TCCSĐT - Ngày 06-10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí đề cử cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha António Guterres làm Tổng Thư ký Liên hợp quốc mới thay ông Ban Ki-moon sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay. Vị lãnh đạo 67 tuổi này được kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi tích cực cho thế giới trong tương lai.

 
 Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha António Guterres được đề cử làm Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Ảnh: un.org

Ưu thế thuyết phục

Từ ngày 21-7 đến nay, 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành tổng cộng 6 cuộc bỏ phiếu không chính thức và 1 cuộc bỏ phiếu chính thức để quyết định ai sẽ là tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Có tổng cộng 13 ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua vào vị trí này, đa số là các quan chức tới từ các nước Đông Âu - khu vực chưa từng có người giữ chức vụ đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Theo quy định, tiến trình bầu chọn Tổng Thư ký Liên hợp quốc diễn ra tại các cuộc bỏ phiếu kín của Hội đồng Bảo an. Từng nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra ý kiến của mình về từng ứng viên với việc có thể dành lá phiếu “khuyến khích” hay “không khuyến khích” đối với một ứng viên nào đó hoặc tuyên bố “không có ý kiến”.

Với 13/15 phiếu ủng hộ và không nước nào trong 5 thành viên chủ chốt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phủ quyết, nhân vật sáng giá - cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đã được lựa chọn vào vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Điểm mới của tiến trình bầu chọn người đứng đầu Liên hợp quốc năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của Liên hợp quốc, tiến trình bầu chọn và bổ nhiệm Tổng Thư ký được dựa trên các nguyên tắc minh bạch. Các quốc gia thành viên được quyền tiến cử người mình chọn, còn các ứng cử viên thì phải nộp đơn ứng cử, hồ sơ cá nhân và phải trình bày quan điểm tại những phiên điều trần của Đại hội đồng Liên hợp quốc được phát sóng truyền hình trực tiếp đi toàn thế giới.

Chính tính minh bạch thông tin về ứng cử viên ngay từ vòng đầu mà người ta có thể nhìn thấy ưu thế nổi bật ở ông A. Guterres, đó là bề dầy về kinh nghiệm chính trường. Dù ở cương vị nào, ông A. Guterres cũng đạt được thành công nhất định. Sinh năm 1949 ở thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha), từng là cử nhân vật lý, có bằng kỹ sư và theo nghề giảng dạy, ông A. Guterres gia nhập đảng Xã hội vào năm 1974, lần đầu tiên tham gia chính trường Bồ Đào Nha vào năm 1976 sau khi chế độ độc tài kéo dài 5 thập niên sụp đổ, trở thành chính trị gia chuyên nghiệp. Năm 1995, ba năm sau khi được bầu làm Tổng Thư ký đảng Xã hội, ông giữ chức Thủ tướng cho đến năm 2002.

Với một phong cách lãnh đạo khác biệt so với những người tiền nhiệm, ông quan niệm đối thoại và thảo luận là chìa khóa của sự đồng thuận đối với mọi thành phần và tầng lớp xã hội. Nhờ đó, ông A. Guterres đã đưa Bồ Đào Nha đi lên nhanh chóng, tăng trưởng về kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, tăng chi tiêu phúc lợi trong thời kỳ chuyển mình của đất nước. Ông được coi là một trong những lãnh đạo uy tín nhất châu Âu thời bấy giờ. Từ tháng 01 đến tháng 7-2000, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Ngay sau khi rời ghế Thủ tướng Bồ Đào Nha, ông A. Guterres đã từ bỏ sự nghiệp chính trị đang thăng tiến trong nước để trở thành Cao ủy người tị nạn của Liên hợp quốc. Ở cương vị này, suốt 10 năm qua (từ năm 2005 đến năm 2015), ông A. Guterres đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ để đấu tranh cho những người tị nạn, người vô gia cư, người không có quốc tịch và trở thành một nhân vật quan trọng đối với cộng đồng người tị nạn trên thế giới.

Trong vai trò lãnh đạo Cao ủy Liên hợp quốc về tị nạn, ông A. Guterres đứng đầu một tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới với hơn 9.000 nhân viên có mặt trên toàn cầu, làm nhiệm vụ bảo vệ và cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho hơn 46 triệu người tị nạn. Ông A. Guterres cũng là người chèo lái con tàu vượt qua cuộc khủng hoảng người tị nạn với làn sóng chạy trốn bạo lực từ Syria, Afghanistan hay Iraq. Ông đã để lại di sản đáng quý cho cơ quan tị nạn Liên hợp quốc. Ông là người có tiếng nói đáng tôn trọng khiến cả thế giới phải lắng nghe.

Một điểm nữa để có thể người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh, đó là ông A. Guterres thông thạo 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Có lẽ chính bề dày kinh nghiệm về chính trị và xử lý tốt các cuộc khủng hoảng về tị nạn đã giúp cho ông A. Guterres dành được sự ủng hộ cao của Hội đồng Bảo an. Tổng Thư ký Liên hợp quốc sắp mãn nhiệm Ban Ki-moon đã khen ngợi ông A. Guterres là “sự lựa chọn tuyệt vời” để kế nhiệm ông.

Phát biểu trước giới phóng viên sau cuộc bỏ phiếu, ông Vitaly Churkin, Đại sứ Liên bang Nga, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã dành thời lượng khá dài để giải đáp cho báo chí về lựa chọn của Hội đồng Bảo an. Trong đó, câu hỏi được nhiều người quan tâm là tại sao Hội đồng Bảo an không dành ưu tiên cho một ứng cử viên nữ như đã từng tuyên bố. Ông V. Churkin cho biết: “Đây là quá trình bầu chọn rất công bằng. Chúng tôi khuyến khích sự tham gia của ứng cử viên nữ. Chúng ta thấy 50% ứng cử viên là nữ suốt từ đầu cuộc đua tới vòng cuối. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng Bảo an đều cho rằng, chúng tôi cần chọn ra người giỏi nhất và người giỏi nhất trong số họ chính là ông Antonio Guterres”. Ông V. Churkin nhấn mạnh: “Ông A. Guterres là người hòa đồng, luôn lắng nghe và thấu hiểu mọi người. Ông ấy cũng là người cởi mở, vì thế, tôi nghĩ đây là lựa chọn tuyệt vời. Tôi rất vui vì tất cả đều ủng hộ ông ấy”.

Thông báo của ông V. Churkin, cùng với sự hiện diện của Đại sứ Mỹ Samantha Power và đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khác cho thấy, ông A. Guterres đã chính thức giành được sự ủng hộ của cả 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Đây là lần thứ 6 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu thăm dò độ tín nhiệm của các ứng cử viên nhưng là lần đầu tiên lá phiếu của 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được phân định rõ bằng màu đỏ. Việc 5 nước thành viên của Hội đồng thường trực Bảo an cùng xuất hiện để công bố lựa chọn của họ cho thấy, ông A. Guterres đang nhận được sự hậu thuẫn đặc biệt của các nước lớn vốn hay có những bất đồng ở các vấn đề quốc tế và đây là điểm thuận lợi cho ông A. Guterres trong cương vị mới.

Những thách thức phải đối mặt

Để giữ được tiếng nói uy tín, đáng tôn trọng của mình, đặc biệt là ở cương vị một Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông A. Guterres sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn sắp tới. Trong bối cảnh hàng loạt bất đồng, căng thẳng chính trị đang gia tăng giữa các nước thành viên như Nga, Mỹ, Anh, Pháp… và sự lộng hành của chủ nghĩa cực đoan, ông A. Guterres phải cho thấy một tầm nhìn và đường lối chiến lược sáng suốt.

Giới phân tích cho rằng, những thách thức đó có thể nhìn thấy ngay với ông A. Guterres, đó là chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng, khủng hoảng tị nạn và bạo lực tại Trung Đông. Hay ngay cả với Liên hợp quốc thì người ta cũng đang kỳ vọng là ông A. Guterres sẽ cải tổ tổ chức này để có thể hoạt động hiệu quả hơn và đỡ tốn kém hơn. Và một phần không kém phầm quan trọng đó là 193 nước thành viên của Liên hợp quốc với những điều kiện phát triển kinh tế rất khác nhau vừa bước vào giai đoạn đầu tiên thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, ông A. Guterres được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những nước này thực hiện tốt các mục tiêu đó.

Ngay sau khi cuộc bầu chọn kết thúc, ông A. Guterres đã phát biểu vừa cảm thấy biết ơn vì đã nhận được sự tín nhiệm cao nhưng cũng vừa cảm thấy áp lực từ những thách thức sẽ phải đối mặt. Dường như ông A. Guterres đã cảm nhận những khó khăn to lớn đang đợi ông phía trước. Trước đó, trong các phiên tranh luận để chạy đua giành chiếc ghế Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông A. Guterres nhấn mạnh Liên hợp quốc đóng một vai trò quyết định tới sự ổn định và hạnh phúc cho cuộc sống của người dân trên thế giới. Ông A. Guterres cho rằng, các quốc gia hiện nay đang mải mê tới việc chống khủng bố mà ít để ý tới việc phòng tránh nó; việc phòng tránh ngay từ đầu không chỉ là ưu tiên mà là phải ưu tiên mọi thứ chúng ta làm. Hay nghèo đói, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường,… các yếu tố đó cần được cải thiện từ gốc rễ, thay đổi có hệ thống mà Liên hợp quốc là trụ cột của mọi nỗ lực. Theo ông A. Guterres, nguyên nhân của các cuộc xung đột rất phức tạp, khó lường. Để giải quyết những “điểm nóng” này, chúng ta cần có một quan điểm toàn diện dựa trên ba nguyên tắc hành động cơ bản của Liên hợp quốc là vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Với phạm vi rộng như vậy, Liên hợp quốc đóng vai trò kết nối các quốc gia, đi đầu trong việc đối mặt với những thách thức toàn cầu nhằm mục tiêu chính là ngăn ngừa, đấu tranh chống lại những nguyên nhân gây khổ đau cho con người. Mọi người dân trên thế giới cần được bảo vệ, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, như phụ nữ và trẻ em. Chúng ta phải bảo đảm rằng, khi ai đó nhìn thấy lá cờ xanh của Liên hợp quốc, cô ấy hay anh ấy có thể nói: “Tôi đã được bảo vệ”. Không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông A. Guterres cũng đặc biệt quan tâm tới tầm quan trọng của các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu 4, để bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng; và mục tiêu 16, để thúc đẩy các tổ chức hòa bình vận hành một cách công bằng và toàn diện. Và một lần nữa, ông A. Guterres cho rằng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc phải đóng một vai trò tích cực trong việc bảo đảm các Chương trình nghị sự năm 2030 được thực hiện hiệu quả, cũng như các thỏa thuận đã đạt được tại Paris về biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký cần hỗ trợ các nước thành viên để bảo đảm rằng những thành tựu mang tính bước ngoặt mới đây được thực hiện thành công thực sự.

Vẫn với chủ trương đối thoại và thảo luận là chìa khóa cho mọi thành công, ông A. Guterres cho rằng, các nước cần cải thiện quan hệ ngoại giao để chung tay giải quyết khó khăn. Hiện nay, tồn tại rất nhiều sự thiếu tin tưởng giữa các quốc gia hay giữa người dân với các chính sách của các chính phủ. Ông A. Guterres cho biết, ông sẽ lập nên một bản quy trình những yếu tố cần được ưu tiên theo thời gian mà các nước thành viên cần thực hiện khi trở thành Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Sau khi được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chính thức thông qua, ông A. Guterres phải trải qua một vòng cuối cùng mang tính thủ tục là sự thông qua của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Nếu không có gì thay đổi, ông sẽ chính thức tiếp quản vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017 - 2022 vào ngày 01-01-2017. Với cương vị Tổng Thư ký thứ 9 trong lịch sử của Liên hợp quốc, Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha A. Guterres sẽ bảo đảm rằng, Liên hợp quốc luôn giữ vai trò là sứ giả xây dựng cây cầu hòa bình giữa các nước. Sự ra đời của Liên hợp quốc là một cam kết nghiêm túc đối với người dân trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn những sự xâm hại phẩm giá con người và dẫn dắt thế giới tới một tương lai tốt đẹp hơn./.