Tổng tuyển cử ngày 09-5 ở Philippines: Sự lựa chọn khó khăn
Philippines đã sẵn sàng cho cuộc tổng tuyển cử quan trọng
Sáng 08-5, ông Andres D. Bautist, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Philippines, đã giới thiệu tổng quan các nội dung công tác chuẩn bị cho bầu cử trong năm 2016; khẳng định không thể bảo đảm chắc chắn 100% mọi việc diễn ra suôn sẻ, song cuộc bầu cử năm 2016 sẽ là cuộc bầu cử được tổ chức tốt nhất từ trước tới nay cả về mặt tổ chức lẫn công tác bảo đảm an ninh. Ông hy vọng các sự cố cũng như vấn đề bạo lực diễn ra trong bầu cử sẽ ở mức thấp nhất.
Trước đó, Văn phòng Truyền thông Tổng thống Philippines cho biết các cơ quan liên quan và lực lượng chức năng cam kết thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo hòa bình, trật tự cho cuộc bầu cử. Cảnh sát và quân đội đã được triển khai để đảm bảo an ninh, đặc biệt tại những “điểm nóng” - nơi có sự cạnh tranh gay gắt giữa các ứng cử viên.
Theo Ủy ban Bầu cử Philippines, hơn 46.000 nhân viên kỹ thuật cùng 93.700 máy kiểm phiếu tự động đã được triển khai trên khắp nước này nhằm bảo đảm hoạt động bầu cử và kiểm phiếu diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ. Đây là lần thứ 3 Philippines sử dụng hệ thống kiểm phiếu tự động sau các lần bầu cử năm 2010 và 2013.
Tham gia tranh cử Tổng thống Philippines lần này có 5 ứng cử viên là Phó Tổng thống Jejomar Binay, Chủ tịch đảng Liên minh Dân tộc thống nhất (UNA); cựu Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas, ứng cử viên của đảng Tự do cầm quyền; Thượng nghị sỹ Grace Poe, ứng cử viên tự do; Thị trưởng thành phố Davao Rodrigo Duterte, thuộc liên minh PDP-Laban; và bà Mariam Defensor Santiago , thuộc đảng Cải cách Dân tộc (PRP).
Trước đó, ngày 24-4, tất cả các ứng viên tổng thống đã có cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng. Trong cuộc tranh luận này họ đã đề cập đến một loạt vấn đề mà cử tri quan tâm như chính sách đối ngoại, vấn đề giao thông công cộng, bảo đảm việc làm, y tế, giáo dục, bảo vệ người lao động Philippines ở nước ngoài và tìm kiếm hòa bình ở khu vực miền Nam Mindanao. Trong cuộc tranh luận này và các hoạt động tranh cử trước đó, ông Duerte gây ấn tượng khi có các tuyên bố cứng rắn về chống tội phạm.
Sự lựa chọn khó khăn cho cử tri
Cuộc chạy đua vào chiếc “ghế nóng” trong Điện Malacanang trở nên khốc liệt do sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ứng cử viên tổng thống. Trong số các ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống lần thứ 16 của Philippines, ứng cử viên được các phương tiện truyền thông nhắc tới nhiều nhất là ông Rodrigo Duterte, Thị trưởng kỳ cựu của thành phố Davao.
Ông Duterte, 71 tuổi, đã lãnh đạo thành phố miền Nam này hơn 20 năm với thành tích nổi bật là tấn công tội phạm bằng “bàn tay sắt.” Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông được ví như “Donald Trump của phương Đông” vì có nhiều phát ngôn mạnh mẽ, táo bạo đến mức gây tranh cãi. Ông cam kết chấm dứt tình trạng tội phạm trên cả nước trong vòng sáu tháng bằng việc ra lệnh cho lực lượng an ninh bỏ qua hệ thống tư pháp không hiệu quả và tiêu diệt hàng chục nghìn tội phạm. Ông còn đề xuất giải tán Quốc hội, thành lập “chính quyền cách mạng” và viết lại Hiến pháp...
Không thể đánh giá thấp sức hấp dẫn của Duterte từ phong cách thực thi pháp luật nghiêm minh, cứng rắn bởi cử tri Philippines đang bị thu hút bởi cam kết trấn áp tội phạm của ông. Ngoài ra, những thành quả mà ông đã tạo dựng được cho Davao như thu hút đầu tư, cải thiện y tế và giáo dục cũng là nguyên nhân khiến đa số cử tri ủng hộ ông bởi họ kỳ vọng những gì ông làm được cho Davao cũng có thể làm được cho đảo quốc 100 triệu dân này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas, vốn được Tổng thống sắp mãn nhiệm Aquino ủng hộ, cũng được coi là ứng cử viên có nhiều triển vọng. Ông được đánh giá là có ưu thế mạnh nhất để đương đầu với ứng cử viên Duturte do ông có thể tận dụng cỗ máy bầu cử của đảng Tự do.
Trong khi đó, ứng cử viên bị Tổng thống Aquino phản đối mạnh nhất là đương kim Phó Tổng thống Jejomar Binay. Cương lĩnh tranh cử của ông là ưu tiên phát triển kinh tế và tạo việc làm hơn là vấn đề cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống lần này còn có hai ứng cử viên nữ là Thượng nghị sỹ Grace Poe và Thượng nghị sỹ Miriam Defensor-Santiago. Nếu một trong hai bà đắc cử, Philippines sẽ có nữ nguyên thủ quốc gia thứ ba trong lịch sử, sau cố Tổng thống Corazon Aquino và cựu Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo.
Tính tới hết ngày 07-5, công tác vận động tranh cử của các ứng cử viên đã kết thúc. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông Duterte, 71 tuổi, người có quan điểm cứng rắn về trấn áp tội phạm và chống tham nhũng đang là ứng cử viên nhận được sự ủng hộ nhiều nhất của cử tri.
Theo kết quả thăm dò cử tri do Viện nghiên cứu xã hội (SWS) thực hiện từ ngày 01 đến ngày 03-5, ông Duterte nhận được 33 % phiếu ủng hộ của cử tri, các vị trí tiếp theo là Thượng nghị sỹ Grace Poe (22%), ông Mar Roxas (20%), ông Binay (13%) và bà Santiago (2%).
Đánh giá về khả năng giành chiến thắng của các ứng cử viên, nhà nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAN), Đại học Quốc gia Singapore, ông Malcolm Cook, cho rằng với việc đang dẫn trước các đối thủ với khoảng cách 10% số phiếu trong cuộc thăm dò mới nhất, rõ ràng Thị trưởng thành phố Davao Rodrigo Duterte là ứng cử viên hàng đầu và cũng là người có tư tưởng cấp tiến nhất.
Bà Grace Poe là chính trị gia mới nổi ở Philippines, xuất thân trong một gia đình ngôi sao điện ảnh nổi tiếng là ứng cử viên có khả năng chiến thắng thứ hai. Trong khi đó, Phó Tổng thống Binay và Thượng nghị sỹ Mar Roxas, người được Tổng thống Aquino ủng hộ, không có nhiều cơ hội chiến thắng.
Xử lý mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc và Mỹ, nhất là trong vấn đề Biển Đông của các ứng cử viên
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, việc Philippines sẽ thực hiện chính sách như thế nào trong vấn đề Biển Đông sau khi có tổng thống mới là điều dư luận hết sức quan tâm.
Các ứng cử viên tổng thống đang đứng trước sự lựa chọn không dễ dàng hoặc là tiếp tục lập trường cứng rắn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo và chấp nhận những cái giá không nhỏ về kinh tế, hoặc là ưu tiên phát triển quan hệ thương mại với nước láng giềng hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Aquino, Philippines đã xóa được tiếng xấu là “nước yếu ở châu Á,” thậm chí còn được coi là một trong số ít những "điểm sáng” về kinh tế. Tuy nhiên, điểm nhấn trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Aquino là chính sách đối ngoại cương quyết, sẵn sàng đương đầu với một Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Chính quyền Aquino đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải. Đây là một bước đi táo bạo có thể làm thay đổi “cuộc chơi” trong câu chuyện dài kỳ về tranh chấp ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, dưới thời ông Aquino, Philippines đã có sự nâng cấp đáng kể trong quan hệ an ninh với hai đồng minh then chốt là Mỹ và Nhật Bản - động thái có thể làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực.
Trong quá trình vận động tranh cử của các ứng cử viên, có thể nhận thấy hai xu hướng chính liên quan tới chính sách đối với Trung Quốc và Mỹ. Ông Roxas và bà Poe, những người đã từng học tập và lập nghiệp ở Mỹ, có quan điểm gần giống với chính quyền sắp mãn nhiệm và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực thi chính sách của ông Aquino theo hướng thân Mỹ.
Bà Poe ủng hộ vụ kiện chống Trung Quốc, nhưng muốn có cách tiếp cận ngoại giao đa phương hơn bao gồm cả các nước khác trong khu vực, đồng thời khuyến khích và tôn trọng các mặt khác trong mối quan hệ Philippines-Trung Quốc. Bà cam kết vừa thúc đẩy vụ kiện, vừa nâng cao năng lực quốc phòng của đất nước bằng cách củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Philippines.
Trong khi đó, ông Roxas cam kết sẽ hỗ trợ thường xuyên ngư dân đang bị Trung Quốc ức hiếp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Thượng nghị sỹ Santiago cũng có chung quan điểm khi tuyên bố các phương tiện pháp lý sẽ giúp Philippines không chỉ giữ vững chủ quyền mà còn có thể kết thúc cuộc tranh chấp.
Trong khi đó, Thị trưởng Duterte và Phó Tổng thống Binay có suy nghĩ khác. Ông Duterte cho rằng nên làm hòa với Trung Quốc, nhưng trước hết Bắc Kinh phải ngưng sách nhiễu ngư dân Philippines và công nhận chủ quyền của Manila ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Trong khi đó, ông Binay là người ủng hộ nhiều nhất việc xây dựng lại quan hệ Trung Quốc-Philippines và chỉ trích vụ kiện chống Trung Quốc của chính quyền Aquino. Giới chuyên gia dự đoán nếu ông Binay đắc cử, chính sách đối ngoại của Philippines với Trung Quốc sẽ có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Ông chủ trương liên doanh với Trung Quốc để tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, đồng thời lựa chọn đối thoại song phương với Bắc Kinh, ưu tiên sức mạnh kinh tế và tầm quan trọng của nước này như một đối tác thương mại.
Các cuộc thăm dò dư luận sát ngày bầu cử đều cho thấy ứng cử viên Duterte luôn nhận được số phiếu ủng hộ cao nhất. Điều đó khiến các đối thủ của ông lo ngại và không loại trừ khả năng vào phút chót sẽ xuất hiện một liên minh giữa các ứng cử viên còn lại để loại bỏ ông Duterte.
Tuy nhiên, dù ứng cử viên nào ngồi vào chiếc ghế “nóng” trong Điện Malacanang cũng sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng khó khăn là vừa phải bảo vệ chủ quyền quốc gia, vừa phải tìm cách thúc đẩy phát triển kinh tế./.
Xây dựng Quốc hội ngày càng đổi mới, gần dân, minh bạch hơn  (07/05/2016)
Trao tiền của Chính phủ và nhân dân Lào hỗ trợ khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Nam Việt Nam  (07/05/2016)
Điện mừng Đại hội lần thứ 49 Đảng Xã hội chủ nghĩa Bun-ga-ri  (07/05/2016)
Bộ Công Thương họp báo thường kỳ tháng 4-2016  (07/05/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên