 quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo, trong đó có 3 nước châu Phi, gồm Libya, Somalia và Sudan. Bà cho rằng, động thái này báo hiệu “thời kỳ rất bất ổn” trên toàn cầu.

Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Cộng hòa Chad, Moussa Faki được bầu làm Chủ tịch Ủy ban châu Phi nhiệm kỳ tới. Ông M. Faki nằm trong số 6 ứng cử viên cho vị trí này, đến từ Kenya, Senegal, Chad, Botswana và Guinea xích đạo. Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Phi tiếp tục bất đồng xung quanh đề nghị của Maroc xin tái gia nhập liên minh, 33 năm sau khi nước này rút khỏi AU nhằm phản đối quyết định của khối về việc kết nạp Tây Sahara làm thành viên.

Mỹ tái khẳng định quan hệ đồng minh tại Đông Bắc Á

 
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: time.com

Những ngày đầu tháng 02-2017, người đứng đầu Lầu Năm Góc James Mattis bắt đầu chuyến công du tới Hàn Quốc (ngày 02-02) và Nhật Bản (ngày 04-02) nhằm trấn an các đồng minh chủ chốt về các cam kết an ninh của Mỹ trong khu vực.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống D. Trump, người từng cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng, vai trò từ lâu của Mỹ ở Đông Bắc Á có thể thay đổi. Tuyên bố của Lầu Năm Góc có đoạn: “Chuyến thăm lần này nhấn mạnh cam kết của Mỹ với các đồng minh lâu năm là Nhật Bản và Hàn Quốc và củng cố hơn nữa hợp tác an ninh Mỹ - Nhật - Hàn”.

Những tuyên bố được đưa ra trong chuyến công du của ông J. Mattis thể hiện sự đồng thuận cao của các bên trong những mối quan tâm chính, như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, kế hoạch triển khai Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, cam kết của Mỹ tiếp tục thực hiện Điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật về việc bảo vệ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, trong đó bao gồm quần đảo Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông…

Một mục tiêu quan trọng nữa của ông J. Mattis trong chuyến công du là nhằm thể hiện vai trò điều phối của Mỹ trong quan hệ hai nước láng giềng Đông Bắc Á. Washington muốn Seoul và Tokyo thu hẹp bất đồng để cùng nâng cấp hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng như tiến hành các cuộc tập trận chung ở cấp tác chiến, tăng cường trao đổi thông tin tình báo, hoạt động hiệu quả các kênh thông tin liên lạc song phương. Điều này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn trong trường hợp đối phó với các thách thức an ninh chung.

Đánh giá về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới hai nước Đông Á, Anthony Ruggiero, chuyên gia về Triều Tiên từ Quỹ Quốc phòng của các Nền dân chủ, cho rằng: “Mọi người đều cảm thấy được trấn an khi chứng kiến chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao trong nội các Mỹ tới Đông Á, đặc biệt tập trung vào vấn đề Triều Tiên”. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng, việc sớm tới thăm các đồng minh này là “một quyết định sáng suốt”. Theo ông C. Hagel, các quan chức ở Tokyo và Seoul đang tự hỏi: “Liệu chúng ta có thể dựa vào Mỹ? Tương lai sẽ ra sao?”. Vì vậy, thông điệp mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis gửi đến Hàn Quốc và Nhật Bản về việc liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao - an ninh của chính quyền mới tại Mỹ phần nào xoa dịu lo ngại của các đồng minh Mỹ sau những tuyên bố trong quá trình tranh cử của Tổng thống D. Trump.

Nỗ lực giảm căng thẳng tại miền Đông Ukraine

 
 Căng thẳng gia tăng tại miền Đông Ukraine. Ảnh: sputniknews.com

Ngày 01-02, Nhóm Tiếp xúc ba bên về giải quyết tình hình tại Donbass, đã họp tại thủ đô Minsk (Belarus) trong bối cảnh xung đột leo thang ở miền Đông Ukraine.

Theo kế hoạch, cuộc họp trực tuyến của Nhóm Tiếp xúc ba bên diễn ra ngày 31-01, song do đại diện của một số vùng thuộc hai tỉnh Donetsk và Lugansk ở Ukraine, cũng như đại diện Nga vắng mặt nên cuộc họp được dời sang ngày hôm sau. Thư ký báo chí của người đại diện phía Kiev trong Nhóm Tiếp xúc, bà D. Olipher cho biết, phía Ukraine đã thảo luận về tình hình xấu đi tại vùng Avdeevka ở Donbass với người đứng đầu Phái bộ giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine, điều phối viên tiểu nhóm an ninh, đại diện đặc biệt của người đứng đầu OSCE ở Nhóm Tiếp xúc M. Saydik và đại diện quân đội của Ukraine và Nga trong Trung tâm điều phối và Kiểm soát chung OSCE.

Trước đó, cũng tại Minsk đã bắt đầu diễn ra các cuộc đàm phán của ba tiểu nhóm làm việc về tình hình Ukraine, gồm tiểu nhóm an ninh, chính trị và nhân đạo.

Ngày 30-01 vừa qua, xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng dân quân Donbass tại đường giới tuyến ở Donbass đã gây thiệt hại cho cả hai bên. Theo thông tin tình báo từ cả hai phía, chỉ trong vòng mấy ngày qua, 93 binh sĩ của quân đội Ukraine đã thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Trước nguy cơ căng thẳng tiếp tục leo thang tại khu vực giới tuyến ở Donbass, người phát ngôn Điện Kremlin D. Peskov cho rằng, tình hình gần đây ở miền Đông Ukraine cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng nối lại hợp tác giữa Nga và Mỹ.

Chỉ ra nguyên nhân xung đột bùng phát, các chuyên gia cho rằng, mặc dù thỏa thuận ngừng bắn Minsk đã được thực thi ở Donbass từ năm 2015, trong đó phía quân đội Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông đã tiến hành rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực giới tuyến, đồng thời tiến hành một số cuộc trao đổi tù binh, nhưng nhiều nội dung và điều khoản của thỏa thuận gồm 13 điểm này cho tới nay vẫn chưa được thực thi đầy đủ. Trong đó mấu chốt là việc chính quyền Kiev gần như không thúc đẩy cải cách Hiến pháp nhằm công nhận quy chế đặc biệt cho vùng Donbass. Các chuyên gia nhận định sự chậm trễ cải cách Hiến pháp trên xuất phát từ hai yếu tố. Thứ nhất là giới lãnh đạo cao nhất tại Kiev còn do dự trong việc cải cách Hiến pháp do không muốn trao quy chế đặc biệt cho vùng Donbass. Thứ hai là nội bộ chính quyền Kiev, đặc biệt là Quốc hội Ukraine, còn có nhiều bất đồng trong việc cải cách Hiến pháp. Do vậy, thỏa thuận Minsk cần tiếp tục được cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế, hoặc ít nhất là một lộ trình cụ thể và phù hợp hơn để hiện thực hóa thỏa thuận ngừng bắn này.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Lãnh đạo phe cực hữu khởi động chiến dịch tranh cử

 

 Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen. Ảnh: TTXVN


Ngày 04-02, ứng cử viên Tổng thống Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen chính thức khởi động chiến dịch tranh cử với cam kết về một nước Pháp “tự do”.

Phát biểu trước những người ủng hộ tại thành phố Lyon (Pháp), bà Le Pen tuyên bố mục tiêu của chiến dịch tranh cử là “trả lại tự do cho nước Pháp và tiếng nói cho người dân Pháp”. Trong 144 cam kết, nữ chính trị gia đề xuất nước Pháp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), áp thuế đối với các hợp đồng lao động của người nước ngoài, giảm tuổi nghỉ hưu và tăng một số phúc lợi trong khi giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và thuế thu nhập. Bên cạnh đó, giới hạn một số quyền lợi, như quyền hưởng giáo dục miễn phí cho chỉ riêng công dân Pháp; thuê 15.000 cảnh sát, xây thêm nhà tù, hạn chế người nhập cư... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, chương trình tranh cử trên thiếu các nội dung chi tiết về kinh tế vĩ mô, không đặt ra mục tiêu nợ công hay thâm hụt ngân sách, cũng như không đưa ra được hướng đi thuyết phục về làm cách nào để cân bằng giữa hai nội dung cải thiện phúc lợi và cắt giảm thuế.

Với chủ trương chống Liên minh châu Âu (EU) và nhập cư, bà Le Pen, 48 tuổi, từng nhiều lần khẳng định, châu Âu là một nội dung quan trọng trong chương trình tranh cử của mình với những chỉ trích nhằm vào EU và đồng euro. Trước đó, bà Le Pen đã nhiều lần tuyên bố Pháp nên rút khỏi EU. Bà cũng là chính trị gia Pháp duy nhất ủng hộ tỷ phú D. Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Đảng FN đang kỳ vọng dựa vào chiến thắng của ông D. Trump và cuộc bỏ phiếu Anh rời EU để tạo nên làn sóng chống chính phủ tương tự tại Pháp và chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Dự kiến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp theo hình thức phổ thông đầu phiếu sẽ diễn ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2017. Hiện các ứng cử viên chính trong cuộc đua vào Điện Élysée đã dần lộ diện, bao gồm cựu Thủ tướng François Fillon - đại diện cánh hữu, cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoît Hamon - đại diện phe cánh tả, bà Marine Le Pen - đại diện phe cực hữu và ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron. Tuy nhiên, theo giới phân tích, với những diễn biến bất ngờ vừa qua, chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp sẽ trở nên khó đoán định.

Theo một số kết quả thăm dò, nhiều khả năng bà Le Pen sẽ phải đối đầu với ông E. Macron - nhân vật chủ trương ủng hộ châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh ứng cử viên của phe trung hữu là ông F. Fillon đang phải chịu sức ép rút lui trong cuộc đua vào Điện Élysée, sau khi báo chí Pháp phanh phui những bê bối liên quan tới vợ ông. Mặc dù, trước đó, trong cuộc bầu cử sơ bộ bên cánh hữu, cựu Thủ tướng F. Fillon không chỉ giành chiến thắng trước ông Nicolas Sarkozy, mà còn đánh bại cả Thị trưởng Bordeaux Alain Juppe, nhân vật được dự báo sẽ giành chiến thắng.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ D. Trump gây nhiều tranh cãi

 
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân từ 7 nước có đa số dân là người Hồi giáo. Ảnh: TTXVN

Ngày 05-02, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Thẩm phán liên bang James Robart “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” khi ra phán quyết phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân từ 7 nước có đa số dân là người Hồi giáo do Tổng thống D. Trump ban hành hồi cuối tháng 01-2017. Cuộc tranh cãi pháp lý liên quan đến sắc lệnh này đang bước vào giai đoạn cao trào. Làn sóng phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh vẫn tiếp tục lan rộng cả ở trong và ngoài nước Mỹ.

Phản đối phán quyết của Thẩm phán liên bang, trên trang mạng Twitter, Tổng thống D. Trump khẳng định, nếu có điều gì xảy ra thì đó là lỗi của ông J. Robart và hệ thống tòa án. Tổng thống Mỹ cho biết, ông “đã chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa kiểm tra những người nhập cảnh vào Mỹ rất kỹ lưỡng. Các tòa án đang khiến công việc này trở nên vô cùng khó khăn”.

Trước đó, ngày 04-02, Tổng thống D. Trump đã bình luận trên tài khoản Twitter của mình, coi phán quyết của ông J. Robart là “lố bịch” và tuyên bố sẽ lật ngược phán quyết này. Theo ông, khi một quốc gia không thể quyết định việc cho phép ai đến và ai không được đến nước mình, đặc biệt là vì lý do an ninh, thì đây là vấn đề nghiêm trọng cần xem xét. Ngày 03-02, Thẩm phán James Robart, người được cựu Tổng thống G. W. Bush bổ nhiệm, tuyên bố phán quyết có hiệu lực từ ngày 03-02, theo đó, lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống D. Trump có thể được dỡ bỏ ngay lập tức. Phán quyết của thẩm phán J. Robart được coi là một đòn giáng mạnh nhất từ trước tới nay nhằm vào sắc lệnh siết chặt thị thực đối với người nhập cư của Tổng thống D. Trump. Chính quyền Washington vẫn có thể kháng cáo quyết định này và tiếp tục thực thi chính sách cấm nhập cảnh. Bảo vệ cho sắc lệnh của Tổng thống D. Trump, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer gọi văn kiện hành pháp này là “hợp pháp và phù hợp” nhằm mục đích bảo vệ đất nước.

Phán quyết phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của thẩm phán liên bang tại thành phố Seattle khiến các cơ quan chính phủ Mỹ và các hãng hàng không dừng thực thi lệnh cấm vốn làm dấy lên sự phản đối cả trong và ngoài nước Mỹ. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 03-02 thông báo sẽ tiếp tục cho phép những người có thị thực hợp lệ được nhập cảnh vào Mỹ. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định đã hủy bỏ quy định thu hồi thị thực tạm thời. Theo đó, các cá nhân có thị thực chưa bị hủy bỏ sẽ được nhập cảnh nếu như thị thực đó hợp lệ. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng cho biết bộ này cũng sẽ dừng việc đánh dấu những người đến từ các quốc gia nằm trong sắc lệnh của Tổng thống D. Trump. Theo người phát ngôn này, Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ tiếp tục công tác kiểm tra những người nhập cảnh vào Mỹ theo các chính sách và thủ tục thông thường.

Trong khi đó, tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ đã bác đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp về việc khôi phục ngay lập tức sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống D. Trump. Theo phán quyết mới của tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ, đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp Mỹ đối với phán quyết của thẩm phán tòa án liên bang ở thành phố Seattle ngăn chặn sắc lệnh trên, đã bị bác bỏ và Bộ Tư pháp Mỹ phải có ý kiến phản hồi ngay sau đó.

Thực tế cho thấy quyết định của Tổng thống D. Trump vẫn tiếp tục vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và điều này đặt người đứng đầu nước Mỹ trước nhiều thách thức phải giải quyết./.