TCCSĐT - Sau 5 ngày hoạt động với tinh thần lành mạnh, công bằng, khách quan, ngày 04-11-2016, Lễ Bế mạc và trao giải Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V, năm 2016 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức, đã diễn ra trọng thể tại Khách sạn Mường Thanh, thành phố Cần Thơ.

Hội thi lần này có 50/63 tỉnh, thành trong nước tham dự, với tổng số 359 thiết bị đến từ 161 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, so với Hội thi lần thứ IV tại Khánh Hòa (Nha Trang) năm 2013, số thiết bị đã tăng hơn 20%. Những thiết bị tham gia dự thi gồm các dụng cụ, mô hình, thiết bị, các bộ phận của thiết bị, phần mềm và các phương tiện kỹ thuật khác phục vụ công tác đào tạo nghề, do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự làm, được áp dụng trong quá trình giảng dạy và đã đoạt giải tại các Hội thi thiết bị đào tạo cấp tỉnh. Trong số này, các thiết bị thuộc nhóm nghề công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông chiếm 50,4%; công nghệ kỹ thuật cơ khí: 29%, máy tính và công nghệ thông tin: 9%; nhóm nghề tổng hợp: 11,6%.

 

Các tác giả và nhóm tác giả nhận bằng khen và giải thưởng tại Lễ bế mạc Hội thi

Phát biểu tổng kết Hội thi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Trưởng Ban Tổ chức Hội thi Mai Thúy Nga nhấn mạnh: Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V đã kết thúc thành công, đạt được mục tiêu đề ra. Hội thi thực sự đã trở thành ngày hội của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, là sân chơi để hội tụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những kiến thức, công nghệ mới trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến để cải tiến và sản xuất thiết bị đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Hội thi lần này đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp. Sự đa dạng của thiết bị tự làm tại Hội thi chứng tỏ thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo.

Điểm mới của Hội thi năm nay là hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo và sinh viên, học sinh trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài việc nâng cao tính sư phạm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, nhiều tác giả, nhóm tác giả dự thi đã quan tâm đến tính thẩm mỹ và kinh tế của thiết bị, do vậy nhiều thiết bị dự thi có kết cấu, hình thức đẹp, giá thành rẻ hơn so với giá của những thiết bị có sẵn bán ngoài thị trường. Một điểm nổi bật của Hội thi năm nay là nhiều thiết bị đã thể hiện xu hướng “tích hợp” các thiết bị, các mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên một “thiết bị” hay “mô hình”. Điển hình như thiết bị: “Mô hình thực hành PLC” của nhóm tác giả thuộc Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc; “Mô hình bộ thí nghiệm vi điều khiển” của nhóm tác giả thuộc Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là xu thế phát triển thiết bị đào tạo trên thế giới và lần đầu được xuất hiện tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc tại Cần Thơ. Nhiều thiết bị tham dự Hội thi cũng được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một “sản phẩm” theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường.

 

Các đại biểu tham quan các thiết bị, mô hình đoạt giải tại Hội thi

Ngoài các hoạt động chính, Hội thi năm nay còn có một số hoạt động chuyên môn và phong trào đã được tổ chức kết hợp, như Hội thảo “Áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng đào tạo”; hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm của một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung ứng thiết bị đào tạo, tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các cơ sở đào tạo, giáo viên trên toàn quốc có dịp được tiếp cận, có thể xem xét và lựa chọn trang thiết bị đào tạo phù hợp với chương trình đào tạo của cơ sở.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức, Hội thi lần này vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục ở các kỳ hội thi tiếp theo. Đó là còn một số địa phương chưa có thiết bị tham gia Hội thi; số lượng thiết bị, số lượng nghề có thiết bị dự thi tuy tăng hơn 20% nhưng vẫn còn ít so với tổng số nghề đào tạo hiện nay; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tổ chức được phong trào tự làm thiết bị đào tạo nhằm khuyến khích các thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề và chất lượng đào tạo, tiết kiệm chi phí đào tạo;...

Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao giải cá nhân cho 150 thiết bị của các tác giả và nhóm tác giả, trong đó có 30 giải nhất, 45 giải nhì, 75 giải ba và 6 giải toàn đoàn.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019 sẽ được tổ chức tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế./.