G20 Hàng Châu: Kỳ vọng mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu
TCCSĐT - Trong hai ngày 04 và 05-9-2016 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 11 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Tại Hội nghị, các nền kinh tế G20 nỗ lực bàn thảo những giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hướng tới sự tăng trưởng “mạnh mẽ, bền vững và đồng đều”, cũng như thảo luận những vấn đề quan tâm.
Bối cảnh kinh tế phục hồi không chắc chắn
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, hệ thống tài chính quốc tế xuất hiện những dấu hiệu bất ổn mới. Ở châu Âu, chủ nghĩa dân túy đã thâm nhập vào các nước như Pháp, Đan Mạch, Hy Lạp, Hung-ga-ry, Ba Lan, Thụy Điển..., tỷ lệ ủng hộ chính đảng cực hữu ở Đức cũng đang tăng lên. Các nhân tố như tấn công khủng bố, xu hướng di cư, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit)… đang làm đảo lộn tiến trình nhất thể hóa châu Âu. Bên cạnh đó, dưới tác động tiêu cực của Brexit, cuộc bầu cử diễn ra ở nhiều quốc gia châu Âu (từ năm 2016 đến năm 2018) chứa đựng nhiều bất ổn, trở thành nguy cơ khởi nguồn của những rủi ro.
Tại Mỹ, “hiện tượng Đô-nan Trăm” nổi lên trong cuộc chạy đua vào chức tổng thống Mỹ khiến cho các khái niệm chống toàn cầu hóa, chống Hồi giáo, chống tinh hoa và chống truyền thông chính thống… từng bị gạt ra ngoài lề, giờ đây có nguy cơ trở thành một xu hướng chính trị. Ở Mỹ La-tinh, nhiều nền kinh tế sụt giảm, thậm chí rơi vào suy thoái, dẫn tới một số nước rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”… Những điều này làm gia tăng sự phân cực chính trị, phân hóa xã hội, tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Không chỉ có vậy, trước đây, khái niệm toàn cầu hóa được khởi xướng từ các nước phát triển, do các nước phát triển lập ra quy tắc, luật chơi, các công ty đa quốc gia tạo dựng ra các chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu, đồng thời thu lợi từ chính các hoạt động đó. Khi các thị trường mới nổi tích cực tham gia tiến trình toàn cầu hóa, ngành sản xuất toàn cầu bắt đầu chuyển dịch sang khu vực thị trường mới nổi ở châu Á. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra đến nay, trọng tâm phát triển kinh tế - thương mại toàn cầu đã chuyển dịch nhanh chóng sang khu vực châu Á, nền kinh tế của các nước phát triển bị thiệt hại nghiêm trọng, nợ chính phủ tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, đặc biệt cuộc sống của tầng lớp trung lưu và người dân nghèo xuống dốc trầm trọng. Bên cạnh đó, do lo ngại về vấn đề an ninh, các nước phát triển đã tăng cường việc giám sát quản lý người di cư và mạng internet. Nền kinh tế thế giới hiện vẫn phải đối mặt với sự phục hồi không chắc chắn khi nhiều cảnh báo về hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế được đưa ra. Trong năm 2015, số người thất nghiệp là 197,1 triệu người, nhiều hơn 27 triệu người so với năm 2007, trước thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Năm 2016, dự báo con số thất nghiệp sẽ tăng thêm 2,3 triệu người, đạt 199,4 triệu người (1). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2016 và năm 2017 giảm xuống 0,1% so với tháng 4-2016, chỉ đạt 3,1% và 3,4% tương ứng (2). Tốc độ phát triển chậm tại một số nền kinh tế đầu tàu đã ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế thế giới.
Chìa khóa cho sự ổn định và tăng trưởng
Được hình thành từ năm 1999, song Hội nghị Thượng đỉnh G20 chỉ thực sự được khởi động vào cuối những năm 2000, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra (năm 2008). Ngày 15-11-2008, tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), các nguyên thủ và thủ tướng chính phủ G20 gặp nhau lần đầu tiên để bàn về kế hoạch chặn đứng đà lây lan của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tại thời điểm đó, các nhà lãnh đạo trên thế giới chủ yếu chú trọng các biện pháp kích cầu, đối phó với khủng hoảng tài chính. Các tổ chức tài chính đa quốc gia như IMF, Ngân hàng thế giới (WB) tập trung vào việc củng cố và rà soát lại hệ thống vận hành của WB, đề phòng các hành vi cho vay quá mức để xảy ra những thảm họa như Lehman Brothers; chống lại các biện pháp bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, tại Hội nghị G20 Hàng Châu lần này, bên cạnh mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư và trao đổi thương mại trên phạm vi toàn cầu, các hồ sơ về chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố, tìm lối thoát cho khủng hoảng Xy-ri… đã được quan tâm bàn thảo. Nhiều cuộc gặp bên lề quan trọng khác cũng đã diễn ra.
Đáng chú ý, G20 Hàng Châu là cơ hội để Trung Quốc khẳng định ảnh hưởng của mình trên bàn cờ quốc tế. Không chỉ hài lòng với cương vị nền kinh tế thứ hai toàn cầu, Bắc Kinh đã liên tục mở rộng vai trò của mình trên tất cả các lĩnh vực, từ tài chính đến ngoại giao, kể cả về mặt chiến lược qua hàng loạt các chương trình hợp tác với châu Phi, châu Mỹ hay từ châu Âu sang châu Á. Đặc biệt trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Bắc Kinh với sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã lôi kéo được nhiều nước tham gia. Trong bối cảnh thế giới mong muốn “một làn gió mới” thúc đẩy “con tàu kinh tế” tăng tốc, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị G20 để đưa ra những “liều thuốc” mang lại “sức sống mới” cho nền kinh tế toàn cầu. Tham vọng này của Bắc Kinh được thể hiện ngay khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20. Trung Quốc tuyên bố sẽ tạo đột phá cho Hội nghị thông qua việc đưa ra sáng kiến thúc đẩy tiềm năng kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn theo hướng đổi mới, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp mới và nền kinh tế kỹ thuật số. Phát biểu khai mạc Hội nghị G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định, nhiều rủi ro đang tích tụ trong nền kinh tế toàn cầu bởi tình trạng nợ cao. Ông Tập Cận Bình kêu gọi các quốc gia cần có biện pháp đẩy mạnh giao thương, đầu tư và tránh chủ nghĩa bảo hộ. Với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”, Trung Quốc - Chủ tịch G20 năm 2016 - hy vọng Hội nghị có thể đưa nhóm này trở thành đầu tàu, đối phó với nhiều khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt, chuyển hướng sang “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều”.
Trên thực tế, những năm gần đây, G20 đã thay thế G7 (các nền kinh tế phát triển nhất thế giới bao gồm: Ca-na-đa, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Anh và Mỹ), trở thành diễn đàn chủ yếu trong hợp tác kinh tế toàn cầu. Đó là kết quả của sự thay đổi không ngừng trong việc chuyển đổi mô hình hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu, là xu thế mới về biến đổi cục diện sức mạnh quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa. Bởi, G20 bao hàm gần như tất cả các nước phát triển và thị trường mới nổi chủ chốt trên thế giới, quy mô kinh tế của G20 chiếm 85% GDP thế giới, 80% tổng giá trị thương mại quốc tế và 65% dân số thế giới (3), được xem là một trong những nền tảng có ảnh hưởng nhất đối với quản trị tài chính toàn cầu. Có thể nói, tình hình kinh tế của các nước thành viên G20 xấu hay tốt tác động trực tiếp đến cục diện của kinh tế thế giới, hợp tác giữa các nước thành viên trực tiếp quyết định phương hướng hợp tác kinh tế quốc tế.
Bốn vấn đề lớn đã được các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tập trung thảo luận tại Hàng Châu, gồm: Phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo; quản trị tài chính kinh tế toàn cầu; thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn. Hội nghị Thượng đỉnh G20 đặt cải cách mang tính cơ cấu lên vị trí quan trọng; đồng thời, định ra Chương trình tăng trưởng sáng tạo, Chương trình hành động sáng tạo, Chương trình hành động cách mạng công nghiệp mới, Sáng kiến phát triển và hợp tác kinh tế kỹ thuật số, thông qua tăng trưởng sáng tạo khai thác tiềm lực phát triển trung hạn và dài hạn của nền kinh tế thế giới. G20 coi thương mại và đầu tư quốc tế là hai động cơ thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thế giới.
Những sáng kiến trên của Bắc Kinh được đánh giá là đúng thời điểm bởi các mô hình thúc đẩy kinh tế hiện nay vốn chủ yếu dựa vào các gói kích thích và nới lỏng tiền tệ đang trở nên kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn mời số lượng lớn các nước đang phát triển tham dự Hội nghị nhằm chứng tỏ tiếng nói của các nước đang phát triển được lưu tâm, các nước phát triển và đang phát triển có quyền tham vấn bình đẳng. Trung Quốc luôn cho rằng, suốt nhiều năm qua, các quốc gia đang phát triển đã phải hứng chịu tác động tiêu cực từ tình trạng thiếu công bằng, minh bạch và hiệu quả của các thể chế tài chính lớn như IMF và WB, do điều kiện chính trị mà họ đặt ra đối với viện trợ phát triển.
Kinh tế Trung Quốc có tầm quan trọng trong hệ thống toàn cầu. Theo tính toán của IMF, nếu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 1% thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn sẽ giảm 0,23%. Đối với các thị trường mới nổi, tác động của nền kinh tế Trung Quốc là rõ rệt hơn. Tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc cứ giảm 1% thì 5 nước châu Á (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan) sẽ giảm 0,23% - 0,35%, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Ấn Độ) cũng sẽ giảm 0,06% - 0,17% (4). Vì vậy, nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định, cải cách vững chắc sẽ tạo thành một sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với sự ổn định của G20 và thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi quốc tế “có những hành động cụ thể” để G20 không chỉ là một diễn đàn với những “lời lẽ sáo rỗng”. Trung Quốc muốn cùng các bên nỗ lực, thông qua G20, thực hiện các mục tiêu lớn: Phát huy vai trò dẫn dắt của G20, thể hiện tầm nhìn xa và khát vọng chiến lược của G20, chỉ rõ phương hướng cho kinh tế thế giới; Tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, nêu cao tinh thần đối tác đồng tâm hiệp lực, cùng ứng phó với rủi ro và thách thức, phát đi tín hiệu chính trị mạnh mẽ đoàn kết hợp tác, mở cửa dung nạp; Xây dựng cơ chế đổi mới, xây dựng sân chơi hợp tác, cung cấp nền tảng vững chắc để G20 chuyển từ ứng phó với khủng hoảng sang quản lý hiệu quả và lâu dài.
Thách thức còn hiện hữu
Trước môi trường phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm chạp, tài chính quốc tế tiềm ẩn nhiều bất ổn, toàn cầu hóa thoái trào, sự phát triển toàn cầu đối mặt với nhiều bế tắc, trách nhiệm của G20 trở nên nặng nề, cần phát huy tinh thần đối tác đồng tâm hiệp lực, xây dựng kinh tế thế giới thật sự “sáng tạo, năng động, kết nối, bao dung”.
Thách thức lớn nhất mà G20 phải đối mặt là sự thay đổi cùng lúc các nhà lãnh đạo của nhiều nước thành viên G20. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến việc thực hiện chiến lược đã đề ra tại Hội nghị G20 lần này. Các nhà lãnh đạo thế hệ mới đang phải đối mặt với các vấn đề khác nhau, nhu cầu không giống nhau, cụ thể: Nhiệm vụ của tân Thủ tướng Anh là xử lý tốt vấn đề Brexit. Năm 2017, Pháp, Đức đều sẽ tiến hành bầu cử, điều này không chỉ quyết định số phận tương lai của EU, mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai đường hướng hoạt động của G20 Hàng Châu. Ở Mỹ, dù là ứng cử viên Đô-nan Trăm hay ứng cử viên Hi-la-ry Clin-tơn chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới thì chính sách hướng nội, chủ nghĩa bảo hộ được cho là cũng sẽ gia tăng.
Tại các thị trường mới nổi, quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu vẫn còn căng thẳng, sức ép chính trị ngoại giao chưa giảm; Tổng thống Bra-xin M. Te-mơ thuộc đảng PMDB trung hữu tạm thời nắm quyền; tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa xảy ra đảo chính bất thành, làm gia tăng các bất ổn chính trị nội bộ... Do vậy, để tăng cường sự kết nối trao đổi giữa các nhà lãnh đạo của các thị trường mới nổi và các nhà lãnh đạo nhiệm kỳ mới của các nước phát triển, từ đó, thiết lập quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo, là bài toán khó đối với G20 trong tương lai. Cục diện thay đổi phức tạp, trật tự kinh tế quốc tế ở giai đoạn bước ngoặt quan trọng, vị trí chính trị và kinh tế thế giới dường như cần được sắp xếp lại, quan hệ giữa các nước lớn mới nổi và các nước phát triển theo xu hướng điều chỉnh, khung quản trị kinh tế toàn cầu cần thiết kế lại, đặc biệt cơ chế kinh tế quốc tế hiện hành cần đủ năng lực và thực lực để ứng phó với phức tạp nảy sinh. Rủi ro kinh tế cũng có thể chuyển hóa thành rủi ro địa chính trị. Kinh tế toàn cầu suy thoái trong thời gian dài, xu hướng toàn cầu hóa đi vào giai đoạn thoái trào, các cuộc đọ sức trên trường quốc tế có xu hướng gay gắt hơn, xung đột địa chính trị leo thang… Những thách thức này không hề nhỏ và luôn hiện hữu, đe dọa đến sự phát triển toàn cầu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lâu nay, G20 là một cơ chế đối phó với những tác động ngắn hạn của kinh tế toàn cầu. Trung Quốc lại mong muốn thay đổi nó thành một cơ chế dài hạn, có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, rất khó để cơ chế này được hình thành. Bởi lẽ, các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản không mong đợi Trung Quốc đóng một vai trò lớn trên “sân khấu” kinh tế thế giới và những nước này sẽ hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tính cạnh tranh, chế ngự lẫn nhau giữa các nước phát triển luôn tồn tại, vì vậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những trở ngại nhất định khi cố gắng đạt được mong muốn “làm chủ” cuộc chơi trong G20.
Trước bối cảnh này, Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới cần phải giữ vững quy tắc và cam kết chính sách tiền tệ của mình, cùng nhau kiện toàn hệ thống an ninh tài chính toàn cầu, thúc đẩy việc cải cách các vấn đề tồn đọng của các cơ cấu tài chính quốc tế như IMF, WB, đặc biệt là phải làm cho tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi tương xứng với vị thế kinh tế tăng lên của họ, nâng cao tính chủ động của các nền kinh tế mới nổi trong việc quản lý kinh tế toàn cầu, giải phóng sức mạnh bên ngoài của những nền kinh tế này đối với sự ổn định kinh tế thế giới; thiết lập cơ chế điều phối thương mại và đầu tư quốc tế, tránh xu thế “phân mảnh” của các hiệp định thương mại; thông qua chuỗi giá trị toàn cầu phối hợp và cùng thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại, đầu tư toàn cầu. Bên cạnh đó, các nước G20 cần đoàn kết lại, xây dựng cơ chế quản lý lâu dài và hiệu quả, ứng phó với cái bẫy tăng trưởng mới của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Rõ ràng, kinh tế thế giới vẫn đang trải qua sự điều chỉnh sâu sắc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và mô hình phát triển kinh tế hiện nay dường như không thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững. Phát triển toàn diện hơn, công bằng, cởi mở và sáng tạo không chỉ là trách nhiệm đạo đức, mà còn cần thiết cho các nước để phát huy tiềm năng kinh tế của mình. Hội nghị G20 Hàng Châu có thể là chìa khóa cho sự ổn định và tăng trưởng mới. Và thành công này phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của các nước thành viên trong việc thực thi các chính sách và giải pháp được đề ra./.
--------------------------------------------
(1) Global unemployment projected to rise in both 2016 and 2017, www.ilo.org, 19-01-2016
(2) IMF World Economic Outlook (WEO) Update, www.imf.org, tháng 7-2016
(3) Hangzhou G20 results that benefit your life, usa.chinadaily.com.cn, 05-9-2016
(4) G20 will breed new global economic stabilization, www.globaltimes.cn, 12-8-2016
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 19 đến ngày 25-9-2016  (26/09/2016)
Chủ tịch Quốc hội rời Hà Nội, lên đường thăm hữu nghị chính thức Lào  (26/09/2016)
Người đứng đầu phải gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững  (25/09/2016)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm và làm việc tại Đức  (25/09/2016)
Hàn Quốc vẫn là nước dẫn đầu tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam  (25/09/2016)
Ngày hội thể thao và gia đình ASEAN tại Geneva  (25/09/2016)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên