TCCSĐT - Sự kiện Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-5 đến ngày 25-5-2016 trở thành tâm điểm của báo giới và truyền thông nước này trong những ngày qua.

Interpol họp bàn an ninh châu Âu

 
Những vấn đề liên quan đến các vụ khủng bố tại Paris vào tháng 11-2015 và tại Brussels vào tháng 3-2016 là một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Từ ngày 18-5 đến ngày 20-5-2016, Hội nghị khu vực châu Âu của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) lần đầu tiên diễn ra tại Thủ đô Praha của Cộng hòa Séc. Hội nghị tập trung thảo luận về các vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu, bảo vệ các đường biên giới giữa các nước trong khu vực, ngăn chặn tội phạm công nghệ cao, hợp tác giữa Interpol với lực lượng cảnh sát của các nước châu Âu,... Đáng chú ý là những vấn đề liên quan đến các vụ khủng bố tại Paris vào tháng 11-2015 và tại Brussels vào tháng 3-2016.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Interpol Jürgen Stock tuyên bố rằng việc bảo đảm an ninh ở châu Âu phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong châu lục cũng như sự trao đổi thông tin với các nước và tổ chức ngoài châu lục. Ông nhấn mạnh việc trao đổi thông tin rộng rãi là rất cần thiết vì thông tin là giá trị cốt lõi của cảnh sát hình sự. Interpol cung cấp một nền tảng toàn cầu để chia sẻ thông tin quan trọng cho 190 thành viên của mình.

Bộ trưởng Nội vụ Séc Milan Chovanec nhận định rằng mặc dù tỷ lệ tội phạm ở nước này đã giảm xuống, Séc vẫn không thể chủ quan vì mối đe dọa an ninh hiện nay mang tính toàn cầu. Séc cũng sẵn sàng thảo luận về cách thức tiếp nhận người di cư nhằm chia sẻ gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Ngoài ra, Giám đốc Cảnh sát Cộng hòa Séc Tomas Tuhy cho rằng vấn đề then chốt hiện nay là tạo điều kiện cho các nước cùng tham gia cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức. Thông qua hội nghị này, cảnh sát Séc sẽ có điều kiện củng cố sự hợp tác với các đồng nghiệp trong Interpol và các tổ chức khác.

Hội nghị tham vấn về các cuộc xung đột tại Trung Đông

 
Binh sĩ Israel bắn đạn cao su và hơi cay vào người biểu tình bạo động Palestine ở thành phố Bethlehem, Khu Bờ Tây ngày 18-12-2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 21-5-2016, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL) đã tổ chức hội nghị tham vấn lần đầu tiên giữa hai bên, diễn ra tại Thủ đô Cairo của Ai Cập nhằm thảo luận về các cuộc xung đột tại Trung Đông. Hội nghị do Ai Cập, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, và Bahrain, nước đang là Chủ tịch khóa họp hiện nay của Liên đoàn Arab, đồng chủ trì, với sự tham dự của đại diện các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Hội nghị đã tập trung vào cuộc xung đột Israel - Palestine, tiến trình hòa bình bế tắc tại Trung Đông, khủng hoảng Syria, các diễn biến tại các nước trong khu vực bị tác động mạnh bởi hỗn loạn và thách thức đặt ra khi số người di cư ngày càng tăng. Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác và phối hợp giữa Liên đoàn Arab và Liên hợp quốc trong nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình quốc tế cũng như an ninh và ổn định của khu vực và quốc tế thông qua “các cơ chế đã được ấn định giữa hai bên”. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil al-Araby nhấn mạnh cần xem lại cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoạt động nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ giải quyết các cuộc khủng hoảng đang đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

Truyền thông Hoa Kỳ đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Tổng thống B. Obama tới Việt Nam

 
Tổng thống Barack Obama đến sân bay Nội Bài (Hà Nội)
ngày 22-5-2016. Ảnh: Reuters

Trang nhất báo “The Hill”, tờ báo chính thức của Quốc hội Hoa Kỳ, số ra ngày 22-5-2016 đăng bài viết với tiêu đề “Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm lịch sử”, trong đó cho biết Tổng thống B. Obama sẽ có các cuộc gặp và hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thảo luận các phương thức tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Các trang tin tức “NBC” và “Fox News” cùng ngày đưa tin chuyến thăm sẽ nêu bật cam kết “tái cân bằng” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống B. Obama, đặc biệt trên những lĩnh vực như hợp tác kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, khoa học, giáo dục và chống biến đổi khí hậu.

Tờ “The Wall Street Journal” số ra cùng ngày cũng đánh giá chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống B. Obama tới Việt Nam sẽ là chuyến thăm lịch sử, mở ra chương mới cho quan hệ song phương và hy vọng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần củng cố chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của ông. Theo báo này, Tổng thống B. Obama sẽ đề cập tới các mối quan ngại chung của hai nước, đặc biệt là cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tờ “Washington Post” nhận định chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B. Obama sẽ là bước tiến mới trong quan hệ song phương, góp phần tăng cường các mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai bên. Theo tờ báo, 41 năm sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam và 21 năm sau ngày bình thường hóa quan hệ, Tổng thống B. Obama muốn nhân chuyến thăm này nâng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên một tầm cao mới.

Châu Á - Thái Bình Dương theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững

 
Châu Á - Thái Bình Dương nổi lên là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuyên bố ngày 22-5-2016 của Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết kết thúc kỳ họp lần thứ 27 kéo dài 5 ngày vừa qua, Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc đã phê chuẩn nghị quyết về phát triển kinh tế biển và khai thác bền vững các nguồn lực đại dương. Đại diện và các phái đoàn 53 nước tham dự kỳ họp đã thảo luận về hợp tác và hội nhập khu vực, xem xét các thách thức mà châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong những năm gần đây, châu Á - Thái Bình Dương nổi lên là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, tuy nhiên tốc độ phát triển nóng này đang kéo theo sự mất cân bằng xã hội, kinh tế, gây ảnh hưởng đến môi trường,… Khu vực hiện được xem là dẫn đầu thế giới về thương mại và phát triển và đang tập trung hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong lộ trình thực hiện từ năm 2016 đến 2030, với cơ cấu: đa lĩnh vực, đa ngành nghề, đa dạng hóa các tổ chức thực hiện. Theo các chuyên gia, để thực hiện được chương trình SDGs cần có một nguồn kinh phí đáng kể, cách tiếp cận tích hợp, quan tâm hơn đến việc cải thiện khả năng quản lý và phải có sự hợp tác phát triển đa phương.

Chương trình SDGs của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang được ESCAP đặc biệt quan tâm. Năm 2014, ESCAP đã khai mạc Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện chương trình này đang được quan tâm đẩy mạnh để bảo đảm mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành hiện thực. Theo kế hoạch, trong năm 2016, Diễn đàn sẽ thảo luận về cách thức cụ thể thực hiện SDGs đối với các nước thành viên./.