Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV: Các ứng cử viên thể hiện quyết tâm trước cử tri trong chương trình hành động
* Ngày 07-5, các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đơn vị số 1, tỉnh Long An gồm: ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Trương Văn Nọ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An; ông Đặng Hoàng Tuấn, Chánh Thanh tra giao thông tỉnh Long An; bà Lê Thị Song An, Trưởng phòng Giáo dục thành phố Tân An; bà Hồ Thị Diệp Thúy, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Long An đã có buổi tiếp xúc cử tri tại thị trấn Đức Hòa (huyện Đức Hòa) và xã Phước Lợi (huyện Bến Lức). Các đại biểu cử tri đã nghe tóm tắt tiểu sử các ứng cử viên và các ứng viên trình bày chương trình hành động của mình nếu được tín nhiệm vào đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Với chương trình hành động đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết sẽ cùng tập thể Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; phấn đấu đưa đất nước đến năm 2020 là nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết tốt vấn đề nợ công; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chống buôn lậu, hàng giả và mất an toàn vệ sinh thực phẩm; lập lại trật tự an toàn giao thông; cải cách hành chính, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về các lĩnh vực nêu trên, đem lại kết quả tích cực. Đặc biệt, tìm giải pháp hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông và mất vệ sinh an toàn thực phẩm là hai thực trạng đáng báo động, hàng ngày đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của mọi người dân.
Các cử tri đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên, thể hiện mong muốn các đại biểu trúng cử sẽ thực sự là người đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của nhân dân, quan tâm giải quyết các vấn đề quan trọng của địa phương. Cử tri bày tỏ những trăn trở về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tham nhũng, buôn lậu, các vấn đề về quy hoạch đất đai, ô nhiễm môi trường; tình trạng dạy thêm, học thêm còn phổ biến, bạo lực học gia tăng; tội phạm xã hội không giảm; bảo hiểm y tế còn bất cập; về tình hình Biển Đông... Cử tri đặt nhiều kì vọng vào các ứng cử viên khi trúng cử vào Quốc hội khóa XIV sẽ góp tiếng nói quan trọng vào những vấn đề chung của đất nước, là những đại biểu Quốc hội gần dân, hiểu dân, sâu sát với đời sống của người dân.
Ghi nhận các ý kiến của cử tri, thay mặt các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đơn vị số 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình hứa sẽ làm hết khả năng khi đắc cử Quốc hội; đồng thời, giải thích thêm một số vấn đề mà bà con quan tâm như tình hình Biển Đông, khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và từng bước giải quyết, về an toàn vệ sinh thực phẩm, tình hình tai nạn giao thông... Cảm ơn bà con đến dự đông đủ tại 2 điểm gặp gỡ, tiếp xúc cử tri đầu tiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình mong muốn người dân đi bầu đông đủ, đúng để cuộc bầu cử ngày 22-5 thành công tốt đẹp.
* Ngày 07-5, tại huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri huyện Củ Chi với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đơn vị bầu cử số 9 (các huyện Củ Chi và Hóc Môn).
Đơn vị bầu cử số 9 có 5 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm: ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Bùi Quang Huy, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; bà Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, các ứng cử viên đưa ra những chương trình hành động cụ thể góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của thành phố. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống để người dân được thụ hưởng thành tựu phát triển của thành phố; tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho người dân sinh sống và làm ăn; phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng cơ chế đặc thù để phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đẩy mạnh liên kết vùng. Bên cạnh đó, quyết liệt cải cách hành chính với tinh thần “vì dân hành động”, bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong quy trình ra các quyết định về chính sách; phòng chống tham nhũng từ cơ chế kiểm soát, chống lãng phí, thất thoát tài sản công; tham gia đề xuất các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố, các chương trình chăm lo cho hộ nghèo; tham gia nghiên cứu, ban hành các chính sách và giải pháp giải quyết đồng bộ tăng trưởng kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục. Ngoài ra, đề xuất các chính sách liên quan đến vấn đề an sinh xã hội cho lao động nhập cư, phát triển nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn; quan tâm đến các nhu cầu bức thiết của thanh niên như giáo dục đào tạo, việc làm, chính sách học nghề, khởi nghiệp…
Cử tri đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên, nội dung các chương trình thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao với nhân dân. Cử tri mong mỏi những người được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội phải “nói đi đôi với làm”, thực hiện tốt chương trình hành động đã nêu, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa đến đời sống các đối tượng chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có giải pháp nâng cao thu nhập, đời sống cho công nhân.
Cử tri mong muốn các ứng cử viên sau khi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV cần tiếp xúc cử tri nhiều hơn, tại nhiều điểm hơn đề lắng nghe đầy đủ ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân; tin tưởng và mong muốn các đại biểu thực hiện tốt vai trò đại diện của người dân, có tiếng nói phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân tới Quốc hội.
Thành phố Hồ Chí Minh có 10 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV với 36 người ứng cử, số đại biểu được bầu là 30. Theo kế hoạch, mỗi người ứng cử đại biểu Quốc hội được địa phương tạo điều kiện tổ chức ít nhất 10 cuộc tiếp xúc cử tri.
* Ngày 07-5, tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cử tri các phường B’Lao, Lộc Sơn, Lộc Nga, Lộc Phát và xã Lộc Thành (thành phố Bảo Lộc) với người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Lâm Đồng thuộc đơn vị bầu cử số 3.
4 ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 3 gồm: ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ Tư pháp; ông Phan Tuấn Anh, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng); ông Đỗ Công Kim, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lâm Đồng.
Tại Hội nghị, các ứng cử viên đã thể hiện quyết tâm trong chương trình hành động trước cử tri trên nhiều vấn đề, lĩnh vực khác nhau. Theo đó, các ứng cử viên sẽ tập trung vào phát triển kinh tế địa phương, khắc phục những khó khăn, hạn chế hiện tại, thực hiện các chương trình chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; thường xuyên lắng nghe ý kiến, phản ánh của cử tri để đề xuất với Quốc hội, Bộ, ngành liên quan nhằm nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế địa phương.
Đánh giá cao những chương trình hành động của 4 ứng cử viên, cử tri thành phố Bảo Lộc cũng bày tỏ nhiều ý kiến, nguyện vọng, mong muốn sớm được giải quyết. Trong đó, tập trung vào nâng cao đời sống nhân dân, khắc phục những bất cập hiện nay tại địa phương như tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, chống tham nhũng trong các cơ quan công quyền, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính…
Trước đó, ngày 06-5, 4 ứng cử viên đơn vị bầu cử số 3 tỉnh Lâm Đồng đã tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri của phường 1,2, xã Đam B’Ri và Trường Cao đẳng Kinh tế Bảo Lộc (thành phố Bảo Lộc). Trong những ngày tiếp theo, các ứng cử viên tiếp tục tiếp xúc cử tri tại các huyện Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, tỉnh Lâm Đồng có 13 ứng cử viên và được bầu 7 đại biểu Quốc hội.
* Để công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HÐND các cấp tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2016-2021 đạt kết quả cao, tỉnh Cà Mau đã chuẩn bị tốt các khâu quan trọng, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng theo kế hoạch của Ủy ban Bầu cử tỉnh đề ra.
Ðến nay, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã công bố 3 ban bầu cử đại biểu Quốc hội và số lượng đại biểu được bầu là 7 đại biểu, 14 đơn vị bầu cử đại biểu HÐND tỉnh để bầu 54 đại biểu. Qua hiệp thương lần thứ 3, có 13 ứng viên đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, 91 ứng viên đủ điều kiện ứng cử đại biểu HÐND tỉnh.
Tỉnh Cà Mau cũng đã thành lập xong tổ chức bầu cử các cấp, ấn định số lượng đại biểu HÐND các cấp được bầu, dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu HÐND các cấp, tổ chức các hội nghị hiệp thương; thống kê số lượng và niêm yết danh sách cử tri, tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử cho các tổ chức bầu cử...
Theo ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, đây là cuộc bầu cử tiến hành cùng lúc 4 cấp, khối lượng công việc nhiều nhưng công tác chuẩn bị của Cà Mau được tiến hành đúng tiến độ theo luật, đảm bảo chất lượng theo kế hoạch của Ủy ban Bầu cử tỉnh đề ra. Tính đến thời điểm này, Cà Mau đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn. Ủy ban bầu cử tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra, bổ sung danh sách cử tri; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bầu cử, đi bỏ phiếu bầu đúng thời gian quy định. Quá đó đảm bảo được tính dân chủ, bình đẳng và khách quan trong bầu cử, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi công dân đều được tham gia thực hiện quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Theo thống kê, tổng số cử tri trên địa bàn tỉnh là 927.328 người sẽ tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HÐND các cấp tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2016-2021, diễn ra vào ngày 22-5 sắp tới./.
Bầu cử Mỹ 2016: Các ứng cử viên “về đích” dần lộ diện  (08/05/2016)
Tổng tuyển cử ngày 09-5 ở Philippines: Sự lựa chọn khó khăn  (08/05/2016)
Xây dựng Quốc hội ngày càng đổi mới, gần dân, minh bạch hơn  (07/05/2016)
Trao tiền của Chính phủ và nhân dân Lào hỗ trợ khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Nam Việt Nam  (07/05/2016)
Điện mừng Đại hội lần thứ 49 Đảng Xã hội chủ nghĩa Bun-ga-ri  (07/05/2016)
Bộ Công Thương họp báo thường kỳ tháng 4-2016  (07/05/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên