Chiều 3-6, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2009. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực.
Nhấn mạnh ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong 4 tháng qua; tiêu thụ hàng hóa tiếp tục tăng cao; kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) tháng 5 ước đạt trên 56 ngàn tỉ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, SXCN đang có chuyển biến khá tốt, tháng sau tăng hơn tháng trước. Giá trị SXCN tháng 2 tăng 14,9%, tháng 3 tăng 2,4%, tháng 4 tăng 5,4%, và tháng 5 tăng 6,8%.

Về sản xuất nông nghiệp, khả năng đạt mức sản lượng lương thực khá cao, đảm bảo cho an ninh lương thực. Dự kiến năm 2009 sẽ xuất khẩu từ 4,5-5 triệu tấn gạo. Trong lĩnh vực dịch vụ, đáng lưu ý nhất là nhờ thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 5 đạt mức ấn tượng, khoảng trên 91 nghìn tỉ đồng, tăng gần 2% so với cùng kỳ.

Kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ cho thấy, có sự đồng tình và nhất trí cao không chỉ ở các cấp, ngành mà còn ở mọi người dân, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…với những giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua. Không có bất kỳ trường hợp, ý kiến nào cho rằng các chính sách của Chính phủ là không phù hợp. Tuy nhiên việc tuyên truyền phổ biến có thể chưa kịp thời, một số nơi còn thực hiện chậm nên chưa đến được đối tượng thụ hưởng.  

Không thể chủ quan

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng đánh giá, đi liền với những kết quả tích cực, đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, không thể chủ quan, cần tiếp tục triển khai các biện pháp đã đề ra, khắc phục khó khăn, theo dõi sát tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để kịp thời có chính sách phù hợp.

Thủ tướng đề nghị cần tập trung chỉ đạo sản xuất kinh doanh, lấy phát triển nông nghiệp là nền tảng, lo đủ giống cây trồng, vật nuôi đến hộ nông dân theo hướng đảm bảo năng suất cao hơn. Tính toán phương án xuất khẩu gạo, cá ba sa… theo hướng có lợi cho người nông dân.

Tiếp tục cải thiện các thủ tục hành chính phù hợp, nhất là hệ thống hải quan theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục đưa chương trình hỗ trợ 61 huyện nghèo vào cuộc sống, tập trung chăm lo cho người nghèo và giảm hộ nghèo, có chính sách lo cho lao động mất việc làm. Không để dịch bệnh lây lan, nhất là dịch cúm A/H1N1…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Thủ tướng đề nghị, tập trung giải ngân vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản vì hiện nay việc giải ngân  vốn Trái phiếu Chính phủ còn chậm. Tập trung kiểm soát tốt, điều hành lãi suất linh hoạt. Thủ tướng cho rằng, vừa qua đã giữ được an toàn hệ thống ngân hàng. Do đó cần tiếp tục đảm bảo cán cân thanh toán tổng thể, theo dõi chặt thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán, kiểm soát chặt chẽ nhập siêu.

Các vấn đề về hàng hóa và lao động trong hội nhập WTO

Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về việc có xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng nhập ngoại không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ đã có Công điện khẩn ngày 1/6/2009 cho các tỉnh biên giới, giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo 127 ở các tỉnh quản lý, giám sát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu, nhất là hàng dệt may, qua đường biên.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, khi gia nhập WTO, Việt Nam có quyền và nghĩa vụ xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa trong nước và nhập khẩu. Bất cứ tiêu chuẩn nào đưa ra đều phải tạo được sự bình đẳng giữa hàng trong nước và nhập khẩu. Vì vậy, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành liên quan đang đi theo hướng tăng cường quản lý hàng hóa nhập khẩu theo thể chế ban hành. Bộ Công Thương đang xây dựng quy chuẩn đối với những mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý, các Bộ ngành khác cũng vậy. Đồng thời đang xây dựng văn bản hướng dẫn áp dụng chung không chỉ cho hàng nhập khẩu mà cả đối với hàng trong nước. Tất cả đều hướng đến mục đích chung là phải hài hòa lợi ích của người sản xuất, người tiêu dùng.

Trước quan tâm của báo chí về việc các đại lý độc quyền tăng giá sữa, và giá sữa tại Việt Nam hiện nay tăng cao bất hợp lý. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Bộ đang chủ động giải quyết, xử lý vấn đè này. Từ tháng 3-2009, Bộ đã giao Chi cục Thuế các tỉnh tổng kiểm tra trên địa bàn, với tinh thần phát hiện sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Bộ Tài chính cũng sẽ có đề xuất cơ chế xử lý chung theo hướng, sữa là mặt hàng thiết yếu của xã hội vì vậy cần phải đưa vào diện mặt hàng quản lý bình ổn giá. Bộ đang cùng với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng các loại sữa. Hệ thống cơ quan thuế tiếp tục kiểm tra về niêm yết giá, bán đúng giá.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định, Pháp luật Việt Nam có chế tài cụ thể đối với những người đầu cơ, găm hàng tăng giá quá mức. Tuy nhiên, theo điều tra của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, cho tới thời điểm này chưa có doanh nghiệp kinh doanh sữa nước ngoài nào đầu cơ chi phối thị trường, cũng như chưa phát hiện hành vi liên kết giữa các hãng nước ngoài để nâng giá sữa.

Trả lời báo chí về việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc giao lưu về lao động giữa các quốc gia là việc bình thường trong quá trình gia nhập WTO.  Thực chất người lao động ra nước ngoài là để tìm kiếm việc làm, lo cho cuộc sống. Do đó, vấn đề này một mặt cần quản lý chặt chẽ theo quy định pháp luật hiện nay, một mặt giải quyết theo thông lệ quốc tế, đảm bảo quyền lợi của người lao động và đối xử công bằng với người lao động.

Về phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, VPCP nhận được hơn 170 phiếu chất vấn của đại biểu dành cho các thành viên Chính phủ. Thủ tướng đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ trưởng Công Thương, Lao động- Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn./.