Chiều 19-9, trước tình hình dịch bệnh do vi rút Zika diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt gần đây có xu hướng gia tăng tại các nước khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế các nước ASEAN đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đặc biệt về ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika.

Đầu cầu Bộ Y tế Việt Nam có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện các vụ, cục liên quan và các bệnh viện.

* 7/10 quốc gia của ASEAN ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika

Tại cuộc họp, các quốc gia đã chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và các biện pháp ứng phó. Theo đó, đến ngày 19-9-2016 có 7/10 quốc gia của ASEAN đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika trong nước (riêng Lào, Brunei và Myanmar chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Zika). Đặc biệt, một số nước báo cáo đã từng ghi nhận sự lưu hành của vi rút Zika từ những năm trước đây nhưng không tạo thành dịch và có triệu chứng nhẹ như: Thái Lan ghi nhận từ năm 1954, Malaysia ghi nhận từ năm 1969.

Hầu hết các nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika trong những năm gần đây (2014 - 2016). Đặc biệt từ cuối tháng 8-2016 đến nay tại Singgapore đã bùng phát dịch và có số mắc tăng nhanh với tổng số 369 ca. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng vi rút có nguồn gốc châu Á đã từng lưu hành trong những năm 1960, không phải chủng xâm nhập từ châu Mỹ. Thái Lan cũng thông báo đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika rải rác từ năm 2012. Số tích luỹ đến nay là 314 ca tại 13 tỉnh, thành phố; chưa ghi nhận các trường hợp mắc ch ứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh của các bà mẹ nhiễm vi rút Zika.

* Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika

Bộ Y tế Việt Nam cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện vi rút Zika. Đến ngày 16/9/2016, hệ thống giám sát dịch bệnh đã xét nghiệm 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước; đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Phú Yên. Đây là 3 trường hợp nhiễm vi rút Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch. Như vậy, nước ta đã có sự lưu hành của vi rút Zika trong cộng đồng. Kết quả giải trình tự gen cho thấy, mẫu vi rút tại Khánh Hòa có nguồn gốc châu Á; mẫu vi rút tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ châu Mỹ. Bộ Y tế đã triển khai điều tra mở rộng khu vực xung quanh gia đình các trường hợp nhiễm vi rút Zika này nhưng chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm bệnh.

Bộ Y tế dự báo: Trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp nhiễm vi rút Zika mới. Nguyên nhân do Việt Nam đã lưu hành vi rút Zika trong cộng đồng. Trong khi đó, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do vi rút Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa thuận lợi cho việc truyền bệnh từ muỗi sang người chưa có miễn dịch. Đồng thời, sự giao lưu đi lại thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng dẫn đến nguy cơ rất lớn lây lan dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Việt Nam tham dự cuộc họp để chia sẻ thông tin và đề nghị phối hợp giữa các nước trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika; đồng thời kêu gọi tài trợ của các tổ chức quốc tế giúp Việt Nam phòng chống, khống chế và phát hiện bệnh. Những biện pháp khẩn cấp mà Việt Nam đã và đang làm đó là tăng cường truyền thông đại chúng, đặc biệt là tại sân bay quốc tế và các cửa khẩu đường bộ. Hiện nay, các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika chủ yếu là diệt những ổ chứa loăng quăng (bọ gậy), lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết; tích cực tham gia vào chiến dịch diệt muỗi và chủ động phòng chống muỗi đốt. Bộ Y tế hiện đang tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng...

Tai cuộc họp, đại diện các quốc gia tham dự đã thảo luận và đi đến thống nhất bản Tuyến bố chung với một số nội dung chính như: Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh cơ chế đánh giá nguy cơ giữa các quốc gia trong khu vực về vi rút Zika với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); kịp thời chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm có sự đánh giá nguy cơ một cách chính xác; triển khai các biện pháp thích hợp trong việc quản lý, đánh giá nguy cơ bằng cách kiểm soát véc tơ, bảo đảm tiếp cận chẩn đoán phòng xét nghiệm bao gồm cả việc tăng cường mạng lưới phòng xét nghiệm quốc gia và truyền thông nguy cơ; thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do vi rút Zika.../.