Phó Chủ tịch nước: Việt Nam luôn xác định "lấy dân làm gốc"
Ngày 18-7, phiên họp cấp cao của Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).
Đây là phiên họp cấp cao đầu tiên của ECOSOC mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên nhiệm kỳ 2016-2018.
Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu.
Tạp chí Cộng sản điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại phiên họp:
Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa các Quý vị,
Tôi rất vinh dự được phát biểu tại phiên họp cấp cao đầu tiên của ECOSOC kể từ khi thông qua Chương trình nghị sự 2030 và cũng là năm đầu tiên Việt Nam là thành viên của ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018. Chúng tôi ủng hộ chủ đề năm nay là “Không ai bị bỏ lại phía sau” vì nội dung này khẳng định rõ quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc biến những cam kết toàn cầu về phát triển thành hành động và biến hành động thành những kết quả thực chất.
Hơn bao giờ hết, chúng ta đang nắm trong tay cơ hội lịch sử từ nền móng của những thỏa thuận mang tầm vóc toàn cầu như Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển,... từ đó nhằm xây dựng nên những trụ cột vững chắc của một thế giới hòa bình, thịnh vượng, một hành tinh xanh cho tất cả mọi người, “nơi không ai bị bỏ lại phía sau".
Sau một năm triển khai Chương trình nghị sự 2030 cho thấy, bên cạnh quyết tâm chính trị của các quốc gia và hệ thống Liên hợp quốc, chúng ta thực sự cần thay đổi tư duy phát triển. Trước hết, chúng tôi cho rằng để xử lý tốt các mối quan hệ đan xen, phụ thuộc lẫn nhau giữa các khía cạnh của phát triển bền vững thì phải luôn bảo đảm sự kết hợp đầy đủ và hài hòa cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, không thể xem nhẹ bất cứ một trụ cột nào trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, không thể tách rời giữa phát triển và hòa bình. Các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể thực hiện thành công trong một môi trường hòa bình, an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Thứ ba, phát triển bền vững phải là một tiến trình có sự tham gia, đóng góp của các chủ thể khác nhau, từ nhà nước, xã hội đến người dân. Chỉ có như vậy thành quả của phát triển bền vững mới đến được với mọi người dân, mọi thành phần xã hội, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương.
Với cách tiếp cận này, chúng tôi cho rằng các Mục tiêu phát triển bền vững cần được lồng ghép vào quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển của các quốc gia, đồng thời phải quy tụ các nguồn lực cần thiết cho quá trình thực hiện. Trong khi nội lực đóng vai trò chủ đạo, hợp tác quốc tế và sự hỗ trợ của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển là không thể thiếu để thực hiện thành công các mục tiêu chúng ta đề ra.
Thưa Ngài chủ tịch,
Chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một trong những nội dung nổi bật và giàu tính nhân văn của Chương trình nghị sự 2030. Nội hàm của chủ đề này chính là sự xóa bỏ bất bình đẳng và hố sâu ngăn cách giữa con người với con người và giữa các quốc gia với nhau. Sâu xa hơn, chủ đề này kêu gọi cộng đồng quan tâm, đùm bọc, giúp đỡ người yếu thế và kém may mắn, thiết lập sự công bằng trong cuộc sống và trong xã hội. Chúng ta không thể làm ngơ khi thế giới hiện nay có gần 1 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, hàng triệu người chết bởi những căn bệnh có thể ngăn ngừa được, hàng vạn người vì thiên tai, xung đột vũ trang, đe dọa tính mạng hoặc phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm một nơi bình yên mà vẫn có thể gặp nhiều rủi ro.
Mỗi con người, mỗi quốc gia có thể có những xuất phát điểm khác nhau, có thể chênh lệch về thu nhập, về trình độ phát triển. Song ở cương vị là những người lãnh đạo, những người ra quyết định, chúng ta có thể xây dựng chính sách, tạo dựng một môi trường thuận lợi để xóa bỏ bất bình đẳng, để những nhóm yếu thế được bảo vệ, được chăm sóc, được xếp bình đẳng và có điều kiện để phát huy mọi tiềm năng, phẩm chất tốt đẹp của mình.
Ở cấp độ toàn cầu, Liên hợp quốc và các quốc gia cũng cần nỗ lực để tạo ra sự bình đẳng về cơ hội. Các nước phát triển với ưu thế về trình độ phát triển, công nghệ vượt trội, có khả năng thì cần đóng góp để tạo dựng một môi trường quốc tế hòa bình và hỗ trợ các nước đang phát triển bằng vốn, công nghệ và tăng cường năng lực.
Việt Nam chúng tôi là một đất nước trải qua những năm tháng tàn khốc của chiến tranh hủy diệt, đã từng phải đối mặt với nguy cơ “bị bỏ lại phía sau” song chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình để tìm ra con đường tiến lên phía trước.
Với thành tựu 30 năm đổi mới (từ 1986), kinh tế liên tục tăng trưởng, văn hóa - xã hội phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 1986 khoảng 60% đến năm 2000 còn 30% và năm 2015 chỉ còn dưới 4,5%. Chúng tôi hiện đang khẩn trương nội địa hóa các Mục tiêu phát triển bền vững, lồng ghép các mục tiêu này vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Điều quan trọng là trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách, chúng tôi luôn xác định “lấy dân làm gốc", lấy người dân làm trung tâm, động lực của tiến trình phát triển và dành sự quan tâm cao nhất cho những nhóm dễ bị tổn thương. Hiện nay Việt Nam có trên 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hàng triệu người khuyết tật; hàng trăm ngàn người là nạn nhân chất độc da cam cần được trợ giúp.
Xuất phát từ truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, Hiến pháp, hệ thống pháp luật của của chúng tôi đã ghi nhận và quy định rõ việc bảo đảm quyền bình đẳng cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, chúng tôi có các chương trình mục tiêu, dự án Quốc gia để bảo vệ và trợ giúp nhóm đối tượng này, giúp họ luôn hoà nhập trong cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống. Hiện Việt Nam đang tập trung triển khai và thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các cộng đồng dân cư và giữa đô thị và nông thôn. Song, Việt Nam còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, gần đây do kinh tế tăng trưởng chậm nên việc thực hiện các mục tiêu này sẽ còn nhiều thách thức phía trước.
Chúng tôi mong muốn lắng nghe các quốc gia khác chia sẻ kinh nghiệm của mình, đồng thời hy vọng tại phiên họp này sẽ có những giải pháp sáng tạo, tối ưu hóa hoạt động của Liên hợp quốc để phù hợp với nhiệm vụ trong bối cảnh mới, hỗ trợ hiệu quả cho các nước thành viên thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Thưa ngài Chủ tịch, thưa quý vị,
Chúng tôi tin rằng, với chức năng tạo lập các quy chuẩn quốc tế và huy động nguồn lực cho phát triển, Liên hợp quốc, đặc biệt là ECOSOC tiếp tục giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong hỗ trợ các quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao những hỗ trợ, giúp đỡ trong nhiều năm qua của Liên hợp quốc, đồng thời cũng trông đợi Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Về phần mình, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc chung của ECOSOC và trước hết là sẽ thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với tinh thần nghiêm túc và quyết tâm chính trị cao nhất.
Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch và Quý vị./.
Rà soát Điều 292 Bộ luật Hình sự để không cản trở doanh nghiệp  (19/07/2016)
Thủ tướng chỉ đạo lo cuộc sống cho Việt kiều Campuchia nghèo  (19/07/2016)
Phó Chủ tịch nước phát biểu tại Phiên họp cấp cao của ECOSOC  (19/07/2016)
Phán quyết của PCA giải quyết về lâu dài tranh chấp tại Biển Đông  (19/07/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển