“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là dân chủ và thực hành dân chủ
1. Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích cuộc sống của nhân dân”(1).
Tư tưởng trên biểu trưng cho một chế độ chính trị đã thuộc về nhân dân lao động trên đường tiến tới mô hình tốt nhất để thống nhất cho kỳ được lợi ích toàn cục và lợi ích bộ phận; lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt; Nhà nước và công dân; nghĩa vụ và quyền lợi; cống hiến và hưởng thụ;...
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không chỉ là khẩu hiệu dân vận hoặc phương châm thực hiện chủ trương, đường lối mà phải trở thành một định chế và quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Trong chế độ mới, nhân dân làm chủ xã hội đương nhiên cũng là chủ thể quản lý đất nước thông qua bộ máy nhà nước do mình ủy quyền để thực hiện lợi ích, nguyện vọng bằng đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện tốt trong cuộc sống.
Sức mạnh làm chủ của dân tộc được thể hiện ở hai bình diện: quyền quản lý đất nước và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước do Đảng lãnh đạo. Như vậy, nhân dân vừa là chủ thể quản lý, vừa là đối tượng quản lý, xét một cách tổng thể. Quyền quản lý đất nước không chỉ chấm dứt sau khi bầu các cơ quan dân cử mà còn phải giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung xem có trung thành với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hay không.
Không có một tổ chức lãnh đạo, quản lý nào, dù tài giỏi đến đâu, đủ sức nghĩ ra mọi biện pháp xử lý các vấn đề của đất nước cũng như thực tế phong phú, đa dạng nảy sinh hằng ngày trong đời sống của hàng chục triệu người trên mọi miền đất nước. Vì vậy, ngoài việc giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, trên một số lĩnh vực trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của nhân dân trên địa bàn dân cư hay hoạt động nghề nghiệp cần có một chế độ “tự quản” của dân, với sự hỗ trợ và hướng dẫn của Nhà nước, như bảo vệ trật tự an ninh ở khu vực dân cư, quyết định hương ước ở nông thôn, hoạt động của các nghiệp đoàn,... Năng lực làm chủ của nhân dân kết hợp với hiệu lực của bộ máy nhà nước chuyên nghiệp trở thành sức mạnh tổng hợp trong quản lý sự phát triển của đất nước.
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” xét theo tổng thể quy trình quản lý hay trong từng công đoạn cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Hiện nay, quyền của nhân dân còn bị hạn chế, trách nhiệm của Nhà nước, của Đảng chưa cao. Trên một số mặt, một số lĩnh vực “nhân dân chưa được hưởng thụ đầy đủ, công bằng”.
Xét chung, trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia không thể tiết lộ, còn những gì mà dân phải làm hay phải chịu tác động thì dứt khoát dân “phải biết, phải bàn, phải kiểm tra”.
2. “Dân biết” - Là công dân mà không nắm được thông tin liên quan đến cuộc sống của mình sẽ trở thành “thần dân” - chỉ biết phục tùng hoặc trở thành người sai phạm vô ý thức. Phải thể chế hóa công đoạn “dân biết” bằng nhiều phương tiện từ nội dung giáo dục công dân trong nhà trường để chuẩn bị cho thế hệ trẻ bước vào tuổi thanh niên đến việc phổ biến quy chế, luật lệ liên quan đến nghề nghiệp kiếm sống và những điều cần tuân thủ tại nơi cư trú, quyền và nghĩa vụ công dân trên địa bàn cụ thể.
Có nhiều việc dân cần biết để làm, nhưng cũng có nhiều vấn đề dân cần biết để bàn, nhất là trên lĩnh vực chủ trương, chính sách nhằm góp ý cho Đảng và Nhà nước quyết định cho phù hợp. Trong điều kiện phát triển chưa đồng đều của xã hội, trình độ hiểu biết và lợi ích của các tầng lớp nhân dân còn nhiều khác biệt thì không phải mọi cái dân biết, dân bàn đều là chuẩn mực. Nhưng dù sao những ý kiến khác nhau đó cũng cần được Đảng và Nhà nước xem xét một cách nghiêm túc, tránh coi thường và chủ quan.
Phạm vi các vấn đề trưng cầu ý dân nên được mở rộng để có thể tập hợp được trí tuệ của dân trước khi quyết định. Điều cần lưu ý hiện nay là phát huy quyền làm chủ của dân, bàn bạc các vấn đề gắn với nghề nghiệp sinh sống của người dân và những vấn đề quản lý trên địa bàn dân cư, vì đó là hai lĩnh vực đụng chạm đến cuộc sống hằng ngày. Đương nhiên có những vấn đề dân chỉ bàn, góp ý, có những vấn đề thuộc phạm vi tự quản thì có quy chế để dân ra quyết định và thực hiện.
“Dân bàn” thuộc phạm trù hành động, tức là trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và các nghị quyết đã được thông qua. Ở lĩnh vực này, quyền lợi và nghĩa vụ được gắn chặt với nhau, lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng không tách rời nhau. Tinh thần làm chủ của dân được thể hiện ở chỗ tìm cách thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đồng thời phản ánh những điều bất hợp lý và đề xuất ý kiến hoàn thiện. Còn cưỡng chế thực hiện là điều “bất đắc dĩ” trong những trường hợp không tự giác.
Trên lĩnh vực “Dân kiểm tra”, quyền của dân chưa được rộng rãi ngoài chức năng của các cơ quan dân cử. Quyền này cũng trở nên bức xúc khi bản thân công tác kiểm tra của các cơ quan nhà nước chưa làm tốt chức năng của mình trong đó, không hiếm trường hợp cứ để kéo dài với nhiều lý do. Khó hiểu nhất là những vụ việc có liên quan đến uy tín của những người đứng đầu, những cán bộ nắm quyền lực.
Thể chế hóa để tăng cường sức mạnh của dân trong chức năng giám sát chính quyền sẽ góp phần kiện toàn bộ máy nhà nước. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, việc giám sát phẩm chất, đạo đức, tác phong của cán bộ, viên chức cần được tiến hành nghiêm túc và thường xuyên.
Đi đôi với việc nâng cao trách nhiệm và quyền hạn giám sát của các cơ quan dân cử, của các đoàn thể quần chúng đối với các cơ quan, viên chức nhà nước, trong trường hợp cần thiết ở cơ sở và địa bàn dân cư, có thể để cho dân cử người đại diện tham gia đoàn kiểm tra một số vụ việc nổi cộm để làm rõ sự việc một cách khách quan.
Thời gian qua, “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa thực sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”(2). Đó cũng là hạn chế của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp, như Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở, còn có biểu hiện hành chính hóa, chưa thiết thực, hiệu quả”(3).
3. Định chế quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thể hiện dưới một số dạng chủ yếu sau đây:
Một là, việc tham khảo, lắng nghe ý kiến của dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước phải trở thành phương thức làm việc bắt buộc cả các tổ chức Đảng và chính quyền từ trung ương đến cơ sở. Phạm vi lấy ý kiến đến đâu là tùy tầm quan trọng và mối quan hệ của vấn đề đó, nhưng nhất thiết phải thực hiện. Quyết không để việc trưng cầu ý kiến trở thành một thủ tục “hữu danh vô thực”.
Đối với những vấn đề mà dân chưa rõ kể cả vấn đề nhân sự cần có quy định cho mọi người dân được quyền đề nghị với Trung ương, các đồng chí lãnh đạo các ngành, địa phương giải thích, cung cấp tư liệu, trả lời chất vấn một cách công khai.
Riêng về nhân sự các cơ quan Đảng, Nhà nước và về cán bộ nói chung, hiện nay đang là vấn đề bất cập giữa dân và Đảng. Dân không biết hoặc ít biết về cán bộ sẽ được đề bạt mà cán bộ lại có vai trò rất quan trọng trong việc nước và số phận của từng người dân. Có thể sự đánh giá của người dân không hoàn toàn chính xác, song nếu mọi cái đều chuẩn bị “âm thầm” thì sẽ hết sức bất lợi khi trở thành nghị quyết, đành rằng dân chủ đi đôi với tập trung song phải có dân chủ chứ không chỉ tập trung. Chính vì vậy, vừa qua đã dẫn tới tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, không ít trường hợp tách, nhập tổ chức xuất phát từ yếu tố chủ quan, cá nhân người có thẩm quyền, lạm dụng quyền lực trong bộ máy nhà nước.
Hai là, thực hiện đúng chức năng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng mối liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với dân, có trách nhiệm giải quyết những vấn đề thắc mắc của dân, nhất là bảo đảm quyền lợi chính đáng của dân, không đưa đẩy cho các cơ quan khác xử lý hoặc biến thành một “trạm trung chuyển” ý kiến của dân. Nắm được luật pháp và các quy định của Nhà nước, các đại biểu của dân phải là chỗ dựa tin cậy của dân và phải có quy định về lề lối làm việc với các cơ quan hành pháp, tư pháp để có ý kiến chính thức trong giải quyết các vấn đề khiếu nại của dân.
Phải có định chế rõ ràng về quyền hạn giám sát của các cơ quan dân cử và của các đại biểu đối với các cơ quan nhà nước kể cả các cán bộ viên chức. Cần mở rộng hoạt động của các cơ quan dân cử trong nhân dân, tránh bó hẹp vào những cuộc họp định kỳ, ít liên hệ với quần chúng.
Trong thời gian tới, Đảng ta đã xác định phải đổi mới bộ máy của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Cụ thể, Quốc hội cần tăng cường giám sát, kiểm soát chính phủ trong thực hiện các thẩm quyền, đặc biệt là quyền hạn quyết định chính sách cụ thể trên các lĩnh vực và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã ban hành. Yêu cầu giải trình và bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ và các bộ trưởng. Hội đồng nhân dân các cấp phải có những hoạt động của các ban chuyên môn, của thường trực Hội đồng nhân dân theo hướng hoạt động giám sát, kiểm soát và nghiên cứu thay đổi cơ cấu đại biểu, tăng cường đại biểu làm việc trong cơ quan đảng, khối sự nghiệp.
Ba là, các đoàn thể quần chúng không chỉ có nhiệm vụ vận động đoàn viên, hội viên thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật mà phải làm tốt vai trò đại biểu ý kiến của các thành viên và trở thành người đại diện hợp pháp trong cơ chế làm chủ của nhân dân. Cần có quy chế làm việc định kỳ giữa đoàn thể và các cơ quan nhà nước để phát biểu, kiến nghị của đoàn thể mình về các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến giới mình. “Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(4).
Bốn là, cần quy định trách nhiệm, quyền hạn và mô hình tự quản của cộng đồng dân cư trong một số đơn vị, trong một số địa bàn dân cư nhất định ở nông thôn cũng như ở thành thị. Trên cơ sở tổng kết các mô hình tốt hiện nay để thể chế hóa bằng pháp luật.
Năm là, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là báo chí, truyền hình đang là diễn đàn tích cực và nhanh nhạy nhất góp phần thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thời gian vừa qua từ trung ương đến cơ sở chúng ta vẫn chưa sử dụng thật tốt các diễn đàn này để giao tiếp với dân, chưa chủ động lên tiếng chính thức báo cáo hoặc trao đổi ý kiến một cách bình thường theo sinh hoạt dân chủ.
Xây dựng được định chế và quyền làm chủ của nhân dân bên cạnh và kết hợp với định chế hoạt động của Nhà nước chuyên nghiệp là vấn đề chưa có tiền lệ trong lịch sử phát triển nhà nước pháp quyền. Do đó, từ lý luận đến thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, tìm tòi, thực hiện và tổng kết rút kinh nghiệm.
Trong thời kỳ đổi mới, ngay từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), Đảng ta đã nhấn mạnh chủ trương phát huy dân chủ để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước: “...trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”(5), bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” bao giờ cũng quan trọng. Phát huy tinh thần của Đại hội VI, các kỳ đại hội tiếp theo chúng ta đều nhấn mạnh “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” và nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng ấy là “xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”. Đó cũng chính là thực hành dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quan niệm “dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ”, “bao nhiêu quyền hạn đều của dân” và Người khẳng định: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”(6), là lợi ích thiết thực của nhân dân, là cái thúc đẩy nhân dân hành động vì đất nước, vì dân tộc. Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện... Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra””(7)./.
------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016, tr. 38
(2), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 158, 157
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 166
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t. 47, tr. 362
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011,
t. 10, tr. 457
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 169 - 170
Tích cực phòng chống bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung  (29/08/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28-8-2016  (29/08/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28-8-2016  (29/08/2016)
Chủ tịch nước gặp mặt cộng đồng người Việt tại Singapore  (28/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên