TCCSĐT - Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 6 - một trong những khuôn khổ quan trọng nhất về hợp tác và hỗ trợ phát triển của Nhật Bản - lần đầu tiên được tổ chức ở châu Phi, tại thủ đô Nairobi (Kenya), trong hai ngày 27 và ngày 28-8-2016 với khẩu hiệu “Nhật Bản thay đổi và châu Phi cũng thay đổi”, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Nhật Bản - châu Phi.

Coi trọng đối tác châu Phi

Việc lần đầu tiên TICAD được tổ chức bên ngoài Nhật Bản sau hơn 20 năm cơ chế này đi vào hoạt động cho thấy nước này coi trọng đối tác châu Phi, xem “lục địa Đen” là một trong những ưu tiên về địa chiến lược. Các nước châu Phi tham dự hội nghị cũng thể hiện mong muốn chủ động hơn, đưa ra nhiều sáng kiến hơn. Không phải ngẫu nhiên mà TICAD-6 lại diễn ra tại Nairobi, vì Kenya cùng với Nam Phi và Ghana là những đối tác lâu đời nhất của Nhật Bản tại lục địa này. Đây được coi là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Nhật Bản với “lục địa Đen” trong bối cảnh nước này đang bị tụt hậu so với hai nước châu Á khác là Trung Quốc và Ấn Độ tại đây.

Kể từ TICAD-5 năm 2013, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến châu Phi như giá nguyên liệu sụt giảm, dịch bệnh Ebola hoành hành và chủ nghĩa khủng bố gia tăng. Chương trình nghị sự của TICAD là mở rộng cho tất cả, không chỉ riêng các nước châu Phi mà còn cả các đối tác quốc tế hay khu vực tư nhân. Tại TICAD-5, Nhật Bản đã cam kết dành 3.200 tỷ yên (31,9 tỷ USD) trong 5 năm cho các nước châu Phi, trong đó có 1.400 tỷ yên viện trợ trực tiếp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của châu Phi, Nhật Bản xác định các nước ở châu lục này là trọng điểm viện trợ, trong đó tập trung đầu tư ODA vào phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Tokyo cũng thông qua viện trợ để thúc đẩy tăng trưởng châu Phi từ các khoản đầu tư trong lĩnh vực công và tư. Đến cuối năm 2015, Chính phủ Nhật Bản cho biết đã đạt được 67% kế hoạch đề ra.

Trong chuyến công du châu Phi năm 2014, Thủ tướng S. Abe đã phát biểu rằng, châu Phi là một mặt trận trong chính sách “ngoại giao chiến lược nhìn ra toàn cầu” của Nhật Bản. Khi đó, ông kêu gọi đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các nước châu Phi bằng cách tạo môi trường hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trước thềm Hội nghị TICAD lần này, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe nhấn mạnh sức mạnh của Nhật Bản là công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực để có thể hỗ trợ châu Phi và đầu tư nhiều hơn nữa vào châu lục này. Có thể thấy, châu Phi là khu vực đầy triển vọng đối với nhiều quốc gia. Mặc dù điều kiện cơ sở hạ tầng và quản lý còn khó khăn, các quốc gia châu Phi đang bắt đầu thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Hiện nay, một nửa trong số 30 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới nằm ở lục địa này. Thực tế là nhiều nước đã đi lên từ xuất phát điểm rất thấp và bất bình đẳng vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, nếu tiếp tục đà phát triển, tầng lớp trung lưu với khoảng 150 triệu người hiện nay sẽ tăng lên 300 triệu người trong 10 năm tới. Lạm phát ở châu Phi hầu hết nằm trong giới hạn kiểm soát hoặc nếu không cũng thấp hơn nhiều so với 10 năm trước.

Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) H. Ishige cũng đưa ra nhận định, các doanh nghiệp Nhật Bản cần tăng cường sự hiện diện tại thị trường châu Phi. Tại “lục địa Đen”, các doanh nghiệp Nhật Bản thường gặp các vấn đề như quản lý rủi ro chính trị và an ninh, thuế, chuyển tiền và thủ tục hải quan, hạ tầng cơ sở và chất lượng nguồn nhân lực yếu. JETRO đang nỗ lực làm việc với các chính quyền địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Ông H. Ishige khẳng định, mối quan hệ đối tác công - tư giữa Nhật Bản và châu Phi đang phát triển mạnh và Hội nghị TICAD-6 sẽ mở ra một thời kỳ hợp tác kinh tế mới giữa Nhật Bản và châu Phi.

Cam kết hỗ trợ chống khủng bố

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhấn mạnh, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố đang là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển của châu Phi, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ châu lục này trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tổng thống Kenya U. Kenyatta và Tổng thống Cộng hòa Chad I. Deby, đồng thời là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU) nêu rõ, châu Phi cần có thêm các nguồn lực để chống khủng bố. Tổng thống U. Kenyatta nhấn mạnh: “Chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa, thậm chí hủy hoại một số nước. Các tổ chức khủng bố đang phát triển mạng lưới của chúng ra toàn thế giới. Những kẻ khủng bố đang lợi dụng các xã hội dân chủ và cởi mở để phá hoại. Tác động tiêu cực từ chủ nghĩa khủng bố đối với nền kinh tế là hết sức nghiêm trọng. Do đó, chúng ta cần tăng cường mạnh mẽ sự phối hợp với các nước láng giềng và các đồng minh trong nỗ lực chống khủng bố”. Trong khi đó, ông I. Deby đề nghị Nhật Bản và cộng đồng quốc tế đóng góp vào cho Quỹ chống khủng bố của AU.

Về phần mình, Thủ tướng S. Abe cho rằng, châu Phi cần có một ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để “bảo đảm có tiếng nói” trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Theo đó, trong Tuyên bố Nairobi được thông qua tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và châu Phi đã nhất trí hỗ trợ châu lục này bảo đảm an ninh khu vực, giải quyết mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố thông qua các cách thức như thúc đẩy giáo dục ở châu Phi, hướng tới duy trì trật tự hàng hải dựa trên cơ sở luật pháp, tăng cường an ninh, an toàn trên biển thông qua hợp tác quốc tế và khu vực theo luật pháp quốc tế. Tuyên bố cũng tái xác nhận ủng hộ những nỗ lực nhằm cải cách của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Mở ra cơ hội phát triển

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng S. Abe cho biết, ông “muốn đóng góp vào sự phát triển của châu Phi thông qua lĩnh vực công nghệ cao của Nhật Bản và đào tạo nguồn nhân lực”. Thủ tướng S. Abe tuyên bố người dân châu Phi cần phải có được sự tự do và thịnh vượng. Theo đó, ông S. Abe đề cập ba vấn đề chính được Hội nghị lần này bàn đến, đó là: vấn đề công nghiệp hóa của châu Phi, cải thiện chăm sóc y tế và sự ổn định của châu lục hiện đang bị hủy hoại bởi nhiều cuộc khủng hoảng. Tại Hội nghị, Tổng thống U. Kenyatta cũng nhấn mạnh, phần lớn các nước thoát khỏi sự ảnh hưởng của nghèo đói đều thực hiện công nghiệp hóa; trong khi đó, Thủ tướng S. Abe cho rằng, công nghiệp hóa là chìa khóa để phát triển kinh tế. Thủ tướng S. Abe khẳng định, Nhật Bản có thể cung cấp công nghệ cao và phát triển nguồn nhân lực, nhất là cho lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, Nhật Bản cam kết đầu tư 30 tỷ USD cho châu Phi trong vòng 3 năm tới, trong đó có 10 tỷ USD dành cho phát triển hạ tầng. Chính phủ Nhật Bản sẽ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân vào châu lục này, nhất là trong các lĩnh vực hạ tầng, vệ sinh môi trường, điện và giảm nghèo.

Ngoài ra, phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Phi tại TICAD-6, Thủ tưởng S. Abe khẳng định, với 47 tỷ USD đã đầu tư vào châu Phi trong vòng 23 năm qua, Nhật Bản mong muốn kết nối châu Phi với châu Á thông qua các tuyến đường biển. Nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh: “Đây sẽ là tuyến đường huyết mạch vì sự phát triển và thịnh vượng. Châu Phi và Nhật Bản sẽ cùng chia sẻ các lợi ích chung”. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cho rằng, TICAD là cơ hội lớn đối với nền kinh tế châu Phi. Tuy nhiên, theo ông Y. Kim, mặc dù Nhật Bản đã tăng mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi, song nguồn vốn này chiếm chưa tới 1% tổng FDI của Nhật Bản ra nước ngoài. Ông dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Phi sẽ chậm lại ở mức khoảng 2,5% trong năm 2016, so mức tăng trưởng bình quân trên 5% giai đoạn 2008 - 2014.

Về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, Nhật Bản hy vọng sẽ phân biệt được viện trợ của nước này trong khu vực với khoản viện trợ của Trung Quốc thông qua thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng tốt. Trong các cuộc thảo luận tại TICAD-6, Thủ tướng S. Abe đã kêu gọi những người đồng cấp châu Phi thực hiện các biện pháp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi về vấn đề an toàn và pháp lý để thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản tại khu vực.

Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hoạt động tại “châu lục đen” đã tăng gấp đôi, từ 333 năm 1993 lên 687 doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng, khai thác nguyên liệu và sản xuất ô tô. Số lượng này vẫn đang tăng lên nhưng còn rất thấp nếu so sánh với con số 50.000 doanh nghiệp nước này đang làm ăn tại châu Á. Trong khi đó, kim ngạch thương mại song phương còn quá khiêm tốn. Năm 2015, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Nhật Bản và châu Phi đạt 24 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu của Nhật Bản từ châu Phi đạt 11,55 tỷ USD và xuất khẩu sang khu vực này đạt 8,57 tỷ USD. Các đối tác chính của Nhật Bản ở châu Phi là Nam Phi, Nigeria, Ai Cập, Algeria, Kenya, Liberia, Maroc và Tanzania.

Kết thúc Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6, giới quan sát khu vực nhận định, TICAD-6 sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia châu Phi, vốn đang đối mặt với một loạt thách thức về kinh tế và an ninh./.