Thủ tướng xin lỗi việc đoàn xe công vụ đi vào phố cổ Hội An
TCCSĐT - Sáng 17-8, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong bộ máy còn nhiều cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn thiếu minh bạch, chưa hoàn toàn công khai và đặc biệt là dân "kêu" còn nhiều.
Môi trường đầu tư có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn yếu kém, chưa so được với các nước phát triển ở ASEAN. Thủ tướng cho rằng biện pháp quan trọng nhất để khắc phục tình trạng này là khâu cán bộ.
Cùng dự hội nghị quan trọng này có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đại diện của 19 bộ ngành và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố.
Cán bộ phải luôn nhớ “3 xin”
Thủ tướng nêu rõ, Đại hội lần thứ XI và Đại hội lần thứ XII của Đảng đều đề cập đến công cuộc cải cách hành chính, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đảng ta đã nhận diện về bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả; cán bộ không làm gương, còn nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu, không sát dân, không phục vụ sự phát triển. Chính vì vậy Đảng ta đặt vấn đề phải cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, bao gồm cả bộ máy, cán bộ, công chức, kể cả phương pháp, điều kiện cụ thể để cải cách. Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ phải giỏi, có đạo đức, có tâm phục vụ nhân dân và phải luôn nhớ "3 xin" là "xin chào, xin cảm ơn và xin lỗi".
Nhắc đến mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, Thủ tướng yêu cầu mọi cán bộ phải là công bộc, phục vụ được dân hài lòng, biết lo cho dân và doanh nghiệp thì dân vui, yên tâm sản xuất kinh doanh, đất nước thịnh cường; không hình sự hóa vấn đề kinh tế, dân sự.
Nói về công tác cán bộ, Thủ tướng cho rằng đây là khâu yếu nhất trong cải cách hành chính. “Cán bộ liêm chính, phục vụ nhân dân. Anh cải cách trời, cải cách thủ tục nhiều, nhưng cán bộ vẫn là vấn đề quyết định. Cán bộ chính là người thực hiện. Có phải khâu đó là khâu chúng ta cần quan tâm không?! Hoặc bộ máy đông mà chúng ta không mạnh thì cải cách bằng cách nào?!”
Cho biết, hiện nền hành chính có hơn 2,6 triệu người hưởng lương ngân sách Nhà nước, nhưng số lượng viên chức rất lớn, trên hai triệu người, Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tự trang trải kinh phí, Nhà nước chỉ nắm những khâu quan trọng. Từ đó giảm số lượng biên chế Nhà nước và quỹ tiền lương và nâng lương cho công chức, viên chức, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nêu rõ Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển, Thủ tướng đặt vấn đề, vậy tinh thần đó được chỉ đạo như thế nào?
Các cấp các ngành, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, những nơi tiếp xúc trực tiếp với dân có chuyển biến không? Có thực sự phục vụ nhân dân, có nhũng nhiễu hay không?!
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tổng kết một cách thực chất, đánh giá tình hình và giải pháp sát với thực tiễn, không mang tính hình thức.
Thủ tướng yêu cầu một tinh thần nói thẳng, nói thật, nhìn thẳng vào những việc gai góc vướng mắc hiện nay trong bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức, thể chế pháp luật, dịch vụ hành chính công, tiền lương…
Thủ tướng xin lỗi việc Đoàn xe công vụ đi vào phố cổ Hội An
Nhắc lại câu chuyện đoàn xe ưu tiên thi hành công vụ chạy qua phố đi bộ ở Hội An (Quảng Nam) khi tháp tùng Thủ tướng dự hội nghị ngành du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Thủ tướng đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ôtô vẫn đi phía sau và Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến nên cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm".
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngay sau khi chuyện đoàn xe công tháp tùng Thủ tướng đi vào phố cổ Hội An khiến dư luận có nhiều ý kiến, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam trả lời trên báo Quảng Nam cho biết, theo kế hoạch, khi đón Đoàn của Thủ tướng tại sân bay Đà Nẵng sẽ đưa Đoàn theo đường ven biển về khách sạn Palm Garden nghỉ ngơi, chuẩn bị cho Hội nghị phát triển du lịch toàn quốc vào sáng 10-8.
Tuy nhiên, trên đường đi, Thủ tướng muốn tranh thủ thời gian đến thăm hỏi, tìm hiểu thực tế và động viên bà con ở khu phố cổ - nơi người dân đã và đang nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch rất thành công - nên đoàn xe chở Thủ tướng và đoàn tùy tùng mới vào khu vực nội thành Hội An. Đến địa điểm ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Thái Học, đoàn xe dừng lại. Thủ tướng và các thành viên tháp tùng xuống xe đi bộ tham quan Chùa Cầu và các tuyến đường trong khu phố cổ.
“Thực tế, Đoàn công tác của Thủ tướng không hề ngồi trên xe ô tô khi tham quan phố cổ mà tất cả đều đi bộ gần 1km trên các tuyến đường. Thủ tướng đã trực tiếp thăm hỏi, nói chuyện thân mật với người dân và du khách, tạo nên bầu không khí rất thân mật, đầm ấm. Cũng có không ít du khách, người dân chụp ảnh chung với Thủ tướng trên đường phố” - ông Hài nói.
Cũng từ câu chuyện này, Thủ tướng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải quán xuyến công việc thuộc ngành mình, địa bàn mình để phục vụ nhân dân tốt nhất. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương “hiến kế” cải cách hành chính, Thủ tướng chỉ đạo cần đề cao vai trò thanh tra kiểm tra giám sát của cơ quan dân cử và các đoàn thể, để nền hành chính hoạt động hiệu quả hơn.
Khẳng định vai trò tối cao của người dân, Thủ tướng nêu rõ “cái gì dân cũng biết,” nên cán bộ, công chức phải đề cao trách nhiệm; phải tạo sự chuyển biến từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện xã, địa bàn dân cư, để người dân thấy cán bộ hành chính phục vụ nhân dân một cách thực sự.
Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện thể chế hướng đến giảm cho được cơ chế “xin-cho”. Việc không có gì nhưng vẫn nhũng nhiễu, phải gặp mặt mới giải quyết trong khi Chính phủ điện tử là có thể giải quyết được việc cho dân, cho doanh nghiệp. "Như vậy là làm mất cơ hội kinh doanh của người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nói.
Cho rằng, chuyển biến từ cải cách hành chính còn chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, Thủ tướng cho biết đã thành lập tổ công tác đôn đốc, kiểm tra chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng.
Thủ tướng cũng lưu ý Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu, bớt đi nước ngoài nếu không hiệu quả, tránh việc tổ chức đón tiếp rầm rộ, xa hoa hình thức. Đây chính là cải cách hành chính công, tài chính công,” Thủ tướng nói.
Ngân hàng Nhà nước và Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính
Tại Hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các bộ, các tỉnh. Theo xếp hạng này thì Ngân hàng Nhà nước đứng vị trí thứ nhất, với chỉ số là 89,42; tiếp đó là Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải.
Các bộ có chỉ số thấp là Bộ Khoa học và Công nghệ xếp thứ 17; Bộ Công thương xếp thứ 18 và Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ 19.
Theo Bộ Nội vụ, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 cho thấy tất cả 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt kết quả trên 80%, không có bộ, cơ quan ngang bộ nào giảm điểm so với năm 2014. Các bộ có giá trị tăng điểm cao là Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với xếp hạng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì Đà Nẵng được xếp vị trí đầu tiên với chỉ số 93,31; tiếp đó là Hải Phòng, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế. 4 tỉnh có chỉ số thấp nhất là Quảng Ngãi xếp thứ 60; Kon Tum xếp thứ 61; Cao Bằng xếp thứ 62 và Điện Biên xếp thứ 63.
Kết quả cho thấy không có tỉnh nào có chỉ số Cải cách hành chính dưới 70%. Những tỉnh có chỉ số cải cách hành chính từ 90% trở lên được xếp vào nhóm A; từ 80% trở lên đến dưới 90% được xếp vào nhóm B và từ 70% đến dưới 80% được xếp vào nhóm C.
Đây là năm thứ 5 Bộ Nội vụ công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Mục tiêu của chỉ số này là theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, thực chất và khách quan, công bằng kết quả việc triển khai cải cách hành chính hằng năm của các bộ, các tỉnh. Thông qua đó xác định được mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.
Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được xác định trên 7 lĩnh vực, tương ứng với 7 chỉ số thành phần, 31 tiêu chí và 80 tiêu chí thành phần. Trong đó có 24 tiêu chí và tiêu chí thành phần được đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được xác định trên 8 lĩnh vực, tương ứng với 8 chỉ số thành phần, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần. Trong đó có 33 tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá thông qua điều tra xã hội học./.
Chương trình cải cách hành chính nhà nước: 5 năm nhìn lại  (17/08/2016)
Tọa đàm: “Đổi mới việc xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết ở Đảng bộ thành phố Thanh Hóa - Thực tiễn và kinh nghiệm”  (17/08/2016)
Những hệ lụy an ninh từ “hậu Brexit”  (17/08/2016)
Bế mạc Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (17/08/2016)
Nợ các loại bảo hiểm trong 7 tháng lên đến hơn 13.900 tỷ đồng  (16/08/2016)
Thủ tướng trao Huân chương Lao động cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh  (16/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên