Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 16 đến 22-5-2016
Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP
Ngày 18-5, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 và tập trung chỉ đạo xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 trước 30-5-2016, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện và kế hoạch chi tiết sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành.
Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Xây dựng và trình ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2014.
Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hoá thủ tục hành chính. Hoàn thành việc chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06-01-2015 và niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên mạng Internet và tại trụ sở cơ quan, đơn vị.
Điện tử hoá thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả…) kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN để giảm thiểu giấy tờ, hướng tới mục tiêu phi giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đánh giá, phản ánh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng hoặc dịch vụ bưu điện.
Xây dựng năng lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp...; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Thông tư hướng dẫn quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh; sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Xây dựng Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, rà soát, phối hợp với Bộ Tư pháp kiến nghị bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp hoặc các quy định đã được ban hành trái thẩm quyền; thực hiện công bố đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp. Củng cố và cải thiện thứ hạng và điểm số của Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư.
Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020
Ngày 16-5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng họp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ sớm triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và sử dụng có hiệu quả đất đai nông nghiệp.
Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tháng 7 năm 2016.
Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp.
Thực hiện thủ tục hải quan trên mọi phương tiện
Thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc - mọi nơi - trên mọi phương tiện là một trong những mục tiêu quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ Tài chính phê duyệt theo Quyết định 1018/QĐ-BTC.
Theo đó, mục tiêu tổng quát trong kế hoạch này là đến năm 2020, hệ thống công nghệ thông tin hải quan là hệ thống thông minh, xử lý tập trung trên nền tảng công nghệ hiện đại, có khả năng sẵn sàng cao trên cơ sở tích hợp chặt chẽ với các hệ thống thông tin của các bên liên quan.
Hoàn thiện nâng cao hệ thống Hải quan điện tử, thực hiện thành công Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Hải quan theo chuẩn mực quốc tế “Mọi lúc - Mọi nơi - Mọi phương tiện”, đảm bảo rút ngắn thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đạt mức trung bình của ASEAN-4 (thời gian của 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á).
Tổng cục Hải quan cũng nêu ra những giải pháp cụ thể để đạt được các kết quả tổng thể nêu trên.
Đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo hướng đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng thông tin, dịch vụ thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải; thủ tục miễn, giảm, hoàn thuế.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, trong đó tập trung mở rộng trong các lĩnh vực liên quan tới miễn, giảm, hoàn thuế, kết nối hệ thống với các cơ quan kinh doanh cảng, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, thủ tục quá cảnh, xử lý thông tin về hàng hóa và phương tiện vận tải qua đường biển, đường hàng không, đường bộ.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nội bộ theo kế hoạch chung của Bộ Tài chính; đảm bảo 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị trong hệ thống Tổng cục Hải quan dưới dạng điện tử (trừ các văn bản mật); 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy)…
Quảng Ninh: Doanh nghiệp lập mới chỉ mất tối đa 2 ngày
Nhiều thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh sẽ được cắt giảm thời gian đến mức tối đa. Đó là nội dung quan trọng trong bản dự thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ và Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Ninh năm 2016 và các năm tiếp theo.
Theo nội dung bản dự thảo này, tỉnh Quảng Ninh mục tiêu phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu trung bình của nhóm nước ASEAN-4. Cụ thể, Quảng Ninh phấn đấu đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 2 ngày làm việc; Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày (bao gồm cả thủ tục thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công,...); Thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày. Thời gian thông quan hàng hóa đối với hàng xuất khẩu dưới 24 giờ, đối với hàng nhập khẩu dưới 32 giờ; Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng xuống còn tối đa 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp xuống còn 24 tháng; Các chỉ tiêu hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế theo Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28-4-2016 và các văn bản chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ.
Trong năm 2016, cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tập trung nhiều giải pháp, sáng kiến nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính , rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Đồng thời, phải bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Quy định danh mục văn bản phải ký số
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa kiến nghị Chính phủ quy định cụ thể danh mục các văn bản phải ký số gửi trên mạng thay vì gửi văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước. Cùng với đó, Bộ cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo chỉ đạo thống nhất áp dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử trên cả nước; quy định tính pháp lý đối với các loại văn bản ký số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng được tăng cường, từng bước đáp ứng được các chỉ tiêu đề ra từ năm 2013; từng bước hình thành nề nếp, thói quen làm việc trên môi trường điện tử; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được các cơ quan nhà nước ngày càng chú trọng.
Đã có 28/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức; đã trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc, được triển khai đến các cấp sở, ban, ngành, quận, huyện.
Để tiếp tục thúc đẩy triển khai, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tận dụng triệt để cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, hướng tới cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển; đồng thời ưu tiên bảo đảm đủ kinh phí đầu tư, nâng cấp, duy trì hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp trong việc ứng dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, tăng cường trao đổi văn bản điện tử, quản lý, điều hành tại cơ quan mình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các Chỉ thị tại cơ quan, đơn vị. Đưa các tiêu chí đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá mức độ hoàn thành công việc và công tác thi đua khen thưởng…
Dấu ấn cải cách hành chính thuế
Suốt gần 10 năm qua, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính, cùng các cơ quan chức năng nói chung, ngành Thuế cả nước nói riêng đã và đang nỗ lực thực hiện chương trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế Việt Nam theo mục tiêu hướng tới xây dựng chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, thực sự là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đến nay, về cơ bản, thể chế, chính sách thuế đang từng bước được sửa đổi theo hướng đơn giản, minh bạch, rõ ràng, dễ thực hiện đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu và đổi mới công nghệ; ngành Thuế đã hoàn thành 100% việc thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính (đơn giản hóa 222/222 thủ tục hành chính).
Riêng năm 2014 và đầu năm 2015, ngành Thuế đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng 44 quy trình, quy chế và sổ tay nghiệp vụ; rà soát, hệ thống hóa danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế gồm 421 thủ tục hành chính (trong đó cấp Tổng cục Thuế 4 thủ tục, cấp Cục thuế 236 thủ tục, cấp Chi cục Thuế 181 thủ tục).
Thủ tục khai thuế VAT của doanh nghiệp đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều. Theo đó, doanh nghiệp không phải khai những thông tin, chỉ tiêu không liên quan đến việc tính thuế của doanh nghiệp... Doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều thời gian để chuẩn bị kê khai thuế, chỉ cần chuyển dữ liệu từ phần mềm kế toán là có thể hoàn thành việc kê khai thuế. Các quy định về chính sách và thủ tục thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được đơn giản hóa thông qua việc loại bỏ kê khai các khoản doanh thu, chi phí mang tính chất chênh lệch tạm thời giữa kế toán và thuế.
Tính đến 20-4-2016, có tới 99,56% (hơn 529 nghìn doanh nghiệp) đã thực hiện khai thuế điện tử (hiện với hơn 30,5 triệu hồ sơ) tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước. Đồng thời, 45 ngân hàng thương mại cũng đã tham gia ký thỏa thuận với ngành thuế để hỗ trợ quá trình này; hơn 506 nghìn doanh nghiệp (tỷ lệ 95,38%) đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế; trên 485 nghìn doanh nghiệp (tỷ lệ 91,41% ) đăng ký dịch vụ với ngân hàng.
Mở rộng khai thuế điện tử không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp, mà còn hạn chế các tiêu cực gắn với sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp trong quá trình khai và nộp thuế…
Đặc biệt, từ tháng 4-2016, Tổng cục Thuế thực hiện cung cấp và hỗ trợ sử dụng 10 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4: Website tra cứu thông tin người nộp thuế; Website hỏi đáp chính sách thuế; Dịch vụ hỗ trợ nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN online; Tra cứu hóa đơn; Dịch vụ hỗ trợ Kê khai Hồ sơ khai thuế qua mạng Internet; Dịch vụ hỗ trợ Kê khai Báo cáo hóa đơn qua mạng Internet; Dịch vụ hỗ trợ Kê khai Báo cáo biên lai phí, lệ phí qua mạng Internet; Dịch vụ hỗ trợ Kê khai Báo cáo tài chính qua mạng Internet; Dịch vụ Nộp thuế qua mạng (bao gồm 2 dịch vụ: Nộp trực tiếp và nộp thay); Đăng ký MST cá nhân và MST người phụ thuộc của cá nhân thông qua cơ quan chi trả.
Ngoài ra, ngành Thuế đã thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với người nộp thuế, từ đó giải đáp kịp thời các vướng mắc về chính sách thuế mới và ghi nhận các ý kiến đóng góp để xem xét, chấn chỉnh hoặc hoàn thiện chính sách, nâng cao năng lực, trách nhiệm công chức ngành thuế phù hợp với tình hình thực tiễn./.
Nhiều hãng thông tấn đưa tin về ngày hội bầu cử ở Việt Nam  (22/05/2016)
Thủ tướng Chính phủ phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016  (22/05/2016)
Hơn 2,3 triệu công dân lần đầu tiên thực hiện quyền cử tri  (22/05/2016)
Quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Lễ hội Văn hóa-Ngôn ngữ tại Na Uy  (22/05/2016)
Nô nức trong Ngày hội toàn dân tại Thành phố mang tên Bác  (22/05/2016)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần đầu thăm chính thức Myanmar  (22/05/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay