TCCSĐT - Tối 15-7-2016, tại huyện biên giới An Phú thuộc tỉnh An Giang đã diễn ra Lễ khai mạc “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm năm 2016” do Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức, thu hút hàng nghìn người tham dự.
Tới dự “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm năm 2016” có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Văn Phuông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Trưởng Ban Tổ chức ngày hội.

 
 Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu khai mạc “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch
đồng bào Chăm năm 2016 tại An Giang”

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Văn hóa dân tộc Chăm là bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Chăm. Những di sản vô giá của dân tộc Chăm đã được vinh danh, được Nhà nước đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của nó; các lễ hội gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì, phát huy trong cộng đồng, trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Nghề thủ công truyền thống đã, đang góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế cho vùng đồng bào Chăm. Đời sống văn hóa, kinh tế của đồng bào Chăm đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, hòa nhịp chung với sự phát triển của đất nước.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Chăm năm 2016 tại An Giang góp phần khẳng định văn hóa Chăm thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, là tài sản vô giá cần được gìn giữ và phát huy, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Sự tỏa sáng của văn hóa Chăm trong lòng dân tộc là một minh chứng đẹp đẽ và trong sáng cho tinh thần đại đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc anh em. Qua thời gian, văn hóa Chăm sẽ ngày càng được vun đắp và nuôi dưỡng như viên ngọc sáng lấp lánh, góp phần làm giàu đẹp hơn nữa kho tàng văn hóa Việt Nam.

Tiếp đó, đồng chí Vương Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã gửi lời chào mừng các đoàn, du khách và bà con khắp nơi trên cả nước đã về tham dự ngày hội. Đồng chí Vương Bình cho biết, An Giang có 15 nghìn người Chăm sinh sống, chiếm 0,7% dân số của toàn tỉnh, là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Với nền văn hóa truyền thống mang những nét đẹp, giá trị riêng, đặc sắc có từ lâu đời, cùng với các đồng bào khác, người Chăm của An Giang đã cùng nhau đoàn kết, gắn bó, góp phần cùng Đảng bộ, quân và dân An Giang thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tin tưởng, thông qua Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm năm 2016 chắc chắn sẽ góp phần các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung, người Chăm An Giang nói riêng tăng cường tình đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cũng như kinh nghiệm bảo tồn, phát triển văn hoá, thể thao và du lịch cùng đồng bào Chăm cả nước.

 
 Một trong những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tái hiện lại hình ảnh cuộc sống thường ngày
của đồng bào Chăm

Theo Ban Tổ chức, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm năm 2016 được tổ chức nhằm đẩy mạnh sự đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm; chào mừng các ngày lễ lớn năm 2016, chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII và kết quả bầu cử Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, hoạt động là dịp tôn vinh, quảng bá giá trị văn hóa của đồng bào Chăm với cả nước và bạn bè quốc tế… Ngày hội này có sự tham gia của 11 đoàn từ các tỉnh, thành phố, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, các đoàn tham gia vào những hoạt động của Ngày hội, như: Biểu diễn nghệ thuật, trích đoạn lễ hội dân gian và giới thiệu trang phục truyền thống dân tộc Chăm, thi đấu thể thao dân tộc, giới thiệu ẩm thực và triển lãm nghề truyền thống...

Tại Lễ khai mạc, mở màn là chương trình nghệ thuật đặc sắc được dàn dựng công phu, do Tổng đạo diễn Đinh Trung Cẩn, đạo diễn dàn dựng Dương Thảo chỉ huy, với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ, nhóm múa của các đoàn đã trình diễn những bài hát múa cổ truyền và hiện đại như: Lễ hội Roya - Tết yêu thương, Người Chăm vui hội (sáng tác Vy Nhật Tảo), Huyền ảo vĩnh hằng (nhạc Phú Quang), Mùa xuân trên tháp cổ (sáng tác Amư Nhân), Hòa tấu nhạc cụ Chăm H’roi, Lý vãi chài, Chiếc khăn Ma-tơ-ra (âm nhạc Vy Nhật Tảo), Người Chăm ơn Đảng (sáng tác Lý Bá Khôi), với mục đích nhằm tái hiện lại những sinh hoạt hàng ngày, văn hóa và nền nghệ thuật Chăm.

Theo Ban Tổ chức, Chương trình Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động phong phú sẽ được tổ chức trong 03 ngày như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng; giới thiệu trích đoạn lễ hội dân gian; giới thiệu trang phục truyền thống dân tộc Chăm; giới thiệu văn hóa ẩm thực người Chăm; triển lãm hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc và các sản phẩm văn hóa dân tộc tiêu biểu; tiới thiệu nghề truyền thống; hội thi thể thao như chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền, bóng đá và hội thảo với chủ đề “Văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc xây dựng và phát triển bền vững”./.