Bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác Nga - Việt Nam
TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN, 15 năm ngày thành lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nga và chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5-2016), Tạp chí Cộng sản trích giới thiệu bài viết của TS. Lokshin G, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga về quan hệ Việt Nam - Nga.
Điều có ý nghĩa đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Nga trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vào thời điểm ngay trước thềm Hội nghị cấp cao Nga - ASEAN. Đây cũng là lần đầu tiên hội nghị này nhóm họp tại thành phố Xô-chi (Nga) nhân kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ Nga - ASEAN. Sự kiện này là sự xác nhận lợi ích ngày càng tăng của Nga trong việc hợp tác với các nước ASEAN trong bối cảnh tình hình quốc tế mới. Việt Nam là đối tác lâu đời và đáng tin cậy của nước Nga và người Nga vẫn thường gọi đây là “chiếc cầu nối với Đông Nam Á” của mình. Tuy nhiên, đó không phải là chiếc cầu mà người ta đi qua rồi bỏ lại tất cả phía sau. Hình ảnh “cầu nối” trước hết là để thể hiện chỉ số hiệu quả và khả năng tiềm tàng của hợp tác song phương giữa hai nước Nga - Việt Nam cùng những lợi ích tương hỗ của mối quan hệ.
Một trong những hướng hoạt động quan trọng của chính sách “hướng Đông” của Nga là thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN. Đối với Nga, quan hệ này là một hình thức đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại của Nga ở phương Đông.
Việt Nam cũng hiểu rất rõ nước Nga với tư cách là cường quốc thế giới. Hơn nữa, với tiềm năng quân sự và kinh tế to lớn, đồng thời là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga đã và đang là một trong những nhân tố chính duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Nước Nga có thể và cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hệ thống an ninh trong tương lai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, với tư cách là thành viên tích cực cũng như người bảo đảm tin cậy cho những thỏa thuận sắp tới.
Với việc ông V. Pu-tin được bầu làm Tổng thống và hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2001, quan hệ Nga - Việt Nam được cải thiện rất nhanh chóng. Trong những năm qua, hai nước đã xây dựng được cơ chế tiếp xúc và đối thoại chính trị tích cực, cả ở cấp cao và các cấp khác. Cơ chế này tạo cơ sở vững chắc cho hợp tác chính trị, kinh tế và khoa học kỹ thuật. Tổng thống Nga đã ba lần sang thăm Việt Nam. Không ít lần người đứng đầu Chính phủ Nga Đ. Mét-vê-đép đã đến thăm Việt Nam, và gần đây nhất Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm nước Nga theo lời mời của lãnh đạo Nga.
Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mát-xcơ-va, giữa hai nhà lãnh đạo đứng đầu chính phủ đã có những cuộc hội đàm chi tiết với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan kinh tế hai nước trong bầu không khí hết sức thân mật, thắm tình hữu nghị và tin cậy lẫn nhau. Hai bên khẳng định quyết tâm củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt Nam; thỏa thuận một loạt biện pháp nhằm tăng cường hợp tác song phương và đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước. Hai Thủ tướng ghi nhận sự tin cậy sâu sắc trong quan hệ chính trị Nga - Việt Nam và thỏa thuận tiếp tục trao đổi các đoàn đại biểu trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và Chính phủ, kể cả liên kết giữa các thành phố và vùng, cũng như giữa các tổ chức xã hội của Nga và Việt Nam.
Các cuộc hội đàm một lần nữa chỉ ra rằng, những quan niệm của một số nhà chính trị học Nga về quan hệ Liên Xô/Nga - Việt Nam hiện nay đã lạc hậu. Việt Nam từ lâu không còn đóng vai trò là một “đối tác nước nhỏ” cần được giúp đỡ và hỗ trợ nữa. Hiện nay, Việt Nam là nước đang phát triển nhanh với 90 triệu dân, đang khắc phục nghèo nàn, lạc hậu, vượt lên đứng vào hàng ngũ những quốc gia có trình độ phát triển kinh tế trung bình. Việt Nam hội nhập thành công vào kinh tế khu vực và trở thành đối tác có uy tín, đáng tin cậy của nhiều nước trên thế giới, thành viên đáng tôn trọng và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Xem xét những vấn đề hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí nỗ lực khắc phục sự suy giảm trong thương mại song phương những năm gần đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, với việc sử dụng rộng rãi hơn nữa đồng nội tệ trong thương mại, nhất là sử dụng tối đa những khả năng mới được quy định trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEC), bao gồm Nga, Ca-dắc-xtan, Bê-la-rút, Ác-mê-ni-a và Cư-rơ-gư-xtan. Nước Nga cam kết góp phần tác động đến các đối tác khác nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định, để Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2016. Năm 2015, trao đổi thương mại Nga - Việt Nam (không tính hợp tác kỹ thuật quân sự) đạt 3,9 tỷ USD. Trong đó đáng chú ý, Việt Nam bắt đầu xuất siêu trong thương mại với Nga. Chẳng hạn, năm 2015 xuất khẩu của Việt Nam vào Nga đạt 2,1 tỷ USD, còn nhập khẩu từ Nga là 1,8 tỷ USD. Nga hiện là một trong số 10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu; thị phần của Nga chiếm 10% lưu thông thương mại của Việt Nam với châu Âu(1). So với mong muốn của hai bên, những con số này còn khá thấp, do những khó khăn về kinh tế của Nga trong hai năm gần đây bị ảnh hưởng bởi chính sách cấm vận của các nước phương Tây. Trao đổi thương mại Nga - Việt Nam thấp hơn nhiều so với tiềm năng của hai nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm sút thương mại của Nga đối với các nước khác (30% với Trung Quốc), thương mại giữa Nga và Việt Nam trong năm 2015 vẫn tăng hơn 4%. Nhiệm vụ đặt ra đối với hai nước là đưa thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Đầu tư của Nga vào Việt Nam còn hạn chế, như vốn đầu tư tư nhân của Nga vào Việt Nam còn khá thấp; xuất hiện các khó khăn về tiếp thị và logistic, thiếu thông tin, hỗ trợ chuyên gia yếu, thiếu những nhà chuyên môn Nga hiểu biết đặc điểm thị trường và cách làm việc ở Việt Nam... Hiện Nga tham gia xây dựng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh nối với Cam-pu-chia. Dự án sẽ được thực hiện trên cơ sở vốn đầu tư của Quỹ Nga - ASEAN.
Việt Nam cũng quan tâm nhiều đến những khoản đầu tư có lợi vào nước Nga. Hiện vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào nền kinh tế Nga khoảng vài tỷ USD, lớn hơn khoản đầu tư của Nga vào Việt Nam trong vòng 30 năm gần đây. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí phát triển đặc biệt hiệu quả. Từ lâu, tập đoàn nhà nước Nga Zarubezhneft và các tập đoàn tư nhân như Lukoil và Gazprom trên thềm lục địa của Việt Nam đã đạt nhiều thành công. Công việc khai thác dầu mỏ của liên doanh Rusvietpetro tại tỉnh Yamalo - Nenetski (phía Bắc nước Nga) cũng đạt nhiều tiến triển; liên doanh này còn khai thác mỏ dầu khí trên thềm lục địa biển Pechor theo hợp đồng với Gazprom.
Sự kiện quan trọng trong thời gian Thủ tướng Việt Nam thăm Nga, đó là tham dự Lễ động thổ xây dựng tổ hợp nông nghiệp chăn nuôi bò sữa ở ngoại ô Mát-xcơ-va, trong đó tập đoàn TH True Milk đầu tư 500 triệu USD trong giai đoạn đầu, và dự định đầu tư tổng cộng 2,7 tỷ USD trong vòng 20 năm tới. Công trình này đặt tại làng Bi-cô-vô, thuộc khu Vô-lô-cô-lam-xcơ. Đây sẽ là khu liên hợp chế biến sữa bò lớn, làm việc theo công nghệ của I-xra-en và với giống bò sữa Ô-xtrây-lia được gây giống đặc biệt. Một hợp đồng tương tự được ký kết với chính quyền tỉnh Ka-lu-ga, nơi dự định sẽ thành lập khu liên hợp lớn chuyên canh về rau quả. Đây là những ví dụ cụ thể về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, do tác động của những hạn chế liên quan đến nhập khẩu một loạt sản phẩm từ Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác vào Nga, nước Nga quan tâm tới việc tạo điều kiện cho các đối tác Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thủy, hải sản, rau củ quả vào thị trường Nga. Đồng thời, Nga quan tâm đến việc cung cấp sản phẩm chăn nuôi vào thị trường Việt Nam. Thủ tướng Nga cho đây là lĩnh vực hợp tác đầy triển vọng.
Ngoài ra, hai bên thỏa thuận khắc phục mọi trở ngại để bắt đầu thực hiện 20 dự án đầu tư lớn, như thực hiện đúng thời hạn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Nga ở Việt Nam, dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2017. Năm 2015, tại thành phố Óp-nin-xcơ (Obninsk), nơi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Nga trong nhiều năm hoạt động, đã bắt đầu đào tạo các chuyên gia tương lai của Việt Nam về ngành nguyên tử học.
Trong các cuộc hội đàm, hai bên còn thỏa thuận tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Nước Nga đang và về lâu dài sẽ là đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực này, mặc dù tình trạng cạnh tranh vẫn tăng lên hằng năm. Thời gian gần đây, Nga và Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Việc hợp tác này, như hai bên khẳng định, không nhằm chống lại bất kỳ bên nào khác, mà chỉ nhằm tăng cường tiềm năng quốc phòng của Việt Nam vốn là nhân tố quan trọng của hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại các cuộc hội đàm, hai bên xem xét nhiều vấn đề thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế và văn hóa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở Nga. Ông bày tỏ tin tưởng rằng trước sau cộng đồng người Việt Nam ở Nga vẫn đóng vai trò tích cực làm cầu nối trong việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Kết quả quan trọng đánh dấu bước tiến mới giữa hai nước là hai bên ký kết một loạt hiệp định giữa các cơ quan và tập đoàn doanh nghiệp lớn của hai nước. Trong số những văn kiện đó có Thỏa thuận về việc thành lập Trung tâm kỹ thuật đa ngành tại Hà Nội; Nghị định thư giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Gazprom của Nga về hợp tác thăm dò và khai thác khí đốt tại Việt Nam và ở nước thứ ba; Hiệp định về đối tác chiến lược giữa công ty nhà nước lớn nhất của Nga Rosneft và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Hợp đồng về phân chia sản phẩm tại lô 16-01/15 ở thềm lục địa của Việt Nam,…
Những hiệp định và thỏa thuận về hợp tác giữa các tập đoàn dầu khí Nga và Việt Nam có ý nghĩa chính trị to lớn. Đây là minh chứng cho quyết tâm của Nga muốn tiếp tục hợp tác thăm dò khai thác tại vùng thềm lục địa của Việt Nam. Ban lãnh đạo Nga nhất trí cho rằng công việc hợp tác với các tập đoàn Việt Nam ở vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các quy phạm hiện hành của luật pháp quốc tế. Nỗ lực của Nga là nhằm củng cố quan hệ hợp tác không chỉ với Việt Nam mà còn với tất cả các nước Đông Á, đồng thời không nhằm chống bất kì ai, nhưng Nga cũng không có ý định coi nhẹ những lợi ích của mình tại khu vực, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế mới.
Như vậy, bất chấp những trở ngại hiện hữu, các dự án và hiệp định trên đã nói lên tầm vóc và triển vọng to lớn của quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Nga vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Ngoài việc trao đổi những vấn đề của quan hệ song phương Nga - Việt Nam, hai bên đã thống nhất ý kiến rằng, những tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước tiên là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nga và Việt Nam từ lâu đã có những quan điểm song trùng về vấn đề hoàn thiện cấu trúc an ninh và hợp tác ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung, theo đó những nguyên tắc cần dựa trên tính tập thể, đa phương và bình đẳng, cũng như tôn trọng những quy phạm của luật pháp quốc tế được tất cả các nước công nhận, trong đó có hai văn kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam là UNCLOS và DOC cùng nhiều văn kiện có giá trị khác.
Cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga V. Pu-tin tại Xô-chi đã diễn ra trong bầu không khí thân tình, cởi mở và tin cậy lẫn nhau. Tại cuộc gặp, Tổng thống Nga V. Pu-tin nhấn mạnh tính chất đặc biệt của quan hệ Nga - Việt Nam dựa trên truyền thống hữu nghị, tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau; nhấn mạnh năm 2016 là năm kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tổng thống V. Pu-tin đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở Đông Nam Á; nhấn mạnh vị trí ưu tiên của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống đưa ra những đánh giá về các diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, đồng thời nhận định quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh, kỹ thuật - quân sự, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch và nhiều lĩnh vực khác, cũng như sự phối hợp hoạt động trong các tổ chức quốc tế thời gian gần đây đang phát triển tốt đẹp, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự hài lòng sâu sắc về chuyến thăm cấp nhà nước đến Nga, thông báo một số khía cạnh chính về tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam và kết quả của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng, ưu tiên củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga trong chính sách đối ngoại đa phương hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam luôn chủ trương tích cực góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và nâng cao hiệu quả của quan hệ chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga.
Cả hai nhà lãnh đạo thỏa thuận tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, phối hợp chặt chẽ mọi nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả của tất cả các chương trình và dự án, đặc biệt trong thương mại, công nghiệp dầu khí, năng lượng hạt nhân và du lịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẵn sàng trở thành “cầu nối” cho các doanh nghiệp Nga muốn mở rộng hoạt động vào thị trường các nước châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng.
Đáng chú ý, tại cuộc gặp hai bên cũng đã trao đổi ý kiến về tình hình phức tạp nảy sinh ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Tổng thống V. Pu-tin đã phát biểu rằng, Nga chăm chú theo dõi tình hình ở Đông Nam Á nói chung và ở khu vực Biển Đông nói riêng; nhấn mạnh quan điểm của Nga là những cuộc tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước tiên là UNCLOS, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC. Nga ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc về việc nhanh chóng soạn thảo COC.
Khó có thể đánh giá hết ý nghĩa cuộc gặp gỡ ở Xô-chi giữa Nga - ASEAN trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp đang diễn ra tại khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm thành công của Thủ tướng Việt Nam đến Nga đã bác bỏ hoàn toàn dư luận của báo chí nhiều nước cho rằng, dường như có một tuyên bố chính thức nào đó của Nga về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cho thấy sự xích lại ngày càng tăng trong quan điểm giữa Nga và Trung Quốc về vấn đề này. Ở đây, người ta ra sức sử dụng lời tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga X. V. La-vrốp trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 29-4-2016, trong đó ông phê phán các hoạt động tăng lên của Mỹ ở Biển Đông. Lời nói này được đặc biệt hoan nghênh tại Trung Quốc, bởi nó trùng với chiến dịch rầm rộ do Bắc Kinh phát động nhằm tuyên truyền chống lại phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực La Hay chuẩn bị công bố đối với đơn của Phi-líp-pin kiện Trung Quốc. Bởi lẽ, tất cả đều biết phán quyết này không có lợi cho Trung Quốc, và nó tất yếu tước bỏ bất kỳ cơ sở pháp lý nào của “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông. Trung Quốc đã sớm tuyên bố phán quyết này là “sự quốc tế hóa bất hợp pháp” xung đột trên Biển Đông và tìm đủ mọi phương cách tìm kiếm sự ủng hộ cho quan điểm của họ từ phía các nước và dư luận quốc tế.
Nga đánh giá cao lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao Nga - ASEAN vừa qua, rằng “Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự đóng góp mang tính xây dựng của Nga vào sự nghiệp hòa bình, an ninh và hợp tác ở Đông Nam Á trong suốt những năm qua. Việt Nam mong muốn Nga vẫn tiếp tục đường lối này nhằm củng cố hòa bình và an ninh, bảo đảm tự do và an ninh hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và thỏa thuận khu vực”(2).
Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo các viện của Quốc hội Liên bang Nga, với lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên bang Nga G. Diu-ga-nốp và với các thành viên Hội Hữu nghị Nga - Việt. Do đó, có đầy đủ cơ sở để cho rằng, chuyến thăm rất thành công, góp phần thúc đẩy và nâng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Nga lên một tầm cao mới./.
-------------------------------------------
(1) Http://www.vestifinance.ru/2016-02-12
(2) Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN – Nga; http://MOFA.vn/21-05-2016
Triển khai kế hoạch phối hợp giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm  (13/07/2016)
Thủ tướng Romania thăm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long  (13/07/2016)
Thủ tướng Cộng hòa Slovakia sắp sang thăm chính thức Việt Nam  (13/07/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mông Cổ  (13/07/2016)
Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương  (13/07/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên