Chính trường Hàn Quốc trước kịch bản chưa từng xảy ra
Biểu tình cuối tuần lần thứ 6 phản đối Tổng thống Park Geun-hye
Ngày 03-12, đông đảo người dân Hàn Quốc tham gia cuộc biểu tình cuối tuần lần thứ 6 phản đối Tổng thống Park Geun-hye, sau khi bà Park hồi đầu tuần có bài phát biểu thứ ba bày tỏ xin lỗi về vụ bê bối chính trị liên quan người bạn thân của bà. Cuộc biểu tình do một hiệp hội gồm khoảng 1.500 nhóm dân sự tổ chức vào các ngày thứ Bảy hằng tuần nhằm mục đích buộc Tổng thống Park phải từ nhiệm.
Hàng trăm nghìn người biểu tình đã tập trung xung quanh Quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô Seoul, chỉ cách Nhà Xanh vài km. Trước khi tập trung tại địa điểm trên, khoảng 400.000 người biểu tình đã tuần hành đến khu vực chỉ cách Phủ Tổng thống 100m trong khoảng 2 giờ đồng hồ với sự chấp thuận của Tòa án Seoul. Trong cuộc biểu tình cuối tuần trước, khoảng cách này bị giới hạn là 200m. Những người biểu tình đã bao vây Phủ Tổng thống ở 3 phía, kêu gọi Tổng thống từ chức ngay lập tức.
Phe đối lập trình Quốc hội kiến nghị luận tội tổng thống
Ngày 03-12, các đảng đối lập ở Hàn Quốc đã trình kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye lên Quốc hội với cáo buộc bà đã vi phạm Hiến pháp. Kiến nghị trên dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp vào ngày 09-12 tới.
Trong bản kiến nghị, các đảng đối lập tuyên bố Tổng thống Park Geun-hye đã vi phạm Hiến pháp cũng như nhiều đạo luật khác, đồng thời nêu rõ bà đã lạm dụng quyền lực mà người dân trao gửi. Các đảng này cáo buộc Tổng thống Park Geun-hye đã để cho người bạn thân là bà Choi Soon-sil (Choi Xun Xin) - một người không nắm giữ chức vụ chính thức nào trong chính phủ - can thiệp vào công việc nhà nước và gây rối thị trường thông qua việc ép nhiều tập đoàn kinh tế lớn phải quyên tiền cho hai quỹ phi lợi nhuận. Ngoài ra, họ cũng cho rằng Tổng thống Park Geun-hye đã không bảo vệ được cuộc sống của người dân như đã được quy định trong Hiến pháp, thể hiện qua vụ chìm phà Sewol (Xê-uôn) hồi tháng 4-2014, làm 304 người thiệt mạng.
Để được thông qua, kiến nghị này cần được ít nhất 200 trong tổng số 300 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, tức là ít nhất phải có được lá phiếu của 28 nghị sĩ đảng Saenuri cầm quyền. Trong nội bộ đảng Saenuri cầm quyền, những người trung thành với Tổng thống Park Geun-hye đã phản đối kiến nghị luận tội và nêu ý kiến rằng nhà lãnh đạo này nên tự nguyện từ chức vào cuối tháng 4-2017; trong khi những người phản đối bà lại kêu gọi bà tới ngày 07-12 phải đưa ra kế hoạch cụ thể cho việc từ chức, nếu không họ sẽ ủng hộ việc luận tội. Khoảng 20.000 người biểu tình đã tập trung ngay trước trụ sở đảng Saenuri kêu gọi đảng này giải tán và luận tội Tổng thống.
Trước đó, Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố sẵn sàng từ bỏ quyền lực theo trình tự thời gian và thủ tục mà Quốc hội đưa ra nhằm giảm khả năng nảy sinh khoảng trống trong việc điều hành các công việc nhà nước.
Chính trường Hàn Quốc trước kịch bản chưa từng xảy ra
Hiến pháp Hàn Quốc quy định các tổng thống nước này chỉ được giữ chức vụ trong 1 nhiệm kỳ duy nhất kéo dài 5 năm, và theo đó, bà Park sẽ rời Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) vào tháng 02-2018 nếu không có vụ việc trên.
Kể từ khi chế độ dân chủ được thiết lập tại Hàn Quốc vào năm 1987 sau nhiều năm quân đội nắm quyền điều hành đất nước, nước này chưa từng chứng kiến một tổng thống được người dân bầu ra một cách dân chủ phải kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn. Tuy nhiên, điều này có thể sắp xảy ra với xứ sở kim chi với việc Tổng thống đương nhiệm Park Geun-hye đang phải đối mặt với hai kịch bản không hề mong muốn, đó là phải tự nguyện từ chức hay bị luận tội do vai trò của bà trong vụ bê bối đang đẩy Hàn Quốc vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng chưa từng có hiện nay.
Ban đầu vụ việc chỉ được nêu ra với cáo buộc là bà Choi Soon-sil, một người bạn thân của Tổng thống Park trong suốt 40 năm qua, đã sử dụng mối quan hệ này để ép một số tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc quyên góp cho 2 quỹ phi lợi nhuận mà bà này thành lập và điều hành. Tuy nhiên, báo chí Hàn Quốc sau đó đã đưa ra một loạt bài viết rằng bà Choi - người không hề nắm giữ một chức vụ chính thức nào trong bộ máy nhà nước - còn nhiều lần xem trước và chỉnh sửa một số bài phát biểu cũng như tài liệu khác của Tổng thống Park. Nhiều người trong chính giới Hàn Quốc cũng như người dân rất bất bình về việc này, gọi bà Choi là “Tổng thống trong bóng tối” và bà Park là “con rối” trong tay bà Choi, đồng thời nhấn mạnh đây là điều không thể chấp nhận được. Các cuộc biểu tình rầm rộ với quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà các nhà tổ chức tuyên bố là lên đến hàng triệu người tham gia, do các đảng đối lập và các tổ chức dân sự đứng đầu, đã diễn ra tại quảng trường trung tâm thủ đô Seoul, ngay sát Phủ Tổng thống, đòi Tổng thống Park từ chức. Một điều đáng chú ý là các cuộc biểu tình gần đây bắt đầu có sự tham gia của sinh viên, một lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc biểu tình dẫn đến việc chấm dứt chế độ độc tài quân sự tại Hàn Quốc trong thập niên 80 của thế kỷ trước.
Để xoa dịu sự tức giận của công chúng, Tổng thống Park đã có 3 bài phát biểu trước quốc dân, bày tỏ xin lỗi về những gì mà bà đã gây ra cho đất nước, tuyên bố rằng bà đã “mất cảnh giác” với người khác chứ không hề vụ lợi cá nhân. Tuy nhiên, những lời xin lỗi này đã tỏ ra phản tác dụng vì sự phản đối của người dân sau đó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, các cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn được duy trì trong tất cả các dịp cuối tuần tháng vừa qua bất chấp điều kiện thời tiết giá lạnh và mưa ướt. Sau khi bị các công tố viên nhà nước cáo buộc là một đồng phạm chứ không phải chỉ là một nghi can trong vụ việc liên quan đến bà Choi, Tổng thống Park ngày 29-11 vừa qua đã tuyên bố bà trao số phận của mình, kể cả khả năng cắt ngắn nhiệm kỳ tổng thống, để Quốc hội quyết định trong bối cảnh có nhiều người kêu gọi bà từ chức ngay lập tức, phe đối lập đang tìm cách tiến hành luận tội bà và tỷ lệ ủng hộ bà chỉ còn 4% - mức thấp nhất dành cho một tổng thống đang tại vị trong lịch sử Hàn Quốc. Phe đối lập gọi động thái này của Tổng thống Park là một “mưu đồ” nhằm gây chia rẽ nỗ lực luận tội. Ở một chừng mực nào đó, nghi ngại của phe đối lập đã tỏ ra là đúng: một số nghị sỹ thuộc đảng Saenuri cầm quyền trước đây tuyên bố ủng hộ việc luận tội bà Park thì nay cho rằng bà nên tự nguyện từ chức vào thời điểm tháng 4-2017.
Hiện tại, phe đối lập đã chính thức trình kiến nghị luận tội Tổng thống Park lên Quốc hội để cơ quan lập pháp này xem xét thông qua dự kiến vào ngày 09-12. Để được thông qua, kiến nghị luận tội phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất là 200 trong tổng số 300 nghị sỹ quốc hội, và điều đó có nghĩa là cần phải thuyết phục được ít nhất 28 nghị sỹ của đảng Saenuri cầm quyền ủng hộ kiến nghị này.
Theo quy định hiện hành của Hiến pháp Hàn Quốc, trong trường hợp tổng thống từ chức thì nước này sẽ tiến hành bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày sau đó; còn trong trường hợp tổng thống bị luận tội thì Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để phán quyết liệu việc luận tội có hợp lý hay không, và trong thời gian đó tổng thống sẽ bị đình chỉ chức vụ và phải trao quyền điều hành công việc nhà nước cho nhân vật số hai là thủ tướng. Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết rằng việc luận tội là không hợp lý thì tổng thống sẽ trở lại nắm quyền, còn trong trường hợp ngược lại thì tổng thống sẽ chính thức bị cách chức và cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tiến hành trong vòng 60 ngày kể từ ngày tòa ra phán quyết. Nhiều chính đảng tính toán rằng nếu Tổng thống Park từ chức ngay bây giờ thì khoảng thời gian 60 ngày là không đủ để họ chuẩn bị ứng cử viên của mình cho cuộc bầu cử, do đó họ nghiêng về phương án luận tội Tổng thống. Cho dù chính trường Hàn Quốc có diễn biến theo hướng nào đi nữa thì cơ hội để bà Park ở lại Nhà Xanh cho đến hết nhiệm kỳ là rất mong manh./.
Lễ tưởng niệm lãnh tụ Fidel Castro tại Santiago de Cuba  (04/12/2016)
Bế mạc Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh - Phát triển và hội nhập 2016  (04/12/2016)
Anh tìm cách sửa đổi luật nhằm đảm bảo quyền vào thị trường EU  (04/12/2016)
Đoàn Quân sự cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ  (04/12/2016)
Thủ tướng Chính phủ: Tổ quốc cần những tấm huy chương và hơn thế  (04/12/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên