TCCSĐT - Ngày 22-9-2016 tại trụ sở Bộ Nội vụ đã diễn ra Hội thảo quốc tế: Quản trị địa phương: Lý luận, thực tiễn của Pháp và Việt Nam, do Đại học Nội vụ (Bộ Nội vụ) phối hợp với Trung tâm Công vụ địa phương quốc gia Cộng hòa Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam , tổ chức.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ đến dự và chủ trì Hội thảo có PGS, TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Về phía Cộng hòa Pháp có ông Yves Durufle, Tổng Thanh tra Hành chính, Bộ Nội vụ Pháp. Tham dự Hội thảo có đại diện các vụ của Bộ Nội vụ, các nhà khoa học, các chuyên gia ngành Nội vụ; lãnh đạo các Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Tham gia Hội thảo còn có Đoàn chuyên gia Trung tâm Công vụ địa phương quốc gia Pháp (CNFPT) và đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ, PGS, TS. Triệu Văn Cường đã phát biểu khai mạc Hội thảo, cho biết xu thế chung trên thế giới hiện nay là chuyển giao thẩm quyền và các nguồn lực từ trung ương cho địa phương, mục đích là xây dựng chính quyền gần dân hơn, tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong ban hành và thực thi các quyết định của chính quyền. PGS, TS. Triệu Văn Cường nhấn mạnh mục đích của Hội thảo là nhằm trao đổi kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn quản trị địa phương của Pháp và Việt Nam; đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Các tham luận, những đề xuất, giải pháp được đưa ra trong Hội thảo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản trị địa phương ở Việt Nam. Đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển quốc gia một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững.

Trung tâm Công vụ Địa phương Quốc gia - Cộng hòa Pháp là một đơn vị hành chính công, có vai trò quan trọng trong hỗ trợ chính quyền địa phương và đào tạo đội ngũ công chức các chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Cùng với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, Trung tâm Công vụ Địa phương Quốc gia - Cộng hòa Pháp đã có những hoạt động hợp tác có hiệu quả về nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực công với Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

Các ý kiến tại Hội thảo đã phân tích rõ thực trạng về lý luận và thực tiễn của quản trị địa phương tại Pháp và Việt Nam cũng như sự cần thiết xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam. Đặc biệt, đã nêu bật về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp của Việt Nam.

Tổ chức chính quyền địa phương Việt Nam là một tổ chức hành chính có tư cách pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận nhằm mục đích quản lý một khu vực hành chính trong quốc gia. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương là những tác động có chủ định làm cho hoạt động của chính quyền địa phương trong sạch, dân chủ, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của nền hành chính phát triển.

Chính quyền địa phương ở Việt Nam với tư cách là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước thống nhất, thay mặt Nhà nước tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý trên lãnh thổ địa phương trong cơ cấu quyền lực nhà nước thống nhất. Đồng thời, chính quyền địa phương là cơ quan do nhân dân địa phương lập ra để thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Tư tưởng cơ bản trong tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam theo nguyên tắc vừa bảo đảm sự tập trung thống nhất, vừa phát huy vai trò chủ động, tích cực của địa phương. Nguyên tắc cơ bản và hàng đầu trong tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương là tập trung dân chủ. Mục tiêu của hoạt động quản trị địa phương là các mục tiêu kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội, phát triển không ngừng đời sống của nhân dân.

Từ thực trạng phân cấp, phân quyền của chính quyền địa phương Việt Nam hiện nay, các tham luận đi sâu trao đổi về sự cần thiết xây dựng chương trình quản trị địa phương tại Việt Nam, đặc biệt phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị ở địa phương, từ đó xây dựng chương trình quản trị địa phương phù hợp cho giai đoạn hiện nay.

Thay mặt Ban Tổ chức, PGS, TS. Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Đại học Nội vụ phát biểu tiếp thu các ý kiến tham luận tại Hội thảo, những kinh nghiệm về quản trị địa phương của các chuyên gia, các nhà khoa học Pháp và Việt Nam để vận dụng, bổ sung vào chương trình giáo dục đào tạo của trường nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế; bày tỏ cảm ơn sự hiện diện và ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đã đóng góp cho thành công của Hội thảo./.