Không khí Ngày hội bầu cử ở các địa phương
Người dân Thủ đô phấn khởi thực hiện quyền cử tri của mình
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại tổ bầu cử số 4, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Sáng 22-5, trước 7 giờ, tại toàn bộ 4.874 khu vực bỏ phiếu của 10 đơn vị bầu cử ở 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, đã có đông đảo người dân Thủ đô phấn khởi cầm trên tay tấm thẻ cử tri để được thực hiện quyền lựa chọn những đại biểu ưu tú có năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức.
Hòa cùng không khí tưng bừng của cả nước trong ngày bầu cử, đông đảo cử tri phường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) đã có mặt tại các khu vực bỏ phiếu với ý thức trách nhiệm cao về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Trong cuộc bầu cử này, phường Giảng Võ có gần 14.000 cử tri thuộc 33 tổ dân phố, tham gia bầu cử tại 9 khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu số 1, phường Giảng Võ có 1500 cử tri.
Trong số các cử tri trên địa bàn phường, bác Lê Định (92 tuổi, 70 năm tuổi Đảng, thường trú tại Phòng 301, nhà A5 khu tập thể Giảng Võ) do sức khỏe yếu nên Tổ bầu cử đã mang hòm phiếu đến tận nhà để cho cử tri được thuận tiện thực hiện quyền công dân của mình.
Là cử tri trên địa bàn phường, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có mặt từ rất sớm tại khu vực bầu cử số 1 (phường Giảng Võ) được đặt tại Trường Tiểu học Kim Đồng (đường Trần Huy Liệu).
Đồng chí Tô Lâm đã thăm hỏi công tác bảo vệ bầu cử và ân cần hỏi thăm các cử tri, nhất là những cử tri cao tuổi của tổ bầu cử. Ngay sau các nghi lễ khai mạc của cuộc bầu cử, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Cử tri Trọng Trinh, 90 tuổi, cử tri tổ 1 phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho biết: "Tôi thấy đất nước đã thay đổi rất nhiều so với trước, ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tôi mong muốn và có niềm tin rằng, những đại biểu trúng cử khóa tới sẽ đại diện cho nhân dân, phát huy hết trách nhiệm,truyền đạt được nguyện vọng của người dân, cùng Đảng, Chính phủ đưa ra những quyết sách quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội nước nhà."
Đúng 6 giờ 45 phút tại khu vực bỏ phiếu số 2, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đặt tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (phường Khương Trung) đã tiến hành lễ khai mạc.
Sau nghi thức chào cờ, diễn văn khai mạc và thông qua thể lệ, quy định bầu cử, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư là người bỏ lá phiếu đầu tiên, tiếp đến là các lão thành cách mạng, người cao tuổi, các cử tri lần đầu tiên đi bầu cử. Khu vực bầu cử số 2, phường Khương Trung có hơn 2.100 cử tri, người cao tuổi nhất đi bỏ phiếu là ông Nguyễn Đình Kỳ (sinh năm 1928, trú tại tổ 9, phường Khương Trung, 65 tuổi đảng) rất phấn khởi khi được cùng nhân dân cả nước đi bỏ phiếu.
Ông Đỗ Hữu Lệ (lão thành cách mạng, trú tại tổ 9A phường Khương Trung) bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi được chứng kiến sự đổi thay của đất nước, đem lại cho người dân cuộc sống ấm no, bình yên.
Tại khu vực bỏ phiếu số 9 phường Láng Hạ, quận Đống Đa, hàng trăm cử tri gồm nhiều lứa tuổi, trong đó gồm cả nhiều gia đình, trong trang phục chỉnh tề phấn khởi đến thực hiện quyền cử tri. Đúng 7 giờ, cụ Đỗ Khắc Đàn (91 tuổi), đại diện cho 4 người cao niên nhất cũng như toàn bộ cử tri của khu vực, là người bỏ lá phiếu đầu tiên, tiếp đó là đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ là người thứ hai thực hiện quyền cử tri.
Cụ Đỗ Khắc Đàn cho biết, cụ được tuyên truyền và cũng xem khá kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để cân nhắc, lựa chọn cho lá phiếu của mình, bầu ra người có năng lực, trình độ.
Em Hồ Thị Minh Ngọc, 18 tuổi, cử tri lần đầu đi bỏ phiếu cho biết lần đầu tiên được cầm lá phiếu, em cảm thấy mình trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn. Mong muốn bầu ra người có đức có tài cho bộ máy quyền lực nhất Nhà nước.
Tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội), ngay từ đầu giờ sáng đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến sớm để thực hiện quyền cử tri của mình.
Là người thứ hai tại khu vực bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 4 phường Láng Hạ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: “Thời tiết đẹp hôm nay là điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Ngay từ đầu giờ sáng tôi đã thấy đông đủ người dân đến khu vực bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, điều đó cho thấy là người dân có ý thức rất cao. Tôi mong mỏi là người dân Thủ đô không chỉ ở đây mà còn ở các khu vực khác cũng dành thời gian đến khu vực bỏ phiếu để tìm hiểu, lựa chọn ra những người có tài, có đức, những đại biểu nhân dân ưu tú có năng lực trình độ, phẩm chất. Tôi cũng tin rằng kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ thành công tốt đẹp."
Ngay sau lễ khai mạc, đông đảo cử tri thuộc 2 tổ dân phố số 13 và số 14, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã náo nức tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 9, với mong muốn lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ đức, đủ tài để đại diện cho nhân dân, đảm đương việc nước, tham gia xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Ông Nguyễn Văn Trân (sinh năm 1917, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội) là một trong những cử tri cao tuổi nhất tại khu vực bỏ phiếu số 9, phường Thú thượng, quận Tây Hồ. Ông Trân cũng chính là một trong những cử tri tham gia bỏ phiếu từ kỳ bầu cử Quốc hội khóa I đến nay.
Có mặt tại khu vực bỏ phiếu số 9 từ sớm, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã ân cần hỏi thăm tổ công tác bầu cử và thực hiện quyền công dân của mình. Với sự tích cực và tinh thần trách nhiệm cao, Tổ bầu cử tin tưởng 1.750 cử tri trên địa bàn sẽ hoàn tất công tác bầu cử sớm.
Không khí ngày bầu cử rộn ràng tại các đơn vị Quân đội, Công an
Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi ngày hội lớn của cả nước, sáng 22-5, tại đơn vị bầu cử số 8, khu vực bầu cử số 12, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng các tướng lĩnh, sỹ quan cấp cao, cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên chức quốc phòng cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã dự Lễ khai mạc và tiến hành bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại khu vực bỏ phiếu số 9, phường Điện Biên, quân Ba Đình, thành phố Hà Nội, không khí ngày bầu cử thật rộn ràng, ngay từ 6 giờ 30 phút, các cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung đông đủ tại Hội trường A để thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri. Đúng 7 giờ, các cán bộ, chiến sỹ đã tiến hành bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo Cơ quan Thường trực về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp trong Quân đội: Thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, toàn quân đã thành lập 913 tổ bầu cử tại 913 khu vực bỏ phiếu; 2.398 đơn vị không đủ điều kiện thành lập khu vực bỏ phiếu riêng sẽ tham gia bỏ phiếu chung với nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tuần tra thực thi pháp luật trên biển, nhiều đơn vị đã được Hội đồng bầu cử quốc gia đồng ý cho bầu cử sớm như: Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Vùng 2, Quân chủng Hải quân; các Nhà dàn; các đơn vị trên Quần đảo Trường Sa; một số đồn Biên phòng; Trạm radar.
Sáng 22-5, tại khu vực bỏ phiếu số 87 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), 668 cử tri là các cán bộ chiến sỹ Công an thành phố Hà Nội đã có mặt từ trước 7 giờ sáng ngày 22-5 ở Hội trường lớn Công an thành phố.
Trong những ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, các cử tri công an thành phố sẽ bỏ lá phiếu chọn ra những người xứng đáng, đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Tính đến 8 giờ 10 sáng 22-5, hơn 70% cử tri là cán bộ chiến sỹ Công an thành phố Hà Nội đã hoàn thành xong việc bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân của mình.
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu cử tại TP. Hồ Chí Minh
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng bỏ phiếu bầu cử tại TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với cử tri cả nước, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình tại nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham gia thực hiện quyền công dân của mình tại khu vực bỏ phiếu số 97 (phường 15, Quận 10), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết nhìn chung, qua việc giám sát ở các địa phương cũng như Thành phố Hồ Chí Minh thấy rằng cứ sau hai tuần một lần, các địa phương đều chấn chỉnh và rút kinh nghiệm, đặc biệt hai tuần trước ngày bầu cử đều có những văn bản hướng dẫn bổ sung quan trọng nhất liên quan đến những việc như ứng cử viên hoặc gia đình, cơ quan, phóng viên có thể giám sát quy trình bầu cử; hướng dẫn chặt chẽ việc đó và đảm bảo trong mọi điều kiện thời tiết vẫn có thể tổ chức tốt…
Đúng 7 giờ sáng ngày 22-5, tại tổ bỏ phiếu 82, Trường Mầm non Sơn Ca 15, số 23 Trần Khắc Chân, phường 15, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến bỏ lá phiếu đầu tiên, tiếp đó cử tri đại diện các chức sắc tôn giáo đã tiến hành bỏ phiếu trong không khí cởi mở, dân chủ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự lễ khai mạc và trực tiếp bỏ phiếu tại khu vực bầu cử số 115, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, phường 11, quận Tân Bình.
Các đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước (phường Tân Định, Quận 1); các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ( phường 7, Quận 3), Nguyễn Tấn Dũng ( phường 6, Quận 3); Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư (phường 6, quận 3); Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (phường 7, Quận 3)... cũng đã tham dự khai mạc ngày bầu cử và thực hiện quyền bầu cử của mình.
Ngày hội bầu cử của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
Cử tri đồng bào Êđê buôn Ako Dhong bỏ phiếu bầu.
Sáng 22-5, trên khắp các nẻo đường từ thành thị đến các thôn, buôn, bon, làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của các tỉnh Tây Nguyên đâu đâu cũng rợp cờ hoa, băngrôn, biểu ngữ, ápphích chào mừng Ngày hội lớn.
Trong sáng nay, hơn 4 triệu cử tri các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã nô nức đi bỏ phiếu, bầu chọn những người có đủ tài, đức vào Quốc hội khoá XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, buôn kiểu mẫu, điểm du lịch của thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mặc dù trời mưa nhưng chưa đến 7 giờ, 729 cử tri là đồng bào dân tộc Êđê đã hồ hởi đến nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của buôn (đơn vị bầu cử số 17 của thành phố Buôn Ma Thuột) để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo đúng luật định.
Già làng Ama Tít cũng như già làng Ama Ngon vui vẻ cho biết qua đợt bầu cử này, mong sao các ứng cử viên trúng cử, nhất là các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số đều là những người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ. Trên cương vị công tác của mình, các già làng mong những người trúng cử sẽ đề ra những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là quan tâm hơn đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Em H’Zu Ni Niê, sinh viên trường Đại học Tây Nguyên lần đầu tiên được đi bỏ phiếu cho biết em rất hồi hộp và cũng rất tự hào, có cảm giác mình đã trưởng thành hơn.
Em hy vọng lá phiếu của mình có thể góp phần nhỏ bé vào thành công của cuộc bầu cử, qua đó bầu được những người tiêu biểu có đủ đức, đủ tài, nhiệt huyết, xứng đáng với niềm tin mà đồng bào các dân tộc gửi gắm.
Em H’Zu Ni Niê mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử, ngoài việc quan tâm đến tình hình chung về phát triển kinh tế, xã hội còn thường xuyên về cơ sở để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng nhất là quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường hay đề ra các chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ thanh niên các dân tộc có thêm nhiều cơ hội đóng góp trí tuệ, công sức cống hiến sức trẻ xây dựng cho quê hương Đắk Lắk ngày thêm giàu đẹp…
Chị Amí San, cử tri của buôn Alê A, phường Ea Tam cũng thành phố Buôn ma Thuột (Đắk Lắk) mong muốn những những ứng cử viên khi trúng cử và đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp cần có những chính sách, hành động cụ thể để bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng dân tộc thiểu số…
Cử tri Nguyễn Văn Long, Trưởng thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai), bộc bạch: "Tôi và bà con cử tri địa phương nhận thấy cuộc bầu cử lần nay đã được các cấp chính quyền địa phương chuẩn bị khá chu đáo. Đài truyền thanh xã liên tục phát thông tin về danh sách tiểu sử ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ứng cử tại địa phương. Chúng tôi còn tranh thủ đến các điểm niêm yết để xem, tìm hiểu kỹ hơn về các ứng cử viên nhằm lựa chọn người xứng đáng để bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp."
Em Rơ Mah Nhi, 18 tuổi ở làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, vui mừng cho biết: "Đây cũng là lần đầu tiên đi bầu cử, em rất phấn khởi, vinh dự cầm lá phiếu thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi công dân của mình. Qua cuộc bầu cử này, em rất mong Quốc hội, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa đến sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào."
Đến hơn 8 giờ, trên 48% cử tri của các tỉnh Tây Nguyên đã đi bỏ phiếu.
Cử tri Bạc Liêu, Phú Thọ tham gia bỏ phiếu
Mặc dù từ đêm 21 đến rạng sáng 22-5, địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra mưa lớn, trên diện rộng, nhưng mới hơn 5 giờ, tại tất cả các tổ, điểm bỏ phiếu của tỉnh nhiều cử tri đến dự, đặc biệt là các điểm bỏ phiếu thuộc đơn vị Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng và các điểm ở vùng nông thôn.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh, do đặc thù của các ngành này, tỉnh đã quyết định cho khai mạc và bỏ phiếu từ 5 giờ sáng. Qua ghi nhận, mặc dù thời tiết trên địa bàn không thuận lợi nhưng cử tri đi bỏ phiếu đông đủ. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trật tự, đúng theo quy định. Theo các đơn vị bầu cử sớm này, đến thời điểm này, số cử tri đã đến bỏ phiếu đã cơ bản đầy đủ.
Theo quy định, khi tỷ lệ cử tri đạt 100% mới đóng hòm phiếu, còn không sẽ duy trì đến 19 giờ ngày 22-5.
Sau khi các tổ bầu cử sớm diễn ra, đến hơn 6 giờ, đồng loạt 577 tổ bầu cử trên toàn địa bàn tỉnh tổ chức lễ khai mạc và cử tri bắt đầu bỏ phiếu từ 7 giờ.
Cùng với cử tri cả nước, trên 1 triệu cử tri tỉnh Phú Thọ-quê hương đất tổ thực hiện quyền công dân của mình, đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Từ sáng sớm, cử tri khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có mặt tại các điểm bầu cử để thực hiện quyền công dân của mình. Tiết trời khá mát mẻ, thuận lợi cho cử tri đi thực hiện quyền bầu cử.
Thành phố Việt Trì có trên 145 nghìn cử tri, trong đó có 69.014 cử tri nam và 76.570 cử tri nữ. Đúng 7 giờ, tại các điểm bầu cử số 1, số 2, hàng ngàn cử tri đã đến các điểm bỏ phiếu trong không khí tưng bừng, náo nức.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Phú Thọ, danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn: 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV (chưa tính 3 đại biểu của Trung ương giới thiệu về ); 130 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; 804 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; 12.153 ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã đã được công bố niêm yết tại các đơn vị bầu cử, với cơ cấu, thành phần, số lượng, tỷ lệ nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, tái cử, số dư... đảm bảo theo đúng quy định.
Phú Thọ đã thành lập 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; 21 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; 107 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện và 1.976 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, với 2054 khu vực bỏ phiếu, với tổng số cử tri là 1.069.902 người, trong đó 158.938 người dân tộc thiểu số./.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu cử  (22/05/2016)
Bắt đầu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp  (22/05/2016)
Làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ  (21/05/2016)
Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân  (21/05/2016)
Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Thành phố Hồ Chí Minh  (21/05/2016)
Điện chia buồn về máy bay của Hãng hàng không Ai Cập gặp nạn  (21/05/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên