Bắc Cực - Điểm “nóng” cạnh tranh

Việt Hà
22:37, ngày 11-05-2016

TCCSĐT - Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng nhanh, những khối băng khổng lồ ở Bắc Cực bắt đầu tan, khiến các quốc gia trên thế giới hy vọng về việc hình thành những tuyến hàng hải mới cũng như khả năng tiếp cận đáy biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên Bắc Cực. Vì thế, cuộc “chạy đua” ở Bắc Cực đang diễn ra ngày một quyết liệt, biến nơi đây trở thành một điểm nóng cạnh tranh mới.

Tầm quan trọng của Bắc Cực

Bắc Cực trở nên hấp dẫn nhiều quốc gia trên thế giới vì khu vực này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu mỏ và khí đốt. Theo thống kê của Cơ quan địa chất Mỹ, Bắc Cực chiếm khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt của thế giới (tương đương với 1,67 triệu tỉ m3); chưa kể đến trữ lượng dầu và khí ga khác như hy-đrô-các-bon trong đá phiến dầu hoặc khí mê-tan ở vùng thềm lục địa. Bộ Tài nguyên và năng lượng Nga ước tính, chỉ tính trong khu vực Bắc Băng Dương thuộc Nga đã có hơn 10 tỉ tấn dầu thô và khí đốt, trị giá hàng nghìn tỉ USD (1).

Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực cũng là nơi rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm, nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí. Trữ lượng khai thác cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng và dồi dào ở Bắc Cực và được đánh giá sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước “hé lộ”, khiến nhiều loài cá có thể di cư từ phía Bắc xuống.

Khi những khối băng khổng lồ ở Bắc Cực bắt đầu tan, những tuyến hàng hải mới cũng bắt đầu hình thành. Các tuyến giao thông vận tải qua Bắc Cực sẽ giúp rút ngắn đáng kể cự ly và thời gian vận chuyển so với các tuyến vận tải trên biển hiện nay. Các chuyên gia hàng hải dự đoán, ngay trong thế kỷ XXI, giao thông hàng hải tại Bắc Băng Dương sẽ gặp thuận lợi ít nhất là vào bốn tháng mùa hè, giúp rút ngắn thời gian so với hành trình qua kênh đào Su-ê hay Pa-na-ma. Tới năm 2030, “tuyến giao thông Biển Bắc” sẽ được thông thương 9 tháng/năm. Điều này sẽ cắt ngắn thời gian di chuyển hành trình giữa châu Âu và Đông Á khoảng 60% so với tuyến đường hiện tại qua các kênh đào Pa-na-ma hay Su-ê (2). Ngoài việc giảm được thời gian, các tàu chở dầu trọng tải lớn còn tránh được những quy định về kích thước tàu, khiến cho Bắc Cực ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nước có đội tàu siêu trường, siêu trọng. Các đội tàu này đang gặp nhiều khó khăn khi trong tuyến hành trình của mình, họ buộc phải đi qua kênh đào Su-ê và Pa-na-ma.

Bắc Cực trong tính toán của các nước

Vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược và tài nguyên thiên nhiên phong phú đã khiến Bắc Cực trở thành nơi tranh chấp ảnh hưởng của nhiều nước. Theo luật pháp quốc tế, Bắc Cực và các khu vực lân cận của Bắc Băng Dương không thuộc về bất cứ một quốc gia nào. Tuy nhiên, năm quốc gia (Ca-na-đa, Đan Mạch, Na Uy, Nga và Mỹ) có quyền đến 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế từ các bờ biển của những nước này. Tất cả các nước này đều có lối ra trực tiếp với biển Bắc Băng Dương.

Tiềm năng của Bắc Cực đã thu hút sự quan tâm của các quốc gia khác trên thế giới, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang rất cần các nguồn năng lượng để duy trì tốc độ tăng trưởng. Song hành với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, các nước còn từng bước triển khai lực lượng quân sự tại đây, gây nên một cuộc chạy đua quân sự ở khu vực này. Mục đích của các nước trong việc triển khai lực lượng quân sự tại Bắc Cực là muốn khẳng định sự hiện diện quốc gia của họ, hỗ trợ bảo vệ các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, khai thác tài nguyên và hoạt động thương mại...

Trong cuộc chạy đua ở Bắc Cực hiện nay, Nga là nước đang chiếm ưu thế. Năm 2007, Nga đã tuyên bố chủ quyền khu vực thềm lục địa dưới Bắc Cực, dải Lô-mô-nô-xốp, phần mở rộng của thềm lục địa Si-bê-ri; đồng thời sử dụng tàu ngầm mi-ni để cắm cờ đánh dấu chủ quyền dưới đáy biển. Nga cũng đã quyết định đóng tàu phá băng mang tên “Fifty Years of Victory” (“50 năm chiến thắng”), có khả năng phá lớp băng dày 2,5m, được coi là tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất, hiện đại nhất thế giới hiện nay nhằm khai phá Bắc Cực. Tính đến hết năm 2015, Nga đã thành lập sáu căn cứ quân sự mới ở Bắc Cực, trong đó có 16 cảng nước sâu và 13 trường bay (3). Nga cũng đã triển khai tên lửa phòng không tiên tiến S-400, tên lửa chống hạm “Bastion” để bảo vệ các căn cứ ở Bắc Cực.

Các nước khác cũng đã bắt tay với Nga khai thác tài nguyên nơi đây. Ba tập đoàn khai thác dầu khí Novatek (Nga), Total (Pháp) và CNPC (Trung Quốc) đã và đang thực hiện một dự án khổng lồ tại đây. Ngoài ra, tập đoàn Gazprom của Nga còn có dự án khai thác khí tại khu Pri-ra-lôm-noi-ơ ở biển Pét-chô-ra. Mặc dù còn có những bất đồng với Nhật Bản về vấn đề tranh chấp quần đảo Ku-rin, song Nga đã cùng Nhật Bản tiến hành điều chỉnh các hạng mục cơ bản nhằm cho phép tàu chở hàng có thể sử dụng tuyến đường biển qua biển Bắc Cực kết nối giữa hai lục địa châu Á và châu Âu. Dự kiến, các tàu chở hàng có thể thực hiện tuyến hành trình mới này từ năm 2017.

Khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển cũng là mối quan tâm của các nước trong vùng, đặc biệt là đối với Na Uy và đảo Grô-en-len (thuộc Đan Mạch). Na Uy mới mời thầu 54 lô ngoài biển Ba-ren, 26 công ty đã nộp đơn, trong đó có Tập đoàn Shell. Chính phủ Na Uy dự kiến trong năm nay sẽ cấp phép khoan thăm dò cho 23/26 công ty đã nộp đơn và việc khoan thăm dò sẽ được tiến hành vào năm 2017 (4). Hiện Mỹ vẫn bảo tồn vùng đất A-lát-xka để giành những nguồn dự trữ cho mai sau bằng cách phân phát nhỏ giọt giấy phép khai thác. Ca-na-đa cũng làm tương tự với việc ưu tiên khai thác các mỏ kim loại (đồng, kim cương, kẽm…). Các nước trong khu vực đều tìm cách mở rộng lãnh thổ. Đan Mạch cương quyết giữ đảo Grô-en-len, dù chính quyền địa phương đòi độc lập. Ca-na-đa và Nga cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần dải Lô-mô-nô-xốp, trải dài từ các đảo Tân Si-bê-ri đi qua cực Bắc tới đảo Grô-en-len.

Không chỉ tiến hành khai thác tài nguyên, các cường quốc còn chạy đua quân sự tại Bắc Cực. Bắc Cực luôn là một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận tại Hội đồng An ninh Nga trong thời gian qua. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch mở lại các sân bay và cảng biển tại các quần đảo Niu Si-bê-ri và Phrăng-giơ Giô-xép Len cũng như 7 đường băng tại khu vực lục địa của Vòng Bắc Cực. Đầu năm 2014, Nga đã thành lập một Bộ Chỉ huy chiến lược thống nhất Hạm đội Bắc Hải (NFUSC) để bảo vệ lợi ích của Nga ở Bắc Cực. Theo đó, Bộ chỉ huy quân sự mới gồm Hạm đội Biển Bắc, Lữ đoàn tác chiến Bắc Cực, một số đơn vị không quân, phòng không được trang bị tàu các loại, trong đó có một số tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Sự ra đời của NFUSC là kết quả thực hiện chỉ thị của Tổng thống Nga V. Pu-tin về việc tăng cường lực lượng quân sự Nga ở Bắc Cực (tháng 12-2013).

Đối với Mỹ, mặc dù chưa thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), nhưng Mỹ đã cử Lực lượng cảnh vệ bờ biển đến Bắc Cực để lập bản đồ đáy biển A-lát-xka và xác định thềm lục địa của mình. Năm 2014, hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch thực hiện chương trình khai phá và củng cố vị trí của Mỹ ở Bắc Cực với số tiền lên tới 8,4 tỉ USD và thảo luận về khả năng đóng 10 tàu phá băng mới trị giá 7,8 tỷ USD để đưa đến Bắc Cực (5). Theo Chiến lược về Bắc Cực của Mỹ, hải quân sẽ được tăng cường kinh nghiệm hoạt động tại môi trường Bắc Cực, đồng thời nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Gần đây, Mỹ tăng cường theo dõi bằng vệ tinh, điều động tàu ngầm hạt nhân về phía Bắc Băng Dương. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma cũng đã thông báo đặt sản xuất một chiếc tàu phá băng mới và yêu cầu tăng cường các hoạt động tình báo tại khu vực Bắc Cực.

Mỹ chưa có đội quân Bắc Cực riêng, nhưng ở A-lát-xka đã triển khai khoảng 20.000 binh sĩ và cảnh vệ (6). Trong kế hoạch của Lầu Năm Góc có việc tạo lập căn cứ thường trú ở Bắc Cực và mở rộng lực lượng vùng Cực. Cuối tháng 3-2016, Mỹ đã công khai kế hoạch triển khai hệ thống ra-đa mới tại thành phố Vác-đô ở Na Uy - nơi rất gần với biên giới Nga. Việc xây dựng trạm ra-đa mới công suất cao này sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Na Uy cũng quyết định tăng ngân sách quốc phòng thêm 9% cho năm 2016 (7). Còn đối với Ca-na-đa, ngay từ năm 2009, Ca-na-đa đã lập những đơn vị hỗn hợp có chức năng tiến hành chiến dịch Bắc Cực. Trong cùng năm, Đan Mạch công bố về việc thành lập Ban chỉ huy quân sự Bắc Cực đặc biệt và lực lượng phản ứng nhanh.

Chậm chân hơn Nga và Mỹ, song Trung Quốc tỏ ra không kém cạnh tranh trong cuộc chạy đua ở Bắc Cực. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã thực hiện chính sách ngoại giao con thoi đến các quốc gia Bắc Cực. Trong năm 2010, Trung Quốc đã cung cấp cho Ai-xơ-len hợp đồng hoán đổi tiền tệ bổ sung trị giá 500 triệu USD để hỗ trợ hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn của Ai-xơ-len. Trung Quốc tiếp tục cải thiện mối quan hệ của mình với Ai-xơ-len bằng cách ký một thỏa thuận tự do thương mại với quốc gia Bắc Cực này vào năm 2013. Trung Quốc cũng đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với Đan Mạch khi hai nước này đã ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 740 triệu USD trong các lĩnh vực năng lượng, kinh tế xanh, nông nghiệp và an ninh lương thực (8). Gần đây, đại diện của Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy thậm chí còn tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình thảo luận về vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong Hội đồng Bắc Cực.

Giải quyết tranh chấp

Vấn đề về quyền khai thác tại Bắc Cực đối với các quốc gia hiện nay chưa rõ ràng. Mặc dù 5 nước liên quan trực tiếp đến Bắc Cực là Nga, Mỹ, Ca-na-đa, Đan Mạch và Na Uy đã ký thỏa thuận với nhau, song văn kiện này không mang tính chất lâu dài và không đóng vai trò là công cụ để ngăn chặn cuộc tranh giành ở Bắc Cực giữa các nước.

Theo UNCLOS 1982, các quốc gia xung quanh Bắc Cực đều có quyền khai thác tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuy nhiên, để thực hiện được quyền này, các quốc gia cần tiến hành khảo sát, đo đạc, cung cấp thông tin cho một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc để kiểm tra tính khoa học, tính chính xác; sau đó, các quốc gia có liên quan sẽ phải giải quyết những vấn đề xung quanh sự chồng lấn.

Một số nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo, nếu các lợi ích chiến lược ở Bắc Cực ngày càng lộ rõ và các bên tranh chấp chưa thể thống nhất về một giải pháp phân chia quyền lợi chung thì khả năng xảy ra xung đột quân sự sẽ hiện hữu. Đồng thời, do tính chất phức tạp của các tranh chấp chủ quyền ở Bắc Cực nên không loại trừ khả năng các nước sử dụng lực lượng quân sự để can thiệp.

Không giống như các vùng biển khác trên thế giới, hiện chưa có một hiệp ước pháp lý chặt chẽ nào điều chỉnh hoạt động đối với khu vực này. Thay vào đó, Hội đồng Bắc Cực chịu trách nhiệm giám sát và điều phối chính sách. Đây là một tổ chức liên chính phủ khu vực được thành lập năm 1996 với 8 quốc gia thành viên ở Bắc Cực (Ai-xơ-len, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Ca-na-đa, Mỹ, Nga) trên cơ sở Tuyên bố Ốt-ta-oa giữa các nước này. Phát triển bền vững là nguyên lý trung tâm đã được nêu trong tài liệu sáng lập của Hội đồng Bắc Cực, Tuyên bố Ốt-ta-oa. Ngoài ra, Hội đồng Bắc Cực còn có các quan sát viên, gồm 12 quốc gia ngoài Bắc Cực (7 nước châu Âu, 5 nước châu Á). Hiện nay, Mỹ đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực nhiệm kỳ 2015 - 2017. Tuy nhiên, các nước tham gia Hội đồng Bắc Cực đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ tìm cách tháo gỡ những tranh chấp này, nhưng những chính sách của họ lại thiếu một tầm nhìn dài hạn và cũng không có một kế hoạch chặt chẽ để thực hiện nó.

Tháng 02-2016, Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực thường niên với chủ đề “Công nghiệp và Môi trường” đã diễn ra tại thành phố Trôm-xô (Na Uy), nơi được coi là cửa ngõ của Bắc Cực và cũng là nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký Hội đồng Bắc Cực, nhằm thảo luận để tìm ra giải pháp cho vấn đề Bắc Cực. Hội nghị này đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu quốc tế thuộc các cơ quan chính phủ, giới nghiên cứu và giới kinh doanh. Các tham luận và thảo luận tại Hội nghị đã tập trung vào đề xuất nhằm bảo đảm việc quy hoạch tốt, quản lý tốt thông qua việc cân bằng giữa mối quan tâm về môi trường với việc mở rộng công nghiệp hiện đại, đó là phát triển công nghiệp có lợi nhuận và thân thiện với môi trường, bảo đảm một kịch bản tăng trưởng bền vững cho cộng đồng Bắc Cực.

Tuy nhiên, để giải quyết tốt các tranh chấp tại Bắc Cực hiện nay, trước hết các quốc gia Bắc Cực và các quốc gia có liên quan phải thay đổi cách tiếp cận về nguồn tài nguyên Bắc Cực. Bắc Cực không phải là một mảnh đất hoang, giàu tài nguyên có thể khai thác mà phải coi đây là một nơi định cư giàu tài nguyên cần được quản lý, bảo vệ, tái tạo và phát triển bền vững. Có như vậy mới có thể đưa ra một tầm nhìn dài hạn về Bắc Cực. Cùng với đó là phải có các biện pháp mạnh mẽ ở cấp độ quốc tế để giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua kiểm soát khí thải; các quốc gia Bắc Cực hướng tới cam kết để phát triển một khuôn khổ cho việc thực hiện và giám sát các khu bảo tồn biển (MPA); bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái; phát triển một thỏa thuận ràng buộc có ý nghĩa, rộng rãi và toàn diện để phòng chống sự cố tràn dầu trong môi trường biển Bắc Cực; cải thiện điều kiện kinh tế và đời sống của cộng đồng Bắc Cực; tăng cường vai trò của Hội đồng Bắc Cực thông qua việc thực hiện trách nhiệm quốc gia...

Trong tương lai, các bên tham gia Hội đồng Bắc Cực, kể cả các quan sát viên cần phải nỗ lực hợp tác quốc tế hơn nữa mới hy vọng giải quyết được các vấn đề tranh chấp ở đây. Các quốc gia này không chỉ thúc đẩy bảo vệ môi trường mà còn tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận ràng buộc về pháp lý, ứng phó với các thách thức về tìm kiếm cứu nạn, ngăn ngừa và sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn dầu ở Bắc Cực. Bên cạnh đó, việc phối hợp và thảo luận về hợp tác khai thác du lịch, đường hàng hải Bắc Cực, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường... giữa các nước là biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ tranh chấp.

Như vậy, biến đổi khí hậu khiến băng Bắc Cực đang tan dần nhưng sức nóng cạnh tranh ở nơi đây không hề giảm sút. Chừng nào các bên liên quan chưa thể thống nhất với nhau về một giải pháp phân chia quyền lợi chung, trách nhiệm bảo vệ chung, chừng đó ở Bắc Cực vẫn tiếp tục xảy ra một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng cả về kinh tế và chính trị./.

------------------------------------

(1) Offshore Hydrocarbon Resources in the Arctic, https://www.swp-berlin.org, ngày 03-02-2016

(2) The New Cold War’s Arctic Front, http://www.wsj.com, ngày 09-6-2015

(3) How Russia is fortifying the Arctic, http://theweek.com, ngày 29-3-2016

(4) Shell ends bid to drill in Norway's frontier areas, http://www.marketwatch.com, ngày 05-4-2016

(5) Russia to Build a New Fleet to Dominate in the Arctic Ocean, https://defence russia. wordpress. com, ngày 22-01-2014

(6) The Arctic Heats Up, https://www.ascfusa.org, ngày 03-6-2013

(7) Miếng mồi Bắc Cực và cuộc cạnh tranh khốc liệt, TTK0404.013, TTXVN, ngày 04-4-2016.

(8) China’s Polar Ascendancy: Exploring Beijing’s Rising Involvement in the Arctic, http://natoassociation.ca, ngày 02-9-2015