Brexit: Những nguyên nhân sâu xa
TCCSĐT - Sự kiện người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, gọi tắt là sự kiện Brexit đã tác động lớn đến nước Anh cũng như thế giới. Nguyên nhân dẫn tới Brexit có thể nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.
Cử tri bỏ qua những cảnh báo quan trọng
Trước khi người dân Anh bỏ phiếu, đã có không ít cảnh báo về những hậu quả, những tác động xấu của Brexit. Bộ trưởng Tài chính Anh G. Ốt-xbon cho biết, người dân Anh sẽ đối diện với “tác động nghiêm trọng” từ giá nhà giảm và chi phí thế chấp tăng. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh M. Các-nây cảnh báo, Anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn về tài chính; sẽ rơi vào suy thoái, cắt giảm việc làm, lạm phát gia tăng, đồng Bảng rớt giá mạnh; sẽ khó khăn hơn trong giải quyết thâm hụt ngân sách khi vốn đầu tư nước ngoài tháo chạy và lãi suất sẽ cao. Ngày 09-5-2016, Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-run đã đưa ra khuyến cáo, nếu rời EU thì từ nay đến năm 2030, mỗi gia đình Anh sẽ bị thiệt hại 6.200 USD; các hậu quả kinh tế tàn khốc có thể xảy ra, nguy cơ chiến tranh và đe dọa hòa bình ở châu Âu sẽ tăng lên (1). Một báo cáo còn chỉ rõ, nếu rời EU, vào năm 2020, Anh sẽ mất khoảng 100 tỷ Bảng, tương đương 5% GDP; thất nghiệp sẽ tăng từ 2% - 3% so với tỷ lệ hiện nay của Anh là 5,1% (thấp nhất EU). Ngoài những tác động về kinh tế, người ta còn nêu ra 10 tác động tiêu cực của Brexit trong các lĩnh vực thể thao, văn hóa, nghiên cứu khoa học, giáo dục bậc cao, tiêu dùng, chăn nuôi trồng trọt, du lịch, môi trường,… (2).
Trên phạm vi quốc tế, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo, Anh rời EU sẽ dẫn tới những hậu quả không thể lường trước đối với hợp tác ở châu Âu. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá, ra khỏi EU sẽ khiến GDP của Anh giảm 3% từ nay đến năm 2020. Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2017, GDP của nước này sẽ giảm 0,8%. Không những thế, khi chia tay EU, Anh sẽ phải thương lượng các điều khoản rời EU và mối quan hệ mới với EU. Tiến trình này phải mất nhiều năm mới giải quyết được, qua đó tác động mạnh tới đầu tư và kinh tế. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma cho biết, Anh sẽ “đội sổ” trong số các nước và tổ chức đàm phán thương mại với Mỹ. Cũng cần phải nói thêm rằng, chính các cử tri Anh đã biết trước những khả năng xấu cho nền kinh tế khi 51% số người được hỏi cho rằng, Brexit sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế EU, 36% cho rằng ảnh hưởng tới nền kinh tế Anh (3).
Như vậy, người dân Anh đã được cảnh báo rất nhiều về việc họ sẽ trở nên khó khăn hơn nếu ra khỏi EU. Tuy nhiên, điều đó không đủ thuyết phục, hoặc họ tin rằng đây là một cái giá đáng để chấp nhận.
Những tác động mạnh mẽ của vấn đề nhập cư
Nhập cư là vấn đề khá nhạy cảm, đụng chạm tới bản sắc văn hóa dân tộc của Anh. Nhiều cử tri Anh đã lo lắng về số người nhập cư trong 10 năm qua, những tác động đến xã hội Anh cũng như những điều có thể diễn ra trong vòng 20 năm tới. Những người ủng hộ Brexit cho rằng, người nhập cư vào Anh sẽ mang theo bản sắc riêng của họ, nhất là người Hồi giáo, sẽ làm hỗn loạn nền văn hóa Anh, khiến cho đất nước họ “không còn là chính mình” nữa. Nhập cư càng trở nên quan trọng hơn, bởi nó tác động tới một đất nước vốn đã bị suy yếu bởi một cuộc khủng hoảng bản sắc bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc Xcốt-len. Ở Anh, số người nước ngoài đã tăng từ 3,8 triệu lên 8,3 triệu người (4). Hiện nay, hơn một nửa số người nhập cư vào Anh là từ EU, chủ yếu từ Đông Âu. Như vậy, Quy chế tự do lưu thông trong EU đang gây khó khăn cho chính sách an sinh xã hội và bảo đảm an ninh nội địa của Anh. Do vậy, Chính phủ Anh muốn siết chặt hơn quy định nhập cảnh. Cụ thể, những lao động nhập cư từ EU đến Anh làm việc phải chờ đợi 4 năm trước khi được hưởng trợ cấp xã hội. Các nước Đông Âu đã kiên quyết phản đối vì cho rằng, yêu cầu này của Anh vi phạm nguyên tắc căn bản của EU. Qua nhiều lần thương thảo, Anh đã phải chấp nhận công dân EU được tự do vào Anh. Họ chỉ có thể áp dụng chính sách “hãm phanh khẩn cấp” đối với người EU nhập cư vào Anh nhằm ngăn chặn số người nhập cư mới, nếu các dịch vụ công trở nên quá tải. Tuy nhiên, Anh phải chứng minh với EU là ngân sách xã hội của họ đã “hụt hơi”. Trên thực tế, đang có hàng trăm nghìn người Trung Âu và Đông Âu tới Anh và được hưởng trợ cấp một khi họ ký hợp đồng lao động. Khai thác thực tế trên, phe ủng hộ Brexit đã sử dụng vấn đề nhập cư một cách thường xuyên và hiệu quả, nhất là đối với những cử tri có thu nhập thấp hơn.
Mất niềm tin
Sau các cuộc khủng hoảng vào những năm 1970, 1980 và 1990, kinh tế Anh lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng tương đối nhanh. Tuy nhiên, sau suy thoái năm 2008 - 2009, cử tri Anh tỏ ra thất vọng về sự phục hồi kinh tế. Giờ đây, nước Anh đang ở trong “thập niên bị đánh mất” - một giai đoạn tăng trưởng yếu. Nếu tính theo nhịp độ tăng dân số, thì tăng trưởng kinh tế của Anh hầu như dậm chân tại chỗ kể từ năm 2008. Một chuyên gia cho rằng, ẩn sâu dưới những bức xúc về tình trạng nhập cư, phúc lợi xã hội ở Anh... chính là sự giận dữ của người dân trước tình trạng suy thoái kinh tế dai dẳng; sự yếu kém của chính phủ trong huy động nguồn lực tài chính, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu thực tế.... Điều này khiến cử tri không muốn ở lại EU. Trong bối cảnh đó, những người ủng hộ Brexit đã thu hút được sự ủng hộ của rất nhiều cử tri, kể cả người của các đảng phản đối Brexit. Họ tìm cách tác động tới người dân ở các vùng nông thôn, nơi có nhiều người nghèo và cao tuổi sinh sống. Những người kêu gọi rời EU đã triển khai các cuộc vận động tới từng ngóc ngách trên cả nước (5).
Chiến dịch kêu gọi Anh ở lại EU liên tục được nhiều phương tiện truyền thông tham gia cũng như sự ủng hộ của hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp, các chính đảng lớn hay các hiệp hội thương mại... Gần 50/100 tập đoàn lớn (Tập đoàn dầu khí BP và Shell, Công ty khai thác mỏ Rio Tinto, Tập đoàn viễn thông Vodafone và BT, Tập đoàn quốc phòng BAE Systems, Ngân hàng HSBC…) muốn Anh tiếp tục ở lại EU. Nhiều thành viên nội các, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tài chính đã ủng hộ ở lại EU. Theo họ, EU không hoàn hảo, nhưng là khuôn khổ hợp tác tốt nhất với các nước láng giềng mà Anh nên tính đến. Tuy nhiên, tất cả điều đó vẫn không lấy lại được niềm tin của cử tri - họ đã không còn tin vào những gì mà lãnh đạo nói. Theo Tổng thống Nga V. Pu-tin, nước Anh đã chủ quan, không quan tâm đến việc vận động tư tưởng, nhấn mạnh những cái được và mất của Brexit để cử tri thấy tầm quan trọng của lá phiếu và trách nhiệm đi bầu cử. Trong khi đó, Thủ tướng D. Ca-mơ-run đã quá tự tin vào khả năng bảo đảm được quan hệ giữa Anh và EU.
Vai trò của Công đảng và ảnh hưởng của một số cá nhân quan trọng
90% nghị sỹ Công đảng ủng hộ việc Anh ở lại EU (6), song họ đã đánh giá sai thái độ của cử tri ủng hộ, tỏ ra chần chừ trong việc ủng hộ Thủ tướng D. Ca-mơ-run. Khi nhận ra sai lầm, họ cũng không nỗ lực tìm cách sửa chữa. Nhiều người cho rằng, thay vì để những nhân vật có tiếng tăm và ảnh hưởng phát biểu về lợi ích của EU, thì Công đảng lại hướng sự chú ý vào sự chia rẽ giữa giới cầm quyền và công chúng. Công đảng đã thiếu gắn bó, không kết nối được với cử tri, đã thất bại trong việc thuyết phục người dân Anh ở lại EU, khi có tới 1/3 cử tri của Công đảng bỏ phiếu ủng hộ Brexit.
Trong khi đó, một số cá nhân có vị trí quan trọng, lại phản đối ở lại EU. Họ đã có những hoạt động tích cực và chủ động. Có thể kể đến Bộ trưởng Tư pháp M. Gô-vơ, người có nhiều hiểu biết và tính toán chiến lược. Cựu Thị trưởng London B. Giôn-sơn là người có khả năng đoàn kết một chính đảng tồn tại nhiều chia rẽ. Ông B. Giôn-sơn cho rằng, rời EU có thể gây ra “sự bất ổn định và chệch choạc ban đầu, nhưng tiếp đó sẽ là sự cải thiện mạnh mẽ”. Theo ông, EU đang xâm nhập quá sâu vào từng ngóc ngách chính trị của các vùng và các quốc gia thành viên. Có lần, ông còn so sánh EU hành xử như Đế chế Đức, hay khẳng định “sẽ đưa Anh trở lại” làm người hùng ở châu Âu. Trong khi đó, lãnh đạo đảng cực hữu UKIP Farage lại có thể thuyết phục được nhiều cử tri đi bỏ phiếu. Hình ảnh ông N. Pha-ra-giơ bên tấm áp phích với cảnh hàng ngàn người tị nạn ùa vào châu Âu được truyền thông liên tục đăng tải, đã tác động rất mạnh tới cử tri. Bộ trưởng trong Nội các C. Grây-ling, đồng thời là lãnh đạo của Hạ viện Anh viết rằng: “Ở lại EU với những điều kiện không thay đổi hiện nay... sẽ là thảm họa cho nước Anh” (7). Thực tế trên rõ ràng là đã có lợi cho Brexit.
Tỷ lệ các cử tri cao tuổi đi bỏ phiếu vượt trội
Ở nước Anh, tâm lý ủng hộ Brexit khá phổ biến trong những người trên 55 tuổi. Nếu những người Anh trẻ tuổi nhìn vào tương lai, thì những người có tuổi lại tập trung vào một quá khứ tốt đẹp. Do vậy, khi phe Brexit nói rằng, nếu rời EU sẽ lấy lại được đất nước và khôi phục chủ quyền, họ đã bị thuyết phục. Phe Brexit đã khai thác triệt để đặc điểm này từ các thế hệ lớn tuổi. Phe vận động ở lại EU dường như đã bỏ qua đối tượng quan trọng này. Mặc dù thế hệ trẻ nhìn nhận EU là một trong những chìa khóa giúp họ mở cánh cửa hướng đến tương lai, nhưng họ lại không muốn đi bỏ phiếu. Họ thờ ơ với chính trị nói chung và cuộc trưng cầu dân ý nói riêng.
Trên góc độ khác, những người ủng hộ ở lại EU chưa đủ hăng hái và quyết tâm vận động cử tri. Họ chỉ tập trung vào kinh tế, những thiệt hại có thể nảy sinh nếu Anh rời EU, mà chưa biết rằng, còn nhiều vấn đề quan trọng khác như hòa bình, tự do và các thành tựu kinh tế mà EU đã đạt được trong 50 năm qua, đặc biệt là không để ý tới phúc lợi của người già, khiến tầng lớp này dường như cảm thấy bị bỏ quên.
Mâu thuẫn lợi ích và việc khôi phục chủ quyền trong châu Âu
Thái độ của Anh đối với EU khá đặc biệt. Khi nhất thể hóa phù hợp với lợi ích của mình, Anh tích cực thúc đẩy. Ngược lại, Anh là nước bàng quan, thậm chí có phần “cản trở”. Điểm mấu chốt ở đây là lợi ích quốc gia của họ. Anh là quốc gia đóng góp lớn cho ngân sách EU (năm 2015 đóng góp 13 tỷ Bảng), nhưng EU “rót lại” cho họ không nhiều (khoảng 4,5 tỷ bảng trong năm 2015). Nhiều người cũng cho rằng khoản đóng góp này quá cao và không cần thiết. Khoản tiền trên cần để đầu tư vào giáo dục hay y tế..., vì vậy, gửi tiền cho EU, thay vì đầu tư cho nước Anh là một sự phản bội (8).
Phải mất nhiều năm Anh mới gia nhập EU. Thế nhưng, sau hơn bốn mươi năm gắn bó, nhiều người Anh lại thấy rằng, quan hệ giữa họ và EU không mang lại lợi ích, thậm chí còn có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và vấn đề người nhập cư của khối. Chủ nghĩa hoài nghi làm cho Anh rời xa EU, nhưng chủ nghĩa thực dụng lại buộc Anh ở lại. Hai yếu tố này làm cho Anh và EU lúc gần, lúc xa. Quan hệ giữa hai bên nhiều lần căng thẳng khi Anh quyết định không tham gia vào các dự án chủ chốt của EU, như Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Hiệp ước tự do đi lại Schengen. Những người ủng hộ Brexit đã nhấn mạnh đến lòng tự tôn dân tộc của một đế quốc Anh hùng mạnh. Nhiều cử tri Anh cho rằng, rời khỏi EU sẽ tiết kiệm hàng tỷ USD phải đóng góp cho EU; Anh sẽ không phải lo lắng quá nhiều về thuế giao dịch tài chính; thoát ra khỏi các quy định tài chính, cũng như sự can thiệp chính trị của EU để thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại. Anh sẽ giành lại quyền kiểm soát các tuyến biên giới, giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ khỏi các quy định khắt khe của EU. Rời EU cũng sẽ bảo vệ được Trung tâm tài chính Luân-đôn và đồng Bảng Anh. Anh sẽ không bị Bruých-xen áp đặt bất cứ điều gì. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh L. Phoóc còn cho rằng, cuộc sống bên ngoài EU không có gì khủng khiếp, mà Thụy Sỹ và Na Uy là hai thí dụ.
Về lợi ích, cũng phải kể đến khẩu hiệu chính trị mà phe Brexit nêu ra: nếu rời EU, nước Anh sẽ có 350 triệu Bảng/tuần (9) để chi tiêu cho chương trình dịch vụ y tế quốc gia. Khẩu hiệu này đã được dán lên tất cả các xe buýt lưu thông trên mọi tuyến đường, đánh thẳng vào vấn đề và hấp dẫn các cử tri ở nhiều độ tuổi và có lập trường chính trị khác nhau.
Muốn thoát khỏi những khó khăn và quy định của EU
Liên tiếp gặp phải những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ công, kinh tế EU đang phục hồi chậm, tăng trưởng yếu ớt, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều vấn đề xã hội nổi cộm. Làn sóng tị nạn tiếp tục làm gia tăng gánh nặng kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ an ninh cho EU. Việc Anh rời EU cho thấy khối này đang có quá nhiều tồn tại cần phải cải cách để phát triển. Chính những người ủng hộ ở lại EU cũng thừa nhận rằng, Anh chỉ có thể hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách. Tuy nhiên, cải cách vẫn còn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Một nước Anh tự do và tự chủ hơn, không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc trong EU, không phải chịu hậu quả từ những bất ổn và bê bối xảy ra ở các nước thành viên khác, có quyền quyết định mọi vấn đề... là viễn cảnh được không ít người Anh hy vọng. Trong khi đó, từ hai năm nay, nhờ sự phát triển năng động của nền kinh tế, Anh đang lấy lại đà phục hồi và muốn tách khỏi EU để phát triển tốt hơn. Mặt khác, trong khi những công ty đa quốc gia ủng hộ ở lại EU, thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh phàn nàn về những quy trình, quy phạm do EU áp đặt đã hạn chế tự do hoạt động của họ. Nông dân Anh phê phán những gò bó của chính sách nông nghiệp chung; ngư dân kêu ca về những hạn chế đối với họ; ngành y tế phản đối quy định thời gian làm việc 48 giờ/tuần đối với các bác sĩ … Anh dường như ít có ấn tượng tốt đối với các chính sách trợ cấp và các quyền lợi đặc biệt khác của EU. Sự mở rộng quyền lực và các quy định mang tính can thiệp của EU vào hệ thống tư pháp, các nguyên tắc của thị trường lao động và nhiều lĩnh vực khác đã gây ra những bất bình lớn cho người Anh. Họ cảm thấy đã tham gia vào một thỏa thuận “siêu chính phủ” luôn khát khao mở rộng quyền lực và đang “hấp hối” về mặt kinh tế, trong khi các nước EU đang ngày càng cô lập, “mạnh ai nấy làm và chỉ tính tới lợi ích quốc gia” (10). Đó còn chưa kể đến sự sụt giảm đáng kể về vị thế và tiếng nói của người Anh trong khối.
Tự do thương mại với thế giới
Động lực để Anh vào EU là nhằm tiếp cận những lợi ích của thương mại tự do. Song EU đã thay đổi nhiều, có thêm quyền kiểm soát đối với thương mại của Anh. Trong mắt một số người Anh, đối tác thương mại lớn nhất này dường như đã không hoàn toàn đáng tin cậy. Do vậy, thương mại của họ sẽ tốt hơn nếu ở ngoài EU. Mặt khác, ra khỏi EU, thương mại tự do giữa Anh và phần còn lại của thế giới sẽ gia tăng mạnh mẽ, Anh sẽ không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận thương mại mang tính chất bảo hộ mà các thành viên EU phải tuân thủ. Anh có thể thiết lập quan hệ mới với EU trên cơ sở thương mại tự do và quan hệ đối tác, thay vì một thể chế liên bang. Ngoài ra, Anh vẫn có thể thực hiện thương mại tự do với các nền kinh tế phát triển bên ngoài EU... Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế và năng suất sẽ cao hơn, trong khi người tiêu dùng sẽ được lợi từ việc giá cả giảm. Cùng quan điểm trên, các doanh nghiệp Anh đánh giá, “bộ máy cồng kềnh” và “tệ quan liêu” trong cơ cấu “lỗi thời” của EU đã kìm hãm tiềm năng phát triển kinh tế của họ. Vì vậy, nếu “dứt áo ra đi”, kinh tế Anh sẽ phát triển nhanh hơn hiện nay./.
-------------------------
(1) Financial Times, ngày 09-5-2016
(2) The Guardian, ngày 28-02-2016
(3) Kênh truyền hình BFM TV, ngày 08-5-2016
(4) Reuters, ngày 25-6-2016
(5) Reuters, ngày 25-4-2016
(6) BBC, ngày 26-6-2016
(7) Bộ trưởng Anh: Ở lại EU là thảm họa, http://tgvn.com.vn/bo-truong-anh-o-lai-eu-la-tham-hoa-26701.html, ngày 14-01-2016
(8) Người Anh lên tiếng: Đã đến lúc rời EU, http://tgvn.com.vn/nguoi-anh-len-tieng-da-den-luc-roi-eu-bai-i-31786.html, ngày 24-6-2016
(9) BBC, ngày 26-6-2016
(10) Corriere della Sera, ngày 14-4-2016
Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn của Quốc hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013  (27/07/2016)
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV  (27/07/2016)
Công điện hỏa tốc ứng phó với cơn bão số 1 mạnh giật cấp 10  (26/07/2016)
Việt Nam đóng góp tích cực các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và đối tác  (26/07/2016)
Chủ tịch nước thăm và tặng quà thương bệnh binh tại tỉnh Hà Nam  (26/07/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên