TCCSĐT - Các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo của các ngân hàng trung ương đến từ 189 nước thành viên đã tập trung thảo luận về vấn đề tăng trưởng kinh tế thế giới và nỗ lực giảm bớt sự bất ổn toàn cầu tại Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra từ ngày 14 đến 16-4-2016 tại Washington (Mỹ).

 

Hội nghị mùa Xuân của IMF và WB 2016: các nước cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh: siane.sn


Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và WB năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn phục hồi khá ảm đạm và không đồng đều. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 liên tục bị điều chỉnh ở mức giảm.

Triển vọng kinh tế thế giới

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” do IMF công bố ngày 12-4-2016, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 đã bị điều chỉnh giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 01-2016.

Báo cáo của IMF cho hay, “mức tăng trưởng chậm có thể khiến nền kinh tế thế giới phải hứng chịu những cú sốc mới và làm tăng nguy cơ suy thoái”. Sau mức tăng 3,1% trong năm 2015, tổng sản phẩm nội địa toàn cầu sẽ chỉ tăng 3,2% trong năm 2016 và 3,5% trong năm 2017, đánh dấu mức suy giảm tương ứng 0,2% và 0,1%, so với dự báo đưa ra đầu năm.

Theo IMF, một lần nữa, các nền kinh tế mới nổi hội tụ nhiều lo ngại với triển vọng tăng trưởng kinh tế xuống tới mức thấp nhất kể từ hai thập niên qua. IMF nhận định, Trung Quốc có thể kháng cự tốt hơn trong năm nay, với mức tăng trưởng dự kiến 6,5%. Tuy nhiên, việc Trung Quốc giảm nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, giá dầu lửa hạ thấp, đã gây ra nhiều khó khăn cho các nước xuất khẩu nguyên nhiên liệu, đặc biệt là các quốc gia châu Phi Nam Sahara. Mặt khác, IMF cảnh báo rằng, quá trình Trung Quốc chuyển đổi sang mô hình kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa có thể sẽ không “êm ái” như dự kiến, thậm chí có nguy cơ tạo ra những bất ổn tài chính.

Báo cáo của IMF còn nhận định, các nền kinh tế mới nổi khác, vốn đã gặp nhiều khó khăn, cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Điển hình là Brazil hiện đang vướng vào cuộc khủng hoảng chính trị - tài chính nghiêm trọng; hay Nga, đang bị lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tác động do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, sẽ tiếp tục khó khăn. Theo dự báo, trong năm 2016, tăng trưởng của Brazil sẽ là 3,8% và Nga là 1,8%.

Tình hình tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Nhật Bản có vẻ khả quan hơn, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lại giảm từ cuối năm 2015 và hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục kìm hãm sự phục hồi. Theo IMF, Mỹ - nền kinh tế số một thế giới - sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 2,4% trong năm 2016, thấp hơn 0,2% so với mức dự báo hồi đầu năm. Đồng USD mạnh là một trong những yếu tố khiến kinh tế Mỹ không đạt mức tăng trưởng như mong đợi. IMF cũng đặc biệt lưu ý tới nguy cơ giảm phát của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm 2016 nhưng sẽ giảm 0,1% trong năm 2017.

Trong khi đó, IMF cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone). Khủng hoảng người di cư, chủ nghĩa khủng bố và mối đe dọa từ nguy cơ nước Anh rời khỏi EU là những tác nhân khiến kinh tế của Eurozone gồm 19 nước thành viên chỉ tăng trưởng khiêm tốn 1,5% trong năm nay, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó và giảm so với tỷ lệ 1,6% đạt được hồi năm ngoái. Không chỉ tăng trưởng chậm, IMF còn cảnh báo những quốc gia Eurozone sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn khác, như tỷ lệ thất nghiệp cao và sự ì ạch trong tiến trình cải cách.

IMF còn nêu ra những nguy cơ khác ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu như các cuộc xung đột, tình trạng biến đổi khí hậu, khủng bố tấn công, bệnh dịch…

Còn đối với WB, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới ngay từ tháng 01-2016 không có nhiều khả quan. Theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế toàn cầu” của WB được công bố 2 lần/năm, dự báo nền kinh tế toàn cầu trong năm 2016 có thể chỉ tăng trưởng ở mức 2,9%. Nguyên nhân, theo WB, là do tốc độ tăng trưởng thấp tại một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Brazil có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, WB nhận định, trong bối cảnh chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, thấp hơn so với mức 6,9% của năm 2015 và đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ năm 1990. WB cũng dự báo tăng trưởng của hai nền kinh tế thị trường mới nổi khác đã rơi vào suy thoái là Brazil sẽ sụt giảm từ 3,6% xuống còn 2,5%, và Nga giảm 1,4% xuống còn 0,7%. Cả hai nước này đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng của việc giá cả của các loại hàng hóa sụt giảm như dầu mỏ và nông sản. Báo cáo của WB nhận định, sự yếu kém xuất hiện cùng lúc ở các thị trường lớn mới nổi “là một mối lo ngại đối với việc đạt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và thịnh vượng chung vì các nước này đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng toàn cầu trong thập niên qua”.

Các chuyên gia WB cũng hạ mức dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển xuống còn 4,8% trong năm nay, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo trước đó, song cao hơn mức 4,3% trong năm 2015. Trong khi đó, WB cho rằng, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng lên mức 2,7% trong năm nay, cao hơn 0,2% so với năm ngoái, trong khi con số này của châu Âu là 1,7%. Đối với khu vực tiểu vùng Sahara của châu Phi, WB dự báo tăng trưởng sẽ đạt 4,2% trong năm 2016.

Chú trọng mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cuộc chiến chống trốn thuế

Chương trình nghị sự của hội nghị năm nay là những thảo luận xoay quanh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu những thách thức đe dọa tới môi trường an ninh toàn cầu, theo đó là những rủi ro đối với các thị trường tài chính thế giới.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị, Chủ tịch WB Jim Yong Kim và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde thừa nhận bức tranh kinh tế toàn cầu hiện không có nhiều điểm sáng, khi tăng trưởng kinh tế yếu ớt, có nguy cơ đe dọa tiến trình hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực trước năm 2030. Vì vậy, hai nhà lãnh đạo đã hối thúc các nước tăng cường nỗ lực để thúc đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ngăn chặn thế giới lại sa vào tình trạng suy thoái; đồng thời, nỗ lực chống các cuộc tấn công chính trị đang ngày càng gia tăng nhằm vào thương mại tự do và quá trình toàn cầu hóa. Theo đó, các nước cần nhanh chóng triển khai những chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm đối phó với một loạt nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới.

Chủ tịch WB Y. Kim và Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde cho rằng, các quốc gia trên thế giới cần theo đuổi các chính sách giúp bảo đảm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, qua đó sẽ cải thiện tiền lương của người lao động tại nhiều nước công nghiệp và vấn đề việc làm. Ông Y. Kim bày tỏ quan ngại trước quan điểm phản đối cắt giảm hàng rào thuế của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng chính sách này đã giúp hàng triệu người lao động trên thế giới thoát khỏi đói nghèo.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến kịch bản Anh rời khỏi EU, cảnh báo đây là “một vấn đề nghiêm trọng” đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Anh rời khỏi EU sẽ làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại song phương, thu hẹp lợi ích có được từ việc hội nhập và hợp tác kinh tế như những gì các nền kinh tế đang có được hiện nay. Tác động trước mắt là, cuộc trưng cầu ý dân để cử tri lựa chọn ra đi hay ở lại với EU mà nước Anh lên kế hoạch vào ngày 23-6 tới đã gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư và một kết quả ra đi sẽ càng khiến sự bất ổn này gia tăng.

Bàn thảo về vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống nạn trốn thuế và rửa tiền trong việc giúp các quốc gia củng cố tài chính và thúc đẩy tăng trưởng, cũng được đưa ra trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị. Chủ tịch WB nhấn mạnh, các hoạt động tài chính bất hợp pháp đang làm suy yếu cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy thịnh vượng. Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính đến từ 5 nền kinh tế hàng đầu của châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha đã đề xuất lập một danh sách đen các “thiên đường trốn thuế” nếu những nước này không chia sẻ các dữ liệu đăng ký doanh nghiệp và thông tin thuế. Mục đích của yêu cầu này là nhằm xác định chủ thể thực sự đứng sau các công ty, các quỹ tín thác và các thực thể khác nhằm ngăn chặn việc trốn thuế. Những nước này cũng hối thúc các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chấm dứt việc giữ bí mật thông tin về các công ty “ma” giúp tiếp tay cho hành vi trốn thuế, rửa tiền và tham nhũng.

Tìm kiếm biện pháp thúc đẩy kinh tế

Những quan ngại về tình trạng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, kịch bản Anh rời khỏi EU và vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” là những chủ đề nóng tại Hội nghị thường niên mùa Xuân lần này. Bên cạnh đó, các nước còn thảo luận về những biện pháp cấp thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng trên thế giới, trong bối cảnh những nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu.

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới tìm kiếm viện trợ từ IMF và WB. Như hồi tuần trước, Angola - quốc gia chịu tác động nặng nề của tình trạng giá dầu lao dốc - đã yêu cầu IMF cung cấp một gói viện trợ có thời hạn trong 3 năm. Do đó, tại hội nghị lần này, các nước thành viên IMF và WB vạch ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm đảo ngược xu thế suy thoái, theo đó các nước giàu đẩy mạnh chi tiêu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng; trong khi các nước khác tiến hành tái cơ cấu và cải cách theo hướng thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Đức - nền kinh tế đầu tàu của EU, đồng thời là quốc gia luôn bị thúc ép đẩy mạnh chi tiêu - muốn thấy những biện pháp cải cách được các nước khác triển khai. Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới - lại muốn những nước khác thể hiện trách nhiệm hơn trong thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nhấn mạnh: “Mỹ không thể và không được phép là đầu tàu tăng trưởng duy nhất, cũng như là quốc gia thực hiện phương sách đầu tiên hay là phương án cuối cùng của kinh tế toàn cầu. Tất cả nền kinh lớn cần triển khai đầy đủ các biện pháp về chính sách kinh tế”. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tin rằng, việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu liên tục sụt giảm trong các năm trước cho thấy tầm quan trọng của các yếu tố cải cách. Theo ông, chính sách tiền tệ không phải là sự thay thế cho chính sách tài chính tốt và ổn định, cũng như việc cải cách cơ cấu. Sự hạn chế và những ảnh hưởng tiêu cực của các chính kinh tế vĩ mô mở rộng ngày càng rõ nét hơn nếu thời gian áp dụng càng dài.

Kêu gọi các quốc gia cần triển khai hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng, với cái nhìn tích cực hơn về triển vọng tương lai của nền kinh tế thế giới, Chủ tịch Ủy ban điều hành IMF Agustin Carstens cho biết, thể chế tài chính này đang cảnh giác nhưng không lo lắng. Các nước thành viên đã nhất trí về sự cần thiết của việc nhanh chóng thực hiện các hành động củng cố lẫn nhau để hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu.

Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu mới nhất vừa được công bố, IMF đánh giá thị trường tài chính thế giới đã trở nên ổn định hơn sau những bất ổn hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, theo ông Jose Vinals, Giám đốc phụ trách về tiền tệ và thị trường của IMF, các nước vẫn còn nhiều việc phải làm khi sự tăng trưởng chậm chạp của kinh tế thế giới, giá nhiên liệu ở mức thấp cùng với những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc có thể khiến những bất ổn trên thị trường thế giới gia tăng trở lại. Nguy cơ Anh rời khỏi EU có thể sẽ gây ảnh hưởng tới niềm tin của giới đầu tư vào trung tâm tài chính thế giới. Ngoài ra, còn những khó khăn như nhiều quốc gia không dư nguồn lực tài chính để tăng chi tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, Mỹ - quốc gia có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nước phát triển - lại gây áp lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khẳng định đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Giải pháp đưa ra đối với IMF là quỹ này sẽ xem xét những các biện pháp cho vay thận trọng hơn để giúp các nước đối phó với mức tăng trưởng ì ạch của kinh tế toàn cầu. Theo IMF, kinh tế thế giới đã có chút cải thiện nhưng nguy cơ thị trường tài chính trì trệ trở lại vẫn có thể xảy ra, đòi hỏi các nước phải nỗ lực triển khai các chính sách chung để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định thị trường tài chính và tránh tình trạng giảm phát. Trong đó, việc tái cơ cấu, chính sách tài chính kích thích tăng trưởng và chính sách tiền tệ phù hợp của các nước nền kinh tế phát triển được coi là những biện pháp cần thiết và chủ chốt lúc này. IMF kêu gọi các nước cam kết kiềm chế các hình thức bảo hộ, phá giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và bất ổn, trong bối cảnh tiếp tục có sự biến động về tài chính, xuất khẩu gặp khó khăn và lạm phát thấp, giới chuyên gia cảnh báo rằng, nếu không nhanh chóng hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng, thế giới có nguy cơ phát triển kinh tế chậm lại và khả năng rơi vào suy thoái là hoàn toàn có thể xảy ra. Khép lại Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và WB, ngày 16-4, các nước đã cam kết sẽ sử dụng tất cả các công cụ, bao gồm chính sách tiền tệ và tài chính để thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời bên cạnh việc sử dụng những cách thức riêng, các nước sẽ tăng cường sự hợp tác để thúc đẩy lòng tin, góp phần tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.